Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/2017/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 07 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỞ THÀNH KHÂU ĐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;

Xét Tờ trình số 186/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 964/BC-HĐND ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, với những nội dung như sau:

I. NỘI DUNG HỖ TRỢ

1. Hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi

1.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh có đăng ký hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

b) Điều kiện

- Đối với chọn tạo, du nhập, khảo nghiệm, sản xuất giống cây trồng mới

+ Các giống mới được chọn tạo, du nhập, khảo nghiệm gồm: cam, bưởi, dứa, khoai tây, lạc, đậu tương.

+ Giống mới phải có năng suất tăng 15% hoặc có hiệu quả kinh tế tăng 15% trở lên so với giống đang được sản xuất đại trà.

+ Diện tích được trồng bằng giống mới tối thiểu 30 ha/giống đối với cam, bưởi, dứa; 100 ha/giống đối với khoai tây; 200 ha/giống đối với lạc, đậu tưong; được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020.

- Đối với phục tráng, sản xuất giống cây ăn quả đặc sản

+ Giống đưa vào phục tráng phải thuộc một trong các giống cây ăn quả đặc sản Thanh Hóa: cam Vân Du, quýt Bá Thước, quýt vòi Ngọc Lặc.

+ Diện tích trồng bằng giống được phục tráng tối thiểu 30 ha/giống; được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020.

- Đối với sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô

+ Sản xuất được bằng phương pháp nuôi cấy mô một trong các giống cây: keo lai, xoan chịu hạn, quế Thường Xuân, giổi ăn hạt.

+ Toàn bộ quy trình sản xuất cây giống được thực hiện trên địa bàn tỉnh.

+ Diện tích rừng trồng bằng cây giống đã được sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô ít nhất là 30 ha/giống; tỷ lệ sống từ 85% trở lên; cây sinh trưởng phát triển tốt; được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020.

- Đối với sản xuất giống thủy sản

+ Sản xuất được một trong số các giống thủy sản: con phi (Sanguinolaria diphos, Linnaeus, 1771), cá chiên, cá nheo, cá ngạnh sông.

+ Toàn bộ quy trình sản xuất con giống được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

+ Số lượng con giống đã sản xuất được đưa vào nuôi thương phẩm trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020:

. Con phi: tối thiểu 10.000.000 con/diện tích nuôi tối thiểu 10 ha; tỷ lệ sống từ 70% trở lên.

. Cá chiên, cá ngạnh sông: tối thiểu 300.000 con/giống/diện tích nuôi tối thiểu 30 ha/giống; tỷ lệ sống từ 80% trở lên.

. Cá nheo: tối thiểu 600.000 con/diện tích nuôi tối thiểu 30 ha; tỷ lệ sống từ 80% trở lên.

1.2. Nội dung, mức hỗ trợ

- Đối với chọn tạo giống cây trồng mới: được thực hiện theo hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

- Đối với du nhập, khảo nghiệm, sản xuất giống cây trồng mới: Hỗ trợ 30% chi phí du nhập, khảo nghiệm, sản xuất giống để trồng 30ha/giống đối với cam, bưởi; 100 ha/giống đối với khoai tây; 200 ha/giống đối với lạc, đậu tương (gồm: chi công lao động trực tiếp; chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu; chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định; chi hội thảo khoa học, công tác phí; chi trả dịch vụ thuê ngoài; chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc). Mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/giống.

- Đối với phục tráng, sản xuất giống cây ăn quả đặc sản: Hỗ trợ 30%: chi phí phục tráng, sản xuất giống để trồng 30ha/giống (gồm: chi công lao động trực tiếp; chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu; chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định; chi hội thảo khoa học, công tác phí; chi trả dịch vụ thuê ngoài; chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc). Mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/giống.

- Đối với sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô: Hỗ trợ 30%: chi phí nhận chuyển giao công nghệ (nếu có), chi phí sản xuất đủ số lượng cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng trên diện tích 30ha/giống (gồm: chi công lao động trực tiếp; chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu; chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định; chi hội thảo khoa học, công tác phí; chi trả dịch vụ thuê ngoài; chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc). Mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/giống.

- Đối với sản xuất giống thủy sản: Hỗ trợ 30%: chi phí nhận chuyển giao công nghệ (nếu có), chi phí sản xuất đủ số lượng con giống để nuôi 10 ha đối với con phi, 30 ha đối với cá nheo, cá chiên, cá ngạnh sông (gồm: chi công lao động trực tiếp; chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu; chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định; chi hội thảo khoa học, công tác phí; chi trả dịch vụ thuê ngoài; chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc). Mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/giống.

1.3. Thời điểm hỗ trợ

- Đối với du nhập, khảo nghiệm, sản xuất giống cây trồng mới; phục tráng sản xuất giống cây ăn quả đặc sản; sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô: sau khi đã sản xuất được cây giống và cây giống đã được đem ra trồng đủ diện tích.

- Đối với sản xuất giống thủy sản: sau khi đã sản xuất được con giống và con giống đã được đem ra nuôi đủ diện tích.

2. Hỗ trợ nghiên cứu sản xuất dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới từ dược liệu trồng trên địa bàn tỉnh

2.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh có đăng ký hoạt động nghiên cứu, sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng.

b) Điều kiện

- Nghiên cứu tạo ra dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020.

- Toàn bộ dược liệu để sản xuất dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới là dược liệu trồng tại Thanh Hóa, thuộc ít nhất một trong số các dược liệu sau: quế, cà gai leo, gừng, nghệ, giảo cổ lam, gấc, hà thủ ô, ngũ gia bì, sâm cau, ích mẫu, đinh lăng, sa nhân, đương quy, mã tiền, thổ phục linh, nấm linh chi, lan gấm, sâm báo.

- Giá trị sản phẩm mới đã được tiêu thụ trên thị trường tối thiểu 1,5 tỷ đồng/sản phẩm.

2.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ 30% chi phí để tạo ra dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới (gồm: chi công lao động trực tiếp; chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu; chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định; chi hội thảo khoa học, công tác phí; chi trả dịch vụ thuê ngoài; chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc). Mức hỗ trợ tối đa cho mỗi dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới là 500 triệu đồng. Đối với mỗi tổ chức, đơn vị, từ sản phẩm thứ hai trở đi mức hỗ trợ tối đa là 250 triệu đồng/sản phẩm.

2.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi dược phẩm mới, thực phẩm chức năng mới được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành.

3. Hỗ trợ nghiên cứu sản xuất phần mềm ứng dụng (Software)

3.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh có đăng ký hoạt động nghiên cứu, sản xuất phần mềm.

b) Điều kiện

- Sản xuất được phần mềm (software) mới trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020, thuộc một trong các nhóm sau:

+ Phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Có chức năng điều khiển tự động quá trình sản xuất, theo dõi quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm

+ Phục vụ công tác quản lý giám sát từ xa mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Có chức năng thu thập tự động dữ liệu về mức độ ô nhiễm ở các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao.

+ Phục vụ công tác quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Có chức năng liên thông từ các trạm y tế, phòng khám bác sĩ gia đình đến các bệnh viện để trao đổi về lịch sử khám, điều trị của bệnh nhân nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

+ Phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Có chức năng hỗ trợ du khách trong việc lựa chọn tour, điểm đến, điểm nghỉ, các sản phẩm, dịch vụ du lịch và thanh toán dịch vụ.

+ Phục vụ quảng cáo, phân phối và bán các sản phẩm truyền thống của Thanh Hóa qua Internet: Có chức năng kết nối website thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trên mobile với các làng nghề truyền thống nhằm quảng cáo, phân phối và bán các sản phẩm truyền thống của địa phương cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

- Phần mềm được ứng dụng tại ít nhất 5 cơ quan, đơn vị nhà nước của tỉnh Thanh Hóa hoặc ít nhất 10 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; hoặc được ít nhất 1.000 cá nhân sử dụng (đối với phần mềm phục vụ hoạt động du lịch; phần mềm phục vụ quảng cáo, phân phối và bán sản phẩm truyền thống của Thanh Hóa qua Internet).

3.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ 30% chi phí tạo ra phần mềm mới (gồm: chi công lao động trực tiếp; chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu; chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định; chi hội thảo khoa học, công tác phí; chi trả dịch vụ thuê ngoài; chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc). Mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/1 phần mềm.

3.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi phần mềm được ít nhất 5 cơ quan, đơn vị nhà nước của tỉnh hoặc ít nhất 10 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoặc được ít nhất 1.000 cá nhân sử dụng.

4. Hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất một số sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt

4.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sản xuất các sản phẩm: đá ốp lát xây dựng; cát xây dựng; chế biến thủy sản; thức ăn gia súc; bao bì.

b) Điều kiện

- Bắt đầu thực hiện và hoàn thành đổi mới toàn bộ công nghệ trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020 để thay thế công nghệ đang có bằng một trong số các công nghệ - thiết bị sau đây:

+ Công nghệ - thiết bị khai thác đá “cắt dây”, công nghệ - thiết bị cắt đá CNC (đối với khai thác, chế biến đá ốp lát xây dựng).

+ Công nghệ - thiết bị hút chân không băng tải (đối với chế biến thủy sản).

+ Công nghệ - thiết bị dệt 8 thoi (đối với sản xuất bao bì).

+ Công nghệ - thiết bị sản xuất tự động hóa (đối với sản xuất thức ăn gia súc).

+ Công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (đối vói sản xuất cát xây dựng).

+ Công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao (thuộc danh mục công nghệ cao, danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao quy định tại: Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; Quyết định 13/2017/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; Nghị định 120/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao).

- Máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ (nếu có) phải mới 100%.

- Giá trị chuyển giao công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo) phải từ 5 tỷ đồng trở lên.

- Giá trị gia tăng của sản phẩm phải tăng tối thiểu 10% so với trước khi đổi mới công nghệ.

4.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có). Mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/doanh nghiệp.

4.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi đã hoàn thành đổi mới toàn bộ công nghệ.

5. Hỗ trợ nhận chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị

5.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

- Các bệnh viện tư nhân đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Các bệnh viện công lập sẽ được xem xét hỗ trợ theo từng dự án cụ thể khi nhận chuyển giao một trong các công nghệ, kỹ thuật: ghép tạng; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị; phẫu thuật bằng robot.

b) Điều kiện

Bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc nhận chuyển giao các kỹ thuật sau đây trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020:

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) 3.0 Tesla.

- Gia tốc tuyến tính xạ trị ung thư (xạ trị điều biến liều IMRT).

- Chạy thận nhân tạo (AK 98).

- Phẫu thuật nội soi Full HD.

5.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ 30% chi phí nhận chuyển giao kỹ thuật (chi thuê chuyên gia; chi mua sắm, nhập khẩu trang thiết bị chuyên dụng phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện kỹ thuật; chi đào tạo, tập huấn cán bộ kỹ thuật; chi phí kiểm tra, phân tích các kết quả trong quá trình ứng dụng kỹ thuật). Mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng cho một kỹ thuật.

5.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi hoàn thành việc nhận chuyển giao kỹ thuật.

6. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ

6.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Chủ tàu khai thác hải sản có công suất máy chính từ 400 cv trở lên; Chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất máy chính từ 800 cv trở lên.

b) Điều kiện

- Bắt đầu thực hiện và hoàn thành nâng cấp, làm mới hầm bảo quản hải sản trên tàu khai thác (có công suất 400CV trở lên), tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (có công suất 800CV trở lên) bằng vật liệu Polyurethane foam trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020.

- Có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; giấy phép khai thác thủy sản; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá còn thời hạn.

6.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ 30% kinh phí nâng cấp, làm mới hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu Polyurethane foam. Mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/tàu.

6.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi tàu đã được hoàn thành hầm bảo quản và hoạt động được ít nhất 3 chuyến đi đánh bắt hoặc vận chuyển.

7. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn

7.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân.

b) Điều kiện

Đầu tư sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020, đáp ứng các yêu cầu sau:

- Diện tích canh tác tập trung: từ 100 ha trở lên.

- Giống lúa đưa vào sản xuất là giống có chất lượng cao (Bắc Thịnh; Bắc Xuyên; Lam Sơn 8; Bắc Thơm số 7; TBR 225; VT 404; Nghi Hương 2308; Thái Xuyên 111; DQ 11; Hương Ưu 98).

- Ứng dụng công nghệ cao (thuộc danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trong sản xuất.

- Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc GlobalGAP).

- Sản phẩm gạo được công bố tiêu chuẩn chất lượng, có nhãn hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc.

7.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ một lần 30%: giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có) hoặc hợp đồng hỗ trợ ứng dụng công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có); chi phí xây dựng nhãn hàng hóa; chi phí đầu tư để được công nhận VietGAP hoặc GlobalGAP; chi phí xây dựng và công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm; chi phí dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của 1 vụ sản xuất. Sau khi đã được hỗ trợ mà tiếp tục mở rộng diện tích thì cứ tăng thêm 100 ha sẽ được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ lần đầu. Tổng hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án.

7.3. Thời điểm hỗ trợ

Đã sản xuất được ít nhất 1 vụ.

8. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất cam, bưởi theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn

8.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân.

b) Điều kiện

Đầu tư sản xuất cam, bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến trước 31/12/2020, đáp ứng các yêu cầu sau:

- Diện tích trồng tập trung: từ 50 ha trở lên;

- Ứng dụng công nghệ cao (thuộc danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trong sản xuất.

- Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc GlobalGAP).

- Sản phẩm được công bố tiêu chuẩn chất lượng, có nhãn hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc.

8.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ một lần 30%: giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có) hoặc hợp đồng hỗ trợ ứng dụng công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có); chi phí xây dựng nhãn hàng hóa; chi phí đầu tư để được công nhận VietGAP hoặc GlobalGAP; chi phí xây dựng và công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm; chi phí dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của 1 vụ sản xuất. Sau khi đã được hỗ trợ mà tiếp tục mở rộng diện tích thì cứ tăng thêm 50 ha sẽ được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ lần đầu. Tổng hỗ trợ tối đa không quá 6 tỷ đồng/dự án.

8.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi dự án có sản phẩm thu hoạch và được tiêu thụ.

9. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nuôi tôm chân trắng nước mặn theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn

9.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ họp tác), hộ gia đình, cá nhân.

b) Điều kiện

Đầu tư sản xuất tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020, đáp ứng các yêu cầu sau:

- Diện tích nuôi: từ 1,0 ha trở lên.

- Nuôi thâm canh công nghệ cao trong nhà bạt, hoặc nhà màng, hoặc nhà kính.

- Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc GlobalGAP).

9.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ một lần 30%: giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có) hoặc hợp đồng hỗ trợ ứng dụng công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có); chi phí đầu tư để được công nhận VietGAP hoặc GlobalGAP). Sau khi đã được hỗ trợ mà tiếp tục mở rộng diện tích thì cứ tăng thêm 1 ha sẽ được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ lần đầu. Tổng hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án.

9.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi đã sản xuất được ít nhất 1 vụ.

10. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm gắn với phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn

10.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân.

b) Điều kiện

Đầu tư dự án giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020, đáp ứng các yêu cầu sau:

- Địa điểm thực hiện dự án nằm trong khu quy hoạch giết mổ đã được quy hoạch hoặc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Về công nghệ:

+ Dây chuyền giết mổ, chế biến tự động hóa; sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

+ Máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ (nếu có) phải mới 100%.

+ Công suất tối thiểu: 200 con gia súc/ngày hoặc 2.000 con gia cầm/ngày.

- Có cơ sở chăn nuôi hoặc liên kết với cơ sở chăn nuôi tại Thanh Hóa đạt cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

- Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

10.2. Nội dung, mức hỗ trợ

Hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ (gồm cả máy móc, thiết bị kèm theo, nếu có). Mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án.

10.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên.

11. Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm trực thuộc doanh nghiệp

11.1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

a) Đối tượng

Doanh nghiệp có trụ sở chính tại Thanh Hóa

b) Điều kiện

Đầu tư mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cho phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm trực thuộc doanh nghiệp, trong khoảng thời gian từ 01/01/2018 đến 31/12/2020, đáp ứng các yêu cầu sau:

- Trang thiết bị kỹ thuật được mua phải hiện đại, mới 100%).

- Phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm phải nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Sau khi được đầu tư, phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đạt chuẩn ISO/IEC 17025.

- Doanh nghiệp cam kết sử dụng trang thiết bị tại phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong thời gian ít nhất là 3 năm.

11.2. Nội dung, mức hỗ trợ

- Doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để chi trả kinh phí mua sắm trang thiết bị kỹ thuật.

- Trong trường hợp đã chi trả bằng toàn bộ số vốn của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ mà vẫn còn thiếu, thì được hỗ trợ 20% phần còn thiếu; mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng.

11.3. Thời điểm hỗ trợ

Sau khi phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025.

II. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

1. Thời gian thực hiện: từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2020.

2. Kinh phí thực hiện: từ ngân sách tỉnh.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành tổ chức thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả với Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Khóa XVII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến