Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/2016/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠMG, TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH 2017 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017;

Xét Tờ trình số 109/TTr-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về định mức phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn ổn định 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn ổn định 2017 - 2020, áp dụng từ niên độ ngân sách 2017.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 07/12/2016 và có hiệu lực từ ngày 21/12/2016./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính;
- TT. TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT- HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo;
- Email:phongkiemtravanban2012@gmail.com
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lâm Văn Mẫn

 

ĐỊNH MỨC

PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn ổn định 2017 - 2020.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. NGUYÊN TẮC VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC

Điều 2. Định mức phân bổ chi ngân sách của các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm theo các nguyên tắc sau đây

1. Không thấp hơn dự toán 2016

a) Dự toán chi năm 2017 áp dụng theo định mức này phải bảo đảm nhiệm vụ chi, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở từng địa bàn và không thấp hơn mức dự toán đã được phân bổ năm 2016; trường hợp thấp hơn mức dự toán năm 2016 được UBND tỉnh giao thì sẽ được bổ sung để đảm bảo không thấp hơn mức dự toán năm 2016.

Các lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp môi trường đảm bảo không thấp hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

b) Phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và trong phạm vi tổng mức được Trung ương giao hàng năm.

2. Theo phân cấp ngân sách hiện hành

Phải đúng theo phân cấp quản lý ngân sách mà HĐND tỉnh thông qua; từ năm 2017 điều chỉnh nhiệm vụ chi của các Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú thuộc sự nghiệp giáo dục từ Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý (thuộc ngân sách tỉnh) về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý (thuộc ngân sách cấp huyện), theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.

3. Đảm bảo các chế độ chi hiện hành

Định mức phân bổ giai đoạn 2017 - 2020 (theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng) đã bao gồm toàn bộ tiền lương, phụ cấp lương, gồm phụ cấp ưu đãi ngành giáo dục, y tế; các chế độ phụ cấp nghề, phụ cấp ngành nghề đặc thù khác (ngành văn hóa thông tin, tài nguyên và môi trường, thanh tra - kiểm tra, ngành lao động thương binh xã hội, kiểm lâm,...) theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Trung tâm học tập cộng đồng; hoạt động xây dựng y tế cơ sở; hỗ trợ học sinh trung học phổ thông theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; hoạt động cơ sở đảng theo Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 03-QĐ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng; Thông báo kết luận số 127-TB/TW ngày 03/4/2013 của Ban Bí thư về Đề án “Chương trình mục tiêu bảo vệ sức khỏe cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2013 - 2016 và định hướng những năm tiếp theo”; Quy định số 3115-QĐ/VPTW ngày 04/8/2009 của Văn phòng Trung ương Đảng; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về chức danh số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và kinh phí khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ,...

Tiền lương của cán bộ, công chức và viên chức được hiểu là lương cơ bản và các khoản theo lương, có tính chất lương như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí Công đoàn, phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp ngành, phụ cấp cấp ủy, phụ cấp thu hút, ưu đãi,...tính theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng (gọi tắt là tổng tiền lương).

Tiền lương của cán bộ xã, phường, thị trấn bao gồm tiền lương và các khoản theo lương, có tính chất lương như: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phụ cấp thâm niên ngành, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp cấp ủy của cán bộ, công chức chuyên trách cấp xã,... các khoản trợ cấp của cán bộ và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tính theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/tháng (gọi tắt là tổng tiền lương).

Khi thay đổi nâng mức lương cơ sở cao hơn mức 1.210.000 đồng/tháng, sẽ được bổ sung theo cơ chế cải cách tiền lương do Chính phủ quy định.

Những định mức chi theo các Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ, ngành Trung ương được quy định tại Nghị quyết này, trong giai đoạn ổn định, trường hợp có quy định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 3. Cơ sở xây dựng định mức phân bổ NSNN

Định mức phân bổ ngân sách căn cứ trên 2 cơ sở chính để xác định là:

1. Yêu cầu về chi ngân sách để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các cấp ngân sách theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

2. Xác định tiêu chí phân bổ (hay gọi là đối tượng phân bổ): Tương tự như giai đoạn 2011 - 2016, các đối tượng phân bổ là dân số; biên chế; chỉ tiêu giường bệnh; học sinh; đối tượng xã hội và tỷ lệ phần trăm (%), trong đó:

a) Tiêu chí biên chế: Áp dụng chi sự nghiệp kinh tế, khối phòng bệnh, chi hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể (đơn vị có giao biên chế).

b) Tiêu chí giường bệnh: Áp dụng cho các bệnh viện, trung tâm thuộc Sở Y tế, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về y tế ở địa phương.

c) Tiêu chí học sinh, sinh viên, học viên (gọi chung là học sinh): Áp dụng đối với chi sự nghiệp đào tạo; riêng kinh phí đào tạo cán bộ huyện, xã và hợp tác xã được tính trên cơ sở bình quân.

d) Tiêu chí đối tượng xã hội: Áp dụng cho 02 đơn vị là Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội và Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Số lượng về biên chế, giường bệnh, học sinh, đối tượng xã hội,...sẽ căn cứ vào chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp chưa được giao thì sẽ căn cứ vào số liệu thực hiện năm 2016 để xác định.

đ) Tiêu chí dân số: Được phân bổ cho 11 lĩnh vực chi là sự nghiệp giáo dục cấp huyện (bao gồm dân số từ 0 tuổi đến 18 tuổi thuộc các xã đặc biệt khó khăn); sự nghiệp đào tạo - dạy nghề; sự nghiệp kinh tế; sự nghiệp môi trường; chi phòng bệnh; sự nghiệp văn hóa thông tin; phát thanh truyền hình; thể dục, thể thao; đảm bảo xã hội; an ninh - quốc phòng và chi hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số nghèo, theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (tăng thêm 01 lĩnh vực chi sự nghiệp đào tạo - dạy nghề cấp huyện).

Dân số được xác định theo số liệu do Cục Thống kê công bố năm 2015. Do dân số giữa các huyện, thị xã, thành phố có sự chênh lệch khá lớn, nếu tính bình quân chung thì các khoản chi phân bổ theo dân số sẽ chênh lệch nhiều giữa các huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó nhu cầu chi thường xuyên giữa các địa phương chênh lệch nhau không nhiều (trừ chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề). Để khắc phục nhược điểm trên, cần xác định quan hệ về yêu cầu chi từng lĩnh vực giữa các huyện, thị xã, thành phố (hay gọi là hệ số phân bổ) nên chia thành 02 nhóm và đảm bảo nguyên tắc “khi nhân hệ số phân bổ thì tổng kinh phí được phân bổ của địa phương có dân số ít không được cao hơn địa phương có dân số nhiều trong cùng một nhóm hoặc nhóm khác”, gồm:

- Nhóm địa phương có quy mô dân số trên 120.000 người dân, thì hệ số phân bổ là 1,00.

- Nhóm địa phương có quy mô dân số dưới 120.000 người dân, thì hệ số phân bổ từ 1,05 đến 1,6 (Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị, Ngã Năm và Cù Lao Dung).

Thực hiện theo nhóm và nguyên tắc nêu trên, thì dân số để phân bổ ngân sách từng huyện, thị xã, thành phố như sau:

Đvt: người.

Địa phương

Dân số năm 2015

Hệ số

Dân số phân bổ dự toán

1. Thành phố Sóc Trăng

137.899

1,00

137.899

2. Thị xã Ngã Năm

80.775

1,30

105.007

3. Thị xã Vĩnh Châu

166.059

1,00

166.059

4. Huyện Châu Thành

102.149

1,10

112.364

5. Huyện Cù Lao Dung

63.799

1,60

102.078

6. Huyện Kế Sách

159.963

1,00

159.963

7. Huyện Long Phú

113.701

1,05

119.386

8. Huyện Mỹ Tú

107.829

1,05

113.220

9. Huyện Mỹ Xuyên

157.557

1,00

157.557

10. Huyện Thạnh Trị

86.746

1,25

108.432

11. Huyện Trần Đề

Tổng cộng:

134.226

1.310.703

1,00

134.226

1.416.191

e) Đối với các đơn vị thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ: Dự toán kinh phí được xác định theo phương án thực hiện tự chủ (theo biên chế sự nghiệp được cấp thẩm quyền giao), theo nguyên tắc tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt giai đoạn 2016-2018.

g) Đối với các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Kinh phí hoạt động thường xuyên được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25/8/2014 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ.

h) Chi ngân sách xã: Phân bổ theo định mức và số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, trong khoản chi hành chính cấp xã.

Điều 4. Những khoản chi chuyên ngành

Những khoản chi có tính đặc thù, chuyên ngành không thể phân bổ theo định mức như: Chi chương trình khuyến công, khuyến ngư, khuyến nông; kinh phí chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; chương trình giống; sự nghiệp nông nghiệp về hợp tác xã; kinh phí trợ giúp pháp lý; kinh phí rà soát văn bản; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kinh phí an ninh vùng trọng điểm; các khoản chi không khoán; kinh phí thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào các cơ quan nhà nước theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ; chi tham gia vốn cho vay chính sách xã hội, vốn quốc gia giải quyết việc làm của địa phương, công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành (vốn sự nghiệp), kinh phí đối ứng dự án (vốn sự nghiệp); chế độ chi thực hiện chính sách thu hút, chi đào tạo theo dự án, đề án; kinh phí đối ứng các Dự án ODA,...: Căn cứ vào mức thực hiện của năm trước, nhu cầu, nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh dự kiến tổng mức dự toán, trình HĐND tỉnh thông qua tại Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

Kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi và cho các đối tượng bắt buộc khác được phân bổ theo mức quy định hiện hành trong khoản chi sự nghiệp y tế hàng năm (mệnh giá nhân (x) số lượng đối tượng được hưởng).

Mục 2. Định mức phân bổ

Điều 5. Sự nghiệp kinh tế

1. Tiêu chí phân bổ

a) Đối với cấp tỉnh: Kinh phí hoạt động của bộ máy được giao biên chế thì được xác định theo phương án thực hiện tự chủ, trên cơ sở tiêu chí phân bổ là định mức phân bổ nhân (x) biên chế được giao cộng (+) tiền lương và các khoản theo lương (gọi chung là tiền lương). Đối với kinh phí chuyên ngành, kinh phí đặc thù thì mức phân bổ dựa trên cơ sở mức dự toán Chính phủ giao và khả năng ngân sách hàng năm.

b) Đối với cấp huyện: Được giao theo dân số; diện tích đất trồng lúa. Ngoài ra, các thị xã và thành phố được bố trí thêm để đảm bảo hoạt động công tác kiến thiết thị chính và chỉnh trang đô thị, với định mức là 10.000 triệu đồng/năm/thị xã và 25.000 triệu đồng/năm/thành phố.

2. Định mức phân bổ

a) Cấp tỉnh: 25.000.000 đồng/biên chế/năm cộng (+) tổng tiền lương;

b) Cấp huyện: 35.000 đồng/người dân/năm cộng (+) tổng tiền lương;

Đối với các địa bàn khi được công nhận là đô thị loại III hoặc loại IV theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ, được phân bổ thêm: 3.500 triệu đồng/đô thị loại Ill/năm; 2.500 triệu đồng/đô thị loại IV/năm (để đảm bảo công tác kiến thiết thị chính và chỉnh trang đô thị).

c) Kinh phí thực hiện bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ: Phân bổ theo diện tích đất trồng lúa của từng địa bàn cấp huyện nhân (x) định mức 1.000.000 đồng/ha/năm;

d) Đối với khoản chi sự nghiệp kinh tế khác, kinh phí chuyên ngành nêu tại Điều 4 của quy định này: Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức phân bổ cụ thể đối với từng đơn vị trong phạm vi tổng dự toán đã bố trí theo Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách được HĐND tỉnh thông qua hàng năm.

Điều 6. Sự nghiệp môi trường

Kinh phí sự nghiệp môi trường được bố trí không thấp hơn mức Chính phủ giao và thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

Hàng năm, trong giai đoạn ổn định, trường hợp Chính phủ giao dự toán chi lĩnh vực này tăng hơn năm trước, thì sẽ bố trí tăng tương ứng trong Phương án phân bổ đã được HĐND tỉnh thông qua, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Chính phủ.

1. Tiêu chí phân bổ: Dân số trên toàn tỉnh.

2. Định mức phân bổ.

a) Cấp tỉnh: Căn cứ mức dự toán Chính phủ giao và khả năng ngân sách hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức phân bổ cụ thể đối với từng đơn vị trong phạm vi tổng dự toán đã bố trí theo Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách được HĐND tỉnh thông qua hàng năm.

b) Cấp huyện: 15.000 đồng/người dân/năm cộng (+) tổng tiền lương.

Riêng các thị xã và thành phố Sóc Trăng, được bố trí thêm kinh phí để thực hiện công tác thu gom, xử lý rác theo định mức là 4.000 triệu đồng/năm/thị xã và 40.000 triệu đồng/năm/thành phố.

Điều 7. Sự nghiệp giáo dục

1. Tiêu chí phân bổ

Dân số; tỷ lệ phần trăm (%) kinh phí hoạt động so với tổng tiền lương (tính theo lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) và dân số từ 0 tuổi đến 18 tuổi thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Hàng năm trong giai đoạn ổn định, trường hợp Chính phủ giao dự toán chi lĩnh vực này tăng hơn năm trước, thì địa phương sẽ bố trí tăng tương ứng trong Phương án phân bổ thông qua HĐND tỉnh hàng năm, đảm bảo không thấp hơn mức Chính phủ giao.

2. Định mức phân bổ

a) Cấp tỉnh: Tổng tiền lương cộng (+) 20% kinh phí hoạt động so với tổng tiền lương (tính theo lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng). Riêng, các Trường có tính chất đặc thù được phân bổ, cụ thể như sau:

- Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật: 15.000.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương (bao gồm học bổng và các chính sách khác cho học sinh).

- Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai: 10.000.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương (bao gồm học bổng và các chính sách khác cho học sinh).

- Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương: 15.000.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương (bao gồm học bổng và các chính sách khác cho học sinh).

- Các trường dân tộc nội trú (do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý): Tổng tiền lương (bao gồm học bổng và các chính sách khác cho học sinh) cộng (+) 15% kinh phí hoạt động (tính theo lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng).

b) Cấp huyện: Tổng tiền lương cộng (+) 15% kinh phí hoạt động (tính theo lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) cộng (+) thêm 50.000 đồng/người dân từ 0 tuổi đến 18 tuổi thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

c) Tiền ăn trưa cho trẻ từ 3 tuổi - 5 tuổi

Phân bổ theo số lượng trẻ từ 3 tuổi - 5 tuổi của từng địa bàn cấp huyện nhân (x) 120.000 đồng/trẻ/tháng x 9 tháng, theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 8. Sự nghiệp đào tạo và dạy nghề

1. Tiêu chí phân bổ: Dân số và chỉ tiêu đào tạo học sinh hàng năm được cấp thẩm quyền giao.

2. Định mức phân bổ

a) Cấp tỉnh:

Dự toán kinh phí được xác định theo phương án thực hiện tự chủ, theo nguyên tắc dự toán được giao năm 2017 tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ được giao giai đoạn 2016-2018 (tính theo lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng), cụ thể như sau:

- Trường Cao đẳng Sư phạm: 2.500.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương.

- Trường Cao đẳng Nghề: 2.500.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương.

- Trường Cao đẳng Cộng đồng: 2.500.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương.

- Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật: 2.500.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương.

- Trường Chính trị: 2.500.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương.

- Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao: 35.000.000 đồng/vận động viên/năm cộng (+) tổng tiền lương.

- Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ: 15.000.000 đồng/học sinh/năm cộng (+) tổng tiền lương.

Ngoài ra, các Trường nêu trên còn được bố trí kinh phí hoạt động chuyên ngành để thực hiện tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

b) Cấp huyện:

- Kinh phí đào tạo dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố (bao gồm Trung tâm Bồi dưỡng chính trị): 10.000 đồng/người dân/năm cộng (+) tổng tiền lương;

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các huyện, thị xã, thành phố: 500.000.000 đồng/huyện/năm;

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã và hợp tác xã các huyện, thị xã, thành phố: 300.000.000 đồng/huyện/năm;

c) Đối với kinh phí bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo khác (kể cả giáo dục quốc phòng, đào tạo cán bộ xã đạt chuẩn): Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

Điều 9. Sự nghiệp Y tế

1. Tiêu chí phân bổ

a) Đối với sự nghiệp phòng bệnh: Dân số trên toàn tỉnh.

b) Đối với sự nghiệp chữa bệnh của các bệnh viện tỉnh, huyện, thị xã, thành phố: Số lượng giường bệnh nhân (x) định mức cộng (+) tổng tiền lương (50% Quỹ tiền lương cơ bản cho các bệnh viện tuyến huyện; các bệnh viện còn lại được kết cấu 100% Quỹ tiền lương cơ bản và chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ).

c) Đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố: Số lượng biên chế.

2. Định mức phân bổ

a) Sự nghiệp phòng bệnh

- Cấp tỉnh: 5.000 đồng/người dân/năm để đảm bảo phục vụ công tác phòng bệnh cấp tỉnh;

- Cấp huyện: 10.000 đồng/người dân/năm để đảm bảo phục vụ công tác phòng bệnh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

b) Sự nghiệp chữa bệnh của các bệnh viện tỉnh, huyện, thị xã, thành phố: 25.000.000 đồng/giường bệnh/năm nhân (x) số giường bệnh được giao.

c) Khối phòng bệnh và sự nghiệp y tế khác cấp tỉnh: 25.000.000 đồng/biên chế/năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương.

d) Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố: 25.000.000 đồng/biên chế/năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương.

Trường hợp, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố được giao chỉ tiêu giường bệnh thì được tính theo định mức tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

đ) Đối với Y tế xã: Tổng tiền lương (bao gồm phụ cấp y tế thôn bản) cộng (+) 20% kinh phí hoạt động theo lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng.

e) Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình các huyện, thị xã, thành phố: 25.000.000 đồng/biên chế/năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương.

g) Kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi và cho các đối tượng bắt buộc khác: Căn cứ nhu cầu phát sinh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

Điều 10. Chi sự nghiệp Khoa học công nghệ

Căn cứ nhu cầu phát sinh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm (đảm bảo bố trí không thấp hơn mức dự toán Trung ương giao hàng năm).

Điều 11. Sự nghiệp Văn hóa Thông tin

1. Tiêu chí phân bổ: Dân số trên toàn tỉnh.

2. Định mức phân bổ

a) Cấp tỉnh: 6.000 đồng/người dân/năm nhân (x) số lượng dân số cộng (+) tổng tiền lương;

b) Cấp huyện: 5.500 đồng/người dân/năm nhân (x) số lượng dân số cộng (+) tổng tiền lương.

Điều 12. Sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình

1. Tiêu chí phân bổ: Dân số trên toàn tỉnh.

2. Định mức phân bổ

a) Cấp tỉnh: 4.000 đồng/người dân/năm nhân (x) số lượng dân số.

b) Cấp huyện: 3.000 đồng/người dân/năm nhân (x) số lượng dân số cộng (+) tổng tiền lương.

Điều 13. Sự nghiệp thể dục thể thao

1. Tiêu chí phân bổ: Dân số trên toàn tỉnh.

2. Định mức phân bổ

a) Cấp tỉnh: 6.000 đồng/người dân/năm nhân (x) số lượng dân số cộng (+) tổng tiền lương.

b) Cấp huyện: 5.500 đồng/người dân/năm nhân (x) số lượng dân số cộng (+) tổng tiền lương.

Điều 14. Sự nghiệp đảm bảo xã hội

1. Tiêu chí phân bổ

Dân số; biên chế được giao và số lượng đối tượng xã hội.

Đối với các đơn vị cấp tỉnh thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ: Dự toán kinh phí được xác định theo phương án thực hiện tự chủ, theo nguyên tắc dự toán được giao năm 2017, tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ được giao giai đoạn 2016 - 2018 (tính theo lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng).

- Trung tâm Giáo dục, Lao động Xã hội: Đối tượng tập trung giáo dục (trại viên);

- Trung tâm Bảo trợ Xã hội: Biên chế được giao và đối tượng nuôi dưỡng tập trung;

- Chi cứu tế, thăm hỏi gia đình chính sách, tôn giáo nhân ngày lễ, tết,... và các nội dung chi đảm bảo xã hội còn lại: Được bố trí theo nhiệm vụ hàng năm (không định mức cụ thể).

2. Định mức phân bổ

a) Trung tâm Giáo dục, Lao động Xã hội

- Định mức chi cho đối tượng tập trung nhân (x) số lượng đối tượng cộng (+) tổng tiền lương.

- Định mức chi là 20.000.000 đồng/đối tượng/năm.

b) Trung tâm Bảo trợ Xã hội

- Định mức chi theo biên chế được giao nhân (x) số lượng biên chế cộng (+) tổng tiền lương cộng (+) tiền ăn thực tế cho đối tượng nuôi dưỡng tập trung.

- Tiền ăn cho đối tượng nuôi dưỡng tập trung: Theo mức quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ;

- Định mức chi theo biên chế được giao là 25.000.000 đồng/biên chế/năm.

c) Chi cứu tế, thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, chính sách tôn giáo, chi an sinh xã hội:

- Cấp tỉnh: Căn cứ nhu cầu phát sinh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

- Cấp huyện: 12.000 đồng/người dân/năm, bao gồm lệ phí chi trả trợ cấp thường xuyên là 6.000 đồng/đối tượng/tháng.

d) Chi trợ cấp thường xuyên cho đối tượng xã hội:

- Cấp tỉnh: Kinh phí mua bảo hiểm y tế cho đối tượng;

- Cấp huyện: Phân bổ theo số lượng đối tượng xã hội của từng địa bàn cấp huyện nhân (x) mức chi, quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

Điều 15. Chi quản lý hành chính

1. Tiêu chí phân bổ: Chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm.

2. Định mức phân bổ khối Đảng

- Cấp tỉnh: 40.000.000 đồng/biên chế năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương;

- Cấp huyện: 30.000.000 đồng/biên chế năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương.

- Đối với kinh phí để đảm bảo nhiệm vụ đặc thù của khối Đảng (bao gồm, kinh phí hoạt động cơ sở đảng theo Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quy định số 3115-QĐ/VPTW ngày 04/8/2009 của Văn phòng Trung ương Đảng về kinh phí thực hiện một số chế độ chi của ban Thường vụ Tỉnh ủy theo Quyết định số 01-QĐ/TU ngày 18/10/2016 và kinh phí thực hiện một số chế độ, mức chi tiêu đảm bảo hoạt động của huyện ủy, thị ủy, thành ủy theo Quyết định số 03-QĐ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng): Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy và đảm bảo nguyên tắc trong phạm vi tổng dự toán chi ngân sách địa phương được Trung ương giao.

3. Định mức phân bổ khối quản lý hành chính và Đoàn thể

Kinh phí hoạt động bao gồm: Hoạt động cơ sở đảng theo Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và kinh phí chỉnh lý tài liệu lưu trữ (từ năm 2016 về sau). Không bao gồm kinh phí chỉnh lý tài liệu lưu trữ của UBND các cấp.

a) Đối với cấp tỉnh

Đvt: Đồng/biên chế/năm.

Số biên chế/đơn vị

Định mức phân bổ

- Dưới 10 biên chế

40.000.000

- Từ 10 đến dưới 15 biên chế

37.500.000

- Từ 15 biên chế trở lên

35.000.000

b) Đối với cấp huyện: 30.000.000 đồng/biên chế năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương.

Ngoài ra, mỗi huyện, thị xã, thành phố được cộng (+) thêm ít nhất 70% kinh phí hoạt động theo định mức nhân (x) với số lượng biên chế được giao, để đảm bảo các hoạt động không tự chủ.

Hàng năm, trong giai đoạn ổn định, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét bố trí tăng thêm trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

4. Phụ cấp đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã): Chi phụ cấp cho đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo mức quy định.

5. Kinh phí hoạt động đặc thù của HĐND các cấp:

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH ngày 13/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân: “Các khoản chi (bao gồm các chế độ, chính sách được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH) do ngân sách nhà nước bảo đảm đối với đại biểu hội đồng nhân dân cấp nào thì được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của Hội đồng nhân dân cấp đó”.

Mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 59/2016/NQ-HĐND ngày 26/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Sóc Trăng.

6. Chi hành chính khác, kinh phí chuyên ngành, nhiệm vụ đặc thù, các khoản chi không thực hiện chế độ tự chủ nêu tại Điều 4 của quy định này: Chủ tịch UBND tỉnh sẽ bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

7. Cơ quan Thanh tra tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và Thanh tra các sở

Được bổ sung kinh phí hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch số 90/2012/TTLT-BTC-TTCP , ngày 30/5/2012 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ: Căn cứ kết quả thu nộp vào ngân sách nhà nước Chủ tịch UBND cùng cấp Quyết định bổ sung theo quy định.

8. Ngân sách xã

Đảm bảo kinh phí lương, các khoản theo lương và các hoạt động của cán bộ, công chức chuyên trách; trợ cấp cán bộ không chuyên trách của xã theo mức HĐND tỉnh quyết định; hoạt động cơ sở đảng theo Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kinh phí hòa giải ở cơ sở; kinh phí hoạt động các hội, đoàn thể ở vùng đặc biệt khó khăn và các chế độ hiện hành.

a) Định mức phân bổ kinh phí hoạt động tính theo biên chế, như sau:

- Các phường: 30.000.000 đồng/biên chế/năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương (biên chế giao tính theo địa bàn cấp xã loại I và loại II);

- Các xã, thị trấn: 25.000.000 đồng/biên chế/năm nhân (x) số biên chế được giao cộng (+) tổng tiền lương (biên chế giao tính theo địa bàn cấp xã loại I và loại II);

- Người hoạt động không chuyên trách: 6.000.000 đồng/người/năm nhân (x) số lượng người hoạt động không chuyên trách được giao cộng (+) trợ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, ở ấp (số lượng người hoạt động không chuyên trách được giao tính theo địa bàn cấp xã loại I và loại II).

b) Định mức phân bổ theo tiêu chí phụ:

- Kinh phí thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với mức phân bổ là 5.000.000 đồng/xã, thị trấn, phường/năm; mức 7.000.000  đồng/năm/ấp, khóm thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn và mức 5.000.000 đồng/năm/ấp, khóm thuộc địa bàn còn lại, theo Quy định tại Thông tư số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/9/2014 của liên Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Kinh phí hoạt động của Thanh tra nhân dân được phân bổ theo đơn vị hành chính xã, với mức phân bổ là 3.000.000 đồng/xã/năm.

c) Phân bổ ngân sách cấp xã:

Căn cứ vào tiêu chí và định mức phân bổ chi ngân sách cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh giao tổng thể chi ngân sách cấp xã trong ngân sách huyện, thị xã, thành phố. Việc phân bổ chi tiết từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định trên cơ sở đã thông qua HĐND cùng cấp theo nguyên tắc không thấp hơn dự toán do Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Ngoài ra, trong giai đoạn ổn định, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét bố trí tăng thêm trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

Điều 16. Chi An ninh - Quốc phòng

1. Tiêu chí phân bổ: Dân số trên toàn tỉnh và bao gồm kinh phí hoạt động do không thu Quỹ Quốc phòng - An ninh.

2. Định mức phân bổ

a) Quốc phòng

- Cấp tỉnh: 30.000 đồng/người dân/năm;

- Cấp huyện: 15.000 đồng/người dân/năm.

b) An ninh

- Cấp tỉnh: 3.500 đồng/người dân/năm;

- Cấp huyện: 2.500 đồng/người dân/năm.

c) Bộ đội Biên phòng: 3.000 đồng/người dân/năm.

d) Chi công tác an ninh vùng trọng điểm.

Căn cứ khả năng ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm.

Điều 17. Chi khác ngân sách

1. Tiêu chí phân bổ: Căn cứ khả năng ngân sách.

2. Định mức phân bổ.

- Cấp tỉnh: Khoản chi này không thể phân bổ theo định mức cụ thể, mà được bố trí kinh phí theo nhiệm vụ thực hiện, cơ sở bằng mức dự toán năm trước; trong đó: kinh phí khen thưởng được bố trí tối đa bằng 01% chi thường xuyên của ngân sách cấp tỉnh hàng năm, theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

- Cấp huyện: Tối thiểu 800.000.000 đồng/huyện, thị xã, thành phố/năm.

Hàng năm, trong giai đoạn ổn định, căn cứ khả năng ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí tăng thêm trong phạm vi dự toán được Chính phủ giao và thông qua HĐND tỉnh trong Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách.

Điều 18. Chi hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn

Được phân bổ về ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, mức chi 80.000 đồng/năm/người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II và 100.000 đồng/năm/người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn, theo quy định tại Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 19. Dự phòng ngân sách

1. Tiêu chí phân bổ: Tỷ lệ phần trăm (%) và đảm bảo không thấp hơn mức dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm.

2. Định mức phân bổ

- Cấp tỉnh: Tính theo tỷ lệ % nhân (x) các khoản chi từ Điều 5 đến Điều 18 nêu trên, với mức phân bổ tối thiểu là 3%.

- Cấp huyện: Tính theo tỷ lệ % nhân (x) các khoản chi từ Điều 5 đến Điều 18 nêu trên, với mức phân bổ tối thiểu là 2%.

Điều 20. Các định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên tính theo tiền lương thì mức tổng tiền lương này được xác định tại thời điểm xây dựng dự toán chi hàng năm và không xem xét bổ sung khi thực hiện tăng lương thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hàng năm.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 76/2016/NQ-HĐND Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn ổn định 2017-2020

  • Số hiệu: 76/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Lâm Văn Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản