Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 13 tháng 8 năm 2021 về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An năm 2022; Nghị quyết 34/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2022 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh “Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”;

Trên cơ sở Báo cáo số 325/BC-ĐGS.HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với Báo cáo số 325/BC-ĐGS.HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021.

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; kịp thời cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về khoáng sản; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản với nhiều hình thức, nội dung khá phong phú; hoạt động khoáng sản được quản lý theo quy hoạch đã được phê duyệt; công tác cấp phép trong thăm dò, khai thác được thực hiện đúng quy trình; chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác được nâng cao; thực hiện triệt để việc rà soát, kiểm tra phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ được duyệt; kịp thời ban hành phương án bảo vệ đối với khoáng sản chưa khai thác; tích cực đôn đốc, yêu cầu, theo dõi, kiểm soát các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đóng góp vào tăng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản và giải quyết việc làm; đẩy mạnh các chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền thân thiện với môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; tích cực nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quy hoạch khoáng sản nói chung, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa dự báo được nhu cầu nguyên liệu khoáng sản cho các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư của tỉnh; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra khá phức tạp; các quy định trong thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản còn nhiều, quy trình thực hiện cấp phép còn đồng nhất giữa các loại khoáng sản; vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong hoạt động khoáng sản; một số doanh nghiệp khoáng sản chưa tuân thủ nghiêm các quy định về chế độ chính sách và an toàn, vệ sinh lao động; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại trên là do: Luật Khoáng sản còn thiếu đồng bộ, thống nhất với các Luật khác có liên quan; quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được ban hành, triển khai thực hiện từ năm 2015; quy trình cấp phép khai thác khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, ý kiến của cộng đồng dân cư nơi chịu tác động trực tiếp của hoạt động khai thác khoáng sản; việc thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định chưa được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, chưa có biện pháp xử phạt dứt điểm, nghiêm minh; ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế; việc tính thuế chủ yếu dựa theo sản lượng doanh nghiệp tự kê khai; chưa có nhân lực chuyên trách lĩnh vực quản lý khoáng sản tại các địa phương mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung theo dõi tình hình triển khai hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các kiến nghị đã nêu tại Báo cáo số 325/BC-ĐGS.HĐND của Đoàn giám sát và tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên trong hoạt động khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; có kế hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ khoáng sản theo nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, nhu cầu nội địa, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án hạ tầng, dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh; hạn chế tối đa việc cấp phép thăm dò, khai thác các loại tài nguyên không tái tạo; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

2. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính trong việc cấp phép khoáng sản, nghiên cứu xem xét rút ngắn thời gian tối đa các thủ tục nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật; rà soát, tính toán hiệu quả kinh tế trong việc quy hoạch, cấp phép để khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh và hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường, hạ tầng cơ sở. Chỉ đạo các sở, ngành trong quá trình thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư khai thác khoáng sản cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để có hiệu quả trong khai thác, gắn với bảo vệ môi trường.

3. Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản. Đặc biệt, việc lập sổ sách chứng từ, có giải pháp thực hiện việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu giữ thông tin, số liệu liên quan theo đúng quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, khoáng sản và kiểm soát tải trọng trước khi vận tải ra khỏi mỏ.

4. Chỉ đạo, giao cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý dứt điểm việc thực hiện lắp đặt camera, trạm cân của các doanh nghiệp; nghiên cứu quy định về việc kết nối dữ liệu camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu của các đơn vị khai thác với cơ quan Thuế, cơ quan quản lý Tài nguyên để giám sát sản lượng khai thác tại mỏ; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ để ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa khoáng sản trái phép, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản chưa được cấp phép. Có quy chế phối hợp giữa cơ quan Thuế với ngành Công an, Cục Quản lý thị trường để xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; có đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin khi phát hiện các vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

5. Tăng cường chỉ đạo, thực hiện và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản; theo dõi, rà soát việc khắc phục và chấp hành quy định pháp luật sau thanh tra, kiểm tra.

6. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoáng sản, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

7. Chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện tại kỳ họp thường lệ cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khoá XVIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ (để b/c);
- TT.Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban, Tổ đại biểu, Đại biểu HĐND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Website http://dbndnghean.vn;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Thái Thanh Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 72/NQ-HĐND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 72/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Thái Thanh Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản