- 1Luật đấu thầu 2013
- 2Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ
- 3Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014
- 4Nghị định 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước
- 5Luật ngân sách nhà nước 2015
- 6Nghị định 51/2016/NĐ-CP Quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- 7Nghị định 52/2016/NĐ-CP Quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- 8Nghị định 47/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp
- 9Quyết định 22/2021/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 360/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Nghị quyết 50/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/NQ-CP | Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2022 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến thống nhất của các Thành viên Chính phủ.
QUYẾT NGHỊ:
Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Trong các năm qua, DNNN đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 và những biến động trong khu vực và quốc tế, DNNN đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực DNNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong huy động nguồn lực, cụ thể:
Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch; các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao...
Hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn doanh nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài. Trong giai đoạn 2016 - 2020, hầu như các tập đoàn kinh tế, tổng công ty không khởi công các dự án, công trình mới, nguồn lực đầu tư giảm dần. Các DNNN chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với tiến độ đề ra, việc cơ cấu lại DNNN vẫn chưa mang tính toàn diện và đi vào thực chất. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu biến động của thị trường. Công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, quản lý rủi ro, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, thất thoát còn lỏng lẻo; chi phí sản xuất kinh doanh còn lớn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chưa triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, dẫn đến chưa phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh trong kinh doanh. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp cơ bản vẫn theo nguyên tắc như đối với viên chức nhà nước, chưa tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên của DNNN do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Về nguyên nhân khách quan, tình hình kinh tế chính trị trên thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của DNNN. Các DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới trong giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, sở hữu nhiều đất đai nên công tác triển khai kéo dài. Về nguyên nhân chủ quan, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của đảng về DNNN còn bất cập, chưa kịp thời thay đổi cơ chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản hành chính, khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư mở rộng kinh doanh, đổi mới, sáng tạo. Chưa rõ cơ chế phối hợp, cơ quan đầu mối tổng hợp về tình hình hoạt động của DNNN để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp toàn diện, hiệu quả đối với hoạt động của DNNN. Các DNNN chưa nỗ lực nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường, chưa tham gia sâu, rộng hội nhập kinh tế quốc tế, chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DNNN còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của DNNN trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là địa phương), Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nội dung sau:
1. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển DNNN tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Xác định DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, thực hiện vai trò dẫn dắt, tích cực chủ động tham gia xây dựng phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
2. Tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong nước để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, văn hóa lịch sử...) và nguồn lực bên ngoài (công nghệ, vốn, lao động, quản trị..)
3. Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém bất cập. tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Quản lý có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, đi đầu trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và quá trình giảm thải khícarboncủa Việt Nam.
4. Phát huy tối đa vị trí, vai trò, sứ mệnh và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong sản xuất kinh doanh, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
5. Tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DNNN với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm phát huy tối đa vai trò, sứ mệnh của DNNN trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
6. Hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp; thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước gắn với chế độ giám sát, kiểm tra và đánh giá toàn diện. tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; tách bạch quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có sự gắn kết hòa quyện trong mối quan hệ giữa nhà nước và DNNN. Theo đó, nhà nước tạo hệ sinh thái, môi trường kinh doanh phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;DNNNchủ động trong hoạt động, cạnh tranh bình đẳng, có trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm thực hiện vị trí, vai trò, sứ mệnh, tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, sử dụng có hiệu quả hệ sinh thái do Nhà nước tạo ra.
1. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
2. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh, việc chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Chú trọng đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, kiên quyết tiết giảm chi phí, tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực điều hành, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, bảo đảm đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên chức, người lao động.
3. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
4. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới hoặc có tính chất quan trọng của nền kinh tế như: năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lõi...
5. Đến hết năm 2025 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau:
a) 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD;
b) Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN;
c) Có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong Đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ;
d) 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khícarbon;
đ) Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách:
a) Khẩn trương rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của DNNN như: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu... theo hướng:
- Phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong thực hiện một số quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý theo mục tiêu, nâng cao trách nhiệm giải trình của hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để DNNN hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với tập đoàn, tổng công ty theo hướng khuyến khích thuê công ty kiểm toán lớn có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín thực hiện giám sát, kịp thời đưa ra cơ chế cảnh báo song song với vai trò quản lý nhà nước của bộ ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu. đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về DNNN trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời, minh bạch nhằm phát hiện sớm các sai phạm, cảnh báo các nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, mất vốn nhà nước. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN để đánh giá, theo dõi và giám sát.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với kết quả, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.
- Đổi mới công tác quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp để tuyển dụng hoặc thuê nhân lực chất lượng cao; thực hiện cử thành viên Hội đồng thành viên độc lập (các chuyên gia có trình độ, năng lực về tài chính, quản trị...) tham gia quản lý, điều hành. Nghiên cứu cơ chế, chính sách tuyển chọn lãnh đạo quản lý, đẩy mạnh việc tuyển dụng thông qua thi tuyển công khai, minh bạch.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp tăng nguồn lực cho DNNN từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
- Nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ: đầu tư cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
b) Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn để phát huy vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
c) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan đầu mối theo dõi tổng hợp hoạt động của DNNN để kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp toàn diện, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của DNNN, góp phần bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
d) Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy DNNN mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trên nguyên tắc hiệu quả; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới, trong đó nghiên cứu thêm hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành DNNN hoặc một phần tài sản, dự án của DNNN (hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực) trong một khoảng thời gian nhất định (có thể từ 5 năm đến 10 năm) nhằm tạo nguồn lực phục vụ mục đích đầu tư phát triển hoặc an sinh xã hội.
đ) Nghiên cứu, rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giao tài sản công để khai thác hiệu quả, đặc biệt trong một số lĩnh vực đặc thù (như hạ tầng đường sắt, hạ tầng hàng không).
e) Hoàn thiện chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, làm cơ sở để các DNNN trực thuộc triển khai thực hiện.
g) Khẩn trương tổng kết, đánh giá và đề xuất mô hình hoạt động hiệu quả của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
2. Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN:
a) Khẩn trương triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025”.
b) Định kỳ rà soát việc chấp hành các quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp đacổphần hóa; kịp thời đề xuất giải pháp phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
3. Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước:
a) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; gắn chiến lược phát triển của DNNN với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước.
b) Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty phù hợp với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có giao nhiệm vụ cho DNNN triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), công nghiệp bán dẫn, đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia (như đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển...), hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất (như luyện thép, hóa dầu)... trên cơ sở thế mạnh, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.
c) Xây dựng cơ chế khuyến khích phối hợp, hợp tác giữa DNNN với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực, mở rộng không gian kinh doanh trên nguyên tắc các bên cùng đạt hiệu quả.
d) Nghiên cứu, nâng cao vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, nhất là vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng.
4. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN:
- Rà soát, tinh giản bộ máy; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả. Kiên quyết phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “lợi ích nhóm”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
- Chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; tiết kiệm tối đa chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai... của DNNN, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xây dựng uy tín và thương hiệu của DNNN trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Tăng cường áp dụng mô hình kinh doanh mới, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh.
- Giải quyết dứt điểm tình trạng Đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
5. Phát huy vai trò của tổ chức Đảng; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong các DNNN:
- Nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý cán bộ.
- Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong DNNN khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất, sai phạm trong hoạt động của DNNN.
- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng nhằm nắm bắt, phản ánh, đánh giá đúng đắn về việc chấp hành pháp luật, phát hiện sớm sai phạm, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DNNN.
- Khẩn trương xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực; gắn chiến lược phát triển của DNNN với chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực. Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, giám sát hoạt động của DNNN.
- Chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trực thuộc xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm và hàng năm, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ giải pháp nêu tại Nghị quyết này.
- Triển khai việc thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp trực thuộc giai đoạn 2021 - 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chỉ đạo các DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc phê duyệt theo thẩm quyền Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu của Nghị quyết này, hoàn thành trong Quý II năm 2022.
- Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng cho thi công công trình, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc ứng dụng quản trị trên nền tảng số và xây dựng các tiêu chuẩn hiện đại về quản trị doanh nghiệp, tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số12-NQ/TWngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.
- Nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành, cơ chế thúc đẩy DNNN mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới; trong đó xem xét cơ chế lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành DNNN hoặc một phần tài sản, dự án của DNNN trong một khoảng thời gian nhất định.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan đầu mối theo dõi tổng hợp hoạt động của DNNN để kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp toàn diện, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của DNNN, góp phần bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
- Tập trung triển khai hiệu quả việc công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến thông tin về tình hình đầu tư để tăng cường minh bạch và năng lực giám sát đối với DNNN.
- Chủ trì theo dõi, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và đề xuất, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này.
3. Bộ Tài chính:
- Nghiên cứu, sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) để trình Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2022, trong đó nghiên cứu các nội dung tạiđiểma khoản 1 mục III Nghị quyết này, bảo đảm đúng tiến độ được Quốc hội thông qua.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, bảo đảm hiệu quả, nhất là trong một số lĩnh vực đặc thù như hạ tầng đường sắt, hạ tầng hàng không.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình chấp hành các quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, kịp thời đề xuất giải pháp phù hợp, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, 52/2016/NĐ-CP, 53/2016/NĐ-CP của Chính phủ) trong Quý II năm 2022.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ
Nghiên cứu, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ trong Quý II năm 2022 để thực hiện quy định tại điểm a khoản 1 Mục III Nghị quyết này.
6. Thanh tra Chính phủ
Đẩy mạnh công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong DNNN; nghiên cứu đổi mới các quy định về thanh tra DNNN, góp phần bảo đảm hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra.
7. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đánh giá, tổng kết thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban, hạn trình trong Quý IV năm 2022.
8. DNNN xây dựng Chương trình hành động để thực hiện hiệu quả các giải pháp quy định tại điểm 4, 5 Mục III Nghị quyết này; trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm trong Quý II năm 2022.
- Khẩn trương xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Quý II năm 2022, trong đó lưu ý nội dung về tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển dịch đầu tư theo hướng xanh, sạch, giảm thải khí carbon và xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng; Đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số và tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD; sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao...
- Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án dở dang, nhất là các dự án chậm tiến độ, đã kéo dài nhiều năm. Rà soát, giãn, hoãn các dự án đầu tư chưa cấp thiết, chưa đủ điều kiện thực hiện, chưa đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư mới, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN. Thực hiện công tác quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn quy định.
9. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết này, trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Thông báo 57/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1354/VPCP-ĐMDN năm 2022 về Đề án Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 1910/VPCP-DMDN năm 2022 về đôn đốc phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2022 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành
Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 68/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 12/05/2022
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Lê Minh Khái
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/05/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực