Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2006/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Sau khi nghe Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo nội dung tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Tờ trình số 20 /TTr-UBND ngày 07/7/2006 về việc thông qua quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân; giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố nhất trí thông qua báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung cơ bản sau:

1. Phạm vi quy hoạch: Trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Quan điểm phát triển:

- Phát triển du lịch Cần Thơ nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch thành phố và trở thành trung tâm du lịch cũng như trung tâm phân bố khách du lịch của vùng Tây Nam Bộ và là thành phố du lịch cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông MêKông;

- Phát triển du lịch phải gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội;

- Phát triển du lịch trong sự phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững;

- Phát triển du lịch dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của thành phố;

- Phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

- Phát triển du lịch Cần Thơ phải đặt trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… đặc biệt là mối quan hệ với thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn khách du lịch.

3. Mục tiêu phát triển:

3.1. Mục tiêu kinh tế:

- Mục tiêu chung: phát triển du lịch để tăng mức đóng góp vào thu nhập của địa phương cũng như thu nhập thực tế của người dân trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và định hướng chiến lược phát triển của Thành ủy, Chương trình xây dựng và phát triển du lịch của Ủy ban Nhân dân thành phố.

- Chỉ tiêu cụ thể:

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2010

2015

2020

1. Khách du lịch

1.000 người

2.020

3.140

4.800

- Khách du lịch nội địa

1.000 người

800

1.500

2.600

- Khách quốc tế

1.000 người

220

440

800

- Khách không lưu trú

1.000 người

1.000

1.200

1.400

2. Tổng thu nhập du lịch

Tỷ đồng

1.048,1

2.490,4

5.995,0

3. Nhu cầu phòng khách sạn

Phòng

4.840

10.560

21.430

4. Tổng GDP ngành du lịch

Tỷ đồng

686,052

1.614,006

3.890,112

5. Tổng nhu cầu đầu tư (cho từng giai đoạn)

Tỷ đồng

1.663,246

2.783,862

6.828,318

3.2. Mục tiêu văn hóa - xã hội:

- Mục tiêu chung: Phát triển du lịch làm tăng thêm giá trị nền văn hóa dân gian, giá trị của các di tích lịch sử, tự nhiên đặc thù của Cần Thơ, đồng thời nâng cao dân trí, tạo thêm công ăn việc làm, tăng khả năng giao lưu văn hóa thiết lập nên các mối quan hệ hữu nghị hợp tác mới;

- Chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2010 lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 7.750 người và 13.950 lao động gián tiếp, đến năm 2020 đạt 38.600 người lao động trực tiếp và 77.180 người lao động gián tiếp.

4. Định hướng phát triển:

4.1. Định hướng chung: Phát triển ngành du lịch Cần Thơ trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài phải dựa trên những định hướng phát triển chính sau:

- Phát triển du lịch phải dựa trên mối liên hệ tương hỗ khăng khít, chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, tạo điều kiện để các ngành kinh tế khác phát triển;

- Phát triển mạnh ngành du lịch và dịch vụ sẽ mang lại các lợi ích thiết thực như:

+ Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch trong cơ cấu kinh tế của thành phố;

+ Nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán;

+ Tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;

+ Tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành trong quá trình phát triển kinh tế;

+ Phát huy truyền thống bản sắc dân tộc, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống, làng nghề, cảnh quan, môi trường,…

+ Phát huy các lợi thế so sánh của thành phố, nâng cao vị thế của Cần Thơ, góp phần đưa Cần Thơ trở thành đô thị loại I trước năm 2010, thực sự trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

4.2. Định hướng cụ thể:

4.2.1. Thị trường:

- Khách quốc tế: ASEAN (Thái Lan, Campuchia, Singapore,…); Thị trường Tây Âu (Pháp, Anh, Đức,…); Đông Á - Thái Bình Dương (Nhật, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc) và khu vực Bắc Mỹ.

- Khách nội địa: Khách du lịch thương mại, du lịch công vụ; lễ hội, tín ngưỡng; tham quan thắng cảnh, sông nước Nam Bộ; sinh thái miệt vườn, nông trại; khách tour Bắc - Nam quá cảnh Cần Thơ; khách du lịch nghỉ cuối tuần.

4.2.2. Định hướng những loại hình du lịch chủ yếu:

Công vụ, thương mại, hội nghị, hội thảo, triển lãm; tham quan, nghiên cứu sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; du lịch văn hóa lễ hội và tâm linh, nghỉ dưỡng thể thao, vui chơi giải trí nước…

4.2.3. Định hướng không gian du lịch thành phố:

Không gian du lịch Cần Thơ phát triển chủ yếu ở hai trục chính là dọc sông Hậu và trục dọc quốc lộ 1A. Căn cứ vào định hướng cơ bản trên, kết hợp với sự phân bố tài nguyên, nguồn lực và các điều kiện phát triển cũng như nhu cầu thị trường, tổ chức không gian du lịch Cần Thơ được chia thành 04 cụm. Gồm: Cụm nội đô; Cụm du lịch Phong Điền; Cụm du lịch Ô Môn - Cờ Đỏ; Cụm du lịch Thốt Nốt.

4.2.4. Hệ thống tuyến, điểm du lịch Cần Thơ:

- Tổ chức điểm du lịch:

Sông nước Cần Thơ; cầu Cần Thơ; bến Ninh Kiều; chợ nổi Phong Điền, Cái Răng; làng cổ Bình Thủy (đình làng, nhà cổ…); hệ thống vườn du lịch (Mỹ Khánh, Thủy Tiên, Phong Điền, Xuân Mai…); vườn cò Bằng Lăng; hệ thống chùa chiền (Long Quang, Nam Nhã, chùa Ong, Munir Ansây…); chợ đêm Tây Đô; hệ thống các cồn (Cồn Khương, Cồn Cái Khế, Cồn Ấu, Cù lao Tân Lộc); các làng nghề truyền thống; Trường đại học Cần Thơ; Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long; Nông trường sông Hậu, Cờ Đỏ; di tích cách mạng (khám lớn Cần Thơ, cơ quan đặc ủy An Nam cộng sản Đảng); mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, mộ Nhà thơ Phan Văn Trị; di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo tại Rạch Bào, Phong Điền; Trung tâm Văn hóa Tây Đô.

- Tổ chức tuyến du lịch:

+ Tuyến du lịch nội thành: Lộ vòng cung; Nội đô; Cần Thơ - Thốt Nốt; Cần Thơ - Cờ Đỏ; Cần Thơ - Thốt Nốt - Cờ Đỏ;

+ Tuyến liên tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh - Vĩnh Long - Cần Thơ - Cà Mau; Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang; Đồng Tháp - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng;

+ Tuyến du lịch quốc gia: Tuyến dọc theo quốc lộ 1A;

+ Tuyến du lịch đường sông: thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - An Giang, trong tương lai tuyến này có thể được kéo dài tới Phnôm Pênh, Siêm Riệp, Pắc Sế, Viên Chăn, Luông Phrabăng,...; Ninh Kiều - Cồn Ấu - Cồn Khương - Cồn Cái Khế; Cần Thơ - Cù lao Tân Lộc; tuyến du lịch Ninh Kiều - Bình Thủy (dọc sông Hậu), tuyến du lịch dọc sông Cần Thơ - các kênh rạch nhỏ - vườn du lịch.

Trong tương lai khi sân bay Trà Nóc đi vào hoạt động, Cần Thơ còn có thể hình thành các tuyến du lịch đường hàng không tới các trung tâm du lịch trong nước và quốc tế.

4.2.5. Định hướng đầu tư phát triển du lịch:

- Phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ du lịch, đặc biệt có các công trình dịch vụ gắn với thương mại, hội nghị, triển lãm,…

- Phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí;

- Phát triển tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử - cách mạng và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch;

- Đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chú trọng đến các sản phẩm gắn với sông nước, ruộng vườn đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long;

- Xây dựng phát triển hệ thống an ninh và an toàn du lịch;

- Đào tạo nâng cao nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động ngành;

- Hình thành và phát triển mạnh cơ quan chịu trách nhiệm về xây dựng, quảng bá và phát triển hình ảnh du lịch Cần Thơ thống nhất;

- Xây dựng trung tâm tư vấn đầu tư phát triển du lịch.

5. Một số chính sách, giải pháp và tổ chức thực hiện:

5.1. Chính sách:

- Chính sách thuế: Trên cơ sở các chính sách về thuế của nhà nước, UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu vận dụng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định pháp luật;

- Chính sách về huy động vốn: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư như doanh nghiệp trong và ngoài nước được đầu tư 100% vốn, liên doanh liên kết; ngân sách hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành.

5.2. Một số giải pháp chủ yếu:

- Đầu tư và phát triển du lịch:

+ Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch trên địa bàn toàn thành phố, trước mắt ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các trọng điểm phát triển du lịch, các khu du lịch, các điểm du lịch mũi nhọn của thành phố;

+ Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân với nhà nước, mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước như các hình thức BOT, BTO, BT,…

- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Xác định sản phẩm du lịch mũi nhọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bổ trợ; các sản phẩm bổ sung này vừa có tác dụng nâng cao sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của sản phẩm chủ đạo còn có tác dụng thu hút thêm các thị trường khách mới, nhằm đa dạng hóa thị trường khách, đảm bảo tính bền vững, ổn định, tăng cường khả năng chống đỡ với các diễn biến phức tạp của thị trường du lịch.

- Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch:

+ Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ngành kinh tế du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân, tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Cần Thơ trong cả nước, khu vực và trên thế giới để qua đó thu hút khách du lịch và nguồn vốn đầu tư vào du lịch;

+ Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch Cần Thơ, về tiềm năng - đất nước và con người Cần Thơ cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng, đặc biệt là ở khu vực Ninh Kiều, Thốt Nốt, tiến tới kết hợp mở văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước;

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng thông tin đối ngoại, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để xúc tiến quảng bá du lịch Cần Thơ có hiệu quả.

- Đào tạo nguồn nhân lực: Là nhóm giải pháp mang tính toàn diện, không chỉ là những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, về môi trường sinh thái đối với cán bộ quản lý và kinh doanh du lịch mà cần phải được du khách và cộng đồng dân cư địa phương hưởng ứng, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giáo dục thường xuyên thành ý thức đối với mọi thành viên trong tổ chức, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch cho phát triển bền vững.

Trước mắt, khẩn trương đưa trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Cần Thơ đi vào hoạt động, đây là một thuận lợi lớn cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên ngành du lịch cho thành phố cũng như các địa phương khác trong khu vực đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp: Tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp với các Sở, ngành và địa phương trong phạm vi thành phố, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực và thành phố Hồ Chí Minh để tạo sức mạnh tổng hợp đưa du lịch thành phố phát triển.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố hoàn chỉnh quy hoạch phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và triển khai thực hiện.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 21 tháng 7 năm 2006, có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Văn Phước

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 67/2006/NQ-HĐND thông qua quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 67/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 21/07/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Lê Văn Phước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản