Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 66/2008/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 03 tháng 7 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHÓA VII NHIỆM KỲ 2004 - 2009, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Sau khi nghe Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trình bày về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố, ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 theo Tờ trình số 3594/TTr-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở phương án 1 là phương án chọn, có tính khả thi và phù hợp cơ bản với Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2006-2010

- Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2006 - 2010: 11%-12%.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp Nghị quyết 33-NQ/TW:

+ Năm 2007: Công nghiệp: 46,4%; Dịch vụ: 49,4%; Nông nghiệp: 4,2%;

+ Dự kiến năm 2010: Dịch vụ: 49,1%; Công nghiệp: 47,5%; Nông nghiệp: 3,4%.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI THỜI KỲ 2011-2020

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hoá - thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2011 - 2020

2.1. Kinh tế

- Tăng trưởng kinh tế (GDP) với tốc độ 12% - 13%/năm.

- Cơ cấu kinh tế: “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”.

- GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 4.500 USD - 5.000 USD.

- Tỷ trọng GDP ngành dịch vụ đến năm 2020 sẽ chiếm 55,7%, công nghiệp là 42,7%, nông nghiệp là 1,6%.

- Kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2011 - 2020 tăng bình quân 18% - 20%/năm.

- Duy trì tỷ trọng thu ngân sách so với GDP là 35% - 36%.

2.2. Xã hội

- Duy trì nhịp độ tăng dân số tự nhiên ở mức 1%, tạo việc làm mới khoảng 3,2 -3,5 vạn người/năm.

- Tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, nâng cấp hệ thống trường lớp nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đảm bảo từ 70 - 80% lao động qua đào tạo.

- Xây dựng nền văn hoá theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.

- Giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

- 100% dân số nội thành và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt vào năm 2015.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 100% vào năm 2015 và trên 95% chất thải rắn được tái chế vào năm 2020.

- Phát triển diện tích không gian xanh đô thị, hợp lý về tỷ lệ và chủng loại cây, phấn đấu đạt 3 - 4 m2/người vào năm 2015.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Huy động hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội

- Xây dựng cơ chế chính sách hợp lý, tạo dựng môi trường thông thoáng để thu hút và hấp thụ tốt các nguồn vốn trong và ngoài nước, trong đó vốn ngoài quốc doanh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và ODA chiếm 52% - 56%.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn của một thành phố hiện đại; đến năm 2015 khởi công xây dựng hệ thống tàu điện ngầm.

- Đầu tư xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông hiện đại để trở thành trung tâm của khu vực.

2. Phát triển dịch vụ: Tốc độ tăng bình quân 13% - 14%/năm.

- Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học công nghệ; trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước; một trong những trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao ngang tầm tiêu chuẩn khu vực:

Xây dựng và phát triển công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong ba trung tâm công nghệ hàng đầu của quốc gia.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề cao, đặc biệt là các chuyên gia giỏi về quản lý và công nghệ.

- Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông lớn của khu vực:

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí và vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố, với tốc độ tăng bình quân hàng năm 15% - 16%.

Tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nuớc, hình thành các trung tâm du lịch biển đạt chuẩn quốc tế.

Đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng bình quân 18% - 20%/năm, theo hướng xuất khẩu sản phẩm sử dụng công nghệ cao, tinh chế và chế tác; đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ xuất khẩu: tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, xuất khẩu tại chỗ.

Xây dựng và phát triển thương mại theo hướng trở thành trung tâm phân phối của khu vực; có hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tương đối hiện đại.

3. Phát triển công nghiệp

- Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12% - 13%/năm.

- Ưu tiên phát triển mạnh những ngành công nghiệp có hàm lượng trí tuệ và kỹ thuật cao: sản phẩm thiết bị điện, điện tử, phần mềm tin học, công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến xuất khẩu, nhất là chế biến tinh và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có khả năng cạnh tranh cao.

- Đẩy mạnh khai thác và chế biến hải sản phục vụ xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ cảng và vận tải biển; các loại hình công nghiệp gắn liền với hệ thống cảng.

- Phát triển các khu công nghiệp tập trung, gắn sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp với sự phát triển của hệ thống đô thị, dịch vụ.

- Tăng cường năng lực của các cơ sở, doanh nghiệp ngành xây dựng theo hướng hiện đại hóa từ thiết kế đến thi công cả về nguồn nhân lực, trang thiết bị nhằm đảm đương được những công trình, dự án lớn trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

4. Phát triển nông nghiệp

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tăng tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp thuần tuý, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

- Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là hệ thống điện, nước sạch, giao thông nông thôn, thuỷ lợi, dịch vụ nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học.

- Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng, trồng rừng kinh tế, trồng cây chắn sóng ven biển và phát triển mạnh công nghệ chế biến gỗ; phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng lên 60% - 70% vào năm 2020.

5. Phát triển văn hóa, xã hội

- Xây dựng và phát triển nguồn lực khoa học công nghệ đủ mạnh, đảm bảo đủ khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ hiện đại.

Thúc đẩy lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tiên tiến; chuyển giao, làm chủ những công nghệ mới, tạo bước tăng trưởng mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả nền kinh tế thành phố; đảm bảo tốc độ đổi mới công nghệ trung bình đạt 20% - 30%/năm, các lĩnh vực ưu tiên đạt 30% - 40%/năm.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp về trình độ, cơ cấu ngành nghề, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Mở rộng quy mô đào tạo hợp lý, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục.

Phấn đấu đến năm 2015 thành phố sẽ có 60 trường, trung tâm dạy nghề có quy mô vừa và lớn trong đó có trường dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua dạy nghề đạt 60%.

- Phát triển dân số, lao động và việc làm

Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số kế hoạch hoá gia đình nhằm ổn định tỷ lệ tăng tự nhiên khoảng 1%; giữ ở mức hợp lý mức tăng dân số cơ học khoảng 5%. Dự báo dân số Đà Nẵng năm 2020 khoảng 1.369 nghìn người, trong đó dân số thành thị chiếm khoảng 92%.

- Phát triển sự nghiệp y tế

Đẩy mạnh công tác truyền thông sức khoẻ, thực hiện vệ sinh môi trường, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh với phương châm dự phòng là chính.

Củng cố y tế cơ sở, có chính sách đối với y bác sĩ ở tuyến xã; đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Đầu tư cơ sở hạ tầng y tế và nguồn nhân lực để thành lập các bệnh viện: Sản, Nhi, Ung bướu và bệnh viện Nhiệt đới; xây dựng phòng xét nghiệm dinh dưỡng và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại Đà Nẵng.

- Văn hoá, thể thao

Phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thông tin, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân dộc. Phấn đấu đến năm 2020 có 95% số hộ gia đình, 100% cơ quan, 80% thôn, 70% tổ dân phố, 50% xã, phường được công nhận đạt chuẩn văn hoá.

Khuyến khích phát triển các phong trào luyện tập thể thao trong mọi tầng lớp dân cư, trên cơ sở các trường học, cơ quan nhà nước làm nòng cốt, nền tảng cơ bản để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của thành phố; phấn đấu đến năm 2010 có 90% - 100% học sinh phổ thông và 100% cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 80% dân số tham gia tập luyện thường xuyên.

- Các vấn đề xã hội khác

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu thành phố “5 không”, tập trung tuyên truyền, giáo dục toàn xã hội nhận thức tác hại của tệ nạn ma tuý, mại dâm, phấn đấu không có điểm nóng về tệ nạn xã hội, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng.

Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện chương trình thành phố “3 có”, đặc biệt xây dựng các khu tái định cư, khu dân cư cho công nhân các khu công nghiệp.

6. Khai thác thời cơ và hạn chế thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của cán bộ và doanh nghiệp.

7. Quốc phòng - An ninh

- Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng gắn với thế trận an ninh và biên phòng; hoàn thành quy hoạch quốc phòng, từng bước xây dựng căn cứ hậu phương thành phố và công trình phòng thủ các quận, huyện; tập trung củng cố tổ chức các lực lượng vũ trang, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, phát huy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, thường xuyên nâng cao cảnh giác, tăng cường công tác huấn luyện dân quân tự vệ.

- Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý và công tác thi hành án gắn với việc giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Điều 2.

Giao UBND thành phố tiếp thu ý kiến của đại biểu HĐND thành phố, hoàn chỉnh Quy hoạch, thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố, các vị đại biểu HĐND và HĐND các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này đã được HĐND thành phố khoá VII, nhiệm kỳ 2004 - 2009, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 03 tháng 7 năm 2008./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Bá Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 66/2008/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020

  • Số hiệu: 66/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 03/07/2008
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Bá Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/07/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản