Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/NQ-HĐND | Quảng Nam, ngày 09 tháng 12 năm 2022 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH TỔ CHỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 157/BC-ĐGS ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề về “Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh” và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất nội dung Báo cáo số 157/BC-ĐGS ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về “Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Kết quả đạt được
Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng Đề án, lấy ý kiến cử tri, Nhân dân đảm bảo theo đúng quy trình, thủ tục trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố đảm bảo đúng lộ trình đề ra. Qua sắp xếp đã góp phần tinh gọn bộ máy, tập trung đầu mối (giảm 479 thôn), giảm số lượng lớn người hoạt động không chuyên trách (giảm 4.731 người), tiết kiệm chi ngân sách (50 tỷ đồng/năm).
Cùng với việc sắp xếp, tổ chức lại quy mô, các địa phương đã kịp thời triển khai quy định về chế độ, chính sách đối với các chức danh ở thôn, tổ dân phố, đảm bảo ổn định hoạt động; tạo thuận lợi cho Nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, tư pháp do thay đổi tên gọi thôn, tổ dân phố; quản lý, sử dụng các nhà văn hóa, khu thể thao thôn dôi dư cơ bản hiệu quả. Các vướng mắc, bất cập về chức danh, chế độ, chính sách ở thôn, tổ dân phố được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, điều chỉnh, bổ sung tạo thuận lợi trong ổn định tổ chức, hoạt động thôn, tổ dân phố.
2. Những vấn đề cần quan tâm
Cùng với những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp và tổ chức, hoạt động các thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập vẫn còn một số bất cập:
Quỹ thời gian các địa phương xây dựng Đề án, lấy ý kiến cử tri, trình Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã khá gấp; số lượng thôn, tổ dân phố phải sắp xếp, sáp nhập nhiều nên có lúng túng nhất định. Tên gọi thôn, tổ dân phố mới nhiều nơi chưa phù hợp, không có ý nghĩa sâu sắc về truyền thống, văn hóa lịch sử. Các quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố nhiều lần thay đổi; quy định mức khoán quỹ phụ cấp chi trả chế độ chức danh giữa thôn và tổ dân phố (nhất là các tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn) còn bất cập. Số lượng các chức danh ở thôn, tổ dân phố khá nhiều, chế độ tăng so với trước nhưng hiệu quả hoạt động có mặt còn hạn chế. Công tác phối hợp, vai trò, trách nhiệm của từng chức danh chưa phát huy nên hiệu quả hoạt động có nơi còn hạn chế; một số địa phương cấp xã chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, giao nhiệm vụ nhiều cho thôn, tổ dân phố. Việc xây dựng phương án quản lý tài sản sau sắp xếp một số địa phương còn lúng túng.
Tiêu chí quy mô hộ gia đình theo các thông tư của Bộ Nội vụ giữa thời điểm xây dựng Đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết với thời điểm tổ chức thực hiện Nghị quyết có thay đổi nên có địa phương gặp khó khăn; một số thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập có quy mô số hộ gia đình khá lớn; có nơi không tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán dẫn đến thiếu sự gắn kết trong sinh hoạt cộng đồng… gây khó khăn trong công tác quản lý, triển khai các hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Sau sắp xếp toàn tỉnh còn 77 thôn đạt dưới 50% tiêu chuẩn, thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; có thôn, cụm dân cư nằm tách biệt, điều kiện đi lại khó khăn, phức tạp; một số địa phương chưa kịp thời xây dựng phương án quản lý, sử dụng nhà văn hóa dôi dư, do quy mô dân số tăng lên nên nhà văn hóa chưa đảm bảo diện tích, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.
3. Nguyên nhân
Các địa phương cùng lúc thực hiện nhiều chủ trương, quy định về tinh gọn bộ máy nên có phần lúng túng; công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện của các sở, ngành liên quan chưa kịp thời.
Điều kiện tự nhiên, địa hình, tính đa dạng về dân cư, phong tục tập quán cũng là những khó khăn trong xây dựng, thực hiện phương án sắp xếp để vừa giảm số lượng, vừa đảm bảo quy mô dân số hợp lý.
Quy định mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Điều 2. Để ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh
1.1. Chỉ đạo các địa phương giữ ổn định các thôn, tổ dân phố như hiện nay; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện sáp nhập, sắp xếp các thôn, tổ dân phố về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bất cập; rà soát đối chiếu quy định về quy mô số hộ gia đình ở các thôn, tổ dân phố, các trường hợp nằm tách biệt, điều kiện đi lại khó khăn, phức tạp; những nơi có nhu cầu bức thiết trong việc đổi tên thôn, tổ dân phố… báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp, đồng bộ chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đảm bảo quy mô thôn, tổ dân phố theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và tình hình thực tiễn của từng địa phương.
1.2 Trong thời gian chờ Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019, chỉ đạo không tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định liên quan đến tổ chức, chế độ chính sách các chức danh ở thôn, tổ dân phố cho đến khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.
1.3. Trường hợp Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 nhưng vẫn giữ nguyên quy định khoán quỹ phụ cấp các chức danh ở thôn, tổ dân phố theo 02 mức khoán (5,0 và 3,0 lần mức lương cơ sở) như hiện nay, tổng hợp đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh cho người hoạt động không chuyên trách ở các tổ dân phố (khối phố) có quy mô số hộ gia đình gấp 1,5 lần trở lên so với quy định để tương đồng mức phụ cấp giữa các chức danh và phù hợp với công việc ở những tổ dân phố đông dân cư.
1.4. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc phân bổ, quản lý, sử dụng và thực hiện thanh quyết toán kinh phí hoạt động ở thôn, tổ dân phố; việc chi trả chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách, người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố đảm bảo đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng khung bố trí kiêm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố phù hợp đặc thù khu vực, vùng miền theo nội dung đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 21 tháng 4 năm 2022.
1.5. Chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành về chuyển đổi thôn thành tổ dân phố đối với các xã đã thành lập đơn vị hành chính đô thị; trong quá trình thực hiện kịp thời tổng hợp các vướng mắc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
1.6. Tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập.
2. Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
2.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, quy định về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy cấp cơ sở. Phổ biến, triển khai kịp thời các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan đến tổ chức hoạt động, chính sách đối với thôn, tổ dân phố.
2.2. Rà soát, phân định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách xã với người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố phù hợp với chức năng của thôn, tổ dân phố và nhiệm vụ, công việc của các chức danh; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
2.3. Chỉ đạo bố trí, quản lý người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở thôn, tổ dân phố theo đúng quy định; khuyến khích bố trí kiêm nhiệm các chức danh đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Chỉ đạo thôn, tổ dân phố xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp và phân giao nhiệm vụ cụ thể phát huy vai trò, trách nhiệm các chi hội đoàn thể ở thôn, tổ dân phố. Kịp thời trao đổi, phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên để hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí hoạt động tạo điều kiện các thôn, tổ dân phố đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động và quản lý sử dụng theo đúng quy định pháp luật.
2.4. Xây dựng phương án quản lý, sử dụng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư; rà soát, nghiên cứu lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để có phương án quy hoạch, đầu tư, sửa chữa nhà văn hóa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 về tiến độ, kết quả thực hiện các nội dung được giao; chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định và kiến nghị của Đoàn giám sát.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nội dung liên quan theo thẩm quyền; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị qua giám sát tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
3. Các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, kỳ họp thứ mười hai thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 36/2022/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 2Quyết định 72/2022/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3Quyết định 63/2022/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 4Quyết định 17/2023/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum kèm theo Quyết định 34/2020/QĐ-UBND
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 3Thông tư 14/2018/TT-BNV sửa đổi Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
- 6Nghị quyết 11/2022/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND quy định về mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, công an viên, thôn/khối đội trưởng; mức bồi dưỡng, bồi dưỡng kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 7Quyết định 36/2022/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 8Quyết định 72/2022/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 9Quyết định 63/2022/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 10Quyết định 17/2023/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum kèm theo Quyết định 34/2020/QĐ-UBND
Nghị quyết 60/NQ-HĐND năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- Số hiệu: 60/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 09/12/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Phan Việt Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra