Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2017/NQ-HĐND

Hòa Bình, ngày 13 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC CHI BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

Xét Tờ trình số 31/TTr-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cụ thể như sau:

1. Chi công tác phí, chi tiền thuê chỗ ở nơi đến cho các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khảo sát phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội.

a) Thanh toán công tác phí: Mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác, mức khoán 200.000 đồng/ngày/người.

b) Thanh toán tiền thuê chỗ ở nơi công tác:

- Đi công tác ngoại tỉnh:

+ Đi công tác ở quận, thành phố thuộc Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và thành phố đô thị loại I thuộc tỉnh, mức khoán 450.000 đồng/người/ngày;

+ Đi công tác tại huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh, mức khoán 350.000 đồng/người/ngày;

+ Đi công tác tại các vùng còn lại, mức khoán 300.000 đồng/ngày/người.

- Đi công tác trong tỉnh:

+ Đi công tác tại Thành phố Hòa Bình, mức khoán 300.000 đồng/người/ngày;

+ Đi công tác tại Thị trấn thuộc huyện, mức khoán 250.000 đồng/người/ngày;

+ Đi công tác tại các xã còn lại, mức khoán 200.000 đồng/người/ngày.

2. Chi tổ chức hội nghị

a) Tổ chức hội nghị:

- Chi giải khát giữa giờ 20.000 đồng/1 buổi (nửa ngày)/đại biểu;

- Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời không trong danh sách trả lương của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp theo mức khoán như sau:

+ Cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành, nội thị của thành phố trực thuộc Trung ương, mức chi hỗ trợ 200.000 đồng/ngày/người;

+ Cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành, nội thị của thành phố trực thuộc tỉnh; tại các huyện, thị xã thuộc tỉnh, mức chi hỗ trợ 150.000 đồng/ngày/người;

+ Riêng cuộc họp do cấp xã tổ chức (không phân biệt địa điểm tổ chức) mức chi hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người.

b) Đối với hội nghị đối thoại, tọa đàm, hội thảo, ngoài các khoản chi theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Quy định này, được chi một số khoản sau:

- Chủ trì cuộc họp:

+ Cấp tỉnh: 150.000 đồng/người/cuộc họp;

+ Cấp huyện: 100.000 đồng/người/cuộc họp;

+ Cấp xã: 80.000 đồng/người/cuộc họp.

- Thành viên tham dự cuộc họp:

+ Cấp tỉnh: 100.000 đồng/người/cuộc họp;

+ Cấp huyện: 70.000 đồng/người/cuộc họp;

+ Cấp xã: 50.000 đồng/người/cuộc họp.

- Chi báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng:

+ Cấp tỉnh: 500.000 đồng/bài viết;

+ Cấp huyện: 300.000 đồng/bài viết;

+ Cấp xã: 100.000 đồng/bài viết.

3. Chi thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập

Trường hợp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nội dung phức tạp, thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, cần lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập, Ủy ban Mặt Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quyết định việc thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập nhưng phải có hợp đồng công việc, có sản phẩm chất lượng được thủ trưởng đơn vị phê duyệt. Số lượng chuyên gia do cơ quan chủ trì quyết định, nhưng tối đa không quá 05 chuyên gia cho nội dung cần thẩm định hoặc tư vấn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Mức chi cụ thể như sau:

- Cấp tỉnh: 1.000.000 đồng/báo cáo kết quả thẩm định hoặc tư vấn;

- Cấp huyện: 800.000 đồng/báo cáo kết quả thẩm định hoặc tư vấn;

- Cấp xã: 480.000 đồng/báo cáo kết quả thẩm định hoặc tư vấn.

4. Chi bồi dưỡng thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo Điều 1 Quy định này

a) Các thành viên chính thức của đoàn giám sát được bồi dưỡng như sau:

- Cấp tỉnh: 100.000 đồng/người/ngày;

- Cấp huyện: 80.000 đồng/người/ngày;

- Cấp xã: 50.000 đồng/người/ngày.

b) Các thành viên khác:

- Cấp tỉnh: 70.000 đồng/người/ngày;

- Cấp huyện: 50.000 đồng/người/ngày;

- Cấp xã: 40.000 đồng/người/ngày.

5. Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội (báo cáo theo định kỳ, báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội theo chuyên đề được giao)

- Văn bản kiến nghị:

+ Cấp tỉnh: 2.000.000 đồng/báo cáo hoặc văn bản (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý);

+ Cấp huyện: 1.600.000 đồng/báo cáo hoặc văn bản (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý);

+ Cấp xã: 960.000 đồng/báo cáo hoặc văn bản (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết này; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 7 năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh (CT, các PCT);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, TP;
- LĐ Văn phòng HĐND tỉnh;
- TT tin học và Công báo VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.CTHĐND (LT).

CHỦ TỊCH




Trần Đăng Ninh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 55/2017/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 55/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Trần Đăng Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản