Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2013/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 11 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015;

Qua xem xét dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 64/TTr-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về vệc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 71/BC-HĐND ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Nghị quyết về phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2015, bao gồm các mục tiêu và giải pháp chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Hàng năm giảm từ 2% đến 3% tỷ lệ tái phạm tội trong số phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù; ít nhất 60% số đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, người được đặc xá, tha tù, được bảo lãnh, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục tiến bộ tại cộng đồng dân cư.

3. Tập trung công tác phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ; phấn đấu kiềm giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội hàng năm từ 3% đến 5%; nhất là số vụ trộm cắp tài sản giảm hàng năm từ 5% đến 10%. Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, khám phá, xử lý tội phạm, nhất là các loại tội phạm nguy hiểm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Phấn đấu hàng năm đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án trên 75%; các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%.

Chủ động phòng ngừa, điều tra, xử lý các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ án kinh tế, hạn chế thiệt hại về tài sản. Hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới, hàng năm truy bắt, vận động đầu thú trên 50% số đối tượng truy nã.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân, mà nòng cốt là lực lượng Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là chính quyền và công an cấp cơ sở.

2. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ, tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật; giáo dục, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm.

3. Tiếp tục phát động, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, giám sát, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế, kế hoạch liên tịch, liên ngành đã ký kết giữa Công an với các ngành, đoàn thể trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp ngăn ngừa tội phạm trong gia đình, nhà trường và xã hội. Củng cố, xây dựng các tổ dân phố, các Tổ dân cư tự quản, các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở với đội ngũ cốt cán hoạt động có nền nếp, hiệu quả, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức quản lý, giáo dục, cảm hóa những người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang... từng bước đưa công tác phòng, chống tội phạm trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cấp xã. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, phong trào phòng, chống tội phạm có hiệu quả.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; kịp thời đôn đốc, kiểm tra, thanh tra nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình tội phạm và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ở địa phương mình. Địa phương nào để tình hình tội phạm xảy ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý hoặc ngoài tầm xử lý mà không báo cáo cấp trên để hỗ trợ, xử lý thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình tội phạm và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ở địa phương mình. Chính quyền cơ sở phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người có tiền án, tiền sự để họ ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng trở thành người công dân tốt cho xã hội. Xử lý hành chính bằng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

5. Phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, hạn chế số người thất nghiệp, thiếu việc làm; thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh - ã hội, hạn chế số người thất nghiệp, thiếu việc làm, tạo nơi vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh, thiếu niên... để chủ động phòng ngừa các đối tượng phạm tội lợi dụng, lôi kéo, thanh thiếu niên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

6. Ngành Công an phải thực hiện tốt công tác phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, từng bước kiềm chế, làm giảm tội phạm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan chủ động phòng ngừa, giảm thiểu điều kiện phát sinh tội phạm.

7. Thực hiện lồng ghép chặt chẽ việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với các chương trình kinh tế, xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng ở từng cơ quan, đơn vị, từng địa bàn dân cư. Gắn chặt thực hiện công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, cơ sở.

8. Ủy ban nhân dân các cấp phải bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống tội phạm tại địa phương mình. Tăng cường phương tiện, kinh phí cho các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.

9. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh để thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ngay tại địa bàn cơ sở.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Định kỳ hàng năm sơ kết việc tổ chức thực hiện.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, vận động theo hội, theo giới nhằm góp phần phòng, chống tội phạm có hiệu quả, đảm bảo ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 29/2012/NQ-HĐND ngày 5/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2012 - 2015.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Danh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 53/2013/NQ-HĐND phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2015

  • Số hiệu: 53/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản