Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2021/NQ-HĐND

Lâm Đồng, ngày 08 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHI TIÊU BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG NHIỆM KỲ 2021-2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân;

Xét Tờ trình số 540/TTr-KTNS ngày 29 tháng11 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026.

Điều 2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Điều 3.

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo quy định của pháp luật.

2. Nghị quyết số 46/2017/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa IX Kỳ họp thứ 3 ban hành Quy định một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tại tỉnh Lâm Đồng hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa X Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 12 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH;
- Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế);
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng;
- Đại biểu HĐND tỉnh Khoá X;
- VP: TU, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- TT tích hợp DL và chuyển đổi số tỉnh;
- TT Công báo - Tin học tỉnh;
- TT Lưu trữ lịch sử tỉnh;
- Trang TTĐT HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, HS kỳ họp.

CHỦ TỊCH




Trần Đức Quận

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHI TIÊU BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG NHIỆM KỲ 2021-2026
(Kèm theo Nghị quyết số 48/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, từ nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Các chế độ chi tiêu không quy định tại Quy định này thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Căn cứ nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Quy định này, định mức phân bổ kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện và Hội đồng nhân dân cấp xã tại khoản 4 Điều 12 và khoản 1 Điều 14 Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên ở địa phương giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 04 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng và điều kiện, tình hình thực tế, khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố ban hành Quy chế chi tiêu kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương, nhưng không vượt quá mức chi quy định tại Quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác tham gia hoặc phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chương II

CHẾ ĐỘ CHI TIÊU KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 3. Chi tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chi trang trí hội trường; in ấn tài liệu: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

2. Chi cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, khách mời tham dự kỳ họp và người phục vụ:

a) Chủ tọa; điều hành kỳ họp: 200.000 đồng/người/buổi;

b) Thư ký kỳ họp: 150.000 đồng/người/buổi;

c) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; khách mời tham dự kỳ họp: 120.000 đồng/người/buổi;

d) Người phục vụ: 100.000 đồng/người/buổi;

đ) Trường hợp kỳ họp tổ chức vào các ngày nghỉ hàng tuần (thứ Bảy, Chủ nhật), thực hiện mức chi bằng 02 lần mức chi quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này.

3. Chi nước uống, giải khát giữa giờ: 30.000 đồng/người/buổi.

4. Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, khách mời tham dự kỳ họp và người phục vụ: 300.000 đồng/người/ngày.

Đối với kỳ họp sơ kết, tổng kết nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh, thực hiện mức hỗ trợ tiền ăn bằng 02 lần mức chi quy định tại khoản 4 Điều này.

5. Chi thuê phòng nghỉ cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, khách mời tham dự kỳ họp và lái xe (nếu có) theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng quy định mức chi công tác phí và mức chi hội nghị tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND).

6. Chi xây dựng các văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trình kỳ họp (không bao gồm văn bản thuộc hồ sơ dự thảo Nghị quyết được các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra trình kỳ họp theo quy định): 500.000 đồng/văn bản.

7. Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại kỳ họp: 1.000.000 đồng/báo cáo.

8. Chi chỉnh lý, rà soát kỹ thuật, hoàn thiện nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp; chỉnh lý biên bản kỳ họp: 200.000 đồng/văn bản.

9. Trường hợp cần thiết phải làm thêm giờ phục vụ kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động chuyên trách và công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được thanh toán tiền lương làm thêm giờ. Mức thanh toán tiền lương làm thêm giờ thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 4. Chi hoạt động thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chi tổ chức họp thẩm tra:

a) Chủ trì cuộc họp:

- Báo cáo: 150.000 đồng/người/buổi;

- Dự thảo nghị quyết: 150.000 đồng/người/biên bản thẩm tra.

b) Đại biểu tham dự cuộc họp theo giấy mời:

- Báo cáo: 100.000 đồng/người/buổi;

- Dự thảo nghị quyết: 100.000 đồng/người/biên bản thẩm tra.

c) Đại biểu mời nhưng không tham dự và đã gửi ý kiến tham luận bằng văn bản: 100.000 đồng/văn bản;

d) Người phục vụ: 70.000 đồng/người/buổi;

đ) Chi nước uống, giải khát giữa giờ: 20.000 đồng/người/buổi.

2. Chi in ấn tài liệu: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

3. Chi xây dựng báo cáo thẩm tra: 500.000 đồng/báo cáo.

4. Chi hỗ trợ tiền ăn cho thành viên các Ban là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đang công tác tại các huyện tham dự thẩm tra và lái xe (nếu có): 200.000 đồng/người/ngày.

5. Chi thuê phòng nghỉ cho thành viên các Ban là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đang công tác tại các huyện tham dự thẩm tra và lái xe (nếu có) theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND.

6. Trường hợp cần thiết phải làm thêm giờ phục vụ hoạt động thẩm tra, thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được thanh toán tiền lương làm thêm giờ. Mức thanh toán tiền lương làm thêm giờ thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 5. Chi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Hỗ trợ kinh phí để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện thành phố tổ chức các điểm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh: 2.000.000 đồng/điểm tiếp xúc cử tri.

2. Cấp kinh phí hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh: 200.000 đồng/người/điểm tiếp xúc cử tri;

b) Công chức, người lao động tham gia phục vụ tiếp xúc cử tri: 150.000 đồng/người/điểm tiếp xúc cử tri.

3. Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri: 500.000 đồng/báo cáo.

Chương III

CHẾ ĐỘ CHI TIÊU HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, KHẢO SÁT

Điều 6. Chi hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chi xây dựng quyết định thành lập Đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo giám sát để cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo: 1.000.000 đồng/bộ văn bản.

2. Chi in ấn tài liệu: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

3. Chi tổ chức họp Đoàn giám sát, Tổ giám sát; chỉ làm việc với cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát (ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành):

a) Trưởng Đoàn giám sát; Phó trưởng Đoàn giám sát (khi được phân công là Tổ trưởng Tổ giám sát hoặc chủ trì cuộc họp, buổi làm việc): 150.000 đồng/người/buổi;

b) Thành viên Đoàn giám sát, Tổ giám sát; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh mời tham dự giám sát; thành viên Tổ tham mưu, giúp việc cho Đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/buổi;

c) Người phục vụ Đoàn giám sát: 70.000 đồng/người/buổi.

4. Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát: 800.000 đồng/báo cáo.

5. Chi xây dựng thông báo hoặc nghị quyết về kết luận giám sát: 400.000 đồng/thông báo hoặc nghị quyết.

Điều 7. Chi hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chi xác minh, thu thập thông tin việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri: 50.000 đồng/người/buổi.

2. Chi xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri: 500.000 đồng/báo cáo.

3. Trường hợp tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, thực hiện mức chi quy định tại Điều 6 Quy định này.

Điều 8. Chi hoạt động khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh

Mức chi hoạt động khảo sát bằng 70% mức chi hoạt động giám sát chuyên đề quy định tại Điều 6 Quy định này.

Điều 9. Chi hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chi xây dựng quyết định thành lập Đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo giám sát để cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo: 700.000 đồng/bộ văn bản.

2. Chi in ấn tài liệu: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

3. Chi tổ chức họp Đoàn giám sát; chi làm việc với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát (ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành):

a) Trưởng Đoàn giám sát: 150.000 đồng/người/buổi;

b) Thành viên Đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/buổi.

4. Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát: 550.000 đồng/báo cáo.

5. Chi xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri: 350.000 đồng/báo cáo.

Chương IV

CHẾ ĐỘ CHI TIÊU BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, CÁC BAN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 10. Chi tổ chức phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chi trang trí hội trường; in ấn tài liệu: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

2. Chi cho đại biểu, khách mời tham dự phiên họp và người phục vụ:

a) Chủ tọa phiên họp: 150.000 đồng/người/buổi;

b) Đại biểu, khách mời tham dự phiên họp: 100.000 đồng/người/buổi;

c) Người phục vụ: 70.000 đồng/người/buổi.

3. Chi nước uống, giải khát giữa giờ: 30.000 đồng/người/buổi.

Điều 11. Chi hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo

1. Chi tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo cơ quan, tổ chức tham dự tiếp công dân: 100.000 đồng/người/ngày;

b) Người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại trụ sở tiếp dân: 50.000 đồng/người/ngày;

c) Chi xây dựng thông báo kết quả tiếp công dân: 400.000 đồng/văn bản.

2. Cán bộ, công chức được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Hội đồng nhân dân tỉnh: 50.000 đồng/người/ngày.

Điều 12. Chi tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh với Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dàn tỉnh với Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện được tổ chức mỗi năm 02 lần, với các mức chi:

1. Chi trang trí hội trường; in ấn tài liệu: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

2. Chi nước uống, giải khát giữa giờ: 30.000 đồng/người/buổi.

3. Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu tham dự Hội nghị và người phục vụ: 200.000 đồng/người/ngày.

4. Chi thuê phòng nghỉ cho đại biểu tham dự Hội nghị và người phục vụ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND.

Điều 13. Chi họp, hội nghị, tiếp khách của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh

Tùy điều kiện, tình hình thực tế và mối quan hệ đối ngoại, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tham mưu Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị và tiếp đón các đoàn khách trong, ngoài tỉnh đến thăm, làm việc tại địa phương đảm bảo thực hành tiết kiệm, phù hợp với chế độ quy định hiện hành.

Điều 14. Chi thăm hỏi của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Các đối tượng chính sách, xã hội; các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đến thăm hỏi và tặng quà với mức tối đa không quá 5.000.000 đồng/lần đối với tập thể, không quá 1.000.000 đồng/lần đối với cá nhân.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tặng quà lưu niệm khi nghỉ hưu, chuyển công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân tỉnh. Mức chi cụ thể do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

3. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thăm hỏi khi ốm đau nằm viện với mức chi không quá 1.000.000 đồng/người/lần, không quá 5.000.000 đồng/người/lần trong trường hợp bị bệnh hiểm nghèo.

4. Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ (hoặc chồng); vợ (hoặc chồng); con của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đương nhiệm và của công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thăm hỏi khi ốm đau nằm viện với mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần, không quá 2.000.000 đồng/người/lần trong trường hợp bị bệnh hiểm nghèo.

5. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phúng viếng các trường hợp từ trần sau:

a) Người từ trần là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ (hoặc chồng); vợ (hoặc chồng); con của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đương nhiệm và của công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh: Lễ viếng gồm 01 vòng hoa kèm theo tiền phúng điếu không quá 1.000.000 đồng;

b) Người từ trần là lãnh đạo; cha, mẹ đẻ; vợ (hoặc chồng); con của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện: Lễ viếng gồm 01 vòng hoa kèm theo tiền phúng điếu không quá 1.000.000 đồng;

c) Các trường hợp đặc biệt khác: Lễ viếng do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

6. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thăm hỏi và trợ cấp khó khăn không quá 5.000.000 đồng/người.

7. Việc chi thăm hỏi đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này không quá 02 lần/người/năm.

Điều 15. Chi phát hành Bản tin hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh

Bản tin hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh (gọi tắt là Bản tin) phát hành mỗi quý 01 số, với các mức chi:

1. Chi in ấn: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

2. Chi tiền nhuận bút: Tiền nhuận bút đối với tác phẩm được đăng trên Bản tin được xác định bằng hệ số nhuận bút nhân (x) với hệ số 0,1 mức lương cơ sở hiện hành.

Hệ số nhuận bút của tác phẩm được xác định trên cơ sở hệ số nhuận bút tối đa và kết quả đánh giá của Ban biên tập về chất lượng tác phẩm đó.

Hệ số nhuận bút tối đa của từng thể loại tác phẩm như sau:

a) Tin, trả lời bạn đọc: Hệ số nhuận bút tối đa bằng 4,0;

b) Tranh, ảnh: Hệ số nhuận bút tối đa bằng 3,0;

c) Bài (phản ánh, phân tích, phóng sự, điều tra, ký sự, tường thuật, gương người tốt việc tốt...): Hệ số nhuận bút tối đa bằng 6,0;

d) Tác phẩm nghiên cứu: Hệ số nhuận bút tối đa bằng 8,0;

đ) Tác phẩm văn học, nghệ thuật: Hệ số nhuận bút tối đa bằng 5,0;

e) Tác phẩm khác (tổng hợp kết quả khảo sát, giám sát; kết luận hội nghị, hội thảo, kỳ họp...): Hệ số nhuận bút tối đa bằng 4,0.

Riêng bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh được trích đăng trên Bản tin, áp dụng mức chi nhuận bút tối đa không quá 500.000 đồng/bài.

3. Chi thù lao cho Ban biên tập và những người thực hiện các công việc liên quan đến Bản tin tối đa không quá 50% tổng số tiền nhuận bút phải trả và được phân phối như sau:

a) Thù lao cho Ban biên tập: Bằng 60% tổng số tiền thù lao;

b) Thù lao cho những người thực hiện các công việc liên quan (Tổ thư ký, bộ phận chế bản, lên maket thiết kế, thanh quyết toán chi phí...): Bằng 40% tổng số tiền thù lao.

Chương V

CHẾ ĐỘ CHI TIÊU BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 16. Chi hoạt động phí và tiền công lao động cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

Hoạt động phí và tiền công lao động cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hoạt động phí và tiền công lao động được chi trả 6 tháng một lần.

Điều 17. Cung cấp báo chí, tài liệu và thông tin cần thiết cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được cấp báo Đại biểu nhân dân; được khoán cước phí internet với mức 100.000 đồng/người/tháng để nhận tài liệu gửi qua hộp thư điện tử công vụ, khai thác thông tin cần thiết phục vụ nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc chi khoán cước phí internet được thực hiện 6 tháng một lần.

2. Đầu nhiệm kỳ, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được cấp 01 thiết bị chuyên dùng để phục vụ hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 18. Cấp tiền may lễ phục

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được cấp tiền may lễ phục vào đầu nhiệm kỳ với mức 8.000.000 đồng/người/nhiệm kỳ.

2. Công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được cấp hỗ trợ tiền may lễ phục với mức 5.000.000 đồng/người/nhiệm kỳ.

Điều 19. Chế độ khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu hàng năm

Ngoài các chế độ được hưởng theo tiêu chuẩn chức danh hiện hành (nếu có), đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được cấp kinh phí để tự thực hiện chế độ khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ và nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu hàng năm với mức 3.000.000 đồng/người/năm.

Riêng năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh (không bao gồm đại biểu tái cử) được cấp kinh phí với mức 1.500.000 đồng/người.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Điều khoản thi hành

1. Hằng năm, căn cứ các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và chế độ chi tiêu tại Quy định này, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phân bổ, giao dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh; tham mưu, giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quản lý, điều hành dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan.

2. Trong quá trình thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ trưởng các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời báo cáo, phản ánh để Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét theo đúng quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 48/2021/NQ-HĐND quy định về chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026

  • Số hiệu: 48/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Đức Quận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản