Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/NQ-HĐND

Cần Giờ, ngày 14 tháng 10 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 25-NQ/HU NGÀY 03/12/2018 CỦA HUYỆN ỦY GẮN VỚI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 38/2018/QĐ-UBND NGÀY 22/10/2018 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN

HỘT ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ HAI

(Ngày 07 tháng 10 năm 2021)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân huyện về chương trình hoạt động giám sát năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân huyện về thành lập Đoàn giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Huyện ủy gắn với thực hiện Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố;

Qua xem xét Báo cáo số 136/BC-HĐND ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện về kết quả giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Huyện ủy gắn với thực hiện Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo số 136/BC-HĐND ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện về kết quả giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Huyện ủy gắn với thực hiện Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố. Hội đồng nhân dân huyện ghi nhận kết quả giám sát đối với Ủy ban nhân dân huyện, cụ thể như sau:

1. Mặt được:

- Ủy ban nhân dân huyện triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Huyện ủy gắn với thực hiện Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố, qua đó tỷ lệ thu giá dịch vụ theo Quyết định số 38/QĐ-UBND thành phố đạt được gần 95%; đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom chất thải rắn trên địa bàn, tăng thu nhập cho công nhân thu gom rác và tăng nguồn thu cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích (so với năm 2019); trích nộp ngân sách 315.547.952 đồng.

- Đến nay đã hoàn thành đầu tư 98 công trình (xóa 60 điểm ngập và 38 điểm ô nhiễm môi trường); xóa 65 điểm ô nhiễm về rác thải, chuyển hóa 05 điểm đen về rác thải thành sân chơi cho thiếu nhi; 100% rác thải y tế được thu gom, xử lý đúng quy định; 07/7 xã, thị trấn đạt danh hiệu “Xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch”; 33/33 ấp, khu phố đạt danh hiệu “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”; duy trì hoạt động 07/7 Tổ xung kích vì môi trường trên địa bàn các xã, thị trấn (192 người), 42 tổ tự quản, 31 Câu lạc bộ về bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân xã Thạnh An được mở rộng mạng lưới thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn ấp Thiềng Liềng.

- Có sự quan tâm, đôn đốc Ủy ban nhân dân thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của huyện; tích cực chỉ đạo các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Tồn tại, hạn chế

- Mô hình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn xã Thạnh An chưa được đông đảo người dân hưởng ứng; việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilông bằng các loại giỏ, túi thân thiện môi trường chưa được các tiểu thương và các hộ gia đình hưởng ứng tích cực.

- Việc bố trí địa điểm tập kết rác đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn huyện còn chậm (đến nay chưa di dời được điểm tập kết rác tại Nhà Văn hóa ấp Bình Phước, xã Bình Khánh). Số lượng thùng rác công cộng chưa đáp ứng nhu cầu; một số vị trí đặt thùng rác chưa hợp lý.

- Công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường còn hạn chế. Tình trạng người dân nuôi gia súc thả rong gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan đô thị tại các khu dân cư tập trung, nơi công cộng chưa được khắc phục triệt để.

- Chất lượng dịch vụ thu gom chất thải rắn tại nguồn một số nơi chưa đạt yêu cầu; nguồn thu của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích chưa đáp ứng được nhu cầu trang bị phương tiện, thùng rác để phục vụ tốt hơn công tác thu gom chất thải rắn trên địa bàn.

- Một bộ phận nhỏ người dân còn hạn chế trong ý thức chấp hành bảo vệ môi trường; vẫn còn tình trạng lấn chiếm kênh rạch, vứt rác gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường.

- Việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh thông qua ứng dụng Cần Giờ trực tuyến chưa hiệu quả.

- Đến nay các Tổ xung kích, Tổ tự quản môi trường chưa được hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động.

- Chưa thực hiện các chính sách miễn giảm đóng giá dịch vụ thu gom rác đối với các hộ thuộc diện hộ nghèo khó khăn đặc biệt, gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo neo đơn (hiện có 107 hộ).

b) Nguyên nhân:

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, chưa sâu rộng trong nhân dân.

+ Việc bố trí địa điểm tập kết rác đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị còn chậm.

+ Công tác phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế; chưa có giải pháp hữu hiệu thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường.

+ Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chủ yếu là thủ công, thô sơ nên chưa đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ cũng như cải tiến được phương thức thu gom rác.

- Nguyên nhân khách quan:

+ Địa bàn huyện rộng, dân cư sinh sống rải rác, không tập trung nên việc thu gom rác để xử lý khó thực hiện (nhất là đối với các hộ sống ngoài đồng ruộng, xa khu dân cư).

+ Ý thức của một số hộ dân về thực hiện bảo vệ môi trường và tham gia đóng phí dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn hạn chế.

+ Mặc dù giá thành sản phẩm thân thiện môi trường trên địa bàn xã Thạnh An được tài trợ, tuy nhiên giải pháp chính chủ yếu là vận động người dân sử dụng, không có giải pháp bắt buộc. Bên cạnh đó, các sản phẩm thân thiện môi trường chưa đa dạng, chưa phù hợp phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày của các hộ dân và hộ kinh doanh.

+ Ứng dụng phần mềm Cần Giờ trực tuyến thường xuyên bị lỗi cài đặt trên các thiết bị di động; không đảm bảo tích hợp quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân, mặt khác việc hỗ trợ cập nhật và sửa lỗi phần mềm của đơn vị cung cấp chưa kịp thời.

Điều 2. Để tiếp tục đảm bảo việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Huyện ủy gắn với thực hiện Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố đạt hiệu quả trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân huyện tập trung thực hiện các giải pháp sau:

1. Trên cơ sở các chỉ tiêu chưa hoàn thành, các hạn chế trong thực hiện Kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11 tháng 6 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021; đồng thời tiếp tục thực hiện Quyết định số 4251/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Đề án xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường trên địa bàn huyện.

2. Khẩn trương điều chỉnh quy chế quản lý thùng rác; theo đó giao Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện trang bị thùng rác và đảm bảo công tác quản lý, sử dụng thùng rác đúng quy định; giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế quản lý, sử dụng thùng rác đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích huyện.

3. Khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ di dời các điểm tập kết rác không phù hợp; tiếp tục đầu tư nâng cấp điểm tập kết rác đảm bảo theo quy chuẩn; đảm bảo có địa điểm tập kết rác cồng kềnh và kịp thời trang bị thùng rác công cộng đảm bảo mỹ quan đô thị. Tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường thực hiện chuyển hóa các điểm ô nhiễm môi trường thành các công trình xanh sạch đẹp trên địa bàn.

4. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực hiện kế hoạch “Không sử dụng túi ni lông trên địa bàn xã Thạnh An”; theo đó, đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ thực hiện các nội dung theo kế hoạch, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện, phấn đấu tập trung các nguồn lực xã hội hóa tham gia thực hiện Chương trình một cách có hiệu quả.

5. Tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với người dân về lĩnh vực môi trường, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhân dân, đồng thời tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thu gom chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn huyện.

6. Rà soát xây dựng quy định quản lý kênh rạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ dân lấn chiếm kênh rạch, vứt rác gây tắt nghẽn dòng chảy và ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện; các hộ sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện có hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 4, Điều 20 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ.

7. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa các phương tiện (camera) trang bị tại các điểm nóng về môi trường; đầu tư, nâng cấp ứng dụng Cần Giờ trực tuyến để tăng cường giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường.

8. Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch ưu tiên bố trí vốn cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong kế hoạch ngân sách năm 2021; tham mưu kinh phí phân bổ trang bị thùng rác công cộng hàng năm cho Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; kinh phí hoạt động cho 07/7 Tổ xung kích, Tổ tự quản môi trường trên địa bàn 07 xã, thị trấn; kinh phí, chính sách miễn (giảm) giá dịch vụ thu gom rác cho 107 hộ thuộc diện hộ nghèo khó khăn đặc biệt, gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo neo đơn trên địa bàn huyện và kinh phí hỗ trợ Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích đầu tư phương tiện phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (trích từ nguồn ngân sách mà Công ty đã nộp từ thu giá dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt năm 2020 và quý I năm 2021).

9. Chỉ đạo Phòng Kinh tế nghiên cứu mô hình nuôi hàu có hiệu quả và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng môi trường.

10. Chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn huyện, xã, thị trấn đảm bảo công tác ký kết hợp đồng giao rác đối với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện.

11. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quyết định số 12/2019 ngày 17/5/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố.

12. Tiếp tục kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số nội dung của huyện Cần Giờ, cụ thể:

- Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn trình tự, thủ tục, có ý kiến thẩm định về chuyên môn, hồ sơ kỹ thuật, công nghệ của dự án đầu tư khu xử lý rác 100 tấn/ngày trên địa bàn huyện Cần Giờ (theo Công văn số 836/UBND-ĐT ngày 12/3/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố). Tham mưu cơ chế hỗ trợ kinh phí cho Tổ xung kích bảo vệ môi trường trên địa bàn 7 xã, thị trấn (07 tổ với 192 người) theo Công văn số 1860/UBND ngày 23/4/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ.

- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu chủ trương đầu tư lò đốt rác sinh hoạt quy mô 5 tấn/ngày trên địa bàn xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

- Chỉ đạo Sở Tài chính thành phố tham mưu bổ sung cấp bù kinh phí thu gom rác cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Cần Giờ từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

13. Kiến nghị Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đăng ký công trình bảo vệ môi trường hàng năm của các chi, đảng bộ cơ sở.

Điều 3: Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân huyện giao Ủy ban nhân dân huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; báo cáo kết quả tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 của Hội đồng nhân dân huyện.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân huyện giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ khóa XI, kỳ họp thứ Hai thông qua ngày 07 tháng 10 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực HĐND thành phố;
- Thường trực UBND thành phố;
- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND.TP;
- Văn phòng UBND thành phố;
- Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thường trực Huyện ủy - HĐND - UBND huyện;
- Văn phòng Huyện ủy;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện;
- Các Ban, Tổ đại biểu HĐND huyện;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện;
- Thủ trưởng các phòng, ban huyện;
- Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện;
- TTVH - Thể thao và Truyền thông huyện;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN các xã, thị trấn;
- Trang Thông tin điện tử huyện;
- VP: CVP, PVP/TH;
- Lưu: VT, H.

CHỦ TỊCH




Lê Minh Dũng