Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 06 tháng 4 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÂN BỔ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG CÁT VEN BIỂN TỈNH BÌNH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA X, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 29 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước;

Xét Tờ trình số 639/TTr-UBND ngày 13 ngày 02 tháng 2018 của UBND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm quy hoạch:

- Phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ và góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh nói chung và vùng quy hoạch nói riêng.

- Việc quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước dưới đất phải bảo đảm không vượt quá giới hạn khả năng khai thác nguồn nước, đồng thời đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa các ngành, tổ chức, cá nhân dùng nước; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, phát triển sản xuất các ngành có công nghệ sản xuất ít tiêu tốn nước, ngành nông nghiệp có giá trị cao. Các ngành sản xuất sử dụng nhiều nước phải sử dụng các nguồn nước mưa, nước mặt.

- Khai thác nước dưới đất phải gắn liền với bảo vệ nguồn nước, phòng, chống và khắc phục suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, nhất là phòng, chống ô nhiễm cho các tầng chứa nước nông, phòng, chống xâm nhập mặn từ nước biển, từ các tầng chứa nước nằm liền kề khi khai thác quá ngưỡng cho phép.

- Phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các cơ quan chức năng và của toàn xã hội trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do ô nhiễm nguồn nước gây ra.

2. Mục tiêu quy hoạch:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm xác định các vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết, định hướng tổng thể và giải pháp thực hiện đảm bảo đến năm 2020 về cơ bản hoàn thiện khung pháp lý để quản lý khai thác, bố trí các công trình khai thác nước dưới đất bảo đảm không vượt quá giới hạn khai thác, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và môi trường nước, đảm bảo cho việc phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương vùng quy hoạch.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu phân bổ nước dưới đất:

Xây dựng giải pháp quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong vùng cát ven biển, khai thác nước dưới đất không vượt quá giới hạn khai thác đảm bảo lượng khai thác ổn định lâu dài. Đặc biệt ưu tiên giải quyết đối với vùng có nguy cơ mất cân bằng về nhu cầu đáp ứng của nguồn nước dưới đất, ưu tiên cho nước sinh hoạt và các ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao.

b) Mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước dưới đất gây ra:

- Bảo vệ về số lượng: Để bảo vệ các tầng chứa nước trong vùng quy hoạch và các vùng phụ cận đảm bảo khai thác hiệu quả, ổn định nguồn nước dưới đất với tổng lượng khai thác không vượt quá giới hạn về khả năng khai thác của nguồn nước. Đặc biệt ưu tiên giải quyết những vùng có nguy cơ mất cân bằng nhu cầu và khả năng đáp ứng của nguồn nước.

- Bảo vệ chất lượng: Ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất tại các khu đô thị, các khu vực phát triển công nghiệp có hạ tầng thoát nước chưa hoàn chỉnh; giảm thiểu mức độ và khả năng lan rộng phạm vi ô nhiễm nước dưới đất tại các khu vực ô nhiễm đã được xác định. Phòng, chống xâm nhập mặn đối với nước dưới đất.

3. Nội dung chính của quy hoạch:

3.1. Đánh giá tiềm năng nước dưới đất:

Trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất (nước nhạt) toàn vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận là 1.563.301 m3/ngày. Trong đó:

- Tầng chứa nước Holocen (qh) có trữ lượng khai thác tiềm năng là 379.919 m3/ngày.

- Tầng chứa nước Pleistocen (qp) có trữ lượng khai thác tiềm năng là 1.051.941 m3/ngày.

- Tầng chứa nước Bazan có trữ lượng khai thác tiềm năng là 27.375 m3/ngày.

- Tầng chứa nước Jura giữa (j2) có trữ lượng khai thác tiềm năng là 74.066 m3/ngày.

3.2. Phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất:

- Giá trị ngưỡng khai thác nước dưới đất trong toàn vùng quy hoạch (tính chung cho cả diện tích thuộc từng vùng đã nêu) là 384.540 m3/ngày, trong đó:

+ Phần diện tích thuộc địa bàn Huyện Tuy Phong: 24.223 m3/ngày;

+ Phần diện tích thuộc địa bàn Huyện Bắc Bình: 147.075 m3/ngày;

+ Phần diện tích thuộc địa bàn TP. Phan Thiết: 11.332 m3/ngày;

+ Phần diện tích thuộc địa bàn Huyện Hàm Thuận Bắc: 64.692 m3/ngày;

+ Phần diện tích thuộc địa bàn Huyện Hàm Thuận Nam: 83.391 m3/ngày;

+ Phần diện tích thuộc địa bàn thị xã La Gi: 11.507 m3/ngày;

+ Phần diện tích thuộc địa bàn Huyện Hàm Tân: 42.324 m3/ngày.

- Dải cát ven biển có diện tích khoảng 750 km2 hạn chế khai thác nước dưới đất với lưu lượng không vượt quá 28.200 m3/ngày.

- Giới hạn tối đa của số giếng hay lỗ khoan: 7.187.

- Lưu lượng khai thác tối đa tại 1 giếng hay lỗ khoan, thông thường từ 40 m3/ngày đến 80 m3/ngày, cá biệt một số nơi có thể khai thác đến 172 m3/ngày.

- Trị số hạ thấp mực nước cho phép tối đa tại giếng hay lỗ khoan: Từ 3m đến 15m.

4. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch:

4.1. Nhiệm vụ:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

- Phát triển mạng lưới cấp nước tập trung đáp ứng đủ nhu cầu cho các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước và xử lý nước thải theo kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020 đã được phê duyệt.

- Đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội đến tài nguyên nước dưới đất.

- Điều tra, đánh giá tác động những nguồn có khả năng gây ô nhiễm chất lượng nước dưới đất, nguy cơ xâm nhập mặn và đề xuất giải pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, kể cả các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.

- Kiểm kê tài nguyên nước, điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất; hiện trạng giếng hư hỏng, không sử dụng và tổ chức trám lấp.

4.2. Giải pháp:

a) Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý tài nguyên nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, tập trung vào cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo việc phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra theo quy hoạch đã đề xuất.

- Xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nguồn nước giữa các địa phương lân cận, giữa các ngành, địa phương có liên quan trong tỉnh.

- Kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước đồng bộ từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã.

b) Giải pháp tăng cường công tác quản lý:

- Tăng cường công tác quản lý, cấp phép, đăng ký, thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất, khai thác nước dưới đất từ các mạch nước lộ tự nhiên.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do nước gây ra.

- Tổ chức thực hiện việc điều tra hiện trạng, trám lấp giếng hư, hỏng không sử dụng nhằm ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất, nguy cơ xâm nhập mặn.

c) Giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ:

- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong công tác quản lý tài nguyên nước như: Ứng dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, các mô hình tính toán tiềm năng tài nguyên nước dưới đất như Visual Modflow, GMS; tính toán ô nhiễm nước dưới đất như: RiscWorkbench, kỹ thuật GIS, Mapinfo,… Tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ mới trong đánh giá, giám sát tài nguyên nước.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; xây dựng một số mô hình dòng ngầm (với hệ thống lỗ khoan điều tra, quan trắc thực địa nhằm cung cấp dữ liệu để xây dựng và vận hành các mô hình số về dòng ngầm như Visual Modflow hay GMS).

- Tăng cường đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước.

d) Giải pháp sử dụng tiết kiệm nước:

- Sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất. Đối với sản xuất nông nghiệp, khuyến khích việc sử dụng các quy trình tưới tiết kiệm nước hoặc chọn những giống cây trồng ít tiêu hao nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế.

- Đối với sản xuất công nghiệp, khuyến khích việc sử dụng các quy trình tuần hoàn để giảm lượng nước tiêu hao.

- Nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm của người dân trong sinh hoạt hàng ngày.

đ) Giải pháp tài chính:

- Xây dựng đề án huy động các nguồn lực để bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh, trước mắt huy động vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả Trung ương và địa phương; các giai đoạn tiếp theo huy động nguồn vốn từ các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức quốc tế và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Từng bước thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước.

- Tranh thủ tối đa các nguồn vốn tài trợ của Trung ương, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong công tác quản lý tài nguyên nước. Hàng năm tỉnh trích một phần ngân sách để triển khai thực hiện.

- Đổi mới giải pháp huy động nguồn tài chính của cộng đồng, lấy xã hội hóa nguồn tài chính làm trọng tâm: Vận động và tổ chức, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân, của các thành phần kinh tế và toàn xã hội đầu tư vào việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; phát huy nội lực người sử dụng đóng góp một phần chi phí xây dựng và toàn bộ chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng và quản lý công trình khai thác tài nguyên nước. Mặt khác, Nhà nước có thể cho phép các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước được kinh doanh nước sạch với giá hợp lý.

- Các nguồn vốn có thể huy động cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Bình Thuận bao gồm: ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, nguồn tài trợ, các nguồn thu từ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,...

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này; tiếp thu ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, hoàn chỉnh Đề án quy hoạch, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi phê duyệt.

Định kỳ, Ủy ban nhân dân tỉnh giao cơ quan chức năng theo dõi, giám sát chất lượng, trữ lượng tài nguyên nước dưới đất; trường hợp có sự thay đổi các chỉ tiêu chủ yếu của Quy hoạch và Nghị quyết, UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định sau khi lấy ý kiến đại biểu HĐND tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp bất thường thông qua ngày 28 tháng 3 năm 2018./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 47/NQ-HĐND năm 2018 về thông qua Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 47/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản