Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 45/2017/QH14 | Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2017 |
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 35/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế “Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thành lập Đoàn giám sát
1. Thành lập Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” và phân công:
- Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát;
- Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn thường trực;
- Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn;
- Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn.
2. Thành phần Đoàn giám sát và Kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát, các cơ quan, cá nhân có liên quan
1. Trưởng Đoàn giám sát chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát; dự kiến danh sách Ủy viên Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Đoàn giám sát có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2018; trình báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5.
4. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giúp Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.
5. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội giúp Đoàn giám sát về xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.
6. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và yêu cầu của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề nói trên tại địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày Quốc hội thông qua.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2017.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
“VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀ CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 – 2016”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 45/2017/QH14 của Quốc hội)
I. THÀNH VIÊN ĐOÀN GIÁM SÁT
1. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn;
2. Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực;
3. Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn;
4. Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn;
5. 05 Ủy viên là Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
6. 03 Ủy viên là Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội;
7. 08 Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện Thường trực các Ủy ban: Pháp luật, Tư pháp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, về các vấn đề Xã hội, Quốc phòng và An ninh, Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Đối ngoại của Quốc hội (mỗi cơ quan 01 người);
8. 05 Ủy viên là đại biểu Quốc hội am hiểu về nội dung chuyên đề giám sát;
9. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát.
II. ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA ĐOÀN GIÁM SÁT
1. 01 Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
2. 01 Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
3. 05 chuyên gia về lĩnh vực giám sát do Đoàn giám sát quyết định.
“VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀ CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 – 2016”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 45/2017/QH14 của Quốc hội)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016;
- Đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016;
- Đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm và có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
2. Yêu cầu
- Xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật;
- Đảm bảo thực hiện đúng thời gian và tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch giám sát này.
II. PHẠM VI
Quốc hội giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 (không bao gồm các tổ chức tín dụng, công ty tài chính có vốn góp của Nhà nước).
III. ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT
1. Cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương
- Chính phủ báo cáo chung về tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016;
- Các Bộ, cơ quan ở trung ương gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác báo cáo về tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình, đồng thời gửi báo cáo cho Chính phủ để tổng hợp báo cáo chung;
- Các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), các doanh nghiệp nhà nước báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
2. Cơ quan chịu sự giám sát ở địa phương
Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tại 3 miền Bắc, Trung, Nam) báo cáo về nội dung chuyên đề giám sát thuộc phạm vi của tỉnh, thành phố.
IV. NỘI DUNG GIÁM SÁT
Đoàn giám sát thực hiện các nội dung giám sát sau đây:
1. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
1.1. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới giai đoạn 2011 - 2016, tập trung vào thời điểm trước và sau khi Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản có liên quan;
1.2. Tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung vào một số nội dung:
- Vốn chủ sở hữu;
- Tài sản doanh nghiệp;
- Báo cáo tài chính; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu;
- Điều lệ công ty: Hội đồng thành viên, Ban giám đốc, quản lý vốn, ban kiểm soát;
- Mở rộng và hiệu quả sản xuất ngành nghề chủ lực (vốn, năng lực, công nghệ, thị trường);
- Đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh: Việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước và phân bổ lợi nhuận tại doanh nghiệp nhà nước; đầu tư tại doanh nghiệp, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài, chuyển nhượng vốn đầu tư;
- Đầu tư ngành nghề mới;
- Việc thực hiện tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước;
- Trách nhiệm và quyền lợi của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...;
- Hệ thống giám sát, kiểm tra, thanh tra và đánh giá hoạt động đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp;
- Việc công khai thông tin và chế độ báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp;
- Các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2016; kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan;
1.3. Các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất liên quan.
2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
2.1. Hệ thống văn bản pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới giai đoạn 2011 - 2016;
2.2. Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tập trung vào một số nội dung:
- Tình hình chuyển đổi, sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016;
- Quá trình tiến hành cổ phần hóa: thủ tục, trình tự, định giá tài sản doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tham gia thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa được niêm yết được tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (UPCom-HAN);
- Việc quản lý vốn, tài sản nhà nước, xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước;
- Tiêu chí lựa chọn và chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược và chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá;
- Vấn đề xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá;
- Việc thực hiện tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; về hoàn thiện cơ chế phân cấp;
- Đánh giá về việc thay đổi mô hình quản trị trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc hoàn thiện mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước và vai trò, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đánh giá tiến độ thành lập cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội;
- Các quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với việc lựa chọn nhân sự quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước; các quy định về chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động.
- Các sai phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.
2.3. Các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.
3. Về mô hình quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước
3.1. Tại Trung ương.
3.2. Tại địa phương (Có cục quản lý vốn và không có).
V. PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT
Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế “Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội” (sau đây gọi tắt là Quy chế giám sát); cụ thể gồm các hoạt động sau đây:
1. Tổ chức hội nghị để triển khai hoạt động của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”;
2. Tổ chức cuộc họp của Đoàn giám sát, cuộc làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016;
3. Tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát tại địa phương hoặc làm việc với các bộ, ngành ở trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016;
4. Tổ chức hội thảo, tọa đàm để đóng góp ý kiến, thu thập thông tin phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát;
5. Hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trình Quốc hội xem xét, giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
6. Xây dựng dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội khóa XIV ra nghị quyết về giám sát chuyên đề tại kỳ họp thứ 5.
VI - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Triển khai công tác chuẩn bị (trước tháng 10/2017)
Đoàn giám sát triển khai các hoạt động sau:
1.1. Thành lập Tổ giúp việc Đoàn giám sát của Quốc hội theo Điều 39 Quy chế giám sát;
1.2. Xây dựng đề cương báo cáo để cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo (bao gồm: Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan) và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi tiến hành giám sát;
Xây dựng đề cương báo cáo để Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tổ chức giám sát tại địa phương, gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát; xây dựng đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và ban hành đồng thời với Kế hoạch giám sát chi tiết của Đoàn giám sát;
Thời gian gửi báo cáo đến Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Quy chế giám sát.
1.3. Xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết của Đoàn giám sát theo Điều 28 Quy chế giám sát cho cả quá trình hoạt động của Đoàn giám sát và ban hành chậm nhất là ngày 15/9/2017;
1.4. Tổ chức hội nghị triển khai hoạt động của Đoàn giám sát để công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát (kèm thành phần, kế hoạch giám sát), Nghị quyết danh sách Ủy viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát, tuyên truyền về hoạt động giám sát chuyên đề...
2. Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan; tổng hợp báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát (tháng 11/2017-3/2018)
- Đoàn giám sát tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát tại một số địa phương, cơ sở về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016;
- Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan có liên quan về nội dung chuyên đề giám sát;
- Đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan gửi báo cáo theo nội dung đã được yêu cầu;
- Đoàn giám sát chỉ đạo Tổ giúp việc tiếp nhận, nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp các tư liệu, tài liệu, báo cáo và thông tin có liên quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tới Đoàn giám sát; tổng hợp báo cáo của các cơ quan theo các đề cương báo cáo đã gửi và yêu cầu báo cáo bổ sung (nếu có);
- Đoàn giám sát tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn, phiên giải trình lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có);
- Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tiến hành giám sát tại địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát.
3. Xây dựng báo cáo kết quả giám sát (tháng 3-4/2018)
- Đoàn giám sát xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề; nghiên cứu, đánh giá các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan ở trung ương và địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; nghiên cứu, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; những vấn đề đặt ra trong thời gian tới để thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017);
- Tiếp tục tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn, phiên giải trình lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đóng góp vào dự thảo Báo cáo (nếu có);
- Tổ chức làm việc với đại diện Chính phủ về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát;
- Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2018.
4. Phục vụ Quốc hội giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề (tháng 5-6/2018)
- Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5.
- Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội về nội dung chuyên đề giám sát trình Quốc hội biểu quyết, thông qua tại kỳ họp thứ 5.
- 1Thông tư 61 TC/TCDN-1995 hướng dẫn chuyển giao nhiệm vụ quản lý vốn và tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp theo Quyết định 397/TTg-1995 do Bộ Tài chính ban hành
- 2Nghị định 84/1999/NĐ-CP về việc tổ chức lại Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính
- 3Thông tư liên tịch 110/1999/TTLT-BTC-BTCCP hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, công chức viên chức và biên chế của Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp sang Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài chính - Ban Tổ chức, cán bộ Chính phủ ban hành
- 4Công văn 10870/VPCP-KTTH năm 2017 báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 116/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Công văn 6711/VPCP-ĐMDN năm 2019 về hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 60/2018/QH14 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết 73/NQ-CP năm 2019 về chương trình hành động triển khai Nghị quyết 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ ban hành
- 1Thông tư 61 TC/TCDN-1995 hướng dẫn chuyển giao nhiệm vụ quản lý vốn và tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp theo Quyết định 397/TTg-1995 do Bộ Tài chính ban hành
- 2Nghị định 84/1999/NĐ-CP về việc tổ chức lại Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính
- 3Thông tư liên tịch 110/1999/TTLT-BTC-BTCCP hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, công chức viên chức và biên chế của Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp sang Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài chính - Ban Tổ chức, cán bộ Chính phủ ban hành
- 4Hiến pháp 2013
- 5Luật Doanh nghiệp 2014
- 6Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 7Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 về Quy chế tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 8Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 9Nghị quyết 35/2017/QH14 Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018
- 10Công văn 10870/VPCP-KTTH năm 2017 báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Thông báo 116/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Công văn 6711/VPCP-ĐMDN năm 2019 về hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 60/2018/QH14 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13Nghị quyết 73/NQ-CP năm 2019 về chương trình hành động triển khai Nghị quyết 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ ban hành
Nghị quyết 45/2017/QH14 thành lập Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 45/2017/QH14
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 21/06/2017
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 491 đến số 492
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra