Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 14 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021 - 2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã tập trung vào những vấn đề quan trọng được cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đặt câu hỏi chất vấn rõ cả về nội dung và đối tượng chất vấn, đồng thời thực hiện quyền tranh luận để làm rõ vấn đề chất vấn. Việc trả lời chất vấn của người được chất vấn đã thể hiện được tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, nhất là những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận các giải pháp, cam kết của các sở, ngành đã trả lời đối với các nội dung đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện những cam kết, các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, cụ thể như sau:

1. Về trách nhiệm xét xử các vụ án dân sự kéo dài

1.1. Đánh giá

1.1.1. Thực trạng

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, số vụ, việc dân sự chiếm tỷ lệ cao trong tổng số án Tòa án nhân dân hai cấp phải giải quyết. Cụ thể: năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 20.884 vụ việc dân sự trong tổng số 25.307 án phải giải quyết, chiếm tỷ lệ 82,5%. Kết quả đã giải quyết 16.322/20.884 vụ, việc dân sự, tỷ lệ 78,16%, còn lại 4.562 vụ, việc đang giải quyết, tỷ lệ 21,84%. Số lượng án dân sự ngày càng tăng, áp lực rất lớn về thời gian giải quyết, mặc dù ngành Tòa án đã quan tâm đến việc nâng cao trách nhiệm của người đứng dầu trong việc đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết vụ án dân sự nhưng vẫn còn số lượng nhiều án dân sự kéo dài để quá thời hạn chuẩn bị xét xử chưa giải quyết được.

1.1.2. Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến các vụ án dân sự kéo dài để quá thời hạn chuẩn bị xét xử là do khó khăn trong quá trình thu thập, xác minh chứng cứ, các đương sự không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án; tranh chấp, mâu thuẫn có yếu tố nước ngoài; một số cơ quan, địa phương chưa kịp thời cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án; hồ sơ về đất đai và việc quản lý sử dụng đất còn nhiều bất cập; số lượng án dân sự thụ lý ngày càng tăng trong khi tình hình công chức còn thiếu so với biên chế được phân bổ gây áp lực công việc rất lớn về thời gian giải quyết án… Bên cạnh đó, một số Thẩm phán mới được bổ nhiệm lần đầu chưa có kinh nghiệm xét xử, giải quyết những vụ án phức tạp cũng ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết án dân sự của Tòa án hai cấp.

1.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để thực hiện việc giảm tỷ lệ án dân sự quá thời hạn chuẩn bị xét xử kéo dài trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị:

- Tòa án nhân dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

+ Tăng cường chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/BCSĐ ngày 30/3/2023 của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh về tăng cường giải quyết các vụ án dân sự. Trong đó tỷ lệ giải quyết án dân sự sơ thẩm được phân công giải quyết trong năm công tác đạt 85% trở lên.

+ Thống kê, phân loại cụ thể số lượng án dân sự quá thời hạn chuẩn bị xét xử kéo dài từ 3 năm trở lên, nêu rõ nguyên nhân các vụ án kéo dài; xây dựng kế hoạch, thời gian, lộ trình, biện pháp xử lý dứt điểm có kết quả từng vụ án, vụ việc cụ thể. Thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả định kỳ về Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp theo dõi để thực hiện chức năng giám sát theo quy định.

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong thu thập thông tin, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ trong quá trình hoạt động của Tòa án nhân dân và thụ lý, theo dõi tiến độ các vụ án, vụ việc; đổi mới thủ tục hành chính, tư pháp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án tạo điều kiện cho việc giám sát của Hội đồng nhân dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

+ Xây dựng kế hoạch, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết vụ án dân sự, nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký. Tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ, theo dõi, giám sát tiến độ giải quyết, kịp thời phát hiện những vụ án dân sự để quá thời hạn chuẩn bị xét xử; động viên, khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm đối với các cán bộ công chức khi được giao công việc nhưng vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà không hoàn thành công việc được giao.

+ Tuyển dụng đủ nhân sự và bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp.

- Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường hoạt động kiểm sát, giám sát, đặc biệt là các vụ án dân sự quá thời hạn chuẩn bị xét xử kéo dài từ 3 năm trở lên.

- Tăng cường công tác phối hợp kịp thời của các địa phương trong việc thông tin, cung cấp tài liệu, chứng cứ làm cơ sở xét xử theo yêu cầu của Tòa án.

2. Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu và nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ

2.1. Đánh giá

2.1.1. Thực trạng

- Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, từ năm 2019 đến nay, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã xác nhận được 75 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các chuỗi này chủ yếu cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng tiện lợi, còn lại là các tiểu thương kinh doanh tại một số chợ trên địa bàn thành phố Long Khánh. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, số điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi tại chợ trên địa bàn tỉnh là 110 điểm, chưa đạt mục tiêu[1] theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 7189/UBND-KT ngày 24/7/2017 về kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

- Về nội dung xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 về phê duyệt Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Kết quả, trong giai đoạn 2021 - 2023, số lượng các đơn vị đã đăng ký tham gia dự án còn hạn chế, cụ thể kênh phân phối hiện đại (04 siêu thị; 19 cửa hàng tiện lợi)[2] và kênh phân phối truyền thống (11 chợ trên địa bàn tỉnh)[3].

2.1.2. Nguyên nhân

- Mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ là hình thức tự nguyện; công tác tuyên truyền, vận động của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế nên các tiểu thương chưa hiểu rõ về quyền lợi khi xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn; việc vận động tiểu thương tự nguyện tham gia chuỗi còn hạn chế do liên quan đến chi phí và thủ tục trong quá trình thực hiện, thực tế việc được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGap yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tuy nhiên nguồn cung cấp hàng hóa chủ yếu từ chợ đầu mối, qua nhiều trung gian.

- Về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ, nguyên nhân chính do người tiêu dùng chưa quan tâm đến thông tin truy xuất về nguồn gốc sản phẩm; các đơn vị phân phối hiện đại và truyền thống trên địa bàn tỉnh chưa thật sự quan tâm đến việc tham gia dự án; một số đơn vị phân phối, tổ chức và cá nhân đăng ký thực hiện dự án chưa thấy được lợi ích mà dự án mang lại. Hiện nay chưa có chế tài hay quy định xử phạt, Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương chủ yếu thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên các đơn vị tham gia.

2.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo sâu sát, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện các nội dung sau:

- Xây dựng Đề án truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ; xây dựng phòng Lab kiểm định chất lượng sản phẩm thiết yếu, nhất là tại các chợ truyền thống; số hóa dữ liệu đảm bảo minh bạch, công khai các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch để tiêu thụ hàng ngày trên địa bàn tỉnh giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm.

- Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố thực hiện quy trình xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi quy định tại Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

- Tuyên truyền sâu rộng đến người dân để có ý thức tiêu thụ các sản phẩm an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc; tiếp tục tuyên truyền, vận động tiểu thương tham gia kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi tại các chợ; các đơn vị phân phối hiện đại và chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu; lựa chọn các xã có chợ trong quy hoạch đăng ký xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 để tham gia Dự án.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành các cấp về an toàn thực phẩm; trong quá trình kiểm tra, khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ trong hệ thống truy xuất nguồn gốc của cơ sở (tem truy xuất nguồn gốc thay cho hồ sơ giấy, thiết bị test nhanh, quét mã QR...); thực hiện kiểm tra và hỗ trợ việc dán tem truy xuất của các tiểu thương tham gia dự án. Thiết lập đường dây nóng thu thập ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng sản phẩm; kịp thời động viên, khen thưởng cá nhân, đơn vị thực hiện tốt, đồng thời với việc xử phạt hành chính, xét xử công khai, lưu động các vụ vi phạm pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm.

3. Giải pháp kiềm chế kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh

3.1. Đánh giá

3.1.1. Thực trạng

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị mà lực lượng Công an là nòng cốt với mục tiêu “siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông”, một số mặt công tác đã có sự chuyển biến tích cực, đã khởi tố vụ án nhằm xử lý nghiêm một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, một số tuyến đường (đặc biệt là các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20) xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

3.1.2. Nguyên nhân

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên do: Sự phát triển của hạ tầng giao thông nhìn chung chưa tương xứng với sự gia tăng không ngừng của các loại phương tiện[4]; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao[5]; có tình trạng doanh nghiệp vận tải buông lỏng quản lý lái xe, thiếu kiểm tra định kỳ phương tiện, cơi nới thùng xe; công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, nhất là công tác điều tiết, phân luồng tổ chức giao thông có điểm chưa hợp lý, đặc biệt trên tuyến Quốc lộ 51; xử lý vi phạm qua hệ thống camera còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa thật sự hiệu quả; hiệu quả công tác xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng có nơi, có lúc chưa tương xứng với đặc điểm, tình hình, chưa thật sự đủ mạnh, quyết liệt để người dân không dám vi phạm.

3.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để từng bước kiềm chế kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí theo chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện đảm bảo các nội dung sau:

- Tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về các chủ trương, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2023 và nghiên cứu, chủ động xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong năm 2024.

- Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, bảo đảm phù hợp từng đối tượng, từng địa phương để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, đưa ra xét xử công khai, lưu động các vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ma túy… nhằm cảnh bảo, răn đe, phòng ngừa chung.

- Rà soát, đánh giá lại các “điểm đen” về tai nạn giao thông, những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, ban, ngành chức năng và đề ra giải pháp khắc phục kịp thời.

- Đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt, chỉ đạo triển khai Kế hoạch mở cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp tết Dương lịch, trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; huy động tối đa lực lượng, phương tiện bảo đảm an toàn, phục vụ các hoạt kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của người dân dịp cuối năm nhằm giảm tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2023.

4. Về nâng cao chất lượng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ

4.1. Đánh giá

4.1.1. Thực trạng

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2023, trên địa bàn tỉnh có 75/172 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở[6] (cấp huyện, cấp ngành) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Các đề tài dự án thuộc 06 chương trình mục tiêu tổng hợp đã xây dựng trong Quy hoạch phát triển khoa họccông nghệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được chuyển giao chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai xây dựng kế hoạch ứng dụng hoặc đơn vị tiếp nhận thiếu nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị để khai thác các kết quả nghiên cứu; tỷ lệ đề tài, dự án chuyển giao để ứng dụng, kết quả còn hạn chế, tỷ lệ đạt rất thấp, chỉ có 25/92/108 nhiệm vụ khoa học công nghệ được tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào ứng dụng thực tế. Nhiều đề tài, dự án khoa học, công nghệ chậm tiến độ, khả năng nhân rộng ứng dụng không cao; tỷ lệ giải ngân kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ còn thấp, năm 2021 đạt 50,19%; năm 2022 đạt 29,08%. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa làm rõ được trách nhiệm của cơ quan chủ trì đề tài trong việc đánh giá kết quả nghiệm thu đề tài và trách nhiệm đối với kết quả thực hiện đề tài.

4.1.2. Nguyên nhân

- Việc ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nên không đáp ứng nhu cầu của người được thụ hưởng.

- Lãnh đạo sở, ngành, địa phương chưa quan tâm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.

- Thiếu cơ chế để thực hiện việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; thiếu sự phối hợp, liên kết với doanh nghiệp nhằm huy động nguồn lực ngoài xã hội.

4.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Nhằm nâng cao chất lượng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, đảm bảo khả năng ứng dụng vào thực tiễn trong thời gian tới, hạn chế lãng phí ngân sách nhà nước, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

- Thống kê cụ thể đề tài, dự án của các tổ chức, cá nhân đang triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Triển khai thực hiện các giải pháp thiết thực và hiệu quả để chuyển giao, ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt.

- Tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xác lập hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thực hiện giải ngân hiệu quả kinh phí khoa học và công nghệ được giao hàng năm; tập trung nguồn lực tài chính phục vụ triển khai các nội dung ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tiếp nhận kết quả ứng dụng và các tổ chức, cá nhân chủ trì lựa chọn và thực hiện đề tài, dự án khoa học công nghệ phù hợp thực tiễn đặt ra, mang tính đột phát trong định hướng phát triển khoa học công nghệ của tỉnh.

- Tăng cường công tác phối hợp, liên kết các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài tỉnh với các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh để đảm bảo khi đặt hàng/đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bám sát nhu cầu thực tế của ngành, của địa phương. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần xác định rõ mục tiêu cụ thể; các kết quả và sản phẩm nghiên cứu cần có chỉ tiêu định tính, định lượng cụ thể. Ưu tiên những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có mục tiêu, mang tính ứng dụng thực tế cao, ứng dụng công nghệ cao, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của ngành, địa phương, có tính liên ngành, liên vùng phù hợp với định hướng các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm của tỉnh.

- Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chủ trì, cơ quan thẩm định thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, bảo đảm các đề tài nghiên cứu khoa học khi được nghiệm thu phải được chuyển giao, ứng dụng trong thực tiễn, không để lãng phí ngân sách nhà nước trong hoạt động nghiên cứu của khoa học.

5. Về giải pháp để kéo giảm số người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong thời gian tới

5.1. Đánh giá

5.1.1. Thực trạng

Trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan để khiếu nại, tố cáo, phải ánh, kiến nghị tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung tại các đơn vị, địa phương: Ủy ban nhân dân tỉnh (tăng 320 lượt tương đương tăng 65%). Cấp sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội (tăng 141 lượt tương đương tăng 55%), Tư pháp (tăng 07 lượt tương đương tăng 233%), Xây dựng (tăng 22 lượt tương đương tăng 147%), Thanh tra tỉnh (tăng 41 lượt tương đương tăng 98%). Cấp huyện: Định Quán (tăng 109 lượt tương đương tăng 55%), Trảng Bom (tăng 26 lượt tương đương tăng 13%). Cấp xã: Biên Hòa (tăng 645 lượt tương đương tăng 992%), Cẩm Mỹ (tăng 203 lượt tương đương tăng 812%), Định Quán (tăng 645 lượt tương đương tăng 992%), Long Thành (tăng 291 lượt tương đương tăng 41%), Tân Phú (tăng 285 lượt tương đương tăng 100%), Thống Nhất (tăng 159 lượt tương đương tăng 513%). Trong đó, nổi lên là liên quan các dự án bất động sản, nhà ở, thương mại trên địa bàn tỉnh tập trung khiếu kiến đông người gây bức xúc trong dư luận.

5.1.2. Nguyên nhân

Ngoài nguyên nhân khách quan về cơ chế, chính sách còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở;… thì nguyên nhân chủ quan xuất phát từ những tồn tại, hạn chế trong trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai… của các ngành, địa phương và chưa kịp thời phát hiện để xử lý, chấn chỉnh.

5.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để kéo giảm số người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong thời gian tới, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

- Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân; phân công, bố trí lãnh đạo tiếp công dân theo quy định của pháp luật; chủ động đối thoại, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Hệ thống ngành Thanh tra từ cấp tỉnh đến cơ sở chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu, thường xuyên tiến hành kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cấp dưới trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Có giải pháp nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để cố ý vi phạm pháp luật.

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính sách pháp luật về đất đai và các văn bản luật khác liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời giải thích rõ ý nghĩa và lợi ích khi thực hiện các dự án để công dân hiểu đúng và tự giác chấp hành chủ trương của nhà nước; đặc biệt là tăng cường công khai, minh bạch, phát huy dân chủ trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

- Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng,… thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, đảm bảo có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước. Xử lý nghiêm các nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản vi phạm các quy định pháp luật để dẫn đến công dân có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tụ tập đông người có nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng”, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

- Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát hồ sơ pháp lý dự án; kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện dự án; xác định nguyên nhân, nghẽn khâu nào gỡ khâu đó theo hướng hài hòa lợi ích của các bên và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (nhất là tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cấp cơ sở) để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống phần mềm xử lý thông tin thống nhất về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, tránh chồng chéo trong quá trình thụ lý, giải quyết.

6. Về thực hiện quy hoạch dự án Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh

6.1. Đánh giá

6.1.1. Thực trạng

Căn cứ Quyết định số 192/QĐ.CT.UBT ngày 15/01/2001 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ: 1/500 Khu liên hợp Thể dục Thể thao tỉnh Đồng Nai với quy mô diện tích 45,75 ha. Theo quy hoạch phân khu 1/2000 toàn phường Tân Hiệp được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 thì Khu liên hợp Thể dục Thể thao có sự thay đổi về ranh giới và quy mô diện tích (giảm từ 45,75 ha xuống còn 43,75 ha); Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thì diện tích Khu liên hợp thể dục thể thao 43,75 ha. Trong đó có 12,36 ha nằm trong khu vực quy hoạch Khu liên hợp thể dục thể thao đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao trực tiếp quản lý sử dụng và đã thực hiện xây dựng các công trình thể dục thể thao trên đất gồm Sân vận động Đồng Nai, Sân bóng đá mi ni, 02 hồ bơi; một số thửa đất sau khi chuyển mục đích sử dụng để xây dựng một số công trình như: Trường Đại học Đồng Nai, Trường THPT Lương Thế Vinh..., phần đất còn lại đã bị lấn chiếm xây dựng công trình trái phép.

6.1.2. Nguyên nhân

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, việc một số công trình thể dục thể thao chưa tiến hành xây dựng được với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong đó vấn đề chính là kinh phí bồi thường giải tỏa các hộ dân, bố trí tái định cư và nguồn vốn xây dựng các công trình thể dục thể thao tại Khu liên hợp thể dục thể thao. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh chưa xác định được trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc chậm tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch và công tác quản lý nhà nước về quy hoạch tại địa phương để tình trạng phần đất còn lại đã bị lấn chiếm xây dựng công trình trái phép.

6.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả đối với dự án Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

- Rà soát toàn bộ dự án Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án; xây dựng kế hoạch, xác định thời gian cụ thể và phương án xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm phần diện tích đất đã được quy hoạch là đất xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao đảm bảo đúng quy định.

- Rà soát quy hoạch có liên quan để sớm có kế hoạch sử dụng khu đất nhà nước đang quản lý đã được quy hoạch là đất xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao, tránh tình trạng gây lãng phí hiệu quả sử dụng đất.

- Rà soát nguồn kinh phí để triển khai dự án, tránh thất thoát, lãng phí, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Xác định trách nhiệm và có giải pháp xử lý đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc chậm tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch và công tác quản lý nhà nước về quy hoạch tại địa phương.

7. Về khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh

7.1. Đánh giá

7.1.1. Thực trạng

Xét về lợi thế vị trí địa lý và thổ nhưỡng, Đồng Nai nằm ở cửa ngõ kết nối các vùng, trong tương lai có Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt có quy mô kết nối cấp vùng; có diện tích trái cây lớn, vườn cây trái trải dài, xứng danh “thủ phủ trái cây”. Tuy nhiên, lượng khách đến còn hạn chế, việc tổ chức các hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, đơn lẻ thiếu tính liên kết; thiếu những sản phẩm du lịch cần sự liên kết sâu, tạo sự phát triển bền vững cho ngành Du lịch.

7.1.2. Nguyên nhân

Sản phẩm du lịch của tỉnh trong thời gian qua nhìn chung chưa đồng bộ, chưa thật sự hấp dẫn, thiếu tính chuyên nghiệp; việc huy động các nguồn lực để phát triển du lịch còn hạn chế do gặp khó khăn về quy hoạch, đất đai; các đơn vị kinh doanh du lịch chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên nguồn lực còn hạn chế; đội ngũ làm công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu về số lượng và chất lượng nên ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong việc phát triển du lịch.

7.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để ngành Du lịch của tỉnh Đồng Nai trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong thời gian tới, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả một số nội dung sau:

- Tập trung chỉ đạo thực hiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quảng bá, xúc tiến ngành Du lịch của tỉnh, có phương án cụ thể cho từng vùng, lĩnh vực để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng việc xây dựng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và văn hóa là điểm nhấn và là thương hiệu du lịch Đồng Nai để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và sức cạnh tranh của du lịch Đồng Nai.

- Ưu tiên đầu tư các các tuyến đường giao thông gắn với các khu, điểm du lịch trọng điểm tạo thuận lợi cho người dân và du khách trong việc đi lại, góp phần hoàn thiện hạ tầng du lịch, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư.

- Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp trong khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, nhất là đối với các loại hình du lịch có nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

8. Về xử lý các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng để tạo tiền đề cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2030

8.1. Đánh giá

8.1.1. Thực trạng

Tỉnh Đồng Nai có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 10.514 ha. Trong đó, có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 01 khu công nghiệp vừa khởi công tháng 7/2023 (khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành), 01 khu công nghiệp được thành lập tháng 7/2023 (khu công nghiệp Long Đức 3). Đến nay 32/33 khu công nghiệp Đồng Nai đã cho thuê được 6.021 ha, đạt 85,38% diện tích đất cho thuê (7.033 ha). Diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê còn lại còn hạn chế, chưa đáp ứng diện tích đất quy mô lớn để thu hút đầu tư.

8.1.2. Nguyên nhân

Đối với các khu công nghiệp đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục thẩm định kéo dài do phải xác định nguồn gốc đất, cơ sở pháp lý việc lựa chọn nhà đầu tư và giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; hiện có 10 khu công nghiệp đang vướng mắc trong công tác bồi thường giải tỏa với tổng diện tích đất khoảng 722,1 ha, chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp: Hố Nai (96,92 ha, bao gồm cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Sông Mây (khoảng 161 ha, bao gồm cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Long Thành (2,17ha), Thạnh Phú (45,1 ha), Ông Kèo (206,7 ha), An Phước (2,9 ha), Bàu Xéo (18,8 ha), Giang Điền (0,62 ha), Công nghệ cao Long Thành (163 ha), Amata (25,31 ha). Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường, chưa bố trí được các lô tái định cư cho các hộ dân sau khi thu hồi đất.

8.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để thực hiện đảm bảo kế hoạch đầu tư các khu công nghiệp đến năm 2030, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời gian tới tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

- Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đất chưa được bàn giao để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của nhà nước, đồng thời việc xác định giá đất để bồi thường và các chính sách khác có liên quan để hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và đúng quy định của pháp luật; đảm bảo bố trí tái định cư cho các hộ dân trước khi thu hồi đất thực hiện dự án.

- Rà soát hồ sơ quy hoạch, căn cứ các quy định pháp luật có liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung thêm chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.

- Đánh giá cụ thể, chi tiết từng khu công nghiệp dự kiến bổ sung, thuận lợi, khó khăn, cơ sở đề xuất; nghiên cứu, đề xuất bố trí, quy hoạch các khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý về thành lập/mở rộng khu công nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị có thẩm quyền phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách và những vấn đề có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án.

9. Về công tác cải cách hành chính

9.1. Đánh giá

9.1.1. Thực trạng

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã được tập trung thực hiện trên nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương tuy nhiên hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn; một số địa phương giải quyết hồ sơ trực tuyến tỷ lệ chưa đạt trên 30%; cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, giờ giấc làm việc và chưa đảm bảo việc sử dụng chữ ký số theo yêu cầu; trong khi công tác cải cách hành chính có liên quan mật thiết đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là một nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị và người dân đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chưa chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

9.1.2. Nguyên nhân

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính ở một số nơi vẫn chưa thực sự quyết liệt; cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ thủ tục hành chính chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung; một bộ phận người dân còn giữ thói quen nộp hồ sơ trực tiếp và việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cho một số ngành chưa hiệu quả do thành phần hồ sơ còn phức tạp hoặc tính pháp lý của hồ sơ điện tử chưa được quy định cụ thể (như hồ sơ lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư,...).

9.2. Giải pháp và trách nhiệm thực hiện

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra việc triển khai cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

- Phát huy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, khắc phục tình trạng giao khoán cho cấp phó người đừng đầu, giao khoán việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính cho công chức tham mưu giúp việc.

- Thường xuyên tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp thông qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp… để kịp thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải thiện các quy trình thủ tục, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết các công việc có liên quan và được cụ thể hóa bằng những quy định, quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra kỷ luật kỷ cương hành chính, trách nhiệm công vụ; nhất là đôn đốc xử lý hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân.

- Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy trình thủ tục; phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng tiện ích cho người dân, trước hết là tập trung vào các dịch vụ hành chính công có tần suất thực hiện lớn, thiết thực với số đông người dân, doanh nghiệp.

- Triển khai nghiêm túc nhiệm vụ chuyển đổi số theo Kế hoạch của tỉnh; nhất là việc điều hành, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân.

- Khẩn trương xây dựng Đề án thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thời hạn khắc phục hạn chế và báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn

Thời hạn khắc phục những hạn chế được xác định tại Nghị quyết này thực hiện trong thời gian 06 tháng đầu năm 2024. Đối với các nội dung cần có thời gian thực hiện (thuộc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn) thì báo cáo kết quả tại kỳ họp cuối năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân chỉ đạo, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả tại kỳ họp giữa năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp giữa năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát, vận động các tổ chức, nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 08 tháng 12 năm 2023./.

 

 

CHỦ TỊCH




Thái Bảo

 

 



[1] Theo nội dung Công văn số 7189/UBND-KT, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố từ năm 2018 trở đi chủ động lập kế hoạch, cân đối và bố trí kinh phí để thực hiện tối thiểu từ 30 đến 50 điểm/năm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và hỗ trợ người nông dân chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất đạt chuẩn sạch an toàn theo quy định.

[2] 04 siêu thị: Big C Đồng Nai, Big C Tân Hiệp, Winmart Long Thành, MM Mega Market; 19 cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi Co.op Food, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P, Công ty TNHH Thực phẩm Sạch Bát Giới

[3] Chợ Phương Lâm - Tân Phú (03 tiểu thương), chợ Long Thành (03 tiểu thương), chợ Phước Thái - Long Thành (03 tiểu thương), chợ Bảo Hòa - Xuân Lộc (29 tiểu thương), chợ Suối Cát - Xuân Lộc (03 tiểu thương), chợ Hóa An - Biên Hòa (03 tiểu thương), chợ Dầu Giây - Thống Nhất (03 tiểu thương), chợ Đông Hòa - Trảng Bom (03 tiểu thương), chợ Vĩnh An - Vĩnh Cửu (03 tiểu thương), chợ Xuân Thanh - Long Khánh (03 tiểu thương), chợ Xuân Quế - Cẩm Mỹ (03 tiểu thương).

[4] Theo thống kê,tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có trên 246.000 xe ô tô, gần 2,7 triệu xe mô tô, gắn máy các loại, chưa kể số lượng các phương tiện thô sơ, cùng với lưu lượng xe ngoại tỉnh rất lớn đi qua các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; bình quân hàng năm đăng ký mới trên 11.000 xe ô tô và 61.000 xe mô tô, gắn máy.

[5] như: Vi phạm tốc độ, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng, vi phạm quy định về giới hạn nồng độ cồn, lái xe sử dụng ma túy, đi ngược chiều,..

[6] Trong đó có 45 đề tài, dự án cấp tỉnh, 30 đề tài, dự án cấp cơ sở; 57 đề tài, dự án dừng và không triển khai (không tuyển chọn được tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện)