QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 44/2017/QH14 | Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2017 |
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XIV
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nội dung yêu cầu của Quốc hội
1. Quốc hội ghi nhận nỗ lực, các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện các cam kết, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
2. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Thực hiện việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp. Trong năm 2017, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, chú trọng các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đảm bảo tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%. Hoàn thành việc hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về bộ tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020.
- Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phân bổ hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng các giải pháp về: nâng cao hiệu quả liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận vốn để ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh công tác chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao, bảo tồn, phát triển giống bản địa; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; tăng cường thông tin, định hướng thị trường để hỗ trợ người sản xuất; tập trung bảo vệ, cải tạo môi trường đất, môi trường nước cho sản xuất nông nghiệp; phát huy vai trò của các hiệp hội, hợp tác xã. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để làm tốt công tác quản lý thị trường, có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm để tổ chức có hiệu quả và phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, thực hiện tốt việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Trong năm 2017, hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công Thương sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; làm tốt công tác quản lý, tổ chức sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý phân bón, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất phân hữu cơ, tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong điều tra, nghiên cứu, quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản; tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ và có giải pháp khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, sớm hoàn thành chỉ tiêu đóng 2.284 tàu được phân bổ theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng.
3. Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
- Tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
- Đảm bảo thực hiện quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, chú trọng các thiết chế tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế này. Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao. Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, phát huy giá trị của di sản văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc; xây dựng kế hoạch giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; trong năm 2017, ban hành nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt là tổ chức lễ hội, hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
- Khẩn trương rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nghệ thuật. Ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện các giải pháp sớm đưa Luật Du lịch vào cuộc sống để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy sự tham gia của Nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch đảm bảo việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch đúng quy định của pháp luật. Chú trọng liên kết vùng trong khai thác, phát triển du lịch.
4. Đối với lĩnh vực y tế
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, liên thông kết quả xét nghiệm, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người bệnh; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ, trục lợi từ Quỹ bảo hiểm y tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực y tế.
- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về huy động vốn đầu tư trong nước và ngoài nước cho y tế; đổi mới phương thức quản lý, cơ chế tài chính cho các bệnh viện; giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập gắn với nâng cao chất lượng phục vụ; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế; thực hiện lộ trình thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu... để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên qua từng năm; phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức, hoạt động, tài chính và huy động các nguồn lực nhằm phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở; tiếp tục tạo sự chuyển biến chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân của hệ thống y tế cơ sở qua từng năm, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân tại trạm y tế xã và bác sỹ gia đình; bảo đảm quyền thụ hưởng dịch vụ y tế của các đối tượng nghèo, đặc biệt khó khăn; tăng cường quản lý và phát huy vai trò của y tế tư nhân; phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách về xã hội hóa y tế.
- Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược, tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu, phát huy nguồn dược liệu trong nước; sớm sửa đổi quy định về đấu thầu thuốc biệt dược; bảo đảm công tác đấu thầu thuốc phát huy hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá thuốc, chất lượng thuốc, vật tư, thiết bị y tế; kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng.
5. Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
- Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm của các cấp trong quản lý đầu tư công, khắc phục tình trạng giao vốn đầu tư chậm; tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án được ưu tiên, đảm bảo tiến độ, không để tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, thất thoát, lãng phí.
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý, triển khai mở rộng các hình thức đầu tư để huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường vốn, hoạt động mua bán nợ với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đánh giá toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài để có giải pháp cụ thể về huy động vốn, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và kinh tế - xã hội trong nước.
- Trong năm 2017, ban hành các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu, ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ tiêu cực trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý, cắt giảm vốn đầu tư, đình, hoãn đối với dự án, công trình chậm tiến độ, kém hiệu quả.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.
- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xem xét những vấn đề quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2017.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Nghị quyết 75/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII
- 2Nghị quyết 87/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII
- 3Nghị quyết 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV
- 4Công văn 927/TTg-CN năm 2017 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 928/TTg-CN năm 2017 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 122/2020/QH14 về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
- 7Nghị quyết 134/2020/QH14 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Quốc hội ban hành
- 1Nghị quyết 122/2020/QH14 về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
- 2Công văn 927/TTg-CN năm 2017 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 928/TTg-CN năm 2017 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV
- 5Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 6Nghị quyết 87/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII
- 7Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản
- 8Nghị quyết 75/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII
- 9Hiến pháp 2013
- 10Luật du lịch 2005
Nghị quyết 44/2017/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 44/2017/QH14
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 21/06/2017
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 491 đến số 492
- Ngày hiệu lực: 05/08/2017
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực