Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2015/NQ-HĐND

Bà Rịa, ngày 11 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
KHOÁ V, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Thực hiện Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;

Thực hiện Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 161/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh về việc đề nghị phê duyệt đề án nâng cao thể thao thành tích cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 108/BC-VHXH ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Ban Văn hoá Xã hội và ý kiến thảo luận, biểu quyết của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt đề án nâng cao thể thao thành tích cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020 theo Tờ trình số 161/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

1. Quan điểm, mục tiêu và phương án đào tạo.

a) Quan điểm:

- Phát triển thể dục, thể thao là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tăng cường thể lực, tầm vóc, tăng tuổi thọ người Việt Nam và lành mạnh hóa lối sống của thanh thiếu niên. Phát triển thể dục, thể thao là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân; ngành thể dục, thể thao giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện các chính sách phát triển thể dục, thể thao của Đảng và Nhà nước.

- Phát triển đồng bộ thể dục, thể thao trong trường học, trong lực lượng vũ trang, ở xã, phường, thị trấn cùng với phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

- Thực hiện xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao, kết hợp việc kinh doanh thể dục, thể thao với công tác cung ứng dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao.

b) Mục tiêu:

Xây dựng thể thao thành tích cao của tỉnh theo xu hướng phát triển thể thao Việt Nam và quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách thứ hạng, trình độ thể thao thành tích cao với các đơn vị mạnh trong khu vực miền đông nam bộ và toàn quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao thực sự hiệu quả, bền vững, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong Đề án Nâng cao Thể thao thành tích cao tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020. Nâng cao vị thế thể thao Bà Rịa-Vũng Tàu đối với khu vực và cả nước. Phấn đấu đạt thứ hạng 25-30 tại kỳ Đại hội TDTT 2018; đóng góp VĐV vào thành phần đội tuyển quốc gia, đạt huy chương tại các kỳ SeaGames.

Tập trung phát triển đầu tư có trọng điểm một số môn thể thao thuộc thế mạnh của tỉnh (Vovinam, Judo, Bi sắt, Bóng chuyền Bãi biển…), thường xuyên tổ chức các giải thi đấu đỉnh cao cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, mở rộng giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo tài năng thể thao, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT, xây dựng hệ thống các chính sách, cơ chế quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia, nhằm tạo động lực thúc đẩy nâng cao thành tích thể thao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

c) Phương án đào tạo:

Trên cơ sở dự báo thành tích của các vận động viên, xác định những môn thể thao trọng điểm phải đầu tư, đầu tư có chiến lược và có kế hoạch dài hơi, chất lượng cao cụ thể từng nội dung, hạng cân, từng vận động viên.

Xác định các môn thể thao bao gồm các tuyến năng khiếu, tuyến trẻ, tuyến Tuyển. Số lượng huy chương đạt được của các môn thể thao trong đề án giai đoạn 2016-2020.

Số môn thể thao thực hiện giai đoạn 2016- 2020 gồm 3 nhóm:

- Nhóm 1: Những môn có khả năng đạt huy chương vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 gồm các môn sau: Vovinam, Judo, Bóng chuyền bãi biển, Petanque.

- Nhóm 2: Những môn có khả năng đạt huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 và các môn trong Olympic, Asiad bao gồm: Taekwondo, Karatedo, Boxing, Điền kinh, Thể dục thể hình.

- Nhóm 3: Những môn có các VĐV đạt trình độ quốc gia, nhưng không có trong Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 hay những môn thể thao có phong trào mạnh tại địa phương đang trong quá trình xây dựng lại để phát triển trong tương lai: Kickboxing, Cờ tướng, Cờ vua, Bóng bàn, Bơi lội.

Số lượng đào tạo VĐV 3 tuyến giai đoạn 2016 – 2020:

Năm

Tuyến đào tạo

Tổng cộng

Năng khiếu

Trẻ

Tuyển

môn

hlv,vđv

Môn

hlv,vđv

môn

hlv,vđv

môn

hlv,vđv

2016

4

4-21

12

17-83

8

10-43

15

178

2017

4

4-21

12

17-83

8

10-43

15

178

2018

4

4-21

12

15-79

11

13-57

15

189

2019

8

8-42

13

16-85

12

14-66

15

231

2020

8

8-42

14

17-89

12

14-66

15

236

Số lượng huy chương đạt được của các môn Thể thao trong giai đoạn 2016-2020:

Năm

Đơn vị tính

Số giải tham dự

Kế hoạch huy chương đạt được

Tổng cộng

Quốc tế

Quốc gia

Khu vực

2016

cái

50

5

110

70

185

2017

cái

50

5

115

75

195

2018

cái

55

6

120

80

206

2019

cái

58

7

123

85

215

2020

cái

60

8

125

90

223

2. Giải pháp thực hiện.

a) Về cơ chế, chính sách:

- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thể dục thể thao làm cơ sở cho ngành, các ngành và các địa phương phối hợp thi hành.

- Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực thể dục thể thao.

b) Về tổ chức quản lý:

- Củng cố, kiện toàn bộ máy sự nghiệp thể dục thể thao; phân định rõ chức năng nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao và đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao nhằm chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ tổ chức đào tạo huấn luyện; tổ chức thi đấu theo đúng quy định hiện hành.

- Ban hành các quy chế về tuyển chọn (xét tuyển, thi tuyển …) bảo đảm công bằng trong hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực thể thao thành tích cao tỉnh nhà.

- Đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo - huấn luyện phù hợp với từng tuyến đào tạo.

c) Giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu:

- Đề xuất về chủ trương dự án đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV thể thao của tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020.

- Trang bị đồng bộ trang thiết bị, dụng cụ đào tạo, huấn luyện hiện đại, thiết thực.

d) Giải pháp về đào tạo, huấn luyện:

- Về xây dựng lực lượng huấn luyện viên, vận động viên: nguồn vận động viên chủ yếu tuyển chọn từ học đường, các địa phương, các cơ quan và kể cả các địa phương khác khi muốn cống hiến lâu dài cho tỉnh.

- Về phân nhóm trọng tâm đầu tư các môn thể thao.

e) Giải pháp xã hội hóa:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực thể dục, thể thao.

f) Các giải pháp khác:

- Tăng cường liên kết đào tạo với các Trung tâm huấn luyện quốc gia, hợp đồng với các huấn luyện viên nước ngoài để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện các môn thể thao trọng điểm của tỉnh.

- Tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thể thao trong nhà trường, phát triển hệ thống câu lạc bộ trong trường học, nhằm tuyển chọn phát triển tài năng thể thao để xây dựng đội ngũ VĐV thành tích cao cho tỉnh.

3. Kinh phí thực hiện Đề án.

Về kinh phí thực hiện giai đoạn 2016-2020: 53.358.810.000 đồng

 (Năm mươi ba tỷ, ba trăm năm mươi tám triệu, tám trăm mười ngàn đồng).

- Năm 2016 : 9.514.070.000 đ.

- Năm 2017 : 9.514.070.000 đ.

- Năm 2018 : 10.308.980.000 đ.

- Năm 2019 : 11.873.720.000 đ.

- Năm 2020 : 12.147.970.000 đ. Trong đó:

+ Kinh phí cụ thể của tuyến năng khiếu : 3.677.170.000 đ.

+ Kinh phí cụ thể tuyến tuyển trẻ : 27.262.360.000 đ.

+ Kinh phí cụ thể tuyến tuyển : 22.419.280.000 đ.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoá V, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn đề án phát triển nguồn nhân lực thể thao thành tích cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2011-2015 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 44/2015/NQ-HĐND phê duyệt đề án nâng cao thể thao thành tích cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 44/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Nguyễn Hồng Lĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản