Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2012/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 05 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 132/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 393/KTNS-HĐND ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Tờ trình số 132/TTr-UBND, ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2015, với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ:

1. Phạm vi áp dụng:

Cơ chế này áp dụng cho các dự án kiên cố hóa mặt đường đối với đường xã và đường thôn (bản); xây dựng, sửa chữa các cầu nhỏ, đường tràn, cống qua đường, hệ thống thoát nước trên các tuyến đường huyện, đường xã (theo phân loại đường bộ tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và mở mới đường thôn (bản) trên địa bàn tỉnh.

Không áp dụng đối với các tuyến đường đô thị trên địa bàn thành phố, thị xã; đường nội thị ở vùng 1, vùng 2, vùng 3.

2. Đối tượng hỗ trợ:

2.1. Kiên cố hóa mặt đường xã ở cả 3 vùng;

2.2. Kiên cố hóa mặt đường thôn (bản) ở cả 3 vùng;

2.3. Mở mới đường thôn (bản) ở các xã thuộc vùng 3;

2.4. Sửa chữa, xây dựng mới các công trình bao gồm: cầu nhỏ có chiều dài cầu (tính đến đuôi mố) ≤ 30m; đường tràn; cống qua đường, hệ thống thoát nước trên các tuyến đường huyện, đường xã ở cả 3 vùng, có tổng kinh phí xây lắp ≤ 2,0 tỷ đồng.

II. QUY MÔ, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HỖ TRỢ:

Các công trình giao thông được xem xét hỗ trợ phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật sau:

1. Công trình đường bộ:

a) Đường xã:

- Chiều rộng nền đường: Bnền = 4,0 - 6,5 m.

- Chiều rộng mặt đường: Bmặt = 3,0 - 3,5 m.

b) Đường thôn (bản):

- Chiều rộng nền đường: Bnền = 3,0 - 5,0 m.

- Chiều rộng mặt đường: Bmặt = 2,0 - 3,0 m.

Kết cấu mặt đường: Là đá dăm láng nhựa, cấp phối đá dăm láng nhựa, mặt đường nhựa nhũ tương, hoặc mặt đường bê tông xi măng (chiều dày tối thiểu d = 16cm, bê tông tối thiểu mác 200).

2. Công trình thoát nước:

a) Công trình cầu:

* Cầu xây dựng mới:

- Quy mô: Khổ cầu ≥ 4,0m; chiều dài cầu Lc ≤ 30m, tải trọng tối thiểu H13-x60.

- Kết cấu cầu: Cầu bê tông cốt thép, cầu thép, cầu bán vĩnh cửu.

* Sửa chữa cầu cũ: Cải tạo, sửa chữa cầu trên cơ sở cầu cũ hiện có.

b) Đường tràn: Kết cấu bê tông, bê tông cốt thép hoặc đá hộc xây vữa xi măng.

c) Cống qua đường: Kết cấu bê tông, bê tông cốt thép.

d) Hệ thống rãnh thoát nước: Kết cấu bê tông, bê tông cốt thép hoặc gạch xây vữa xi măng.

III. PHÂN VÙNG HỖ TRỢ:

1. Vùng đồng bằng (vùng 1): Bao gồm các xã thuộc các huyện đồng bằng (trừ các xã miền núi ở các huyện đồng bằng).

2. Vùng miền núi (vùng 2): Bao gồm các xã của 11 huyện miền núi và các xã miền núi của các huyện đồng bằng (trừ những xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và những xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã).

3. Vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3): Bao gồm các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và những xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.

IV. MỨC HỖ TRỢ:

1. Hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường và mở đường thôn (bản):

a) Vùng 1:

- Đường xã: Hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường              140 triệu đồng/1Km.

- Đường thôn (xóm): Hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường 100 triệu đồng/1Km

b) Vùng 2:

- Đường xã: Hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường              180 triệu đồng/1Km.

- Đường thôn (bản): Hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường 150 triệu đồng/1Km.

c) Vùng 3:

- Đường xã: Hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường               200 triệu đồng/1Km.

- Đường thôn (bản):

+ Hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường                               150 triệu đồng/1Km.

+ Mở đường mới: Đảm bảo cho xe máy, xe đạp, người đi bộ qua lại.

Hỗ trợ 20 triệu đồng/Km để mở đường và hỗ trợ 100% kinh phí nổ mìn phá đá để mở đường (nếu có).

2. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các công trình: đường tràn, cầu nhỏ, cống, hệ thống thoát nước:

a) Vùng 1:

- Công trình nằm trên đường huyện, đường xã: Hỗ trợ 50% (giá trị xây lắp).

b) Vùng 2:

- Công trình nằm trên đường huyện:                    Hỗ trợ 70% (giá trị xây lắp).

- Công trình nằm trên đường xã:                         Hỗ trợ 80% (giá trị xây lắp).

c) Vùng 3:

- Công trình nằm trên đường huyện:                    Hỗ trợ 80% (giá trị xây lắp).

- Công trình nằm trên đường xã:                         Hỗ trợ 90% (giá trị xây lắp).

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển giao thông nông thôn hàng năm được bố trí bằng 3% tổng thu ngân sách của tỉnh trên địa bàn.

Điều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 94/2008/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, quy định cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2012./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCTN, VPCP;
- Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đại biểu QH, đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- VP: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Mai Văn Ninh