Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2006/NQ-HĐND

Phan Thiết, ngày 10 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHOÁ VIII, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2406/TTr-UBND ngày 19/6/2006 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về nhiệm vụ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006-2010, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006-2010; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cụ thể sau đây:

1.Về mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn 2006-2010 từ 22-24%/năm;

- Tích cực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí, cơ cấu lại nội bộ ngành công nghiệp để đưa giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 18%/năm và đến năm 2010 đưa tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5-40% trong đó công nghiệp chiếm 28-29% tổng sản phẩm nội tỉnh;

- Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tăng bình quân 18-20%/năm và chiếm 80-85% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh vào năm 2010.

2. Về nhiệm vụ và các giải pháp:

a) Khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm hiện có và phát triển các sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu nông lâm thuỷ sản của địa phương.

Tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng bao bì hàng hoá, nhất là đối với các sản phẩm lợi thế như: thuỷ sản, nhân hạt điều, muối tinh, nước khoáng…Có chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất những sản phẩm mới như: sản xuất hoá chất sau muối, chế biến cao su và các sản phẩm từ cao su, chế biến nước giải khát từ trái cây, chế biến thịt gia súc, gia cầm, chế biến khoáng sản {cát trắng, Ilmenit- Zircon (cát đen), bentonit…}, giầy da, may mặc, điện tử, cơ khí…;

b) Tập trung nguồn lực phát triển các khu công nghiệp tập trung. Xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và lấp đầy các cơ sở sản xuất vào Khu công nghiệp Phan Thiết. Hoàn thành việc xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư kinh doanh 50% diện tích Khu công nghiệp Hàm Kiệm I và II. Hoàn thành công tác chuẩn bị, đầu tư xây dựng ít nhất 50% diện tích, thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp dịch vụ dầu khí Sơn Mỹ, Khu Công nghiệp Tân Đức.

Đầu tư phát triển các công trình thuỷ lợi, nhất là công trình thuỷ lợi Sông Móng-Capét, Hồ Sông Dinh 3 để cung cấp nước cho các khu công nghiệp mới ở phía Nam tỉnh;

c) Phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Kiến nghị với các chủ đầu tư và cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thủy điện Đại Ninh, Bắc Bình, công trình điện gió huyện Phú Quý do Trung ương đầu tư. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các công trình thuỷ điện nhỏ. Phát triển lưới điện đến các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn, các khu dân cư, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,5% vào năm 2010;

d) Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn và làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Tham gia chương trình “1 làng 1 nghề” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển các làng nghề. Phát triển sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu tại chỗ. Đầu tư một số làng nghề truyền thống thành điểm tham quan phục vụ du lịch. Chú trọng phát triển các ngành nghề sản xuất, sữa chữa như cơ khí, cơ điện, tàu thuyền.. phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp, điêu khắc gỗ, chế biến trái cây, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch;

đ) Rà soát, bổ sung, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tự đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chính sách khuyến khích thu hút đầu tư hạ tầng; chính sách phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến; chính sách phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống... ;

e) Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010. Hoàn thành quy hoạch phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn và quy hoạch phát triển lưới điện;

g) Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, chuyên gia, cán bộ quản lý doanh nghiệp; chú trọng đầu tư đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề cho các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của nền kinh tế;

h) Tăng cường quản lý nhà nước về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làm rõ trách nhiệm của các ngành trong mối quan hệ phối hợp thực hiện chức năng tham mưu và quản lý nhà nước.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, Hội đồng nhân dân tỉnh uỷ quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010 khi có đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khoá VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 06 tháng 7 năm 2006./.

 

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Tí

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 40/2006/NQ-HĐND về phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006-2010

  • Số hiệu: 40/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/07/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Văn Tí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản