Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 384/2015/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 10 tháng 11 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN VÀ CHÍNH SÁCH HỢP TÁC ĐÀO TẠO GIỮA TỈNH ĐIỆN BIÊN VỚI CÁC TỈNH BẮC LÀO, GIAI ĐOẠN 2016-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII, KÌ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006;

Căn cứ Thông tư số 120/2012/TT-BTC ngày 24/7/2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn suất chi đào tạo cho lưu học sinh Lào và học sinh Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam; Thông tư số 140/2014/TT-BTC ngày 24/9/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi một số điều của Thông tư số 120/2012/TT-BTC ngày 24/7/2014;

Căn cứ Thông tư số 03/2014/TT-BGD&ĐT, ngày 25/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc ban hành Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam;

Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TTg ngày 05/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3883/TTr-UBND ngày 4/11/2015 của UBND tỉnh về việc thông qua Đề án và chính sách hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 27/BC-VHXH, ngày 6/11/2015 của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án và chính sách hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2016-2020 và các nội dung chính sau đây:

1. Đào tạo học sinh Điện Biên tại Lào và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học sinh Lào tại Điện Biên theo diện cử tuyển và tự túc.

1.1. Đào tạo cán bộ, học sinh Lào tại Điện Biên

Đào tạo cho các tỉnh Bắc Lào 75 người/năm (mỗi tỉnh 25 người, gồm 20 học sinh và 05 cán bộ). Thời gian đào tạo Tiếng Việt là 01 năm tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh, sau đó 60 học sinh chuyển sang đào tạo chuyên ngành tại các trường Cao đẳng trong tỉnh (mỗi tỉnh 20 người), 15 cán bộ chuyển sang đào tạo trình độ trung cấp lý luận tại trường Chính trị tỉnh (mỗi tỉnh 05 người).

Đào tạo liên thông từ trình độ Cao đẳng lên đại học tại tỉnh Điện Biên, số lượng 15 người/năm (mỗi tỉnh 05 người/năm).

1.2. Đào tạo học sinh tỉnh Điện Biên tại Lào

- Mỗi năm, tỉnh Điện Biên cử 05 học sinh đi đào tạo tại trường Đại học Xu Pha Nu Vông, tỉnh Luông Pha Bang. Kinh phí đào tạo, tiền ăn, ở, hỗ trợ sinh hoạt phí cùng các phương tiện học tập và sinh hoạt do tỉnh Luông Pha Bang chi trả trực tiếp cho người học. Chi phí đi lại giữa Điện Biên và Luông Pha Bang do người học tự túc.

1.3. Đào tạo tiếng Việt, chuyên ngành cho cán bộ, học sinh Lào theo diện tự túc.

Căn cứ nhu cầu đào tạo cán bộ của các tỉnh Bắc Lào, khả năng đáp ứng về năng lực đội ngũ, kinh nghiệm giảng dạy, quản lý, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trong tỉnh, những năm tiếp theo UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trung tâm GDTX tỉnh tổ chức đào tạo Tiếng Việt; các trường Cao đẳng đào tạo chuyên ngành trình độ trung cấp, cao đẳng hệ chính quy, đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp cao đẳng lên đại học cho cán bộ, học sinh các tỉnh Bắc Lào. Kế hoạch đào tạo hằng năm do UBND tỉnh phê duyệt.

Học phí, kinh phí đào tạo: do người học đóng góp tại các cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành, được UBND tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Lào tại Điện Biên, cán bộ Điện Biện tại Lào

2.1. Bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ Lào tại Điện Biên

Bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công chức, viên chức của Lào tại Điện Biên, mỗi năm 01 khóa, số lượng 30 người/khóa (mỗi tỉnh 10 người). Thời gian: 06 tuần /khóa.

2.2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Điện Biện tại Lào

Mỗi năm tỉnh cử 15 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại Lào. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng 12 tháng.

3. Chế độ chính sách

3.1. Chế độ chính sách đối với học sinh, cán bộ nước CHDCND Lào tại Điện Biên

3.1.1. Chế độ đối với giáo viên dạy tiếng Việt cho LHS Lào

Vận dụng theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP , ngày 20/6/2006 của Chính phủ và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP , ngày 23/02/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP , ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; gồm phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương cơ sở.

3.1.2. Chế độ đối với học sinh

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020 và vận dụng nội dung chi, mức chi được quy định tại Thông tư số 120/2012/TT-BTC ngày 24/7/2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn suất chi đào tạo cho lưu học sinh Lào và học sinh Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam, LHS Lào học tại Điện Biên được hỗ trợ với các nội dung cụ thể sau:

- Miễn học phí và các loại lệ phí.

- Học bổng (tiền ăn) bằng mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (tại thời điểm hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng). Khi Nhà nước có sự điều chỉnh mức lương cơ sở thì mức học bổng được điều chỉnh theo.

- Chế độ thưởng: Học sinh nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả xếp loại từ Khá trở lên được Nhà trường thưởng 1 lần/năm, cụ thể như sau:

+ Loại khá: 120.000 đồng.

+ Loại giỏi: 180.000 đồng.

+ Loại xuất sắc: 240.000 đồng.

- Trang cấp hiện vật: Học sinh khi nhập trường được trang cấp một số đồ dùng cá nhân như sau: 01 màn tuyn cá nhân, 01 chăn cá nhân (cả vỏ và ruột), 01 đệm nằm, 01 chiếc ga trải giường, 01 chiếc gối, 01 chiếu cá nhân, 01 áo ấm, 01 chậu rửa. Mức tiền tối đa hỗ trợ 01 lần cho cả thời gian học trong trường là 1.500.000 đồng/học sinh (Một triệu năm trăm ngàn đồng chẵn).

- Hỗ trợ tiền tàu xe: Học sinh được cấp tiền tàu xe mỗi năm 01 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp tết hoặc dịp nghỉ hè.

- Hỗ trợ học phẩm: Hàng năm học sinh được hỗ trợ tiền học phẩm với mức hỗ trợ tối đa: 100.000 đồng/học sinh/năm học.

- Sách, tài liệu học tập: Nhà trường xây dựng tủ sách, tài liệu dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 01 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đang theo học. Trường có trách nhiệm tổ chức cho mượn và bảo quản sách, tài liệu để sử dụng lâu dài, có hiệu quả. Hàng năm, trường được mua bổ sung số sách, tài liệu bằng 10% số đầu sách, tài liệu của tủ sách dùng chung.

- Chi cho ngày Quốc khánh Lào, tết Việt Nam, tết Lào: 150.000 đồng/học sinh/lần (03 lần/năm).

- Chi hoạt động văn thể: Mỗi lớp được cấp: 01 tờ báo địa phương, 01 tờ báo của thanh niên hoặc báo “Giáo dục và Thời đại” hoặc tập san văn nghệ dành cho các dân tộc.

- Chi các hoạt động công lạc bộ vui chơi giải trí: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động tuyên truyền và cổ động mang tính quần chúng của nhà trường (dự toán chi trong phạm vi 5% quỹ học bổng của học sinh).

- Chi thi kiểm tra và cấp chứng chỉ: Thực hiện theo các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường được lập dự toán chi các khoản như sau:

+ Làm hồ sơ, ra đề thi, coi chấm thi, xét kết quả và cấp chứng chỉ theo quy định hiện hành.

+ Làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân của lưu học sinh.

- Chi bảo vệ sức khỏe: Mua sổ khám sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe hàng năm cho học sinh; Mua bảo hiểm y tế cho học sinh; Mua thuốc thông thường cho học sinh đặt tại tủ thuốc của trường với mức chi 10.000 đồng/học sinh/năm.

- Chi tiền điện, nước phục vụ việc học tập và sinh hoạt:

+ Điện thắp sáng: bình quân 25KW/tháng/học sinh theo giá điện quy định tại địa phương.

+ Nước sinh hoạt: bình quân 4m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương.

3.1.3. Đối với học viên học liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học

- Chế độ hỗ trợ cho học viên như: tiền ăn, ngủ, đi lại, các chế độ khác thực hiện như đối với LHS Lào đang đào tạo trung cấp, cao đẳng tại Điện Biên. Thời gian được hưởng: 4 kì x 5 tháng. Kinh phí được thanh toán theo thực tế đào tạo, nhưng không vượt quá định mức trên.

- Trong thời gian đào tạo tại Điện Biên, học viên được bố trí tại kí túc xá nơi học viên theo học.

3.1.4. Chế độ hỗ trợ trang bị cần thiết ban đầu cho cơ sở đào tạo

+ Phòng ở gồm: giường cá nhân, tủ đựng quần áo, bàn ghế, ấm chén, phích nước, đèn, quạt.

+ Hỗ trợ lớp học, hỗ trợ trang bị nhà ăn, nhà bếp.

+ Chi trang bị ti vi dùng chung tại hội trường cho học sinh.

+ Chi trang bị 01 phòng máy vi tính dùng chung cho hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Đối tượng hưởng: Toàn bộ lưu học sinh Lào, cán bộ của Lào đang học tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

3.1.5. Chế độ hỗ trợ đối với đối tượng bồi dưỡng, tập huấn, thực tế cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (6 tuần)

Kinh phí: do tỉnh Điện Biên chi trả theo quy định hiện hành. Tỉnh bố trí ăn, nghỉ, bồi dưỡng tại TT GDTX tỉnh và thực tế tại các cơ quan đơn vị liên quan thuộc tỉnh Điện Biên.

3.2. Chế độ chính sách đối với học sinh tỉnh Điện Biên đào tạo tại Lào

3.2.1. Chế độ đối với học sinh

Học phí, kinh phí đào tạo, học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí cùng các phương tiện học tập, do tỉnh Luông Pha Bang hỗ trợ và chi trả trực tiếp cho học sinh. Chi phí đi lại giữa tỉnh Điện Biên và tỉnh Luông Pha Bang do người học tự túc.

3.2.2. Chế độ đối với cán bộ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn

- Thời gian học tại Việt Nam, người học được hưởng nguyên lương, phụ cấp lương trong nước và chế độ đi học theo quy định hiện hành, được cơ sở đào tạo bố trí chỗ nghỉ cho cán bộ ở xa.

- Thời gian học tại Lào, chế độ cho người học gồm:

+ Được hưởng nguyên lương, phụ cấp lương trong nước và hưởng chế độ đi học theo quy định.

+ Hỗ trợ tiền ăn = 90.000 đồng/ngày.

+ Được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo mức: tối đa 50 USD/người/đợt công tác.

+ Được thanh toán công tác phí 01 lượt đi và về/khóa học giữa Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào theo quy định hiện hành.

+ Được hỗ trợ kinh phí chi công tác phục vụ là 50.000 đồng/người/ngày.

+ Đề nghị phía bạn hỗ trợ kinh phí chi cho giảng viên và hỗ trợ chỗ ở cho cán bộ của tỉnh (do Sở Giáo dục và Thể thao các tỉnh Bắc Lào bố trí giúp tại các trường chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục của Lào). Trong trường hợp phía bạn không bố trí được chỗ nghỉ, tỉnh Điện Biên hỗ trợ tiền ngủ cho người học với mức 100.000 đồng/người/ngày.

4. Kinh phí đào tạo

4.1. Tổng kinh phí thực hiện đề án (không bao gồm diện tự túc)

- Chi đào tạo cho LHS Lào tại Điện Biên

+ Đào tạo Tiếng Việt: 11.919 triệu đồng

+ Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: 40.270 triệu đồng

+ Đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học: 1.428 triệu đồng

+ Đào tạo lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh: 2.084 triệu đồng

- Chi công tác quản lý đào tạo LHS: 900 triệu đồng

- Chi đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tỉnh Điện Biên tại Lào: 1.252 triệu đồng.

- Chi bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ Lào tại tỉnh Điện Biên: 2.256 triệu đồng.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 60.109.000.000 (bằng chữ: sáu mươi tỷ một trăm linh chín triệu đồng)

4.2. Nguồn kinh phí thực hiện đề án: Sử dụng nguồn ngân sách địa phương dành cho quan hệ hợp tác với Lào hàng năm.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua, thay thế nghị quyết số 136/2008/NQ-HĐND ngày 15/9/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc nâng mức tiền ăn cho Lưu học sinh Lào tại tỉnh Điện Biên và Nghị quyết số 202/NQ-HĐND ngày 12/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với 3 tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2010 – 2015.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2015./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Giáo dục Đào tạo;
- Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy;
-TT HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- ĐBQH, ĐB HĐND tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT HĐND- UBND các huyện,TX, TP;
- Công báo tỉnh;
- Lưu:VT, CV HĐND tỉnh.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Hoa

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 384/2015/NQ-HĐND thông qua Đề án và chính sách hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 384/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/11/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Giàng Thị Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản