Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 369/2003/NQ-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2003

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CÔNG TÁC LẬP PHÁP

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Để phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về công tác xây dựng pháp luật theo quy định của pháp luật;
Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;
Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại Tờ trình số 1452 VP/CN ngày 01 tháng 10 năm 2002 về việc thành lập Ban công tác lập pháp;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thành lập Ban công tác lập pháp.

Ban công tác lập pháp là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật.

Điều 2. Ban công tác lập pháp có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Chủ trì trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ và hàng năm để trình Quốc hội; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;

2. Chủ trì trong việc phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án, Uỷ ban pháp luật, Bộ tư pháp hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với dự thảo luật, dự thảo pháp lệnh, dự thảo nghị quyết sau khi các văn bản này đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến;

3. Phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua;

4. Phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để cơ quan chủ trì thẩm tra trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua;

5. Chủ trì việc rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua để trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực;

6. Chủ trì trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo, tờ trình về dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình cấp có thẩm quyền;

7. Phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong công tác giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết;

8. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao.

Điều 3. Ban công tác lập pháp có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và vụ giúp việc là Vụ công tác lập pháp.

Tổ chức và nhiệm vụ của Vụ công tác lập pháp do Trưởng Ban công tác lập pháp phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định.

Điều 4. Trưởng ban, các Phó Trưởng ban công tác lập pháp do Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Trưởng ban là người chịu trách nhiệm trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác của Ban.

Trưởng Ban công tác lập pháp có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức và điều hành hoạt động của Ban theo chức năng và nhiệm vụ được giao;

2. Chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; giữ mối liên hệ với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan khác trong công tác xây dựng pháp luật;

3. Thay mặt Ban trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức hữu quan;

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao.

Các Phó Trưởng ban giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban. Khi Trưởng ban vắng mặt thì một Phó Trưởng ban được Trưởng ban uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban.

Điều 5. Ban công tác lập pháp có con dấu theo quy định của pháp luật.

Kinh phí của Ban là một khoản trong kinh phí hoạt động của Quốc hội; cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động của Ban do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

Điều 6. Trưởng Ban công tác lập pháp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 369/2003/NQ-UBTVQH11 về việc thành lập Ban Công tác lập pháp do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 369/2003/NQ-UBTVQH11
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/03/2003
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/03/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản