Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/NQ-HĐND | Quảng Nam, ngày 11 tháng 7 năm 2024 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BỐN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;
Căn cứ kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai mươi bốn, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.
QUYẾT NGHỊ:
Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ, giải quyết như: chưa hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn, kết quả giải ngân chưa đảm bảo tiến độ đề ra; vai trò chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, nhất là địa bàn, đối tượng thụ hưởng các chương trình chưa được phát huy đúng mức.
Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất nội dung trả lời chất vấn của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện 03 Chương trình MTQG trên địa bàn các huyện miền núi. Cụ thể:
1. Nhiệm vụ chung trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia
Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong triển khai các Chương trình MTQG. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Văn phòng điều phối các Chương trình MTQG, các cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương thụ hưởng nguồn vốn.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để giải ngân các nguồn vốn được giao trong năm 2024 (kể cả nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài sang năm 2024). Khẩn trương kiểm tra, rà soát các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các Chương trình MTQG không thể triển khai thực hiện để kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội. Ưu tiên nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư nâng chuẩn các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước, phấn đấu đạt mục tiêu số xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện khẩn trương kiểm tra, rà soát từng nhiệm vụ, danh mục, tiến độ thực hiện dự án, công trình, nội dung thành phần của từng Chương trình MTQG; qua đó, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể trong theo dõi, đôn đốc, đảm bảo giải ngân nguồn vốn được giao theo đúng quy định, tiến độ đề ra.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện các Chương trình MTQG. Chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, trả lời của bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các Chương trình.
Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình. Chỉ đạo rà soát những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình, nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến chính sách dân tộc, miền núi để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp đối với người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, chính sách hỗ trợ từ ngân sách, các tổ chức xã hội và chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách đến với người dân; phát huy vai trò chủ thể, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động của người dân trong tham gia, thực hiện các Chương trình MTQG.
Xem xét vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, có biện pháp xử lý các địa phương, đơn vị chậm triển khai thực hiện. Đề nghị Hội đồng nhân dân các huyện tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đảm bảo việc triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn theo đúng quy định.
2. Nhiệm vụ trọng tâm đối với từng Chương trình:
2.1. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Tập trung nghiên cứu giải pháp nhằm duy trì và nâng cao các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác duy trì chuẩn, trong đó, tập trung ưu tiên các xã rớt tiêu chí, xã về đích nông thôn mới; kiên quyết thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nếu rơi vào khung thu hồi theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm soát chặt chẽ nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình; xây dựng kế hoạch, lộ trình trả nợ cụ thể; hạn chế thấp nhất phát sinh nợ mới trong xây dựng cơ bản.
2.2. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định đảm bảo dành quỹ đất để bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho Nhân dân. Kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, sắp xếp dân cư gắn với mục tiêu ổn định đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện có hiệu quả các mô hình chuyển đổi ngành nghề, đào tạo lao động gắn với giải quyết việc làm cho người dân thiếu đất.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu.
Rà soát chính sách về hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét mức hỗ trợ tăng thêm từ ngân sách tỉnh đảm bảo tính đồng bộ với các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở trong Chương trình MTQG giảm nghèo, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.
2.3. Chương trình MTQG giảm nghèo:
Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, lồng ghép đồng bộ 03 Chương trình MTQG để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Rà soát, phân loại, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, nhận diện rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Quan tâm các điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận thuận lợi các chính sách tín dụng, nhằm hỗ trợ thêm nguồn lực để chủ động, tự nguyện tham gia thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững.
Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đạt hiệu quả, tiến độ, nhất là công tác giải ngân, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra, nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giảm nghèo gắn với thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn miền núi.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án khu dân cư Tắc Lũ, thôn 3, xã Trà Mai để sớm bàn giao huyện Nam Trà My quản lý và bố trí di dời, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn trong năm 2024.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, kỳ họp thứ hai mươi bốn thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2024./.
| TM. CHỦ TỌA KỲ HỌP |
- 1Quyết định 18/2022/QĐ-TTg Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 111/2024/QH15 cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia do Quốc hội ban hành
Nghị quyết 33/NQ-HĐND năm 2024 chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai mươi bốn, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Số hiệu: 33/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 11/07/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Trần Xuân Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra