Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Tờ trình số 446/TTr-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2023 về thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; báo cáo thẩm tra số 127/BC-KTNS ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố; báo cáo giải trình số 470/BC-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu và nội dung cơ bản sau:

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, trình độ sản xuất tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững trên địa bàn Thủ đô”.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

- Có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, phân hạng;

- Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55-60%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt trên 95%.

- Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ danh hiệu Thôn, Làng văn hóa đạt 65%; tỷ lệ Gia đình được công nhận giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt từ 86-88%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%. Duy trì 100% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã. 100% số thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn.

- Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%; tỷ lệ thôn được phủ sóng 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.

- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%. Duy trì 100% số xã đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo theo quy định đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%.

3. Nhiệm vụ và giải pháp trọng trọng tâm

3.1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của Thành phố theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

3.2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai thực hiện Đề án.

3.3. Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa.

3.4. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cơ bản đồng bộ, hiện đại, theo hướng phát triển đô thị.

3.5. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, chế biến nông sản theo hướng tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản có chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh cao; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

3.6. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

3.7. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

3.8. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống

3.9. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

3.10. Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

3.11. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

3.12. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình chuyên đề.

3.13. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; truyền thông về xây dựng nông thôn mới; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Nguồn vốn thực hiện đề án:

1. Nguồn lực triển khai Đề án thực hiện theo Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Cụ thể như sau:

- Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020), trong đó:

Nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư: 83.700 tỷ đồng (chiếm 90,3%).

Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn khác...): 8.980 tỷ đồng (chiếm 9,7%).

- Trong 92.680 tỷ đồng có 71.839 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho Chương trình (chiếm 77,5%), trong đó:

Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước: 62.850 tỷ đồng (chiếm 87,5%) (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 24.130 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã là 38.720 tỷ đồng).

Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn vốn khác...): 8.980 tỷ đồng (chiếm 12,5%); triển khai thực hiện lồng ghép nguồn vốn huy động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch; huy động trên nhiều hình thức khác nhau và có sự theo dõi, thống kê, báo cáo chính xác, đầy đủ từng nguồn vốn được triển khai thực hiện và có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:

Quyết định phê duyệt Đề án theo thẩm quyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện; chỉ đạo rà soát, trình Hội đồng nhân dân Thành phố đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố được quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ để đảm bảo tính bao quát và thống nhất trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; làm cơ sở lập và phân bổ vốn cụ thể hàng năm triển khai Đề án.

Chỉ đạo sát sao công tác huy động vốn, lập, xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán, tổ chức triển khai và thanh quyết toán các nguồn vốn thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, chính xác về số liệu, tuân thủ quy định theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ và các quy định liên quan.

Hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp cuối năm.

2. Giao thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2023./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban công tác đại biểu thuộc UBTV Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn ĐB Quốc hội thành phố Hà Nội;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQ VN Thành phố;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- Các Ban Đảng TU, VPTU;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP; VP UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- TT HĐND, UBND quận, huyện, thị xã;
- Công báo TP Hà Nội;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 33/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 33/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/12/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản