Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/NQ-HĐND

Cần Giờ, ngày 21 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NĂM 2018, NĂM 2019

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 13

(Ngày 17, 18 tháng 12 năm 2020)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ vù Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân huyện về chương trình hoạt động giám sát năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân huyện về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện năm 2018, năm 2019;

Qua xem xét Báo cáo số 278/BC-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện về kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện năm 2018, năm 2019 và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo số 278/BC-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện về kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện năm 2018, năm 2019. Hội đồng nhân dân huyện ghi nhận:

1. Những mặt làm được

- Công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn chế được những sai sót trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

- Các công trình, dự án phê duyệt theo kế hoạch hàng năm được tập trung kiểm tra, giám sát, tranh thủ các nguồn lực, vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện góp phần hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư đảm bảo đúng quy định, luôn lắng nghe, giải thích, không để người dân phản ánh, tố cáo về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tạo điều kiện cho người dân nắm được các quy định của Nhà nước về pháp luật đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường có sự chuẩn bị nghiêm túc, nội dung báo cáo đầy đủ, bám sát đề cương và gửi cho Đoàn giám sát đúng thời gian yêu cầu.

2. Những tồn tại, hạn chế

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Quy hoạch chung xây dựng của huyện chưa thống nhất. Còn một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa đạt kế hoạch đề ra như: đất trồng lúa, đất làm muối, đất ở nông thôn, đất ở đô thị... (đính kèm phụ lục).

- Công tác giải quyết hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất đai, giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp tuy có nhiều nỗ lực cố gắng nhưng còn trễ hạn nhiều, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn năm sau tăng cao hơn năm trước, đặc biệt đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu luôn trễ hạn 100%.

- Công tác lập và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn chậm ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người dân.

- Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu và thông báo chủ sử dụng đất đăng ký nhu cầu chuyển mục đích tại các xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn.

- Công tác phối hợp thực hiện hồ sơ hành chính về giải quyết thủ tục đất đai đối với các đơn vị có liên quan (Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, phòng Tài nguyên Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ tiếp nhận hoàn trả hồ sơ hành chính thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện, Chi cục Thuế huyện) chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ.

- Việc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để sản xuất nông nghiệp còn chậm thực hiện và vướng một số quy định về thể chế như: phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đấu giá quyền sử dụng đất thuê, đất đưa vào quản lý, sắp xếp lại theo Nghị định 167/NĐ-CP của Chính phủ...).

- Việc tổ chức cắm mốc trên các vị trí đất công do nhà nước trực tiếp quản lý (giai đoạn 2) đến nay còn chậm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai.

- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng tiến độ thi công và chậm giải ngân một số dự án.

- Việc cập nhật biến động hồ sơ địa chính của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện còn chậm; cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai chưa đồng bộ, chưa đầy đủ.

- Việc giải quyết hồ sơ tách thửa theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố còn khó khăn và bất cập nhưng chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện.

* Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Nguyên nhân chủ quan:

Việc tham mưu giải quyết đơn khiếu nại của công dân trễ hạn do hồ sơ khó khăn phức tạp cần thời gian xác minh, nghiên cứu pháp lý; nhiều đơn khiếu nại tại các dự án trong cùng thời điểm phải chờ Ủy ban nhân dân huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân và các ngành chức năng để giải quyết theo quy định.

Chưa thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra công vụ và nghiêm khắc xử lý cán bộ, công chức không chấp hành tốt quy trình giải quyết, ảnh hưởng hồ sơ bị trễ hạn nhiều lần. Nội dung thẩm tra, xác minh của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện chưa rõ về nguồn gốc, pháp lý sử dụng đất, tình trạng và thời gian sử dụng đất, xử phạt vi phạm hành chính về đất đai còn thiếu theo quy định.

Công tác phối hợp của các đơn vị có liên quan trong giải quyết hồ sơ chưa tốt, chưa chặt chẽ, nhất quán dẫn đến hồ sơ trả đi, trả lại nhiều lần dẫn đến trễ hạn.

Công tác tuyên truyền vận động người dân đăng ký theo đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất chưa đảm bảo; tuyên truyền về xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn nhiều hạn chế, một số chủ đầu tư đăng ký danh mục công trình, dự án nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện (chủ trương đầu tư, nguồn vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...) hoặc chưa đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm.

- Nguyên nhân khách quan:

Công tác thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố còn chậm (quy định phê duyệt ngày 31/12 hàng năm), từ đó gây khó khăn trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất...

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chưa ban hành hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố nên gây khó khăn cho người dân có nhu cầu tách thửa nhưng không được giải quyết.

Bản đồ theo Chỉ thị 02, bản đồ địa chính số mới có sai sót so với hiện trạng sử dụng đất thực tế của các hộ dân, do quá trình sử dụng đất có biến động rất lớn về hình thể, về diện tích, hiện trạng sử dụng đất. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân mất nhiều thời gian xác minh, xin ý kiến các cơ quan liên quan; mặt khác do đặc thù địa bàn rộng, cán bộ địa chính các xã, thị trấn kiêm thêm nhiệm vụ xây dựng, xác minh hồ sơ bồi thường... nên thời gian quy định 17 ngày (15 ngày niêm yết, 02 ngày xác minh) là không đảm bảo thời gian thực hiện dẫn đến hồ sơ trễ hạn.

Số lượng người dân tham dự lấy ý kiến kế hoạch sử dụng đất còn ít, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ dân chưa quan tâm và nắm rõ các quy định pháp luật về đất đai nên việc tham gia đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong nhân dân còn hạn chế.

Nhiều quy định pháp luật trong giải quyết hồ sơ đất đai chưa rõ ràng, còn chồng chéo và phải xin ý kiến hướng dẫn của sở, ngành thành phố.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dự án còn nhiều khó khăn (thẩm định giá, xác minh pháp lý, xác định chủ sử dụng đất...) dẫn đến một số công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018 chậm triển khai phải đăng ký chuyển tiếp sang năm 2019. Một số chính sách để giải quyết công tác bồi thường chậm được thành phố hướng dẫn và giải quyết.

Do sự sai lệch giữa bản đồ cũ và bản đồ mới và sự không trùng khớp giữa 03 nền bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch nông thôn mới gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Điều 2. Để đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện được thuận lợi, đạt hiệu quả trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân huyện thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

1. Những việc cần làm ngay

(1) Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công bố, niêm yết công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Cần Giờ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2020.

(2) Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất năm 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 - 2025 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu 2021 của huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt theo đúng quy định (theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố).

(3) Tiếp tục thực hiện công tác đo đạc, cắm mốc đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý (giai đoạn 2) trên địa bàn các xã, thị trấn.

(4) Củng cố, khôi phục và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính ứng dụng phần mềm Vilis tạo điều kiện cho các xã, thị trấn cập nhật, theo dõi và nắm bắt tình hình biến động trong việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được kịp thời.

(5) Chỉ đạo xác định nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người hiến đất.

(6) Chỉ đạo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn; trong đó nêu cụ thể tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Huyện, thẩm quyền của thành phố và đề xuất các giải pháp thực hiện, trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện.

(7) Quan tâm khắc phục tình trạng lệch ranh giải tỏa của dự án so với ranh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để thực hiện tốt hơn việc điều chỉnh, cập nhật kế hoạch sử dụng đất hàng năm; có giải pháp thực hiện điều chỉnh lộ giới, chỉ giới sau khi hoàn thành các công trình kè, công trình giao thông để đảm bảo quyền sử dụng đất của các hộ dân.

(8) Quan tâm thực hiện công tác kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

(9) Chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ rà soát đề xuất cấp giấy trên diện tích rừng quản lý theo quy định.

(10) Rà soát số liệu thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất của các xã, thị trấn để tổng hợp hoàn chỉnh số liệu chính xác và đồng bộ giữa huyện và xã; kiểm tra chặt chẽ việc triển khai công tác phổ biến, hướng dẫn các hình thức phù hợp và tạo điều kiện tốt nhất để người dân đăng ký nhu cầu sử dụng đất hàng năm nhằm khắc phục triệt để những vướng mắc trong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất như hiện nay.

2. Những việc làm thường xuyên

(1) Tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Đất đai trong nhân dân bằng nhiều hình thức như: trên Đài phát thanh, tổ chức tập huấn và kết hợp tuyên truyền tại các cuộc họp ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, giúp người dân hiểu sâu về các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai.

(2) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Kế hoạch số 7038/KH-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân huyện về tổ chức xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc Đề án 1.280 trên địa bàn huyện.

(3) Thực hiện cho thuê đất nông nghiệp thuộc Quỹ đất nông nghiệp bị thu hồi do cấp sai quy định tại các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện ký hợp đồng thuê đất để sản xuất, ổn định cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(4) Ban hành kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; nghiêm khắc xử lý cán bộ, công chức không chấp hành tốt quy trình giải quyết, ảnh hưởng hồ sơ bị trễ hạn nhiều lần. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất công, đất xen cài trong khu dân cư, đất có tiếp giáp sông, rạch trên địa bàn.

(5) Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp, kiến nghị, phản ánh của công dân và các vụ việc vi phạm trong quản lý đất đai; nâng cao chất lượng tham mưu giải quyết công việc, không để phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra huyện phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng tham mưu giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, kiến nghị mới phát sinh tại các dự án đầu tư (còn 01 đơn).

(6) Chỉ đạo thực hiện công tác thẩm định, ban hành kế hoạch, thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, phê duyệt kinh phí bồi thường, phương án bồi thường, thành lập Hội đồng bồi thường các dự án mới đầu tư theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và các dự án năm 2019 chuyển tiếp sang nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, công tác giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

(7) Chỉ đạo xem xét và sớm giải quyết các kiến nghị của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (phù hợp quy định pháp luật).

3. Tiếp tục kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố:

(1) Sớm có ý kiến chỉ đạo việc chỉnh lý bản đồ địa chính hiện hành cho phù hợp với tình hình sử dụng đất trên địa bàn huyện.

(2) Hàng năm thực hiện phê duyệt kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định (31/12 hàng năm) để huyện có cơ sở công bố, công khai và triển khai thực hiện các công trình, dự án theo đúng tiến độ đề ra nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội và phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của pháp luật.

(3) Ban hành hướng dẫn chỉ đạo thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu 2021 của huyện (do các quy hoạch, kế hoạch đã hết thời hạn).

(4) Ban hành văn bản thay thế Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời, kiến nghị Sở, ngành hướng dẫn việc xác lập đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất nông nghiệp thuần để làm cơ sở xác định đơn vị đất tính bồi thường, hỗ trợ; hướng dẫn quy định việc quản lý, khai thác đất bãi bồi, đất mặt nước ven sông, ven biển; đất đã thu hồi quản lý theo chế độ đất công; đất xen cài, nhỏ lẻ trong khu dân cư và hướng dẫn về quy định xây dựng trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất và phục vụ du lịch.

(5) Sớm ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung sửa đổi Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa.

(6) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và các tổ chức có liên quan tổng rà soát rừng phòng hộ Cần Giờ để làm cơ sở thống nhất quản lý toàn diện và đồng bộ rừng phòng hộ Cần Giờ về số liệu diện tích, ranh rừng...; các khu vực ngoài ranh rừng nhưng cần đưa vào quản lý phát triển rừng, các khu vực trong ranh rừng nhưng không phù hợp phát triển rừng thì cần phải đưa ra khỏi ranh rừng để thuận lợi trong quản lý chung trên địa bàn Huyện; lập bản đồ rừng phòng hộ Cần Giờ để thống nhất quản lý.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân huyện Ủy ban nhân dân huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; báo cáo kết quả tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 của Hội đồng nhân dân huyện.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân huyện giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân huyện cần Giờ khóa X, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 17 tháng 12 năm 2020.

 


Nơi nhận:
- Thường trực HĐND thành phố;
- Thường trực UBND thành phố;
- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND.TP,
- Văn phòng UBND thành phố;
- Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thường trực Huyện ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân huyện;
- Thường trực Ủy ban nhân dân huyện;
- Văn phòng Huyện ủy;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện,
- Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện,
- Thủ trưởng các phòng, ban huyện;
- Đài Truyền thanh huyện;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN các xã, thị trấn;
- Trang Thông tin điện tử huyện;
- VP: CVP, PVP/TH,
- Lưu: VT, H.

CHỦ TỊCH




Lê Minh Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 33/NQ-HĐND năm 2020 về kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, năm 2019

  • Số hiệu: 33/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 21/12/2020
  • Nơi ban hành: Huyện Cần Giờ
  • Người ký: Lê Minh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản