Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 13 tháng 8 năm 2021 về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2022; Nghị quyết số 69/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2015 đến năm 2020;

Trên cơ sở Báo cáo số 113/BC-ĐGS.HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015 - 2020; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với Báo cáo số 113/BC-ĐGS.HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020.

Trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời; tích cực thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giải thể những cơ sở hoạt động không hiệu quả; cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được tăng cường; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cơ bản được nâng lên; cơ cấu ngành, nghề đào tạo cơ bản được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động, thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Hoạt động gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động được quan tâm thực hiện; kết quả tuyển sinh, chất lượng, hiệu quả đào tạo được nâng lên, góp phần tăng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80,76% (năm 2020), tăng 5,14% so với năm 2014; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% cuối năm 2014 lên 65% cuối năm 2020. Các hạn chế, bất cập về đào tạo nghề đã từng bước được khắc phục, cùng với những kết quả đạt được đã tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao lao động, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015 - 2020 còn một số tồn tại, hạn chế như: Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, trùng lắp chức năng nhiệm vụ; số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy nghề thiếu, phân bố chưa hợp lý, nhất là thiếu đội ngũ nhà giáo lành nghề, chuyên sâu; một số chương trình đào tạo chưa thực sự linh hoạt, chưa cập nhật kịp với xu hướng công nghệ mới; việc dạy các kiến thức, kỹ năng về chính sách pháp luật về lao động, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp...chưa được quan tâm đúng mức; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, chưa đồng bộ, chưa hợp lý; công tác phối hợp giữa các ngành cấp, các ngành, giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, đồng bộ; chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội; kỹ năng tay nghề sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại trên là do: một số quy định pháp luật về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn chậm ban hành, thiếu thống nhất; thị trường lao động thay đổi nhanh, tiến bộ khoa học công nghệ thay đổi liên tục, trong khi đó giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp; một bộ phận tâm lý xã hội vẫn chưa có chuyển biến đáng kể trong việc coi trọng giáo dục nghề nghiệp; vai trò quản lý Nhà nước, chủ động điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, điều tiết đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục dạy nghề cùng hệ thống nhà xưởng, các trang thiết bị đào tạo chưa tốt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong việc sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự quyết liệt, thiếu chủ động và đồng bộ; nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế để khuyến khích xã hội hóa trong đào tạo nghề chưa đủ mạnh; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự năng động, nhạy bén trong quản lý và tổ chức hoạt động.

Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, các sở ngành, địa phương đơn vị triển khai thực hiện các kiến nghị đã nêu tại Báo cáo số 113/BC-ĐGS.HĐND của Đoàn giám sát và tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có, đẩy nhanh phương án sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả theo Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đánh giá lại việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, có tính chất vùng, liên vùng khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải. Sớm ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án hiện đang được đầu tư theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt; cơ sở đào tạo các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

3. Chỉ đạo rà soát, cân đối đội ngũ giáo viên lý thuyết và giáo viên thực hành. Xem xét xây dựng và ban hành chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho lao động trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương đã nêu trong Đề án số 14-ĐA/TU.

4. Xem xét bố trí biên chế, hợp đồng lao động để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; linh hoạt trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế để phù hợp với tình hình thực tế.

5. Chỉ đạo việc đổi mới chương trình đào tạo nghề phù hợp với thực tế, đảm bảo tính linh hoạt, đa dạng. Ngoài kiến thức chuyên môn, chú trọng kiến thức thực hành, kỹ năng mềm, dạy ngoại ngữ và cập nhật các kiến thức về kỹ năng lao động, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động ở các hệ cao đẳng, trung cấp.

6. Chỉ đạo các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư vào địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách về đào tạo nghề, sử dụng lao động trên địa bàn phù hợp với nhu cầu thực tế.

7. Chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tiến hành khảo sát nhu cầu, phương án xây dựng các chợ dân sinh, nhà trẻ, khu nhà ở công nhân; nghiên cứu việc triển khai một số tuyến xe bus kết nối giữa các huyện với các khu công nghiệp hợp lý để phục vụ nhu cầu đi lại của người lao động trong các khu công nghiệp.

8. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát kết quả thực hiện đào tạo nguồn nhân lực vùng miền và đặc thù tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 1379/2013/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2020 và Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

9. Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý lao động theo nhóm ngành nghề; xây dựng kênh thông tin về nhu cầu việc làm, lao động, đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong thời gian tới.

10. Chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường phối hợp trong việc đào đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Có chủ trương đề nghị, khuyến khích các doanh nghiệp kết nối phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

11. Quan tâm hơn trong việc thực hiện có hiệu quả chính sách, nội dung chương trình, phương thức đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng đối với lao động vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện tại kỳ họp thường lệ cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Khoá XVIII, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ (để b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT.HDND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban, Tổ đại biểu, Đại biểu HĐND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Website http://dbndnghean.vn;
- Lưu: VT

CHỦ TỊCH




Thái Thanh Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 32/NQ-HĐND năm 2022 về tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 32/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Thái Thanh Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản