Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 15 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN ĐÔNG HƯNG, HUYỆN ĐỒNG HƯNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP, ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng; Thông tư số 36/TT-BVHTT, ngày 20 tháng 03 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ;

Xét Tờ trình số 130/TTr-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đặt tên phố trên địa bàn thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng; Báo cáo thẩm tra số 33/BC-VHXH ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đặt tên 12 phố trên địa bàn thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, gồm: Phố Nguyễn Hán Đình, phố Nguyễn Thị Tần, phố Đào Vũ Thường, phố Bùi Sĩ Tiêm, phố Nguyễn Bá Dương, phố Nguyễn Đình Chính, phố Trương Đăng Thủy, phố Nguyễn Văn Năng, phố Lương Duyên Hồi, phố Phạm Hưng Văn, phố Phạm Huy Quang, phố Nguyễn Thành (Có phụ lục kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

PHỤ LỤC

ĐẶT TÊN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN ĐÔNG HƯNG, HUYỆN ĐÔNG HƯNG
(Kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

STT

Mô tả hiện trạng

Chiều dài (m)

Chiều rộng (m)

Điểm đầu

Điểm cuối

Tên phố

Thuyết minh

1

Đoạn đường đi qua khu dân cư tổ 10

997

10

Công ty Giống cây trồng Đông La

Công ty Xây dựng Tân Tiến

Phố Nguyễn Hán Đình

Nguyễn Hán Đình: Người xã Cổ Quán nay là thôn Liên Minh, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời Lê Thánh Tông. Năm 1497, vua Lê Thánh Tông qua đời, nhà Minh cử 2 đoàn sứ thần sang (1 đoàn đi phúng viếng vua Lê Thánh Tông, 1 đoàn sang phong vương cho Hiến Tông), Nguyễn Hán Đình được đặc cách tiếp sứ. Sau, ông chuyển sang Bộ Hình; được vua Lê Hiến Tông thăng chức Thượng thư bộ Hình. Năm 1504, Hiến Tông mất, Túc Tông lên ngôi, ông được cử sang sứ nhà Minh lần 2. Túc Tông ở ngôi ngắn ngủi rồi qua đời, Uy Mục đế lên thay. Buồn vì vua bất tài, thiếu đức, Nguyễn Hán Đình đã xin cáo quan về mở trường dạy học ở làng Đài Vương (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Đông Hưng), ông mất ở đó và được thờ làm phúc thần.

2

Đoạn đường vào trạm Thú y Đông Hưng

150

6,5

Tiếp giáp bờ sông Tiên Hưng (hộ bà Phạm Thị Thuật)

Trạm Thú y Đông Hưng

Phố Nguyễn Thị Tần

Nguyễn Thị Tần: Quê làng Nguyễn, nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Bà là con thứ Phúc Đình hầu triều Lê; tính tình nết na, giản dị, được dân làng quý mến. Bà được vua Lê Hiển Tông (1740-1786) tuyển vào cung dạy các phi tần và trông nom Hoàng tử Lê Duy Vĩ. Khi Duy Vĩ có ý chí muốn khôi phục lại quyền lợi cho nhà Lê, liền bị chúa Trịnh Sâm vu oan, tổng ngục. Trong thời gian Thái tử bị giam, chỉ có bà với chức phận Nhũ mẫu mới được vào thăm nom. Thấy nạn cơm ngục không thể nuốt trôi, bà liền đem kinh nghiệm làm bánh chè lam ở quê nhà kết hợp với những gia vị nơi cung vua, chế biến ra một loại bánh gọi là bánh cáy dâng cho Thái tử. Năm 1771, Thái tử bị giết và chuyện tiếp tế cho Thái tử bị lộ, bà bị tổng giam hơn chục năm. Năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), bà mới được thoát ngục. Lê Hiển Tông đã phong cho bà là “Quận phu nhân”. Khi Lê Duy Kì hay còn gọi là Lê Chiêu Thống (con của Lê Duy Vĩ) lên ngôi, nhớ công ơn bà đã phong cho bà “Kiệt tiết công thần, bảo mẫu đại vương”. Sau đó đất nước loạn lạc, bà xin về quê và truyền lại kỹ thuật làm bánh cho dân làng. Bà mất ngày 5 tháng tư (không rõ năm) và được thờ ở đền xã Nguyên Xá, huyện Thần Khê (nay là Đông Hưng); được các vua triều Nguyễn phong tặng “Lê triều kiệt tiết công thần”.

3

Đoạn đường thuộc Quốc lộ 10 cũ, từ Trung tâm Sách giáo khoa và thiết bị giáo dục Đông Hưng đi về cầu Nguyễn cũ xuôi theo bờ sông Tiên Hưng

430

20,5

Trung tâm Sách giáo khoa và thiết bị giáo dục Đông Hưng

Hộ ông Lưu Việt Tác

Phố Đào Vũ Thường

Đào Vũ Thường: Người làng Đồng Lan nay là thôn Đồng Lan, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Dần, Cảnh Hưng năm thứ 7 (1746), đời Lê Hiển Tông. Năm 19 tuổi, ông thi đỗ Hương cống. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không tiếp tục học để đi thi Hội mà ra dạy học. Sau thi đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Hiến sát sứ; một thời gian sau làm Huấn đạo Nghệ An. Ông có công mở ấp Đồng Lan, biến đất hoang thành làng xóm trù phú.

4

Đoạn đường thuộc Quốc lộ 10

1.150

30

Tiếp giáp địa phận xã Đông La (hộ ông Nguyễn Duy Phiên)

Tiếp giáp địa phận xã Đông Hợp (hộ ông Mai Đức Huấn)

Phố Bùi Sĩ Tiêm

Bùi Sĩ Tiêm (1690 -1733): Người làng Kinh Lũ nay là thôn Kinh Hào, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thưở nhỏ ông nổi tiếng thần đồng. Ông đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Ất Mùi (1715) đời Lê Dụ Tông, làm quan qua các chức: Hiệu lý Viện Hàn lâm (1716), Hiến sát sứ Sơn Tây (1718), Đông các hiệu thư (1720), Đông các học sĩ (1728), Đốc đồng Thái Nguyên (1729). Năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), ông được thăng chức Thái thường tự khanh (hàm tứ phẩm). Năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731), ông dâng khải trình bày 10 điều cần phải thi hành ngay. Không đồng tình với ông, chúa Trịnh đã cách chức, cho ông về quê. Ông đã mở lớp dạy học tại An Phú, nay thuộc xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ. Sau triều đình xét lại, truy tặng ông chức Tham chính đại học sĩ, Trung Tiết hầu và cấp ruộng cho dân làng để thờ cúng ông. Ông còn là tác giả của Gia huấn ca và một số bài văn bia ở Văn Miếu, Hà Nội.

5

Đoạn đường phía sau Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện

242

8

Giao cắt với Quốc lộ 10 cũ (Trung tâm Viễn thông Đông Hưng)

Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Đông Hưng

Phố Nguyễn Bá Dương

Nguyễn Bá Dương (1740-1783): Người làng Nguyễn, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa Bính Tuất, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Thưở nhỏ, ông phải đi ở đợ cho một thầy đồ trong làng. Trong lúc thầy giảng, ông tranh thủ học lỏm; thầy biết được và kiểm tra bài, ông trả lời trôi chảy, thầy liền nhận làm học trò. Năm Bính Tuất, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766), ông về kinh thành dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Sau, ông được bổ làm Hàn lâm viện Thị chế, sau thăng đến Tế tửu Quốc tử giám.

6

Đoạn đường vào Công an huyện Đông Hưng

225

10,2

Giao cắt với Quốc lộ 39 (Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Đông Hưng)

Giao cắt với bờ sông Thống Nhất (Nhà văn hóa tổ 8+9)

Phố Nguyễn Đình Chính

Nguyễn Đình Chính (1924-1949): Quê tại làng Nguyễn, xã Nguyên Xá huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông còn có tên Nguyễn Đình Giai. Năm 1944, ông ra Hải Phòng gia nhập hải quân Pháp. Tháng 4/1944, ông trốn khỏi hàng ngũ hải quân Pháp, vào Sài Gòn làm công nhân trong xưởng đóng tàu Ba Son. Năm 1945, ông tham gia hoạt động cách mạng tại Thủ Dầu 1. Sau 2 lần bị Nhật bắt làm tù binh, ông đã vượt ngục về Sài Gòn và gia nhập Ban trinh sát quân chính Khu 7. Tháng 3/1946 là chỉ huy Ban công tác số 1 (tiền thân của Biệt động thành Sài Gòn); tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều địch và tay sai. Năm 1947 ông bị địch bắt, bị tra tấn hết sức dã man và bị kết án tử hình 2 lần. Tại hầm tử hình 18A Khám lớn Sài gòn, ông đã lấy máu của mình viết thư gửi Hồ Chủ tịch. Năm 1949 ông bị giặc xử tử hình. Năm 1994, ông được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

7

Đoạn đường từ điểm giao cắt với Quốc lộ 10 đến bờ sông Tiên Hưng (đoạn vào khu dân cư tổ 7)

178

5,5

Giao cắt với Quốc lộ 10 (hộ bà Nguyễn Thị Lê)

Giao cắt với bờ sông Tiên Hưng (hộ ông Nguyễn Thanh Tùng)

Phố Trương Đăng Thủy

Trương Đăng Thủy (1894 - 1951): Hay còn gọi Trương Thủy, quê quán tại làng Bá Thôn, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng. Ông được giác ngộ cách mạng sớm; tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1927, là một trong những hội viên đầu tiên của chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vùng Tiên Hưng - Duyên Hà, sau được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Năm 1930, ông cùng với các đảng viên khác trong chi bộ tuyên truyền vận động nông dân tham gia cuộc biểu tình ngày 1/5/1930. Sau cuộc biểu tình, ông bị bắt và bị kết án 7 năm khổ sai ở nhà tù Sơn La. Năm 1934 được ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt 6/1940, bị kết án 7 năm tù khổ sai lần thứ 2 cũng tại nhà tù Sơn La. Năm 1945, ông trốn khỏi nhà tù, tham gia đấu tranh giành chính quyền ở phủ lỵ Tiên Hưng. Tháng 9/1945 được cử làm Bí thư chi bộ Tiên Hưng, năm 1946 làm công tác Mặt trận Việt Minh tỉnh, năm 1947-1948 làm cán bộ Tỉnh đội dân quân Thái Bình, năm 1949 là cán bộ Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

8

Đoạn đường thuộc Quốc lộ 39

546

18

Giao cắt với Quốc lộ 10 và Quốc lộ 39 (ngã 3 thị trấn Đông Hưng)

Tiếp giáp địa phận xã Nguyên Xá (cầu K40)

Phố Nguyễn Văn Năng

Nguyễn Văn Năng (1902 - 1964): Quê làng Thượng Phú, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng. Năm 1926, đang học trường Thành chung Nam Định, ông cùng một số bạn học tổ chức bãi khóa truy điệu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Bị đuổi học và cấm thi, tháng 3/1926, ông trở về Thái Bình, được giao nhiệm vụ phát triển cơ sở Thanh niên và gây quỹ ủng hộ tài chính cho Tổng bộ Thanh niên. Mùa thu năm 1927, ông cùng một số đồng chí thành lập trường tư thục Minh Thành, có 6 lớp lấy chỗ tập hợp quần chúng. Năm 1927, chi bộ Hội Việt Nam các mạng thanh niên đầu tiên được thành lập tại trường, ông được cử làm Bí Thư. Năm 1928 trường bị đóng cửa. Tháng 3/1928, tỉnh bộ Thanh niên Thái Bình được thành lập, ông được bầu làm Bí thư. Từ năm 1929 đến năm 1944, ông bị địch bắt nhiều lần, hết đày ra Côn Đảo, Sơn La rồi các nhà tù khác. Sau ra tù, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh (1946), đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I (1946); Hội trưởng Hội Văn hóa Thái Bình, Giám đốc Sở Lao động Liên khu III... Ngoài hoạt động cách mạng, ông còn viết báo và làm thơ.

9

Đoạn đường từ điểm giao cắt với Quốc lộ 10 đến bờ sông Tiên Hưng (đoạn vào khu dân cư tổ 7)

198

5,5

Giao cắt với Quốc lộ 10 (nhà nghỉ Phương Đông)

Giao cắt với bờ sông Tiên Hưng (hộ ông Đinh Quang Long)

Phố Lương Duyên Hồi

Lương Duyên Hồi (1903-1986): Quê thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng. Là nhà hoạt động cách mạng, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương lớp đầu tiên ở Thái Bình. Năm 1930 ông là Bí thư Liên chi bộ cộng sản Thần - Duyên, đã cùng các đảng viên khác đấu tranh biểu tình hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Thái Bình, sau đó bị địch bắt và bị giam ở Côn Đảo. Tháng 5 năm 1931 ông bị đày đi biệt xứ sang Guyane (Nam Mỹ). Năm 1945 ông tham gia lãnh đạo lực lượng Việt minh giành chính quyền ở phủ Tiên Hưng, đảm nhận Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Tiên Hưng. Những năm sau, ông làm việc trong Ủy ban hành chính tỉnh, Ty Thủy lợi. Năm 1960 ông trúng cử đại biểu nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa II (1960 - 1964).

10

Đoạn đường vào kho lương thực

800

10,5

Giao cắt với Quốc lộ 10 (Trung tâm Dược Đông Hưng)

Giao cắt với bờ sông Tiên Hưng (hộ bà Phạm Thị Oanh)

Phố Phạm Hưng Văn

Phạm Hưng Văn: Người làng Động Hối, nay thuộc xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đệ giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), thi đỗ được bổ vào Viện Hàn lâm, thăng dần đến Đô ngự sử. Năm Đinh Tỵ (1497), dẫn đầu đoàn sứ bộ Đại Việt sang nhà Minh. Khi đi sứ về, ông bị bệnh và mất. Ông được vua Lê Hiến Tông truy phong chức Thượng thư bộ Hình, được làm phúc thần làng.

11

Đoạn đường vào bệnh viện Đa khoa Đông Hưng

900

10,5

Giao cắt với Quốc lộ 10 (Siêu thị FPT)

Giao cắt với bờ sông Tiên Hưng (Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng)

Phố Phạm Huy Quang

Phạm Huy Quang (1846-1888): Tên lúc nhỏ là Phạm Huy Ôn, quê làng Phù Lưu, nay là thôn Phù Lưu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia hoạt động chống Pháp từ ngày còn học ở trường Nam Định. Sau chiến dịch Bình Tây sát tả, ông bị bắt sung quân đưa lên quân thứ Hưng Hóa. Năm 1869, ông thi đỗ Cử nhân, được cử giữ chức Hàn lâm cung phụng làm việc ở Đô sát. Năm 1874, được chuyển làm Hàn lâm điền bạ, sau giữ chức Ngự sử Kinh Bắc. Triều đình nghị hòa, ông được gọi vào Kinh để quản giám Thái Miếu, nhân đó ông dâng sớ xin về quê dạy học. Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, ông trở thành Phó soái của Đại nghĩa đoàn. Năm 1888, ông bị Pháp bắt rồi bị giết, bêu đầu giữa chợ Châu Giang. Ngoài ông, cả gia đình ông đều là những người xả thân vì nước.

12

Đoạn đường vào trường THPT Đông Quan

762

10,5

Giao cắt với Quốc lộ 10 (hộ ông Đào Tử Khâm)

Trường THPT Đông Quan

Phố Nguyễn Thành

Nguyễn Thành: Người làng Lác, nay là thôn An Lạc, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên thứ nhất (1400) đời Hồ Quý Ly, cùng thi đỗ một khoa với Nguyễn Trãi, Bùi Ứng Đẩu, Lý Tử Tấn...Ông còn có tên Bồ Giảng tiên sinh. Ông được triều Hồ bổ vào tòa Kính Diên kiêm thêm Tế Tửu Quốc tử giám. Ông bị giặc Minh bắt và dụ làm quan nhưng ông chối từ và trốn về quê mở lớp dạy học. Sau khi thắng giặc Minh, nhà Lê vời ông ra giữ việc trông coi, tu sửa lại Quốc tử giám, giao cho ông vừa làm Tế tửu vừa là Thái tử tân khách (dạy dỗ các con vua) nhưng tự thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm vì học trò Quốc tử Giám là Lê Tử Dục không chịu học, chơi bời lêu lổng, lại ăn trộm của cải của bạn, bị chém; ông xin cáo quan về Kim Bôi, huyện Đông Hưng mở trường dạy học.