Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2005/NQ-HĐND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 12 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ NĂM 2005, DỰ TOÁN THU CHI NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ NĂM 2006

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 4060/QĐ-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2005 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2006;

Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình thực hiện ngân sách thành phố năm 2005 và dự toán ngân sách thành phố năm 2006, Báo cáo thẩm tra số 338/BC-KTNS ngày 25/11/2005 của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về thực hiện ngân sách thành phố năm 2005

Căn cứ Nghị quyết số 22/2004/NQ-HĐ ngày 10/12/2004 của Hội đồng nhân dân thành phố về dự toán và phân bổ ngân sách đã được phê chuẩn tại kỳ họp lần thứ 3 – Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII. Hội đồng nhân dân thành phố ghi nhận:

Trong năm 2005, Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2005 và đã đạt những kết quả khả quan. Ước thu vượt dự toán, đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, và nhiệm vụ chi thường xuyên, chi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục có những giải pháp tích cực đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ngân sách 2005; tăng cường huy động vốn bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh xã hội hóa để tập trung vốn cho các công trình trọng điểm của thành phố. Thực hiện nghiêm các biện pháp chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu.

Điều 2. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2006, theo đó:

1. Về thu, chi ngân sách

a- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 67.254 tỷ đồng;

Trong đó:

Tổng thu ngân sách nhà nước phần nội địa: 35.954 tỷ đồng;

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 23.500 tỷ đồng;

Thu từ dầu thô: 7.800 tỷ đồng.

b- Tổng thu ngân sách địa phương: 14.819,814 tỷ đồng;

Trong đó:

Số thu phân chia cho ngân sách địa phương: 13.855,414 tỷ đồng;

Thu chuyển nguồn năm trước: 288,600 tỷ đồng;

Bổ sung theo mục tiêu từ ngân sách trung ương: 675,800 tỷ đồng.

c- Tổng chi ngân sách địa phương: 14.819,814 tỷ đồng;

Bao gồm:

Chi ngân sách từ nguồn thu phân chia: 13.855,414 tỷ đồng;

Chi từ chuyển nguồn chi lương: 288,600 tỷ đồng;

Ghi chi xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngoài nước: 474,000 tỷ đồng;

Chi từ nguồn bổ sung theo mục tiêu của ngân sách trung ương: 201,800 tỷ đồng

(Kèm theo Phụ lục số 1, 2, 3).

2. Về phân bổ dự toán chi ngân sách

a- Tổng chi ngân sách địa phương năm 2006: 14.819,814 tỷ đồng,

Cụ thể như sau:

Chi đầu tư phát triển: 4.700 tỷ đồng, tăng 7,11% so dự toán năm 2005, chiểm tỷ trọng 31,71% trong tổng chi ngân sách.

Chi thường xuyên: 6.500 tỷ đồng, tăng 26,21% so dự toán 2005 và tăng 12,46% so ước thực hiện năm 2005, chiếm tỷ trọng 43,86% trong tổng chi ngân sách.

Chi trả nợ gốc và lãi vay: 1.600 tỷ đồng.

Chi lập quỹ Dự trữ Tài chánh: 62,410 tỷ đồng.

Dự phòng ngân sách: 692,990 tỷ đồng.

Dự kiến bổ sung chênh lệch tăng lương: 588,614 tỷ đồng.

Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương: 675,800 tỷ đồng.

b- Phân bổ dự toán chi thường xuyên từ ngân sách thành phố cho từng cơ quan, sở-ban-ngành (Kèm Phụ lục số 4); mức bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu cho từng quận-huyện (kèm Phụ lục số 5).

c- Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận-huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo phân cấp, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình trước ngày 20 tháng 12 năm 2005. Chỉ đạo các cơ quan, sở, ngành, quận-huyện, phường-xã-thị trấn triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2006 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách trước ngày 31 tháng 12 năm 2005.

Điều 3. Thông qua các giải pháp thực hiện dự toán và phân bổ ngân sách do Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố, các giải pháp tại báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, trong quá trình điều hành thực hiện ngân sách Ủy ban nhân dân thành phố chú ý:

1- Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, ban ngành thành phố và các quận-huyện theo đúng quy định;

2- Đẩy mạnh cải cách hành chánh và mở rộng áp dụng các hình thức quản lý thuế hiện đại để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

3- Phấn đấu thu đạt và vượt kế hoạch để đảm bảo cân đối chi theo kế hoạch. Có giải pháp tích cực, vừa nuôi dưỡng, phát triển, khai thác thêm nguồn thu, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tập trung xử lý những khoản nợ đọng thu nộp ngân sách. Các khoản ghi thu ghi chi như viện phí, học phí, lệ phí phải thực hiện đúng chế độ và công khai theo quy định.

4- Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Đa dạng hóa các phương thức huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển những dự án hạ tầng Kinh tế - Xã hội trọng yếu. Nguồn vốn vay, huy động phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dàn trải, trong đầu tư xây dựng cơ bản, khắc phục chi vượt dự toán được duyệt.

5- Đảm bảo sử dụng dự phòng ngân sách đúng mục tiêu, đúng đối tượng, không sử dụng vào việc trái với quy định của luật ngân sách Nhà nước; định kỳ hàng quý Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố kết quả sử dụng khoản dự phòng ngân sách theo quy định của pháp luật.

6- Điều hành việc sử dụng ngân sách phải theo đúng dự toán được duyệt, theo chế độ chính sách quy định; nâng cao vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị khi xây dựng dự toán năm; không để phát sinh bổ sung dự toán nhiều lần trong năm nhằm đảm bảo quá trình điều hành ngân sách được ổn định.

Điều 4. Giám sát việc thực hiện dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2006

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân thành phố, các tổ Đại biểu và các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện ngân sách năm 2006 trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VII, kỳ họp thứ 5 ngày 02 tháng 12 năm 2005 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Phương Thảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 32/2005/NQ-HĐND thực hiện ngân sách thành phố năm 2005 và dự toán ngân sách thành phố năm 2006 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VII, kỳ họp thứ 5 ban hành

  • Số hiệu: 32/2005/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 02/12/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phạm Phương Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản