Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 31/2020/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 10 tháng 11 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC PHÁT SINH ĐỘT XUẤT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;

Xét Tờ trình số 228/TTr-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số 35/BC-HĐND ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, với những nội dung chính như sau:

1. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương

a) Các nguyên tắc chung:

- Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 phải đáp ứng các quy định chung của nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các đơn vị, địa phương.

- Việc phân bổ vốn đầu tư công phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.

- Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch tài chính 05 năm; đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đẩy mạnh việc thu hút các nguồn vốn xã hội để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Phân bổ vốn đầu tư tập trung; không phân tán, dàn trải; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa bố trí đủ kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020. Chỉ giao kế hoạch vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan. Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh.

- Tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước.

- Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

b) Nguyên tắc cụ thể: Việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 phải đảm bảo theo thứ tự ưu tiên sau:

- Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công năm 2019 (nếu có);

- Hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước;

- Phân bổ vốn cho dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán; dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn;

- Bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư;

- Phân bổ cho dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

- Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch;

- Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;

- Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công năm 2019.

Trong quá trình điều hành ngân sách, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước sử dụng theo quy định tại Điều 59 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, đối với phần vốn dành cho đầu tư phát triển (nếu có), ưu tiên bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh và bố trí cho các dự án trọng điểm của địa phương.

2. Định mức, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương

a) Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết:

Thực hiện phân cấp 100% cho ngân sách cấp huyện đối với nguồn thu xổ số kiến thiết theo địa bàn các huyện, thành phố.

b) Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất:

- Năm 2021: Thực hiện theo Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách tỉnh Thái Bình và Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ hỗ trợ kinh phí từ tiền thu sử dụng đất điều tiết về ngân sách cấp tỉnh tại Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh cho các địa phương đối với các khu đất quy hoạch khu dân cư không đủ điều kiện thực hiện xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

- Giai đoạn 2022-2025: Thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về tỷ lệ điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách trong tỉnh giai đoạn 2022-2025.

c) Đối với nguồn vốn đầu tư công giao qua cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm nguồn thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết):

- Định mức phân bổ:

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công giao qua cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm nguồn thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) sau khi thực hiện các nhiệm vụ chung của tỉnh (gồm: Quy hoạch tỉnh, cơ chế chính sách, trả vay ngân hàng, đối ứng các dự án ODA) còn lại được phân bổ như sau:

Dành tối thiểu 30% bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện để bố trí cho các công trình, dự án thuộc cấp huyện quản lý.

Phần vốn còn lại: Bố trí cho các công trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực do tỉnh quản lý và hỗ trợ một phần bổ sung có mục tiêu cho các dự án quan trọng, dự án động lực, kết nối, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố.

- Các tiêu chí phân bổ:

Tiêu chí dân số trung bình của huyện, thành phố.

Tiêu chí diện tích đất tự nhiên.

Tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã.

- Xác định mức hỗ trợ cho các huyện, thành phố:

Xác định hệ số theo từng tiêu chí.

Theo công thức:

Ki= K1i K2i K3i

K1i=

Số dân số trung bình huyện i

 

Tổng dân số toàn tỉnh

 

 

K2i=

Diện tích đất tự nhiên huyện i

 

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh

 

 

K3i=

Số đơn vị hành chính cấp xã của huyện i

 

Tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh

 

Trong đó:

Ki: Tổng hệ số theo các tiêu chí của huyện, thành phố i

K1i: Hệ số theo Tiêu chí dân số trung bình của huyện, thành phố i

K2i: Hệ số theo Tiêu chí diện tích đất tự nhiên của huyện, thành phố i

K3i: Hệ số theo Tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã của huyện, thành phố i

Xác định mức vốn đầu tư công của các huyện, thành phố.

Vi =

V x Ki

 

3

 

Trong đó:

V: Tổng vốn đầu tư công của các huyện, thành phố.

Vi: Mức vốn đầu tư công của huyện, thành phố i.

Các tiêu chí: Dân số trung bình của huyện, thành phố và diện tích đất tự nhiên căn cứ theo số liệu công bố tại Niên giám thống kê năm 2019 do Cục Thống kê Thái Bình ban hành; tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã căn cứ theo số liệu tại Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 11 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Thường trực Huyện ủy, Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, thành phố;
- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;
- Báo Thái Bình, Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử Thái Bình; Trang thông tin điện tử Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình;
- Lưu VTVP

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 31/2020/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 31/2020/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Nguyễn Tiến Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản