Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 295/2012/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 08 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI HỌC VÀ CHÍNH SÁCH THU HÚT NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010 ;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2195/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Báo cáo thẩm tra số 53/BC-HĐND ngày 3/12/2012 của Ban Pháp chế và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cụ thể như sau:

A. Những quy định chung:

1. Phạm vi điều chỉnh

- Các chế độ, chính sách Quy định tại Nghị quyết này áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nằm trong Quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, hiện đang công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể và tổ chức Chính trị - Xã hội của tỉnh được Nhà nước giao biên chế; đại biểu HĐND các cấp, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố được cơ quan có thẩm quyền cử đi học.

- Những người có trình độ cao được tuyển dụng, tiếp nhận đến công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội thuộc tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng.

a) Cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức Chính trị - Xã hội cấp tỉnh, cấp huyện;

b) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

c) Những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố;

d) Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

e) Những người có trình độ chuyên môn trên Đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ và tương đương).

3. Thời điểm áp dụng: Từ ngày 01/01/2013

B. Các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học

I. Đối với các lớp học có thời gian dưới 03 tháng

1. Đối tượng đi học cấp tỉnh, cấp huyện được hỗ trợ 50% học phí; hỗ trợ ngoài lương một khoản kinh phí bằng 50% mức lương tối thiểu/người/tháng nếu nơi tổ chức lớp học có cự ly xa trên 10 Km (tính từ cơ quan đến nơi tổ chức lớp học); hỗ trợ tiền vé tàu hỏa, vé xe, tiền ngủ trên đường 01 lần (gồm cả lượt đi và về); hỗ trợ 100% tiền mua tài liệu học tập.

2. Đối tượng đi học cấp xã được hỗ trợ 70% học phí; hỗ trợ ngoài lương và phụ cấp sinh hoạt phí một khoản kinh phí bằng 70% mức lương tối thiểu/người/tháng đối với cán bộ, công chức cấp xã và 100% mức lương tối thiểu/người/ tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố, đại biểu HĐND; hỗ trợ tiền vé tàu hỏa, vé xe, tiền ngủ trên đường 01 lần (gồm cả lượt đi và về); hỗ trợ 100% tiền mua tài liệu học tập.

II. Đối với các lớp học có thời gian từ 03 tháng trở lên

1. Hỗ trợ học phí

a) Đối tượng đi học cấp tỉnh, cấp huyện được hỗ trợ 70% học phí theo mức thu thực tế của nhà trường.

b) Đối tượng đi học cấp xã được hỗ trợ 100% học phí.

2. Hỗ trợ ngoài lương

a) Đối tượng đi học trong tỉnh

- Đối tượng đi học cấp tỉnh, cấp huyện, nếu nơi tổ chức lớp học có cự ly xa trên 10 Km (tính từ cơ quan đến nơi tổ chức lớp học) được hỗ trợ thêm 70% mức lương tối thiểu/người/tháng.

- Đối tượng đi học cấp xã được hỗ trợ thêm 70% mức lương tối thiểu/người/tháng.

b) Đối tượng đi học ngoài tỉnh

- Được hỗ trợ thêm 80% mức lương tối thiểu/người/tháng.

- Đối tượng đi học sau Đại học (kể cả Bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II và tương đương) được hỗ trợ thêm 90% mức lương tối thiểu/người/tháng.

c) Đối tượng đi học là Nữ, ngoài các khoản hỗ trợ nêu trên còn được hỗ trợ thêm 20% mức lương tối thiểu/người/tháng.

3. Hỗ trợ tiền đi lại trong quá trình học tập

a) Đối tượng đi học có thời gian từ 03 tháng đến dưới 09 tháng được hỗ trợ tiền vé tàu hỏa, vé xe, tiền ngủ trên đường 01 lần (gồm cả lượt đi và về).

b) Đối tượng đi học có thời gian từ 09 tháng trở lên (gồm cả những đối tượng đi học theo hình thức tổ chức đào tạo vừa làm vừa học) được thanh toán tiền vé tàu hỏa, vé xe, tiền ngủ trên đường 02 lần/năm (mỗi lần gồm cả lượt đi và về)

c) Ngoài ra nếu trong chương trình đào tạo, Nhà trường tổ chức đi tham quan học tập thực tế được thanh toán tiền vé tàu hỏa, vé xe, tiền ngủ theo chế độ không quá 01 lần/01 khoá học đối với các lớp học có thời gian từ 03 tháng đến dưới 09 tháng và không quá 02 lần/01 khoá học đối với các lớp học có thời gian từ 09 tháng trở lên.

4. Hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập

a) Đối tượng đi học cấp tỉnh, cấp huyện được hỗ trợ 70% tiền mua tài liệu

b) Đối tượng đi học cấp xã được hỗ trợ 100% tiền mua tài liệu.

c) Mức tính hỗ trợ tiền mua tài liệu trên cơ sở chứng từ hợp lệ đối với các tài liệu bắt buộc của cơ sở đào tạo (không bao gồm tài liệu tham khảo).

5. Hỗ trợ tốt nghiệp sau Đại học

a) Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Dược sĩ chuyên khoa cấp I và tương đương: Mức hỗ trợ bằng 15 lần mức lương tối thiểu/người.

b) Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II và tương đương: Mức hỗ trợ bằng 20 lần mức lương tối thiểu/người.

c) Tiến sĩ: Mức hỗ trợ bằng 25 lần mức lương tối thiểu/người.

C. Chính sách thu hút

Những người có hộ khẩu thường trú trong và ngoại tỉnh, có trình độ chuyên môn trên Đại học đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh ở một số ngành, lĩnh vực được tuyển dụng, tiếp nhận công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội thuộc tỉnh, có cam kết phục vụ công tác ít nhất 10 năm, được hưởng chế độ thu hút của tỉnh như sau:

1. Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Dược sĩ chuyên khoa cấp I và tương đương: Mức thu hút bằng 40 lần mức lương tối thiểu/người.

2. Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II và tương đương: Mức thu hút bằng 50 lần mức lương tối thiểu/người.

3. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nội trú trở lên: Mức thu hút bằng 60 lần mức lương tối thiểu/người.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và thay thế Nghị quyết số 98/2007/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XII về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức đi học.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 7 tháng 12 năm 2012./

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 295/2012/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ cán bộ, công, viên chức đi học và thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 295/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản