Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2016/NQ-HĐND

Bình Phước, ngày 07 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG CƠ SỞ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 16 tháng 9 năm 2001;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án “Đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ năm 2015 đến năm 2018;

Xét Tờ trình số 78/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 35/BC-HĐND-PC ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực, từ ngày 17 tháng 12 năm 2016./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VPQH, VPCP, Bộ Tư pháp (Cục KTVB), Bộ Công an, Bộ Tài chính;
- TTTU, TTHĐND, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- LĐVP, Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Tuệ Hiền

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG CƠ SỞ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước)

Phần I

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

1. Vị trí địa lý

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; diện tích tự nhiên là 6.871,543 km2, có 08 huyện, 03 thị xã với 111 xã, phường, thị trấn, 864 khu phố, thôn, ấp, sóc; có đường biên giới dài 260,433 km với 15 xã biên giới thuộc 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, 01 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường tiểu ngạch qua lại; dân số toàn tỉnh 241.526 hộ, 1.007.699 nhân khẩu, trong đó có 16.821 hộ, 69.405 nhân khẩu tạm trú từ các tỉnh đến làm ăn sinh sống; mật độ dân số 147 người/ km2.

2. Đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang hình thành nhiều khu dân cư tập trung tại các đô thị; có 11 Khu công nghiệp, 01 Khu kinh tế được phê duyệt và đi vào hoạt động. Mạng lưới phân phối và bán lẻ xăng dầu, gas (khí đốt hóa lỏng) trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, được phân bổ rộng khắp, gồm: 226 trạm xăng - dầu, 03 trạm chiết gas và 355 cơ sở kinh doanh gas, tổng sản lượng thường xuyên ước đạt 2.260 tấn xăng, dầu/năm, khoảng 60 tấn gas/năm. Một số ngành kinh tế trọng điểm liên quan trực tiếp đến công tác phòng cháy, chữa cháy như: Vườn cây cao su; chế biến mủ cao su; chế biến hạt điều; khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất điện năng; công nghiệp chế biến gỗ; may mặc, giày da; trung tâm thương mại, siêu thị; kho vật liệu nổ công nghiệp; dệt bao bì, hàng gia dụng; rừng trồng, rừng tự nhiên cũng phát triển khá nhanh.

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước luôn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh xảy ra 241 vụ cháy, làm chết 8 người, bị thương 14 người, tài sản thiệt hại hơn 123,9 tỷ đồng. Bình quân trong 5 năm gần đây trên địa bàn tỉnh, mỗi năm xảy ra 48 vụ cháy, thiệt hại trực tiếp gần 24,5 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại gián tiếp về kinh tế của người dân và các doanh nghiệp do phải ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để khắc phục hậu quả sau khi cháy xảy ra.

Từ khi tái lập tỉnh Bình Phước đến nay, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Phước đã có sự phát triển nhanh và đặt ra nhiều yêu cầu cao, trong đó công tác phòng cháy và chữa cháy là một trong những yếu tố quan trọng nhằm phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả, tránh những tổn thất về tính mạng, sức khỏe con người cũng như tài sản của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Bên cạnh việc đáp ứng theo quy hoạch chung của toàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Phước còn phải thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và những yêu cầu được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phần II

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG CƠ SỞ CỦA CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

I. Thực trạng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Phước

1. Về mô hình tổ chức

Mô hình tổ chức Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Phước hiện nay như sau:

- Ban lãnh đạo - Chỉ huy phòng gồm: 01 Trưởng phòng và 03 Phó trưởng phòng.

- Đội Tham mưu (Đội 1).

- Đội Hướng dẫn và kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (Đội 2).

- Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Đội 3).

- Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Chơn Thành.

Mô hình tổ chức hiện tại còn nhiều hạn chế, cụ thể; việc thành lập các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế; địa bàn hoạt động rộng, khoảng cách bảo vệ quá lớn nên khi lực lượng và phương tiện tới nơi thì đám cháy đã phát triển mạnh, gây thiệt hại lớn và khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; cán bộ, phương tiện thiếu nên không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Biên chế, quân số, trình độ

a) Biên chế: tổng số quân số hiện nay là 127 đồng chí, trong đó:

- Biên chế: 56 đồng chí.

- Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân: 71 đồng chí.

b) Trình độ:

- Trình độ lý luận chính trị:

+ Cao cấp: 04 đồng chí

+ Trung cấp: 16 đồng chí

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ:

+ Đại học: 20 đồng chí (Đại học phòng cháy, chữa cháy 15; Đại học cảnh sát nhân dân 04; Đại học Luật 01)

+ Trung cấp: 18 đồng chí (Trung cấp phòng cháy, chữa cháy 13; Trung cấp cảnh sát nhân dân 05)

+ Trình độ ngoại ngữ: 20 chứng chỉ B; 16 chứng chỉ A

+ Trình độ tin học: 20 chứng chỉ B; 16 chứng chỉ A

Trên cơ sở phân bổ biên chế của đơn vị và mật độ dân số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thì tỷ lệ cán bộ chiến sỹ chữa cháy trên người dân hiện nay là 1/15.000; căn cứ vào số cơ sở trọng điểm có liên quan đến việc quản lý phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ cán bộ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trên số cơ sở là 1/100 (theo quy định 01 cán bộ/70 cơ sở). Do đó, với quân số hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công tác.

3. Chế độ chính sách

Theo quy định về chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, việc thường trực luôn luôn phải có đầy đủ các bộ phận làm việc 24/24 giờ. Tuy nhiên, do quân số thiếu, để đáp ứng yêu cầu công tác, cán bộ chiến sỹ nghỉ tối đa là 04 ngày trong tháng, chưa kể đến việc trực theo lệnh cấm trại, trực theo yêu cầu công tác khác. Việc thực hiện chế độ nghỉ ngơi và các chế độ chính sách khác không kém phần quan trọng, có tác động không nhỏ đến tâm lý, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện công việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ chiến sỹ.

4. Về trang bị phương tiện chữa cháy

Bảng 1: Thống kê phương tiện cơ giới chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

STT

Tên phương tiện

Chất lượng, tình trạng kỹ thuật

Năm sử dụng

Nước sản xuất

Ghi chú

Xe chữa cháy

1

Zin 130

Trung bình

1997

Liên Xô

 

2

Zin 130

Trung bình

1985

Liên Xô

 

3

Fuso (Mishubishi)

Trung bình

1982

Nhật

 

4

Isuzu

Trung bình

1985

Nhật

 

5

Nissan

Trung bình

1987

Nhật

 

6

Isuzu Chase

Khá

2005

Thái Lan

 

7

Saurus

Tốt

2010

Phần Lan

 

8

Isuzu

Trung bình

1985

Nhật

 

9

Hino Morita

Tốt

2012

Nhật

 

10

Saurus

Tốt

2013

Phần Lan

 

 

Xe chuyên dụng

1

Nissan

Trung bình

1992

Nhật

 

2

Uoat

Trung bình

2003

Liên Xô

 

3

Nissan

Trung bình

1989

Nhật

 

4

TaTa Daewoo

Tốt

2014

Hàn Quốc

CNCH

5

Morita (xe thang)

Tốt

2015

Nhật

 

 

Máy bơm chữa cháy

1

Máy bơm nổi

Trung bình

1996

Pháp

 

2

Tohatsu V46

Trung bình

1997

Nhật

 

3

Otter

Khá

2002

Áo

 

4

Tohatsu V46

Khá

2008

Nhật

 

5

Tohatsu V52

Tốt

2009

Nhật

 

6

Tohatsu V52

Tốt

2010

Nhật

 

7

Tohatsu V82

Tốt

2014

Nhật

 

Bảng 2: Thống kê dụng cụ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ

STT

Tên phương tiện

Số lượng

Chất lượng

Năm sử dụng

Nước sản xuất

1

Bình dưỡng khí

15 cái

Tốt

2006-2014

Đức

2

Mặt nạ phòng độc

32 cái

Tốt

2006-2014

Đức

3

Mặt nạ lọc độc

02 cái

Tốt

2008-2009

Đức

4

Thiết bị dụng cụ phá dỡ đa năng

01 bộ

Tốt

2009

Đức

5

Thiết bị cắt cáp thủy lực

01 chiếc

Tốt

2009

Mỹ

6

Thiết bị phá dỡ thủy lực

01 bộ

Tốt

2009

Đức

7

Đệm cứu người

01 chiếc

Tốt

2009

Hàn Quốc

8

Dây, đai cứu người

04 bộ

Tốt

2006-2014

Đức

9

Thắt lưng an toàn

04 chiếc

Tốt

2006-2009

Đức

10

Quần áo cách nhiệt

05 bộ

Tốt

2006-2014

Đức

11

Áo phao

225 cái

Tốt

2009-2015

Đức

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng đang phát triển nhanh nhưng việc đầu tư mua sắm trang cấp các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, nhất là xe chữa cháy rất hạn chế. Hiện nay, có 06 xe cấp mới 100%, các xe còn lại do Nhật Bản, Nga (Liên Xô cũ) tặng, đã qua sử dụng nhiều năm, bị lạc hậu, cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu thực tế cho công tác chữa cháy tại địa phương. Với thực lực và tình trạng phương tiện chữa cháy như hiện nay, nếu xảy ra các 1 vụ cháy lớn, phức tạp, kéo dài thời gian thì lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Phước sẽ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Mặt khác, với thời gian sử dụng lâu năm, các thông số kỹ thuật của phương tiện sẽ không còn đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với xe chữa cháy sẽ chứa nhiều tiềm ẩn xảy ra tai nạn nguy hiểm khi trên đường đi làm nhiệm vụ.

5. Về công tác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy

Với thực trạng phương tiện phục vụ công tác chữa cháy đang dần bị lạc hậu, kinh phí mua sắm phương tiện mới còn hạn chế; công tác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương thời gian qua tuy có được quan tâm nhưng chỉ đáp ứng được yêu cầu ở mức cơ bản nhất, từ đó ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

6. Về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, nhằm trang bị cho cán bộ, chiến sỹ nắm bắt các đội hình chữa cháy cơ bản, thao tác sử dụng các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các biện pháp cứu người. Hàng năm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sỹ trong 2 kỳ, mỗi kỳ huấn luyện có thời gian từ 30 đến 45 ngày. Qua các đợt huấn luyện nghiệp vụ đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoàn thiện hơn trong thao tác kỹ thuật, khả năng phối hợp trong chiến đấu. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ phục vụ công tác huấn luyện hạn chế, đặc biệt là sân bãi phục vụ tập luyện chưa được đảm bảo vệ chiều rộng, chiều dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả huấn luyện. Đối với lực lượng chữa cháy là chiến sỹ thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân được huấn luyện cơ bản về chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và thực hiện công tác tại ngũ trong thời gian 3 năm, có thể thực hiện nhiệm vụ được giao một cách tương đối hiệu quả, nhưng chưa đảm bảo về yêu cầu tính tinh nhuệ và chuyên môn hóa trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Những kết quả đã đạt được trong công tác huấn luyện thời gian qua, tuy chưa đạt đến mức hoàn thiện nhưng đã khẳng định vai trò quan trọng trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, thúc đẩy tính năng động, sự dũng cảm, ý chí chiến đấu cao trong bản thân mỗi cán bộ chiến sỹ.

7. Về công tác thông tin báo cháy và chỉ huy chữa cháy

Việc nhận thông tin báo cháy qua số điện thoại 114 hiện nay rất phức tạp, trung bình mỗi ngày có khoảng 35 cuộc gọi vào số máy 114, trong đó có đủ loại thông tin, kể cả thông tin báo cháy giả, quấy rối. Như vậy, trung bình mỗi năm số máy 114 nhận 12.600 cuộc gọi, trong đó khoảng 50 cuộc gọi là báo cháy thật cho trung bình 10 vụ cháy trên năm, chiếm 0,05%. Các hình thức gọi vào máy 114 là điện thoại di động thuê bao trả trước, chiếm khoảng 70%, điện thoại cố định chỉ chiếm 30% cuộc gọi.

Hệ thống thông tin liên lạc bằng bộ đàm cầm tay được lắp đặt trang bị từ tháng 12/2008 đang hoạt động bình thường.

Hiện nay, chưa thực hiện việc kết nối thiết bị liên kết tự động đa mạng ACU-T/ACU-1000 với các mạng khác như: điện thoại cố định, điện thoại di động mạng HF, mạng VHF. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ, chiến sỹ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thực tế còn hạn chế.

II. Thực trạng về hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 02 Quốc lộ đi qua và 14 đường tỉnh lộ; đi đến được các huyện có thể cùng một lúc bằng nhiều đường nhưng với khoảng cách các tuyến đường quá dài, quanh co, dốc cao trên 10%, quốc lộ có tần suất lưu thông cao đã làm ảnh hưởng đến vận tốc của xe chữa cháy khi đi làm nhiệm vụ; ngoài ra, sự hiếu kỳ của người dân khi thấy xe chữa cháy làm nhiệm vụ thường chạy xe theo sau vào tận khu vực cháy đã gây cản trở cho việc lưu thông trên đường và tiếp cận đám cháy để thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Các đường nội ô tại các trung tâm huyện, thị xã hiện nay đã được mở rộng, thuận tiện cho xe chữa cháy hoạt động, tuy nhiên trong giờ cao điểm, số lượng xe môtô rất đông làm ảnh hưởng đến hoạt động của xe chữa cháy.

III. Thực trạng về nguồn nước chữa cháy

Các nguồn nước tự nhiên như sông, hồ, ao, suối trên địa bàn tỉnh còn rất ít so với nhu cầu thực tế, mặt khác các sông, hồ, ao, suối hiện nay lại nằm cách xa các trung tâm hành chính huyện, thị xã, khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế và thường khô cạn vào mùa khô, không có bến bãi dành cho xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy tiếp cận lấy nước, do đó gây nhiều khó khăn cho việc lấy nước phục vụ công tác chữa cháy trong các tình huống có cháy lớn, cháy phức tạp.

Tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, hệ thống cung cấp nước chữa cháy được quy hoạch xây dựng không đồng bộ, khoảng cách lắp đặt các trụ nước chữa cháy không đảm bảo yêu cầu cấp nước chữa cháy trong đô thị; nhiều vị trí đặt trụ không đảm bảo theo quy định, cụ thể như: đặt cạnh mép cống thoát nước dễ va chạm gây gãy trụ, trước cửa nhà dân, cạnh đường ra vào, đặt bên trong tường rào khó phát hiện và tiếp cận sử dụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt được 201 trụ cấp nước chữa cháy đô thị, duy nhất tại thị xã Đồng Xoài có hệ thống cung cấp nước chữa cháy đô thị tương đối hoàn thiện; thị xã Bình Long, Phước Long và các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh có lắp đặt nhưng trong quá trình chỉnh trang đô thị, mở rộng mặt đường, xây dựng hành lang đi bộ đã gây hư hỏng, các trụ nước bị gãy, mất, các van khóa âm bị lấp mất dấu vết, không đúng với tiêu chuẩn Việt Nam (110 trụ bị hư hỏng không sử dụng được), do đó muốn sử dụng phải sửa chữa, khắc phục, cải tạo, vấn đề này cần phải có kinh phí và liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

IV. Thực trạng về tình hình đầu tư hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy

Hàng năm, căn cứ vào tình hình ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối phân bổ mức hỗ trợ cho hoạt động phòng cháy chữa cháy.

Bảng 3: Thống kê kinh phí hỗ trợ các hoạt động phòng cháy, chữa cháy từ năm 2011 - 2015 (triệu đồng)

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

Kinh phí

171.967.000

109.400.000

107.000.000

76.000.000

58.525.000

Ngoài ra, năm 2014 và năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng trụ sở Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Chơn Thành là 15,77 tỷ đồng, trang bị 01 bộ đồ lặn cứu nạn, cứu hộ là 110 triệu đồng.

V. Thực trạng về tình hình sản xuất, lắp ráp, kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất phương tiện phòng cháy, chữa cháy, chỉ có một số cơ sở kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy nhỏ lẻ; việc quản lý chất lượng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn vì các cơ sở kinh doanh này do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động, các nguồn hàng được lấy từ các cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh mang về Bình Phước để kinh doanh.

VI. Thực trạng về công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy

Việc nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy ở địa phương trong thời gian qua rất hạn chế, chưa có đề tài nghiên cứu khoa học được đăng ký bảo vệ ở các cấp mà chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, cải tiến một số phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy; cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về phòng cháy, chữa cháy còn ít, mặt khác việc đầu tư kinh phí cho công tác này hầu như không có.

VII. Thực trạng về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở

Xác định được tầm quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như thiệt hại do cháy gây ra, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy; đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, tổ chức và cơ sở thuộc quyền quản lý; tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ. Tuy nhiên hiện nay, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức và cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, chưa chú trọng đầu tư kinh phí, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở mình; lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở có được thành lập nhưng thiếu sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất nên công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được duy trì thường xuyên, hoạt động kém hiệu quả.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, có trên 2.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế và nhiều chợ, trung tâm thương mại lớn được hình thành và đưa vào hoạt động. Qua công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở trong khu công nghiệp, khu kinh tế cho thấy đây là các cơ sở có mức độ nguy hiểm về cháy, nổ rất cao. Có 66% số chợ - trung tâm thương mại, 77,5 % khu công nghiệp - khu kinh tế mới hình thành và đưa vào hoạt động được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn 34% các chợ chưa đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là hệ thống thoát nạn, giao thông, cấp nước chữa cháy; một số khu công nghiệp chưa lắp đặt đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống cấp nước chữa cháy theo quy định, do đó khi xảy ra sự cố cháy gây khó khăn cho việc cứu chữa và thiệt hại lớn về người và tài sản. Duy nhất tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc được thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành và trang bị 02 xe chữa cháy cũ; các khu công nghiệp còn lại chưa thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành và chưa trang bị xe chữa cháy.

Hiện nay, toàn tỉnh có 570 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với 8.550 đội viên. Tỷ lệ đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở đã thành lập so với tổng số cơ sở phải thành lập đội phòng cháy, chữa cháy theo quy định trên toàn tỉnh đạt 94%. Đội có ít nhất là 12 đội viên, đội cao nhất là 20 đội viên. Các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở đã có những cố gắng, nêu cao được vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng này, đã tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong việc duy trì hoạt động phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị mình; tham gia học tập kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, xây dựng phương án chữa cháy; tham gia chữa cháy tại chỗ và chi viện cho các cơ sở lân cận. Trong 5 năm gần đây, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở đã tham gia cứu chữa nhiều vụ cháy và đã dập tắt hoàn toàn các đám cháy từ khi mới phát sinh hoặc trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt, làm giảm số vụ cháy lớn, hạn chế thiệt hại do cháy gây ra hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, do hầu hết các đội viên đội phòng cháy, chữa cháy là kiêm nhiệm, không chuyên trách, không được đào tạo về chuyên môn phòng cháy, chữa cháy và không được hưởng chế độ ưu đãi về vật chất từ phía cơ quan, doanh nghiệp nên chưa khuyến khích sự nhiệt tình, năng nổ của đội viên khi tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.

VIII. Thực trạng về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư

Thời gian qua, nhiều khu đô thị, khu dân cư sống tập trung được hình thành ở thị xã, thị trấn, ngoài ra ở các địa phương trong tỉnh đã có quy hoạch các khu tái định cư và các cụm dân cư, hình thành nên những quần thể khu dân cư có nhiều hộ gia đình sinh sống. Tình hình cháy tại các khu dân cư xảy ra rất phổ biến, trong 5 năm gần đây đã có trên 80 vụ cháy nhà dân (chiếm 77,78 %) thiệt hại trên 5 tỷ đồng; nguyên nhân chủ yếu là do các sự cố về điện, bất cẩn trong việc sử dụng lửa và các nguyên nhân khác.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng tại các khu dân cư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy khu dân cư, hộ gia đình như: ký cam kết về an toàn phòng cháy chữa cháy hộ gia đình, xây dựng thế trận an ninh nhân dân các tình huống chữa cháy trong khu dân cư, tuy nhiên việc đầu tư kinh phí trang bị dụng cụ phương tiện chữa cháy còn nhiều hạn chế, hầu hết các đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng chưa được trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, khi tham gia chữa cháy chủ yếu là sử dụng dụng cụ thô sơ như: xô, chậu hoặc phối hợp, hỗ trợ lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp để tháo dỡ, di dời tài sản từ đám cháy ra ngoài.

Tại các khu dân cư hình thành tự phát, việc áp dụng các biện pháp phòng cháy, chữa cháy vô cùng khó khăn, chính quyền địa phương chưa chủ động được các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong quy hoạch, xây dựng, không khắc phục được hiện trạng mạng lưới điện. Thời gian qua các lực lượng chức năng kết hợp với địa phương tiến hành kiểm tra nhắc nhở và hướng dẫn các hộ gia đình trong khu dân cư thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy như: sử dụng điện an toàn; sử dụng gas an toàn, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đan xen trong khu dân cư nhằm hạn chế khả năng gây cháy từ các cơ sở này; đồng thời cho hộ dân ký cam kết an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành, tại các khu phố, thôn, ấp đều phải được thành lập đội phòng cháy, chữa cháy Dân phòng, lực lượng này có nhiệm vụ thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 21 xã nằm trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới được UBND xã ra quyết định thành lập đội phòng cháy, chữa cháy Dân phòng (của xã) với 420 đội viên, chủ yếu là lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương. Như vậy, hiện còn 90 xã, phường, thị trấn và 864 khu phố, thôn, ấp trên địa bàn tỉnh chưa có đội phòng cháy, chữa cháy Dân phòng, chỉ có lực lượng dân quân tự vệ làm kiêm nhiệm.

Việc đầu tư kinh phí hoạt động cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy Dân phòng còn rất hạn chế, trang bị dụng cụ chữa cháy rất thô sơ (xô, chậu, câu liêm, thang tre). Trên thực tế, lực lượng phòng cháy, chữa cháy Dân phòng chỉ tham gia vào các hoạt động chữa cháy cứu tài sản, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực cháy hoặc hỗ trợ công việc khác cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp; lực lượng này chủ yếu trực ban đêm, ban ngày làm các công việc khác nên công tác quản lý, huấn luyện, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy gặp không ít khó khăn, khi cần huy động để xử lý các sự cố cháy, nổ thì thường không đầy đủ, mất nhiều thời gian; lực lượng ứng trực thường xuyên hầu hết đã lớn tuổi, do đó khi tham gia xử lý các sự cố về cháy, nổ thường thiếu linh hoạt, thiếu nhạy bén. Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy Dân phòng hầu như không có, điều đó phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động cũng như trách nhiệm, thái độ trong công việc của một số đội viên phòng cháy, chữa cháy Dân phòng.

Phần III

MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG CƠ SỞ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

I. Dự báo tình hình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới

Căn cứ vào định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong những năm tới, khi các khu công nghiệp, khu kinh tế được hình thành và đi vào hoạt động, khu đô thị mới, công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại được xây dựng, cùng với một thực trạng về công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy như hiện nay và ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy chưa cao; một số lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng cháy, chữa cháy, không đầu tư hoặc đầu tư chắp vá sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của tỉnh đang sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã lạc hậu, cũ kỹ, có thời gian sử dụng trên 30 năm, với tình trạng thực lực phương tiện như vậy không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, cần có sự quan tâm và chú trọng trong việc đầu tư mua sắm, trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới.

Từ những nội dung đã được phân tích đánh giá ở phần trước cho thấy trong thời gian tới, tình hình cháy sẽ diễn ra phức tạp hơn, mức độ nghiêm trọng và giá trị thiệt hại do cháy gây ra cao hơn. Số vụ cháy có chiều hướng gia tăng, khả năng cứu chữa của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và điều tất yếu là mức độ thiệt hại do cháy gây ra trong thời gian tới sẽ lớn hơn những năm qua. Nguy cơ cháy xảy ra nhiều trong thời gian tới tập trung ở các khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước chỉ có duy nhất 02 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp đặt tại thị xã Đồng Xoài và huyện Chơn Thành, 01 Tổ đặt tại thị xã Phước Long đảm trách chữa cháy toàn tỉnh với diện tích gần 7 nghìn km2. Trong trường hợp xảy ra cháy lớn, cháy phức tạp cần chi viện các tỉnh lân cận như: Bình Dương (80km), Đăk Nông, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai (120km). Do đó, cần thiết phải thành lập thêm các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực đặt tại Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, tiến tới thành lập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Bình Phước. Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi phải bố trí được lực lượng, phương tiện và diện tích đất để xây dựng doanh trại làm việc.

II. Quan điểm quy hoạch

Quy hoạch hệ thống tổ chức, bố trí các Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực hợp lý tiến tới thành lập các phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khu vực thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Bình Phước phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và dự kiến đến năm 2030. Hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị và nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ tai nạn, sự cố gây ra. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, từng bước xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, quy hoạch này cũng xét đến công tác chuẩn bị cho việc thành lập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Bình Phước,

III. Đối tượng quy hoạch

1. Lực lượng, trụ sở làm việc, trang bị phương tiện cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

IV. Mục tiêu quy hoạch

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp để nâng cao khả năng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, từng bước xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

* Giai đoạn 2017-2020:

- Về tổ chức: Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy; Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam quy hoạch xây dựng (QCXDVN 01: 2008/BXD), thì các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được thành lập tại các thành phố, quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ vào diện tích, đặc điểm, tiêu chuẩn, bán kính hoạt động và thực trạng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Phước như hiện nay, trước mắt trong giai đoạn từ năm 2017-2020, trên địa bàn tỉnh Bình Phước cần thành lập thêm 04 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, như sau:

+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thị xã Phước Long.

+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thị xã Bình Long.

+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Lộc Ninh.

+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Bù Đăng.

Đồng thời, trong giai đoạn này xây dựng Đề án thành lập Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Phước. Khi được thành lập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Bình Phước, các Đội nghiệp vụ được nâng lên các phòng nghiệp vụ, các Đội khu vực nâng lên các phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khu vực.

- Về biên chế: căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và số lượng các Đội nghiệp vụ, các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực dự kiến thành lập để tuyển biên chế theo quy định của Bộ Công an.

- Về trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Việc trang bị phương tiện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 60/2015/TT-BCA ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

- Về doanh trại:

Hiện tại, doanh trại của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đặt tại thị xã Đồng Xoài và doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Chơn Thành đặt tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành đã được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu công tác.

Để thành lập mới các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thì nhu cầu đầu tư xây dựng doanh trại cho các đơn vị này đòi hỏi phải đi trước một bước, các yêu cầu cơ bản khi đầu tư xây dựng một doanh trại cần đáp ứng các điều kiện sau:

+ Doanh trại các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực phải ở vị trí thuận lợi cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn phụ trách đảm bảo bán kính hoạt động gàn nhất có thể.

+ Doanh trại phải có đủ diện tích cho các yêu cầu về hành chính, hậu cần kho tàng, nhà xe và đặc biệt là về sân bãi tập luyện nghiệp vụ chữa cháy cứu nạn, cứu hộ.

Bảng 4: Nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng doanh trại giai đoạn năm 2017

Doanh trại

Tổng kinh phí

Diễn giải

Giá trị
(tỷ đồng)

1. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Bình Phước

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

100

2. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thị xã Phước Long

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

3. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thị xã Bình Long

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

4. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Bù Đăng

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

5. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Lộc Ninh

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

Tổng cộng

220

* Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030:

- Về tổ chức: thành lập các Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực còn lại: Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đốp, Bù Gia Mập.

- Về biên chế: căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và điều kiện, tình hình thực tế để tuyển biên chế theo quy định của Bộ Công an.

- Về cơ sở vật chất:

+ Trang bị các phương tiện, thiết bị cho các Phòng nghiệp vụ và các Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khu vực mới được thành lập. Việc trang bị phương tiện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 60/2015/TT-BCA ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

+ Xây dựng doanh trại đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bảng 5: Nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng mới doanh trại giai đoạn 2021 - 2030

Doanh trại

Tổng kinh phí

Diễn giải

Giá trị
(tỷ đồng)

1. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Đồng Phú

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

2. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Phú Riềng

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

3. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Bù Đốp

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

4. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Bù Gia Mập

Đầu tư xây dựng mới tại địa điểm được phê duyệt

30

Tổng Cộng

120

b) Các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Về giao thông:

Quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mở rộng, nâng cấp các đường hẻm ở thị xã, thị trấn đảm bảo xe chữa cháy có thể hoạt động khi cháy xảy ra. Đối với hệ thống giao thông, nguồn nước, các địa phương, ngành bố trí kinh phí xây dựng trong phạm vi quản lý đảm bảo theo yêu cầu đặt ra.

- Về nguồn nước chữa cháy:

Từ những khó khăn và thực trạng về nguồn nước chữa cháy hiện nay, các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm túc các giải pháp sau:

+ Có giải pháp nhằm bảo vệ, sửa chữa, khắc phục các thiếu sót, hư hỏng của hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Khi lập quy hoạch xây dựng các khu trung tâm hành chính, khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp phải xác định hệ thống cấp nước chữa cháy như một nội dung không tách rời của đề án.

+ Thiết kế, lắp đặt bổ sung hệ thống cấp nước chữa cháy tại trung tâm các huyện Bù Đốp, Chơn Thành, Đồng Phú, Bù Gia Mập, Phú Riềng; các Khu công nghiệp Chơn Thành, Tân Thành, Minh Hưng III, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đảm bảo theo các quy định và tiêu chuẩn hiện hành.

+ Kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng theo định kỳ hệ thống cấp nước chữa cháy, các trụ nước, tình trạng hoạt động của máy bơm cấp nước. Kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục, sửa chữa các hư hỏng để đảm bảo cho việc khai thác sử dụng có hiệu quả.

+ Quy hoạch xây dựng các bến, bãi tại các nguồn nước tự nhiên đảm bảo cho xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy tiếp cận lấy nước được thuận lợi.

c) Về lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở

Để đảm bảo cho các hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở đạt hiệu quả cao, đồng thời phù hợp với đặc điểm địa phương, mô hình tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy theo 2 hình thức:

- Thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở đối với các cơ sở có nhiều công nhân viên làm việc, có chứa số lượng lớn chất dễ cháy, có diện tích rộng. Tại các Khu công nghiệp, trung tâm thương mại cần xây dựng đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách và được trang bị phương tiện là xe chữa cháy và máy bơm chữa cháy.

- Thành lập tổ phòng cháy, chữa cháy: đối với những cơ sở nhỏ, số lượng công nhân viên ít, như: Cửa hàng xăng dầu, đại lý gas, hóa chất.

- Thực hiện chế độ chính sách cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở:

+ Đối với tổ, đội phòng cháy, chữa cháy chuyên trách phải được hưởng chế độ như công nhân, nhân viên khác làm trong cơ sở; người đứng đầu cơ sở phải thực hiện các chế độ chính sách đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách của cơ sở mình theo quy định của pháp luật như: chế độ bảo hộ lao động, chế độ phụ cấp, trợ cấp khi bị tai nạn trong các hoạt động tập luyện và tham gia chữa cháy.

+ Đối với tổ, đội phòng cháy, chữa cháy bán chuyên trách hoặc không chuyên trách phải được hưởng chế độ bồi dưỡng trong quá trình tập luyện và tham gia chữa cháy, cũng như các chế độ chính sách khác do pháp luật quy định.

d) Về lực lượng Dân phòng

Do diện tích các khu dân cư rộng, số hộ dân đông, các hoạt động về phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư rất phức tạp nên tại các khu phố, thôn, ấp phải được thành lập đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng để đảm bảo nhiệm vụ độc lập tổ chức cứu chữa sự cố cháy tại khu dân cư từ khi mới phát sinh để hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Đối với đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng khu vực chợ, trung tâm thương mại, cần được trang bị máy bơm chữa cháy và các bình chữa cháy xách tay cũng như các dụng cụ thô sơ khác. Để thu hút được quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng, địa phương cần phải có chế độ chính sách ưu đãi cho đội viên như: được hưởng các khoản trợ cấp từ nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh từ nhân dân trong khu dân cư đóng góp và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật.

3. Giải pháp

a) Giải pháp về vốn

Tổng vốn đầu tư cho Đề án là 688.800.000.000 đồng (Bằng chữ: Sáu trăm tám mươi tám tỷ, tám trăm triệu đồng). Trong đó:

- Giai đoạn 2017-2020: 337,3 tỷ đồng

+ Kinh phí đầu tư trang bị phương tiện: 117,3 tỷ đồng.

+ Kinh phí đầu tư xây dựng doanh trại: 220 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2021-2030: 351,5 tỷ đồng

+ Kinh phí đầu tư trang bị phương tiện: 231,5 tỷ đồng.

+ Kinh phí đầu tư xây dựng doanh trại: 120 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện từ kinh phí địa phương, kinh phí Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Nguồn vốn địa phương: Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương chủ yếu cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm một phần trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu họ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ nay đến năm 2030 là 340 tỷ đồng (bình quân mỗi năm đầu tư 24,285 tỷ đồng).

Nguồn vốn Trung ương: đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, cần tranh thủ các nguồn tài trợ, viện trợ, hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để viện trợ các loại phương tiện chữa cháy và đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho các đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới.

b) Giải pháp về đất đai

Trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh nói chung, của từng địa phương nói riêng phải bảo đảm bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các khu đô thị. Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 1997 quy định: Vị trí đặt trạm phòng cháy, chữa cháy phải đảm bảo xe, phương tiện chữa cháy ra vào trạm an toàn, nhanh chóng, đảm bảo có địa hình bằng phẳng và có đủ diện tích để xây dựng công trình, sân bãi theo quy định, liên hệ thuận tiện với các đường giao thông, không tiếp giáp với các công trình công cộng có đông người, xe cộ ra vào. Yêu cầu đối với Trạm phòng cháy, chữa cháy phải có sân tập kích thước tối thiểu 40m x 125m. Do vậy, tại mỗi huyện, thị xã trong tỉnh phải có quy hoạch bố trí diện tích đất ít nhất là 5.000m ở vị trí thuận tiện để xây dựng trụ sở làm việc các đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

c) Giải pháp về nguồn nhân lực

Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Đề án thực hiện từ năm 2017 đến năm 2030. Hàng năm, tổ chức sơ kết đánh giá tiến độ thực hiện đề án. Cuối năm 2020, tiến hành sơ kết giai đoạn 1; cuối năm 2030 tiến hành tổng kết Đề án. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước thời hạn.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 29/2016/NQ-HĐND thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 29/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trần Tuệ Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản