Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2002/NQ.HĐND K6

TX Vĩnh Long, ngày 18 tháng 01 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG KHÓA VI, KỲ HỌP LẦN THỨ VI

"VỀ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ NĂM 2001 - 2010 TỈNH VĨNH LONG "

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

- Căn cứ điều 120 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

- Căn cứ điều 13 chương II, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy Ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/6/1994;

- Sau khi xem xét tờ trình và chiến lược dân số năm 2001 - 2010 tỉnh Vĩnh Long của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thảo luận và thống nhất.

QUYẾT NGHỊ

Phê duyệt " Chiến lược dân số năm 2001 - 2010 tỉnh Vĩnh Long" với những nội dung chủ yếu sau:

A/. ĐỊNH HƯỚNG, QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU:

I/. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ NĂM 2001 - 2010:

Là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược dân số năm 2001 - 2010 chỉ tập trung giải quyết các nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài thuộc lĩnh vực dân số góp phần thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội và các chiến lược, các chương trình hành động khác.

Căn cứ vào bối cảnh kinh tế - xã hội, những thách thức của vấn đề dân số đối với sự phát triển bền vững, chiến lược dân số 2001 - 2010 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề.

1/. Tiếp tục giảm tỷ lệ tăng dân số nhằm sớm ổn định qui mô dân số của tỉnh.

2/. Từng bước nâng cao chất lượng dân số thông qua các hoạt động nhằm thay đổi cơ cấu dân số, phân bố dân cư hợp lý để nguồn nhân lực thực sự thành thế mạnh và tài sản vô giá của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung cho cả hiện tại và tương lai.

3/. Nâng cao chất lượng các dữ liệu về dân cư để từng bước phục vụ tốt cho việc hoạch định các chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

II/. QUAN ĐIỂM:

1/. Công tác dân số là một bộ phận quan trọng, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

2/. Công tác dân số được thực hiện đồng bộ trên ba bình diện: qui mô dân số, cơ cấu dân số, và phân bố dân cư, kết hợp phát triển dân số với phát triển nguồn nhân lực, phân bố dân cư với phát triển kinh tế - xã hội tập trung cho vùng sâu, vùng kháng chiến củ để giải quyết các vấn đề dân số và nâng cao mức sống nhân dân.

3/. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp. Cấp tỉnh đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số đồng thời vận động sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của Quốc tế, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư của Trung ương một cách có hiệu quả.

4/. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền - giáo dục về dân số và phát triển, kết hợp với việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, tăng cường vai trò của gia đình và thực hiện bình đẳng giới.

5/. Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác dân số, đẩy mạnh xã hội hóa là yếu tố quyết định đảm bảo sự thành công của chương trình dân số và phát triển.

III/. MỤC TIÊU:

1/. Mục tiêu tổng quát:

Thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tiến tới ổn định qui mô dân số một cách hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

2/. Mục tiêu cụ thể:

+ Mục tiêu một: Tiếp tục duy trì vững chắc tốc độ giảm sinh thông qua kế hoạch hóa gia đình để tiến tới ổn định qui mô dân số sớm nhất, hạn chế khả năng chấp nhận mật độ dân số quá cao.

+ Mục tiêu hai: Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình so với cả nước.

3/. Các chỉ tiêu cần đạt đến năm 2010.

+ Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,26% năm 1999, xuống dưới 1% vào năm 2010 để dân số của tỉnh thấp hơn 1.099.000người (1/1/1999 là 1.010.555 người).

+ Tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại từ 46,36% năm 1999 lên 68% năm 2010.

+ Hạ tỷ lệ chết sơ sinh từ: 26,21%o năm 1999 xuống dưới 15%o năm 2010.

+ Giảm tỷ lệ tử vong sản phụ từ 19/100.000 ca đẻ sống năm 2000 xuống thấp hơn 16/100.000 ca vào năm 2010.

+ Giảm tỷ lệ nạo phá thai bằng 50% số hiện nay (năm 2000 có 9.864 ca, bằng 3,26% phụ nữ 15 - 49 tuổi hoặc bằng 63,21% số trẻ sinh trong năm 2010).

+ Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 20, 01% năm 2000, xuống thấp hơn 10% vào năm 2010.

+ Nâng chỉ số phát triển con người (HDI) lên trên mức trung bình của cả nước, trong đó tuổi thọ trung bình dân số từ 71,8 tuổi năm 1999 lên 72,3 tuổi năm 2010; năm học trung bình từ 6,01 năm 1999 lên 9,0 năm 2010; tăng GDP bình quân đầu người lên gấp đôi so với hiện nay.

+ Hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi từ 33% năm 1999, xuống còn 15% năm 2010.

+ Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% năm 2000 còn dưới 5% năm 2005 và đến năm 2010 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới hiện nay.

+ Hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 5,07% năm 2001 còn dưới 4% năm 2010.

+ Tăng thời gian lao động ở nông thôn từ 72, 51% năm 2001 lên 80% năm 2005 và đạt trên 85% năm 2010; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 9,65% năm 2001 lên 18% năm 2005 và đến năm 2010 đạt 20 - 25%.

+ Phấn đấu hạ tỷ lệ người nhiễm mới HIV/AIDS

B/. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1/. Quán triệt đường lối chủ trương và các Nghị quyết của Đảng trong mỗi cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác dân số. Kiện toàn, củng cố và ổn định tổ chức làm công tác dân số ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác dân số, phát huy cao nhất sự hợp tác tích cực giữa các cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội tham gia công tác dân số.

2/. Tạo sự chuyển biến bền vững về dân số - sức khỏe sinh sản - kế hoạch hoá gia đình trên cơ sở cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin với nội dung và hình thức phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng. Chú trọng hình thức tư vấn, đối thoại, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tập trung hoạt động truyền thông vào những vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn và những nhóm đối tượng hạn chế về nhận thức. Mở rộng các hình thức giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục dân số trong và ngoài nhà trường, đẩy mạnh việc bài trừ các tệ nạn xã hội.

3/. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình với nội dung và hình thức phù hợp trong khuôn khổ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiến tới thỏa mãn nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng có thai ngoài ý muốn giảm mạnh tỷ lệ nạo thai, hút thai, đặc biệt là nạo thai, hút thai ở người chưa thành niên, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

4/. Nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò gia đình và thực hiện bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

5/. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia công tác dân số, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng tham gia công tác dân số.

6/. Nâng cao năng lực điều tra thống kê, thu thập xử lý và cung cấp các thông tin dữ liệu về dân cư, tiếp tục củng cố hệ thống quản lý và đăng ký dữ liệu liên quan đến dân cư, để hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư sớm được kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác có liên quan, đáp ứng được yêu cầu việc thực hiện chiến lược và chương trình dân số; đảm bảo lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số vào quá trình hoạch định chính sách, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ dân cư phù hợp với sự thay đổi của dân số.

7/. Phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Trong thời gian trước mắt Nhà nước đảm bảo kinh phí từ ngân sách cho các hoạt động của công tác dân số đồng thời khuyến khích việc huy động các nguồn lực khác trong và ngoài nước cho các hoạt động nầy. Về lâu dài phấn đấu mức đầu tư cho công tác dân số đạt bình quân đầu người 0,6USD/năm, trong đó nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo 60 - 80% phần còn lại huy động từ các nguồn lực khác.

C/. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh thể chế hóa Nghị quyết thành văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng thời chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm và kế hoạch tổ chức thực hiện.

Hội đồng Nhân dân tỉnh giao cho Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, các Ban của HĐND, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thường xuyên đôn đốc và giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết nầy.

Nghị quyết nầy được Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VI thông qua tại kỳ họp lần 6 ngày 18 tháng 01 năm 2002./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH - CP
- TU - UBND tỉnh
- Đại biểu HĐND tỉnh
- Các Sở ngành tỉnh có liên quan
- Tòa án nhân dân tỉnh
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
- TT. HĐND - UBND huyện - thị
- Lưu

TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quân

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 29/2002/NQ.HĐND K6 phê duyệt chiến lược dân số năm 2001 - 2010 tỉnh Vĩnh Long

  • Số hiệu: 29/2002/NQ.HĐNDK6
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/01/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Nguyễn Văn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản