Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 275/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 16 tháng 6 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TÁN THÀNH CHỦ TRƯƠNG THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG THUỘC THÀNH PHỐ THANH HÓA, TỈNH THANH HÓA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 22/TTr-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2020 về việc đề nghị thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Ban Pháp chế tại Báo cáo số 168/BC-HĐND ngày 12 tháng 6 năm 2020 thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc đề nghị thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành chủ trương thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

1. Thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa

1.1. Thành lập phường Quảng Phú

Thành lập phường Quảng Phú trên cơ sở nguyên trạng 6,50 km2 diện tích tự nhiên và dân số 10.534 người của xã Quảng Phú.

Địa giới hành chính phường Quảng Phú: Đông giáp huyện Hoằng Hóa và thành phố Sầm Sơn; Tây giáp phường Quảng Đông; Nam giáp phường Quảng Cát và phường Quảng Tâm; Bắc giáp phường Quảng Hưng.

1.2. Thành lập phường Quảng Đông

Thành lập phường Quảng Đông trên cơ sở nguyên trạng 5,33 km2 diện tích tự nhiên và dân số 8.395 người của xã Quảng Đông.

Địa giới hành chính phường Quảng Đông: Đông giáp phường Quảng Phú và phường Quảng Cát; Tây giáp phường Quảng Thành và huyện Quảng Xương; Nam giáp phường Quảng Cát và huyện Quảng Xương; Bắc giáp phường Quảng Thành và phường Quảng Hưng.

1.3. Thành lập phường Quảng Thịnh

Thành lập phường Quảng Thịnh trên cơ sở nguyên trạng 4,89 km2 diện tích tự nhiên và dân số 10.374 người của xã Quảng Thịnh.

Địa giới hành chính phường Quảng Thịnh: Đông giáp phường Quảng Thành và huyện Quảng Xương; Tây giáp xã Đông Vinh; Nam giáp huyện Quảng Xương; Bắc giáp phường Quảng Thắng và phường Đông Vệ.

1.4. Thành lập phường Quảng Tâm

Thành lập phường Quảng Tâm trên cơ sở nguyên trạng 3,67 km2 diện tích tự nhiên và dân số 10.230 người của xã Quảng Tâm.

Địa giới hành chính phường Quảng Tâm: Đông giáp thành phố Sầm Sơn; Tây giáp phường Quảng Cát và phường Quảng Phủ; Nam giáp phường Quảng Cát và thành phố Sầm Sơn; Bắc giáp phường Quảng Phú.

1.5. Thành lập phường Quảng Cát

Thành lập phường Quảng Cát trên cơ sở nguyên trạng 6,65 km2 diện tích tự nhiên và dân số 11.505 người của xã Quảng Cát.

Địa giới hành chính phường Quảng Cát: Đông giáp phường Quảng Tâm và thành phố Sầm Sơn; Tây giáp phường Quảng Đông và huyện Quảng Xương, thành phố Sầm Sơn; Nam giáp thành phố Sầm Sơn; Bắc giáp phường Quảng Phú, phường Quảng Tâm và phường Quảng Đông.

1.6. Thành lập phường Thiệu Khánh

Thành lập phường Thiệu Khánh trên cơ sở nguyên trạng 5,32 km2 diện tích tự nhiên và dân số 12.425 người của xã Thiệu Khánh.

Địa giới hành chính phường Thiệu Khánh: Đông giáp phường Thiệu Dương và huyện Hoằng Hóa; Tây giáp xã Thiệu Vân và huyện Thiệu Hóa; Nam giáp xã Thiệu Vân; Bắc giáp huyện Thiệu Hóa.

1.7. Thành lập phường Thiệu Dương

Thành lập phường Thiệu Dương trên cơ sở nguyên trạng 5,71 km2 diện tích tự nhiên và dân số 13.122 người của xã Thiệu Dương.

Địa giới hành chính phường Thiệu Dương: Đông giáp phường Tào Xuyên và huyện Hoằng Hóa; Tây giáp xã Thiệu Vân và phường Thiệu Khánh; Nam giáp phường Hàm Rồng và phường Đông Cương; Bắc giáp phường Thiệu Khánh và huyện Hoằng Hóa.

1.8. Thành lập phường Đông Tân

Thành lập phường Đông Tân trên cơ sở nguyên trạng 4,42 km2 diện tích tự nhiên và dân số 8.515 người của xã Đông Tân.

Địa giới hành chính phường Đông Tân: Đông giáp phường Phú Sơn và phường An Hưng; Tây giáp huyện Đông Sơn; Nam giáp phường An Hưng; Bắc giáp phường Đông Lĩnh và huyện Đông Sơn.

1.9. Thành lập phường Đông Lĩnh

Thành lập phường Đông Lĩnh trên cơ sở nguyên trạng 8,74 km2 diện tích tự nhiên và dân số 10.764 người của xã Đông Lĩnh.

Địa giới hành chính phường Đông Lĩnh: Đông giáp phường Đông Cương, phường Đông Thọ và phường Phú Sơn; Tây giáp huyện Đông Sơn; Nam giáp phường Phú Sơn, phường Đông Tân và huyện Đông Sơn; Bắc giáp phường Đông Cương và huyện Thiệu Hóa.

1.10. Thành lập phường Long Anh

Thành lập phường Long Anh trên cơ sở nguyên trạng trạng 5,79 km2 diện tích tự nhiên và dân số 11.243 người của xã Long Anh.

Địa giới hành chính phường Long Anh: Đông giáp huyện Hoằng Hóa; Tây giáp phường Tào Xuyên, phường Nam Ngạn và phường Hàm Rồng; Nam giáp phường Nam Ngạn và xã Hoang Quang; Bắc giáp phường Tào Xuyên và huyện Hoằng Hóa.

2. Sau khi thành lập các phường, thành phố Thanh Hóa có 34 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 30 phường: Ba Đình, Điện Biên, Đông Hải, Đông Sơn, Đông Vệ, Hàm Rồng, Lam Sơn, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Quảng Thắng, Quảng Thành, Tân Sơn, Trường Thi, Quảng Hưng, Đông Hương, Đông Cương, Phú Sơn, Đông Thọ, Tào Xuyên, An Hưng, Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Thịnh, Quảng Tâm, Quảng Cát, Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Đông Tân, Đông Lĩnh, Long Anh và 04 xã: Đông Vinh, Hoằng Đại, Hoằng Quang, Thiệu Vân.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành, hoàn chỉnh hồ sơ đề án thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2, Điều 3;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Nội vụ; Bộ Xây dựng;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND Thành phố Thanh Hóa;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến