Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/NQ-HĐND13

Điện Biên, ngày 24 tháng 5 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHOÁ XIII - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23 tháng 3 năm 2012 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2015;

Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 609/TTr-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2012 đề nghị thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra số 11/BC-HĐND ngày 16/5/2012 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2015 với một số nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm phát triển sản xuất nông nghiệp

- Sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh, là cơ sở thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng Nông thôn mới.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp phải theo quy hoạch, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gắn với chế biến, bảo quản để nâng cao năng suất, tăng thêm giá trị gia tăng của từng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

- Tập trung ưu tiên vốn đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển nông nghiệp, bổ sung tài nguyên rừng, giữ gìn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào các dân tộc; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng các loại sản phẩm, bền vững, chú trọng sản phẩm có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chính như: Lúa gạo, cà phê, cao su, chè và một số sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi (trâu, bò, lợn, dê, ...); chú trọng phát triển cây ăn quả. Tăng giá trị đóng góp của sản xuất nông nghiệp vào GDP. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành đối với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng nông - lâm nghiệp - thủy sản bình quân đạt 5,1%/năm.

- Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp là 27,6% (năm 2010 là 35,27%); công nghiệp xây dựng là 33,1%; dịch vụ 39,3%.

- Diện tích gieo trồng cây lương thực: 71.070 ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 238 ngàn tấn, bình quân đầu người đạt trên 420 kg/người/năm.

- Diện tích cây cao su năm 2015 đạt 10.000 ha, bình quân mỗi năm trồng mới 1.300 ha; sản lượng mủ khô 896 tấn.

- Diện tích cà phê: 4.000 ha (trong đó có 3.000 ha - 3.500 ha cà phê kinh doanh) mỗi năm trồng mới 400 ha; sản lượng cà phê nhân 5.400 tấn.

- Diện tích chè: 1.000 ha (trong đó có 700 - 750 ha chè kinh doanh); mỗi năm trồng mới 110 ha, sản lượng búp tươi 240 tấn.

- Tốc độ phát triển đàn gia súc bình quân 6%/năm.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 đạt 2.500 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 2.045 tấn.

- Đảm bảo giữ được diện tích rừng hiện có; nâng độ che phủ từ 37,4% năm 2010 lên trên 45% vào năm 2015.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Phát triển cây lương thực

Diện tích trồng cây lương thực 71.070 ha; trong đó lúa ruộng: 26.660 ha, ngô: 27.010 ha (giảm 2.073 ha so với năm 2010); lúa nương: 17.100 ha (giảm 5.202 ha so với năm 2010). Tổng sản lượng lương thực đạt trên 238.000 tấn.

- Các giải pháp chính gồm:

+ Sử dụng lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, trong đó ưu tiên vùng sản xuất tập trung, khu vực thuận lợi phát triển lúa nước.

+ Giải pháp kỹ thuật: Tập trung vào thâm canh tăng vụ lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nghiên cứu, thử nghiệm đưa vào sản xuất những giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đến năm 2015, diện tích lúa lai chiếm từ 10 - 15% diện tích lúa ruộng; đưa tỷ lệ sử dụng giống ngô lai từ 60% - 65% (năm 2010) tăng lên 80 - 85% (năm 2015), áp dụng các biện pháp thâm canh, giảm diện tích ngô trồng trên nương.

+ Giải pháp về cơ chế, chính sách: Đảm bảo các chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm - thủy sản theo quy định hiện nay của tỉnh; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho phù hợp thực tế và quy định mới của Chính phủ.

2. Phát triển cây công nghiệp

- Đảm bảo diện tích cao su đến năm 2015 đạt 10.000 ha, sản lượng mủ khô đạt 896 tấn. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển cây cao su theo hướng tạo điều kiện về đất đai, tạo sự đồng thuận của nhân dân và đảm bảo quy trình, các tiêu chí về đất đai, khí hậu vùng trồng cao su.

- Diện tích cà phê đạt 4.000 ha, sản lượng cà phê nhân 5.400 tấn, đồng thời mở rộng diện tích trồng mới cà phê tại huyện Mường Nhé và xây dựng mới một số xưởng chế biến cà phê trong vùng quy hoạch.

- Nâng diện tích chè lên 1.000 ha vào năm 2015, trong đó có 700 - 750 ha chè kinh doanh vào năm 2015; bình quân mỗi năm trồng mới 110 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 240 tấn.

- Các giải pháp chủ yếu là:

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển sản xuất cây công nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thuê đất, liên doanh liên kết với các hộ dân để phát triển cao su, chè, cà phê.

+ Phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch. Đối với cây cao su, trước mắt, ưu tiên phát triển cao su đại điền, từng bước nghiên cứu chính sách phát triển cao su tiểu điền nhằm tạo ra sự thống nhất giữa các thành phần kinh tế cùng phát triển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su vào năm 2013, đáp ứng yêu cầu chế biến mủ cao su đối với những diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch.

+ Rà soát, bổ sung, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển cao su, chè, cà phê nhằm khuyến khích nhân dân tham gia và phát triển sản xuất.

+ Đối với cây chè phải giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ và khai thác hợp lý số lượng chè hiện có, đặc biệt là 10.000 cây chè cổ thụ, tuyển chọn và khai thác, sử dụng giống chè tại chỗ để đưa vào trồng mới. Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân vào việc phát triển chè Shan. Nâng cấp các xưởng chế biến chè; tạo ra sản phẩm chè có chất lượng, thương hiệu, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

3. Phát triển chăn nuôi

- Tốc độ phát triển đàn gia súc (trâu, bò, lợn) bình quân 6%/năm. Trong đó tốc độ phát triển bình quân của đàn trâu là 3,75%/năm; đàn bò là 4,98%/năm (Sind hóa đàn bò được 30% tổng đàn); đàn lợn là 7,02%/năm; đàn gia cầm là 13%/năm. sản lượng thịt hơi các loại: 19.096 tấn.

- Các giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện bao gồm:

+ Giải pháp về cải tạo, tuyển chọn giống: Đầu tư xây dựng trung tâm phát triển chăn nuôi của tỉnh trở thành trung tâm tuyển trọn, phát triển các loại giống vật nuôi nhằm cung cấp giống trâu, bò, lợn có chất lượng cao cho các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện Sind hóa đàn bò để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo ở những vùng thấp; ở các địa bàn vùng cao không triển khai được thụ tinh nhân tạo thì dùng bò giống F2. Bình tuyển, chọn lọc để nhân thuần giống trâu tốt; thực hiện nghiêm túc việc quản lý trâu đực giống, tăng cường luân chuyển trâu đực giống giữa các vùng để cải tạo hình thể đàn trâu địa phương. Khuyến khích nghiên cứu, chọn lọc và nhân thuần các giống lợn bản địa có chất lượng thịt cao để phát triển chăn nuôi lợn đặc sản; nâng cao năng suất, chất lượng lợn giống địa phương thông qua việc trợ giá liều tinh lợn ngoại cho cơ sở sản xuất tinh để thụ tinh nhân tạo; trợ giá lợn đực giống ngoại để thay thế mở rộng quy mô đàn lợn có chất lượng.

+ Giải pháp về thú ý: Tăng cường đầu tư cả cơ sở vật chất, thuốc thú y và nguồn nhân lực trong công tác thú y từ tỉnh tới cơ sở, nhằm đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chăn nuôi của tỉnh.

+ Giải pháp về chính sách: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chọn lọc giống, thực hiện các biện pháp thú y, đầu tư cơ sở vật chất và tăng quy mô đàn.

4. Phát triển thủy sản

- Đưa diện tích nuôi trồng đến năm 2015 đạt 2.500 ha, tăng 632 ha so với năm 2010; tổng sản lượng thủy sản đạt 2.045 tấn.

- Giải pháp chính là tận dụng tối đa diện tích mặt nước ao hồ để nuôi trồng thủy sản. Thực hiện chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng các giống thủy sản có giá trị cao vào sản xuất. Hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các cơ sở sản xuất giống hiện có, đảm bảo cung ứng giống thủy sản có chất lượng cho nhu cầu trong tỉnh và ngoài tỉnh.

5. Sản xuất lâm nghiệp

- Tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện có; tổ chức khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng mới (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) theo kế hoạch tại Quyết định số 781/QĐ- UBND ngày 18/8/2011 của UBND tỉnh; nâng độ che phủ từ 37,4% năm 2010 lên trên 45% vào năm 2015; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng kinh tế nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về rừng, thu hút lao động nhàn rỗi các hộ gia đình tham gia nghề rừng bền vững và tham gia góp đất trồng rừng với doanh nghiệp.

- Giải pháp chủ yếu:

+ Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chính sách phát triển lâm nghiệp của Nhà nước và của tỉnh tới các hộ dân, chính quyền, cán bộ cơ sở.

+ Triển khai cắm mốc ranh giới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất ngoài thực địa, tiếp tục triển khai việc giao đất gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ, trồng rừng.

+ Củng cố, sắp xếp, hoàn thiện hệ thống tổ chức lâm nghiệp từ tỉnh đến các huyện, xã, đặc biệt là tổ chức về quản lý phát triển lâm nghiệp thời kỳ hậu Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; thành lập, kiện toàn các Ban quản lý trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 để hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện các dự án trồng rừng sản xuất. Khuyến khích các hộ gia đình tham gia góp đất với các doanh nghiệp để trồng rừng sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từng bước giảm diện tích đất nương sản xuất không hiệu quả.

+ Tổ chức tốt các biện pháp củng cố bộ máy, nâng cao năng lực, tổ chức và vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô.

+ Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, tạo ra các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung bằng hình thức các hộ gia đình và cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tổ chức thực hiện giao, cho thuê rừng, gắn với giao, cho thuê đất lâm nghiệp; quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, nhận khoán bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; quy chế về khai thác lâm sản khác và kiểm tra, bảo đảm nguồn gốc lâm sản hợp pháp.

6. Phát triển thủy lợi

- Phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt, du lịch, phòng chống lũ, lụt, bảo vệ chất lượng nước và môi trường sinh thái. Hoàn thiện hệ thống quản lý thủy nông, nhằm phát huy, đảm bảo an toàn hệ thống hồ, đập và hiệu quả đầu tư.

- Giải pháp chủ yếu: Quản lý tốt quy hoạch phát triển thủy lợi, các công trình hồ chứa, kênh mương. Phân cấp quản lý quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư và sử dụng công trình. Bố trí kinh phí thu hồi đất khai hoang bãi tưới của công trình thủy lợi, thực hiện đầu tư kênh nội đồng, giao thông nội đồng và tổ chức khai hoang mở rộng diện tích canh tác thêm 1.700 ha, chuyển diện tích đất canh tác từ 1 vụ lên 2 vụ khoảng 848 ha.

7. Nhu cầu vốn cho cả giai đoạn là: 2.777.935 triệu đồng, trong đó:

- Vốn hỗ trợ sản xuất: 81.650 triệu đồng;

- Vốn hỗ trợ phát triển cao su theo điều chỉnh kế hoạch: 44.500 triệu đồng;

- Vốn phát triển chăn nuôi: 71.325 triệu đồng;

- Vốn cho phát triển thủy sản: 2.500 triệu đồng;

- Vốn cho dịch vụ (Thú y, BVTV, Khuyến nông): 58.600 triệu đồng;

- Vốn cho phát triển lâm nghiệp: 668.064 triệu đồng;

- Vốn đầu tư các CT thủy lợi, NS&VSMTNT: 1.671.971 triệu đồng;

- Phát triển nông thôn mới: 179.325 triệu đồng.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh một số nội dung của Đề án theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, phê duyệt Đề án và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khoá XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 18 tháng 5 năm 2012./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 273/NQ-HĐND13 thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2015

  • Số hiệu: 273/NQ-HĐND13
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/05/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản