Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2017/NQ-HĐND | Thái Bình, ngày 27 tháng 12 năm 2017 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 246/TTr-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tổng thểphát triển thương mại tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Báo cáo thẩm tra số 52/BC-KTNS ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với nội dung chủ yếu sau:
- Phát triển thương mại tỉnh Thái Bình trên cơ sở đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan của tỉnh,bao quy hoạch phát triển đô thị, giao thông, du lịch,... trên địa bàn; phù hợp với những định hướng phát triển thương mại của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
- Phát triển thương mại tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế về sản xuất hàng hóa của tỉnh, có giá trị gia tăng cao. Đưa thương mại trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là cho các ngành du lịch và dịch vụ, thúc đẩy phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm việc làm, góp phần đảm bảo văn minh thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Phát triển thương mại với sự chuyển biến cơ bản về phương thức kinh doanh, khuyến khích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đa dạng các loại hình sở hữu đối với doanh nghiệp thương mại, thương mại gắn với đầu tư. Hoàn thiện hệ thống phân phối và hạ tầng thương mại, phát triển một cách đồng bộ và hợp lý cơ cấu bán buôn và bán lẻ, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống và hiện đại. Từng bước hình thành, phát triển mô hình kinh doanh theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng.
- Phát triển thương mại bền vững, đảm bảo các mục tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành thương mại hiện đại, văn minh, có khả năng thu hút và phát luồng hàng hoá trong vùng; bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất trên địa bàn tỉnh; duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, nâng cao đóng góp của ngành thương mại vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa và thúc đẩy xuất khẩu.
Phát triển hạ tầng thương mại với cơ cấu cân đối, hợp lý, đảm bảo các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, theo hướng ngày càng hiện đại với mục tiêu hiệu quả, bảo vệ môi trường và văn minh thương mại.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giá trị tăng thêm ngành thương mại tăng bình quân 8 - 9%/năm giai đoạn 2017 - 2020 và trên 9%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Chiếm tỷ trọng 8 - 9% trong GRDP toàn tỉnh vào năm 2020 và khoảng 10 - 11% vào năm 2025. Đa dạng hoá các kênh phân phối trên cơ sở đa dạng hoá các loại hình tổ chức, các lĩnh vực kinh doanh, các thành phần kinh tế cùng tham gia và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong lĩnh vực thương mại.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 tăng bình quân 15 - 16%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 tăng 17 - 18%/năm. Bảo đảm lưu thông hàng hóa ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11 - 12%/năm giai đoạn 2017 - 2020, đạt trên 2.000 triệu USD năm 2020 và tăng khoảng 13 - 14%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 16 - 17%/năm giai đoạn 2017 - 2020 và tăng dưới 16%/năm giai đoạn 2021 - 2025.
Đến năm 2035: Duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp ngày càng tăng và ổn định trong GRDP chung của tỉnh. Hình thành một nền thương mại vững mạnh, hiện đại và văn minh với cơ cấu ngành cân đối, hợp lý. Hệ thống phân phối phát triển đồng bộ và chuyên nghiệp với các kênh phân phối mạnh, vừa rộng về quy mô và phạm vi hoạt động, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và phát triển tiêu dùng, đồng thời có khả năng kết nối với các thị trường nước ngoài.
1. Định hướng phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa
a) Định hướng phát triển xuất khẩu
- Phát huy tối đa lợi thế từ các thị trường truyền thống, đồng thời không ngừng tìm kiếm, mở rộng phát triển các thị trường mới với nhiều phân khúc thị trường, chú trọng các thị trường có triển vọng.
- Duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ có lợi thế của tỉnh.
- Khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu tại chỗ trên cơ sở đa dạng hóa và nâng cao chất lượng cung ứng hàng hóa cho nhu cầu của các đối tác và khách nước ngoài, trong đó chủ yếu là nhu cầu thực phẩm, đồ uống, hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ tại các khu du lịch, các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhu cầu nhiên liệu cho các hãng tàu biển tại các khu vực cảng biển.
b) Định hướng phát triển nhập khẩu
- Ưu tiên nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, thân thiện môi trường trong nước chưa sản xuất được; chú trọng việc xây dựng và hình thành các khu công nghiệp của tỉnh theo hướng có công nghệ và quy trình sản xuất - kinh doanh tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu của thị trường về tính năng, chất lượng sản phẩm và phù hợp về giá cả; có khả năng thu hồi vốn nhanh, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng trong nước có thể sản xuất được, không thân thiện với môi trường, mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và nhập khẩu trái phép.
2. Định hướng phát triển mô hình tổ chức lưu thông theo ngành hàng
- Thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng: Tổ chức thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng trên địa bàn tỉnh phải chú trọng đến việc củng cố và phát triển các điều kiện cần thiết để lưu thông bán lẻ hàng hóa một cách thuận tiện tới người tiêu dùng.
Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển mạng lưới cung ứng rộng rãi, từ thành thị tới nông thôn, hoặc lựa chọn các hộ kinh doanh có kinh nghiệm để hình thành mạng lưới phân phối đối với hàng công nghiệp tiêu dùng ở khu vực thị trường này; bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, áp dụng bổ sung các hình thức giao dịch mới, hiện đại.
- Thị trường hàng nông sản: Hình thành các khu phân phối bán buôn chuyên nghiệp hàng nông sản để tập kết hàng hóa nông sản từ các tỉnh lân cận và từ nguồn sản xuất nội tỉnh cung ứng cho bán lẻ và cho các đối tượng tiêu dùng lớn. Khuyến khích phát triển các nhà phân phối bán buôn nông sản chuyên nghiệp với một số nhà phân phối lớn làm nòng cốt, có kinh nghiệm và tiềm lực về tài chính, có quan hệ bạn hàng ổn định, có phương thức kinh doanh và lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu.
- Thị trường hàng tư liệu sản xuất, thủ công mỹ nghệ: Củng cố, phát triển hệ thống đại lý, cơ sở kinh doanh của các chủ thể sản xuất kinh doanh để tiêu thụ hàng tư liệu sản xuất, thủ công mỹ nghệ có thế mạnh trên địa bàn tỉnh.
3. Định hướng phát triển các dịch vụ phụ trợ của ngành thương mại
- Dịch vụ logistic: Tăng cường tiềm lực và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh dịch vụ logistics hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thu hút các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng và cung ứng dịch vụ; khuyến khích phát triển các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ; tạo điều kiện về quỹ đất, vốn đầu tư, hạ tầng kỹ thuật và xã hội để hình thành một số cơ sở cung ứng dịch vụ logistics tập trung, chuyên nghiệp, quy mô phù hợp, nhất là ở Khu kinh tế Thái Bình.
- Dịch vụ tài chính, ngân hàng: Tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc và các Ngân hàng thương mại về tài chính, tín dụng trong các giao dịch thương mại quy mô lớn và trong thanh toán xuất nhập khẩu.
4. Định hướng phát triển thương mại điện tử
- Ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện cả giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp và doanh nghiệp - người tiêu dùng trên nhiều hoạt động.
- Tạo đầu mối hay cổng thông tin thương mại điện tử để tập hợp và hỗ trợ công tác quảng bá, mở rộng mối tương quan, liên kết, kết hợp nhằm mở rộng thị trường và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Hoàn thiện kiến trúc thượng tầng cho việc phát triển thương mại điện tử bao gồm xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn và độ tin cậy; xây dựng khung pháp lý, cơ chế chính sách thu hút và tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính tương hỗ cho công tác này.
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho việc phát triển thương mại điện tử, khuyến khích phát triển các ngành phụ trợ cho thương mại điện tử như công nghệ thông tin, viễn thông,...; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh theo các cam kết quốc tế về thương mại điện tử.
5. Định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại
a) Đối với hệ thống hạ tầng bán buôn
- Tổ chức hoạt động bán buôn một cách chuyên nghiệp theo hướng hình thành chợ đầu mối nông sản, trước hết là ở ngoại vi các đô thị; lựa chọn phát triển trước ở các khu vực đã hình thành hoạt động bán buôn có tính chất đầu mối như thành phố Thái Bình.
- Đối với các khu vực đô thị quy mô vừa và nhỏ, nhu cầu nông sản chưa đủ lớn để tập trung qua chợ đầu mối, thì các chợ hạng I hoặc hạng II sẽ đảm nhận chức năng bán buôn hàng hóa đến các chợ và điểm bán lẻ. Cần dành diện tích thỏa đáng cho khu bán buôn để tập kết và vận chuyển hàng hóa.
- Hình thành các chợ chuyên doanh gắn với các vùng sản xuất nông sản tập trung, có quy mô lớn để hỗ trợ tiêu thụ (bán buôn, bán lẻ), phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại chỗ và khách vãng lai.
b) Đối với hệ thống hạ tầng bán lẻ
- Tại địa bàn đô thị: Phát triển đa dạng hệ thống hạ tầng thương mại bán lẻ, từ loại hình đến quy mô và với mật độ cao. Tập trung phát triển theo chiều sâu theo hướng chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng hàng hóa, hình thành hệ thống hạ tầng thương mại văn minh.
- Tại địa bàn nông thôn: Chú trọng phát triển loại hình bán lẻ truyền thống là chủ yếu, bao gồm: Chợ dân sinh ở các xã, cụm xã; các điểm bán/cửa hàng truyền thống tại các cụm dân cư nông thôn, bên cạnh các chợ xã hoặc ở trung tâm cụm xã. Đến năm 2025, sẽ dần thay thế và phát triển mới các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, tự chọn theo hướng hiện đại.
- Tại các khu công nghiệp: Phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp có khu nhà ở của công nhân, các loại hình thương mại chủ yếu bao gồm: Cửa hàng tiện lợi, khu dịch vụ để tạo thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, hình thành các hoạt động thương mại bán lẻ nội khu hoặc ngoại khu ở các dự án xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp.
- Tại các khu du lịch: Tập trung phát triển các loại hình hạ tầng thương mại đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch như khu ẩm thực, khu mua sắm, khu bán hàng ban đêm, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm thương hiệu, truyền thống của tỉnh gắn với các điểm, tuyến, khu du lịch đã được quy hoạch.
c) Đối với hệ thống hạ tầng xuất nhập khẩu
Trong giai đoạn đầu của thời kỳ quy hoạch, đối với các mặt hàng có thế mạnh, hình thành trung tâm bán buôn hàng hóa xuất nhập khẩu; hệ thống kho bãi tập trung; sau đó, tùy thuộc vào thực tế phát triển khối lượng hàng hóa, hình thành trung tâm logistics theo mô hình logistics lục địa (trung tâm phân phối hàng hóa) gắn với việc hình thành và phát triển của Khu kinh tế Thái Bình.
d) Đối với hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn
- Xây dựng và hình thành hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn với số lượng, loại hình, cơ cấu, quy mô,… phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, với trình độ phát triển thị trường khu vực nông thôn; phát triển theo hướng mở, tạo ra khả năng gắn kết và ảnh hưởng lan toả của các loại hình hạ tầng thương mại trong khu vực nông thôn, giữa nông thôn với đô thị.
- Từng bước phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại hiện đại,kết hợp với kế thừa, cải tạo các loại hình truyền thống trên địa bàn nông thôn, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, đảm bảo văn minh thương mại và giữ gìn bản sắc văn hóa, tập quán của người dân địa phương.
- Hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý trong các loại hình hạ tầng thương mại nông thôn đồng thời với việc nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ lao động quản lý và kinh doanh.
IV. PHÂN BỐ HỆ THỐNG HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI
1. Nguyên tắc chung trong quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại
- Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được quy hoạch phải phù hợp với các lựa chọn ưu tiên phát triển thương mại tại từng tiểu vùng, chú trọng tạo lập các khu vực thương mại có khả năng thu hút, phát luồng hàng hóa và tăng cường tính liên kết phát triển trong từng tiểu vùng, giữa các tiểu vùng với nhau và với các tỉnh lân cận trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
- Đảm bảo sự phát triển tương hỗ giữa các hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh: Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu phục vụ các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; bán buôn; bán lẻ; và các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ phát triển thương mại. Giữa các hoạt động thương mại, cũng như giữa các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại có tác động tương hỗ, gắn kết với nhau trong quá trình phát triển. Do đó, các hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được quy hoạch phát triển một cách đồng bộ, phân bố hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh doanh.
- Đảm bảo tính thống nhất trong phát triển các hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại giữa các ngành, các cấp trong tỉnh. Đảm bảo khả năng tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, đảm bảo tính đa dạng về quy mô, về loại hình (hiện đại và truyền thống), tính hợp lý về phân bố để thu hút sự đầu tư của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ.
2. Luận chứng phương án phân bố mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh Thái Bình
a) Thành phố Thái Bình
* Mạng lưới chợ: Hiện có 18 chợ, gồm 01 chợ hạng I, 03 chợ hạng II và 14 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn thành phố Thái Bình sẽ có 20 chợ; trong đó: Chợ hạng I là 01 chợ, chợ hạng II là 03 chợ, chợ hạng III là 16 chợ, cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Đưa ra khỏi quy hoạch: 03 chợ gồm chợ Đô thị Trần Hưng Đạo, chợ Tiền Phong 2, chợ xã Phú Xuân. Xóa bỏ chợ Đề Thám II.
+ Xây dựng mới: 03 chợ hạng III gồm chợ xã Vũ Đông, chợ Tân Bình xã Tân Bình, chợ Phú Xuân 1 xã Phú Xuân.
+ Di chuyển xây mới: 03 chợ hạng III gồm chợ Cầu Nề phường Kỳ Bá, chợ Phúc Khánh phường Phúc Khánh và chợ Hải sản phường Lê Hồng Phong.
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại đều được cải tạo sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân.
- Định hướng đến năm 2035: Phát triển thêm từ 02 - 03 chợ.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Hiện trên địa bàn có 10 siêu thị; đến năm 2025, quy hoạch mới 05 siêu thị, gồm 01 siêu thị hạng I, 02 siêu thị hạng II và 02 siêu thị hạng III tại khu vực các phường nội đô. Đến năm 2035, xem xét quy hoạch thêm 04 siêu thị hạng III tại khu vực các xã ngoại thành của thành phố.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025, quy hoạch thêm 05 trung tâm thương mại.
Định hướng đến năm 2035, xem xét bổ sung thêm từ 04 - 05 trung tâm thương mại hạng III tại các khu vực dân cư mới.
- Ngoài ra, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, sẽ tiếp tục tập trung phát triển hệ thống các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn trưng bày và kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương tại các khu vực đô thị, khu vực đông dân cư.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 29 CHXD, trong đó có 28 CHXD trên cạn và 01 CHXD trên mặt nước. Quy hoạch đến năm 2025, sẽ tiến hành di chuyển 07 CHXD, đồng thời quy hoạch thêm 11 CHXD quy mô cấp III, nâng tổng số lên 40 CHXD.
Đối với kho xăng dầu, quy hoạch trên địa bàn thành phố 02 điểm tại các xã Đông Mỹ và Phú Xuân.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác: Đến năm 2025, quy hoạch mới 01 Trung tâm thương mại và Hội chợ triển lãm quy mô 30.000 m2 tại xã Tân Bình; 01 trung tâm logistics quy mô 03 ha trở lên tại xã Phú Xuân. Tiếp tục khuyến khích phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm.
b) Huyện Vũ Thư
* Mạng lưới chợ: Hiện có 23 chợ, gồm 06 chợ hạng II và 17 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện Vũ Thư có 23 chợ; trong đó: chợ hạng II là 07 chợ, chợ hạng III là 16 chợ, cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Đưa ra khỏi quy hoạch: Chợ Bến, xã Tân Lập.
+ Xây dựng mới: Chợ Tân Lập xã Tân Lập, quy mô là chợ Hạng II.
+ Di chuyển xây mới: 05 chợ hạng III gồm chợ Chi Phong xã Hồng Phong, chợ Giai xã Minh Lãng, chợ Hàng xã Trung An, chợ Cọi xã Vũ Hội và chợ Thái xã Nguyên Xá.
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại (17 chợ) đều được cải tạo nâng cấp để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân.
- Định hướng đến năm 2035, các chợ cần cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Đến năm 2025, quy hoạch mới 03 siêu thị hạng III tại khu vực thị trấn, khu vực đông dân cư. Định hướng đến năm 2035, phát triển thêm 04-05 siêu thị tại khu vực thị trấn, khu đô thị mới, khu vực đông dân cư.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025, xem xét quy hoạch mới 01 trung tâm thương mại hạng II hoặc hạng III tại khu vực thị trấn Vũ Thư.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 21 CHXD trên cạn đang hoạt động và 01 kho xăng dầu; quy hoạch đến năm 2025, sẽ nâng cấp cải tạo đối với 02 CHXD, di chuyển 03 CHXD và phát triển mới 13 CHXD đạt quy mô cấp III tại khu vực các xã; đồng thời, xem xét quy hoạch thêm 01 kho xăng dầu tại địa bàn xã Minh Khai.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác: Đến năm 2025, quy hoạch mới 01 trung tâm thương mại. Tiếp tục khuyến khích phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm.
c) Huyện Đông Hưng
* Mạng lưới chợ: Hiện có 40 chợ, gồm 05 chợ hạng II và 35 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn có 39 chợ, trong đó: Chợ hạng II là 06 chợ, chợ hạng III là 33 chợ. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Đưa ra khỏi quy hoạch: Chợ Bái xã Đông Hợp.
+ Xây dựng mới: 03 chợ hạng III trên nền chợ cũ là chợ Xép xã Liên Giang, chợ Khuốc xã Phong Châu, chợ Chùa Cần xã Đông Dương.
+ Di chuyển xây mới: 05 chợ, gồm 04 chợ hạng III: Chợ Đống Năm xã Đông Động, chợ Hôm Đình xã Đông Giang, chợ Cau xã Minh Châu, chợ Cống Vực xã Đồng Phú và 01 chợ hạng II là chợ Nguyễn thị trấn Đông Hưng.
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại (31 chợ) đều được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân.
- Định hướng đến năm 2035: Các chợ được cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Đến năm 2025, phát triển mới 03 - 05 siêu thị quy mô hạng II – III tại xã Đông Các, các khu vực thị trấn, thị tứ và các khu vực đông dân cư, người lao động làm việc.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025, phát triển mới 01 trung tâm thương mại quy mô hạng III trên địa bàn thị trấn Đông Hưng. Định hướng đến năm 2035, xem xét quy hoạch thêm các trung tâm thương mại khu vực Đông Phong, Thăng Long.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 30 CHXD, gồm 28 CHXD trên cạn và 02 CHXD trên mặt nước. Đến năm 2025, sẽ nâng cấp cải tạo 01 CHXD, di chuyển 04 CHXD và phát triển mới 12 CHXD quy mô cấp III. Ngoài ra, đầu tư xây dựng 02 kho xăng dầu tại khu vực xã Đông La và Phú Châu.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác: Đến năm 2025, tập trung phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng bán sản vật địa phương; đồng thời, tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi.
d) Huyện Kiến Xương
* Mạng lưới chợ: Hiện có 28 chợ, gồm 06 chợ hạng II và 22 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện có 28 chợ; trong đó: chợ hạng I là 01 chợ, chợ hạng II là 06 chợ, chợ hạng III là 21 chợ; cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Xây dựng mới: Chợ Quyết Tiến xã Quyết Tiến, quy mô hạng III.
+ Di chuyển xây mới: 05 chợ, gồm 03 chợ hạng III (chợ Dương Liễu xã Minh Tân, chợ Dương Liễu xã Bình Định và chợ Thuyền Định xã Trà Giang); 01 chợ hạng II (chợ Bặt xã Quang Bình) và 01 chợ hạng I (chợ Gốc xã Bình Thanh).
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại (22 chợ) đều được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân.
- Định hướng đến năm 2035: Các chợ được cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Đến năm 2025, quy hoạch mới 07 siêu thị tổng hợp trên địa bàn huyện; sau năm 2025, xem xét quy hoạch thêm 01 siêu thị tại các xã có nhu cầu.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025, phát triển mới 02 trung tâm thương mại quy mô hạng II, trong đó 01 trung tâm thương mại tại thị trấn Thanh Nê và 01 trung tâm thương mại tại xã Vũ Quý.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 28 CHXD trên cạn, đạt quy mô cấp III đang hoạt động. Quy hoạch đến năm 2025, nâng cấp mở rộng đối với 05 CHXD, di chuyển 01 CHXD và xem xét phát triển thêm 08 CHXD.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác: Đến năm 2025, khuyến khích phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng bán sản vật địa phương; đồng thời, tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi.
e) Huyện Tiền Hải
* Mạng lưới chợ: Hiện có 28 chợ, gồm 01 chợ hạng II và 27 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện có 28 chợ, gồm: 01 chợ hạng II (chợ huyện An Ninh), 27 chợ hạng III; cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Xây dựng mới. 02 chợ hạng III trên nền đất cũ là chợ Đông Hải xã Đông Hải, chợ Đông Long xã Đông Long.
+ Di chuyển và xây mới: Chợ Phong Lạc xã Đông Trung.
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại (25 chợ) được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân và đáp ứng tiêu chí chợ nông thôn mới.
- Định hướng đến năm 2035: Các chợ được cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Đến năm 2025, quy hoạch 04 siêu thị hạng II và hạng III thuộc địa bàn thị trấn Tiền Hải, xã An Ninh, xã Nam Trung, xã Đông Xuyên.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025 phát triển mới 01 trung tâm thương mại tại khu vực xã An Ninh. Định hướng đến năm 2035, xem xét quy hoạch thêm 02 trung tâm thương mại tại xã Tây Lương và Đông Minh.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 32 CHXD đang hoạt động, bao gồm 30 CHXD trên cạn và 02 CHXD trên mặt nước. Đến năm 2025, tiến hành nâng cấp cải tạo đối với 03 CHXD, di chuyển 04 CHXD và phát triển thêm 06 CHXD.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác: Đến năm 2025, quy hoạch 01 trung tâm logistics quy mô khoảng 10ha tại Khu công nghiệp Tiền Hải. Đồng thời phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng bán sản vật địa phương; đồng thời, tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi.
g) Huyện Thái Thụy
* Mạng lưới chợ: Hiện có 35 chợ, gồm 07 chợ hạng II và 28 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn có 37 chợ, gồm: Chợ hạng I là 01, chợ hạng II là 08, chợ hạng III là 28. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Xây dựng mới: 03 chợ, gồm 01 chợ hạng I là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Diêm Điền, 01 chợ hạng II là chợ Hải sản Thái Thượng và 01 chợ hạng III là chợ xã Thái Hưng.
+ Di chuyển xây mới: 02 chợ là chợ Đồng Hòa xã Thụy Phong và chợ xã Thái Hồng.
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại (32 chợ) được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân và đáp ứng tiêu chí chợ nông thôn mới.
- Định hướng đến năm 2035: Các chợ được cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Đến năm 2025, quy hoạch thêm 06 siêu thị hạng III trên địa bàn các xã Thụy Phong, Thái Xuyên, Thái Hưng, Thái Thượng, Thụy Văn, Thái Thịnh và thị trấn Diêm Điền; sau năm 2025, xem xét quy hoạch thêm từ 03 - 05 siêu thị tại các khu công nghiệp (Thụy Trường, Xuân Hải và Thái Thượng) và xã Thái Thịnh.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025, quy hoạch mới 01 trung tâm thương mại trên địa bàn xã Thụy Sơn. Định hướng đến năm 2035, xem xét quy hoạch thêm 02 trung tâm thương mại tại xã Thái Xuyên và khu công nghiệp Xuân Hải.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 36 CHXD đang hoạt động và 01 kho xăng dầu; trong đó gồm 30 CHXD trên cạn và 06 CHXD trên mặt nước. Quy hoạch đến năm 2025, nâng cấp cải tạo đối với 08 CHXD, di chuyển 04 CHXD và phát triển mới 22 CHXD quy mô cấp III, nâng tổng số CHXD của huyện lên 58 CHXD. Xem xét quy hoạch thêm 02 kho xăng dầu thuộc địa bàn xã Thái Thọ và Thái Hà.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác
- Kho hàng hóa: Quy hoạch 03 kho hàng hóa tại các xã Thái Thọ, Thái Thượng (giai đoạn 2021 - 2025) và Thụy Văn (sau năm 2025) phục vụ hoạt động phân phối, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn.
- Trung tâm logistics: Đến năm 2025, xem xét quy hoạch 02 trung tâm logistics tại xã Thụy Trường và Thái Thượng phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
- Tiếp tục phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng bán sản vật địa phương; đồng thời, tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi.
h) Huyện Hưng Hà
* Mạng lưới chợ: Hiện có 23 chợ, gồm 01 chợ hạng I, 04 chợ hạng II và 18 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn có 23 chợ, trong đó: chợ hạng I là 01, chợ hạng II là 04, chợ hạng III là 18. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Di chuyển xây mới: 05 chợ, gồm 01 chợ hạng I là chợ huyện Hưng Hà; 02 chợ hạng II gồm chợ thị trấn Hưng Nhân và chợ Nhội xã Hồng Minh và 02 chợ hạng III là chợ Diền xã Minh Hòa và chợ Giác xã Kim Trung.
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại (18 chợ) đều được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân.
- Định hướng đến năm 2035: Các chợ được cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Đến năm 2025, xem xét quy hoạch trên địa bàn huyện Hưng Hà 03 siêu thị hạng III tại khu vực thị trấn, khu vực đông dân cư. Định hướng đến năm 2035, phát triển thêm 04-05 siêu thị tại khu vực thị trấn, khu đô thị mới và khu vực đông dân cư.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025, phát triển mới 03 trung tâm thương mại tại thị trấn Hưng Hà và thị trấn Hưng Nhân (trong đó xây dựng 01 trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống (chợ thị trấn Hưng Hà)). Định hướng đến năm 2035, xem xét phát triển thêm 02 trung tâm thương mại tại địa bàn xã Hồng Minh và xã Hùng Dũng.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 31 CHXD cấp III đang hoạt động, gồm 27 CHXD trên cạn và 04 CHXD trên mặt nước. Đến năm 2025, nâng cấp cải tạo đối với 03 CHXD, di chuyển 02 CHXD và phát triển mới 14 CHXD cấp III. Đồng thời, quy hoạch 01 kho xăng dầu trên địa bàn thị trấn Hưng Nhân.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác: Đến năm 2025 phát triển hệ thống cửa hàng gắn với quy hoạch trạm dừng nghỉ phục vụ hành khách và phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nút giao thông Đồng Tu.
Định hướng đến năm 2035, xem xét quy hoạch 02 hệ thống kho hàng tại thị trấn Hưng Hà và xã Phúc Khánh. Khuyến khích phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán sản vật địa phương.
i) Huyện Quỳnh Phụ
* Mạng lưới chợ: Trên địa bàn huyện hiện có 26 chợ, gồm 02 chợ hạng I, 06 chợ hạng II và 18 chợ hạng III. Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch, trên địa bàn có 27 chợ; trong đó: Chợ hạng I là 03 chợ, chợ hạng II là 06 chợ, còn lại là 18 chợ hạng III. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2025:
+ Xây mới: 01 chợ hạng I là chợ đầu mối nông sản Quỳnh Hải.
+ Di chuyển xây mới: 02 chợ hạng III là chợ Hiệp xã Quỳnh Giao và chợ Và xã Quỳnh Hội.
+ Cải tạo nâng cấp: Các chợ còn lại (24 chợ) đều được cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân.
- Định hướng đến năm 2035: Các chợ được cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mua sắm của nhân dân.
* Các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại
- Siêu thị: Đến năm 2025, quy hoạch mới 02 siêu thị hạng III tại khu vực thị trấn Quỳnh Côi và thị trấn An Bài.
- Trung tâm thương mại: Đến năm 2025, quy hoạch mới 02 trung tâm thương mại hạng III tại khu vực 02 thị trấn trung tâm của huyện. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các loại hình thương mại hiện đại.
* Mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD): Hiện có 28 CHXD đang hoạt động, gồm 27 CHXD trên cạn và 01 CHXD trên mặt nước. Quy hoạch đến năm 2025, nâng cấp 02 CHXD, di chuyển 07 CHXD và phát triển mới 12 CHXD, nâng tổng số CHXD của lên 40 CHXD.
* Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác: Đến năm 2025, quy hoạch 01 kho hàng hóa tại thị trấn An Bài với quy mô sử dụng đất khoảng 30.000 m2. Khuyến khích phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán sản vật địa phương.
3. Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất và vốn đầu tư
a) Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất và vốn đầu tư
Tổng hợp nhu cầu về quỹ đất và vốn đầu tư (phát sinh thêm) đối với việc đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là khoảng: 776.500 m2 và 5.585 tỷ đồng. Trong tổng nhu cầu vốn dành cho phát triển thương mại của tỉnh, chủ trương chính là huy động từ nguồn xã hội hóa và giảm dần đầu tư từ ngân sách, theo đó đến năm 2020, nguồn vốn từ ngân sách chiếm khoảng 4% và năm 2025 là khoảng 3 - 4% tổng nhu cầu vốn cho phát triển thương mại.
b) Định hướng công trình, dự án đầu tư trọng điểm
- Các dự án có tác động lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các hoạt động thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh, cũng như khả năng gia tăng liên kết phát triển thương mại theo vùng.
- Những yếu tố, điều kiện cần thiết cho dự án đầu tư đã có, hoặc đang hình thành trong một vài năm tới.
- Các dự án thuộc loại hình kết cấu hạ tầng thương mại đang có xu hướng phát triển nhanh, phù hợp với quá trình phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
- Những công trình thương mại, dự án ưu tiên đầu tư là những công trình có ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án này được xác định chủ yếu là xã hội hóa, huy động từ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Nhóm giải pháp chung
- Giải pháp phát triển nguồn lực ngành thương mại.
- Giải pháp về tổ chức quản lý.
- Giải pháp về hợp tác liên vùng, quốc gia và quốc tế.
- Giải pháp phát triển thị trường nông thôn.
- Giải pháp phát triển khoa học, công nghệ.
2. Một số giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại
- Xây dựng danh mục kết cấu hạ tầng thương mại trong tỉnh được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư.
- Giải pháp thu hút vốn đầu tư.
- Giải pháp về đất đai.
- Giải pháp về tài chính, tín dụng.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Công khai quy hoạch.
2. Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch.
3. Phối hợp thực hiện.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI,Kỳ họp bất thường thông qua ngày 27 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 01 năm 2018./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 188/QĐ-UBND năm 2013 phê quyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020
- 2Quyết định 2796/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 177/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4Nghị quyết 25/NQ-HĐND năm 2017 về điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 5Nghị quyết 114/NQ-HĐND năm 2018 điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 6Quyết định 3882/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Quyết định 188/QĐ-UBND năm 2013 phê quyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 7Quyết định 2796/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 8Quyết định 177/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 9Nghị quyết 25/NQ-HĐND năm 2017 về điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 10Nghị quyết 114/NQ-HĐND năm 2018 điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 11Quyết định 3882/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Nghị quyết 27/2017/NQ-HĐND về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
- Số hiệu: 27/2017/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 27/12/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Đặng Trọng Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra