Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH
ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2015/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 10 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi nghe Báo cáo của Ủy ban nhân dân Tỉnh, Báo cáo của các cơ quan hữu quan và Báo cáo thẩm tra số 287/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2015 của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, cải cách hành chính năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh,

QUYT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, với một số nội dung cơ bản sau đây:

1. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2015

Trong điều kiện thị trường tiêu thụ và giá cả hai mặt hàng lúa và cá tra không thuận lợi, nhưng kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn duy trì phát triển và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Hội đồng nhân dân Tỉnh (có 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt so kế hoạch). Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,02% (chỉ tiêu Nghị quyết là 8,0%).

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực, đi dần vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các mô hình liên kết và quy mô cánh đồng liên kết được nhân rộng; nông dân tiếp tục chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả cao hơn. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến hơn. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đạt được kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định và hướng đến phát triển sản phẩm mới. Hoạt động thương mại - dịch vụ vẫn duy trì, nhiều sản phẩm của Tỉnh được đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống phân phối lớn. Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã được thực hiện, ngày càng thu hút nhiều du khách đến Đồng Tháp tham quan du lịch.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. An sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin được cải thiện rõ nét. Đạt kết quả trên đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, đồng thuận cao của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, cùng với những tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả của Trung ương... đã tạo thêm thuận lợi cho địa phương vượt qua khó khăn, thực hiện đạt mục tiêu của Nghị quyết Hội đồng nhân dân Tỉnh đề ra.

Bên cạnh đó vẫn còn một số mặt khó khăn, hạn chế như: giá bán các loại nông sản thiếu ổn định, trong khi giá vật tư đầu vào tăng; công tác hỗ trợ phát triển thị trường liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ; một số chính sách phát triển nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; sản xuất công nghiệp tăng trưởng không cao; huy động vốn đầu tư của xã hội cho phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến Tỉnh.

2. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2016

2.1. Các chỉ tiêu chủ yếu

Chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP giá 2010) tăng 8,5%, khu vực nông nghiệp tăng 6,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8% so với ước thực hiện năm 2015.

- GRDP/người đạt 35,6 triệu đồng (tương đương 1.652 USD) theo giá thực tế.

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.836 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 15.160 tỷ đồng, chiếm 25,2% GRDP.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,8%.

Chỉ tiêu văn hóa - xã hội

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội 52%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,2% (đào tạo nghề đạt 42%).

- Giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới).

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 14%.

- Có 22,7 giường bệnh/1 vạn dân.

- Bình quân có 6,7 bác sĩ/1 vạn dân.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 72,4%.

- Số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới là 30 xã.

Chỉ tiêu môi trường

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,5%.

- Tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch 95,8%.

- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý 76%.

2.2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

a. Về kinh tế

Xây dựng quy trình thực hiện phát triển từng ngành hàng theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt chuỗi giá trị lúa gạo, cá tra, xúc tiến hình thành chuỗi giá trị hoa kiểng, xoài, vịt. Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ một số sản phẩm trái cây, rau màu, với sự tham gia của người sản xuất, hợp tác xã với các thương lái, nhà vựa và doanh nghiệp xuất khẩu. Nghiên cứu hình thành các trung tâm nông sản theo hướng xã hội hóa có sự tham gia của các doanh nghiệp, nông dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả dự án VnSAT; phối hợp xây dựng hoàn chỉnh Dự án hợp tác công tư PPP với Tập đoàn KRC Hàn Quốc... Kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản tại các vùng chuyên canh xoài, rau màu, lúa, cá tra, nhãn, quýt. Huy động tốt nguồn lực xã hội tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhất là ứng phó với tình hình hạn hán kéo dài.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu công nghiệp, ưu tiên phát triển những ngành áp dụng công nghệ cao, sử dụng nguyên liệu là sản phẩm thế mạnh của Tỉnh (lúa gạo, thủy sản), giải quyết lao động, để tăng tính liên kết trong sản xuất và chế biến, phát triển bền vững và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Nghiên cứu hỗ trợ thành lập trung tâm cơ khí. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư, khai thác, duy tu sửa chữa hạ tầng các khu công nghiệp. Tiến hành giải phóng mặt bằng một khu và một cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch phục vụ công tác thu hút đầu tư. Rà soát loại bỏ một số quy hoạch ngành, sản phẩm không cần thiết. Ấn hành sổ tay kêu gọi đầu tư, tích cực xúc tiến thương mại, thông tin về cơ hội hợp tác đầu tư phát triển. Kịp thời nắm bắt những ý tưởng, sáng tạo mới, có tính thực tiễn và khả thi, hỗ trợ, vun đắp trở thành những sản phẩm hàng hóa. Xây dựng mức lãi suất cho vay phù hợp từ Quỹ đầu tư phát triển của Tỉnh, tạo điều kiện khuyến khích xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, du lịch....

Duy trì phát triển các ngành như thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông, vận tải, cảng, kho bãi,... Tích cực liên kết đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối lớn. Mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường thực hiện hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu. Chú trọng khai thác có hiệu quả kinh tế biên mậu.

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch của Tỉnh giai đoạn 2015-2020. Hình thành các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm, homestay, làng nghề... Hỗ trợ phát triển du lịch trải nghiệm tại xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đầu tư, nâng cấp cơ sở kinh doanh. Hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực quản trị, kỹ năng lễ tân phục vụ... tạo thêm nhiều yếu tố ấn tượng tốt thu hút du khách đến Đồng Tháp nhiều hơn và lưu lại Đồng Tháp lâu hơn. Tổ chức lại đầu mối quản lý các điểm du lịch trong Tỉnh theo hướng tách chức năng quản lý di tích, tài nguyên rừng ra khỏi chức năng quản lý và phát triển dịch vụ du lịch. Triển khai thực hiện tốt Đề án giới thiệu hình ảnh địa phương; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch tại các khu du lịch Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt, làng hoa Sa Đéc và các điểm lân cận.

Huy động tốt nguồn lực toàn xã hội tham gia đầu tư. Đánh giá và cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công, bố trí, sử dụng hiệu quả, tập trung vốn cho đầu tư phát triển, nhất là các công trình giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp, kết nối các tuyến, điểm du lịch và phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư sớm hoàn thành các công trình cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối 2 cầu; đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng Quốc lộ 30 (đoạn An Hữu - Cao Lãnh); các tỉnh lộ như: ĐT844, ĐT846, ĐT848, ĐT853, ĐT854, ĐT856, cầu Sa Đéc 2 (giai đoạn 1).

Từng bước đầu tư hạ tầng, định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với khả năng đầu tư và yêu cầu phát triển. Hoàn thành công tác quy hoạch phát triển thành phố Cao Lãnh trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, đào tạo của Tỉnh, thành phố Sa Đéc trở thành trung tâm phát triển ngành hoa kiểng và du lịch. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển đô thị loại IV thị xã Hồng Ngự trở thành động lực phát triển kinh tế biên giới; thị trấn Tràm Chim đạt đô thị loại IV, gắn kết với du lịch Tràm Chim. Đầu tư xây dựng trung tâm xã Thường Thới Tiền theo các tiêu chí đô thị loại V, hình thành thị trấn huyện lỵ huyện Hồng Ngự và các đô thị khác có điều kiện phát triển.

b. Về văn hóa - xã hội

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ khó khăn, nhất là đối tượng chính sách. Triển khai thực hiện Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện chương trình tạo việc làm và giảm nghèo, chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, không để xảy ra trên diện rộng. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự, Bệnh viện đa khoa Châu Thành, Bệnh viện huyện Hồng Ngự. Chấn chỉnh cung cách phục vụ của cán bộ ngành y. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về hành nghề y tế tư nhân tại các phòng khám tư nhân. Thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu pháp lệnh về dân số - kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức tăng dân số ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn lực lao động có chất lượng của thời kỳ cơ cấu dân số Vàng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học ở các cấp học, tạo điều kiện và cơ hội để học sinh phát triển kỹ năng phân tích và năng lực tư duy. Tăng tỷ lệ huy động học sinh đến trường. Tổ chức các kỳ thi nghiêm túc và đạt chất lượng. Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, trong đó tập trung phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp nghề. Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới đào tạo nghề, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng đội ngũ giảng viên và trang thiết bị dạy học. Hợp tác với một số trường ở nước ngoài để đào tạo một số chuyên ngành tiếp cận chuẩn quốc tế. Tạo điều kiện để đưa chương trình đào tạo tiếng Nhật về Đồng Tháp, tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu sang Nhật làm việc.

Phát huy tối đa khả năng nghiên cứu và liên kết để ứng dụng tiến bộ khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào trong sản xuất và phục vụ đời sống. Xây dựng cơ chế phối hợp nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng gia đình văn hóa. Bảo tồn, xây dựng và phát huy thiết chế văn hóa gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng thông qua việc kêu gọi xã hội hóa thường xuyên tổ chức các giải thi đấu phong trào; tạo điều kiện phát triển các câu lạc bộ thể dục, thể thao; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học đường.

Tập trung thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện tốt chuyên mục “chính quyền với báo chí, báo chí với chính quyền”; duy trì các hoạt động gặp gỡ với báo chí để cung cấp, chia sẻ thông tin để tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách, những chương trình, đề án của Tỉnh đề ra. Thông qua báo chí, các cấp chính quyền sẽ nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những hạn chế.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức về bảo vệ môi trường. Kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành quy định của pháp luật về môi trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ xử lý môi trường Cửu Long xây dựng nhà máy xử lý rác tại bãi rác Đập Đá.

c. Về quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí

Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó kịp thời, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Triển khai đồng bộ các giải pháp tấn công trấn áp các loại tội phạm. Triển khai thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, kéo giảm vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên và kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã các tổ, đội Dân phòng. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quốc phòng, an ninh, nhất là ở địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới. Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới. Giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia và Lào. Thực hiện tốt công tác phân giới cắm mốc theo kế hoạch của Chính phủ.

Tiếp tục rà soát, công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Triển khai thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3. Tổ chức sát hạch công chức cấp xã. Rà soát chức năng, nhiệm vụ một số sở, ngành Tỉnh để phân công lại cho phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng chồng chéo. Thí điểm sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Trung tâm Khuyến nông. Chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập sang loại hình doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả một cửa điện tử, liên thông văn bản qua phần mềm Eoffice. Thực hiện tốt các giải pháp cải thiện điểm số các chỉ tiêu thành phần của các chỉ số: PCI, PAPI, PAR, ICT. Giảm hội họp, tăng cường đi cơ sở. Tiếp tục thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực theo Quyết định số 1269/QĐ-UBND-HC ngày 09/11/2015 của UBND Tỉnh phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2016.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh nghiên cứu tiếp thu những kiến nghị của các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến đóng góp của Đại biểu, bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo; chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhằm đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua tại kỳ họp này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa VlII kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCP (I, II), Ban CTĐB;
- Cục kiểm tra văn bản (BTP);
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- TT/TU, UBND, UBMTTQ VN Tỉnh;
- Đoàn ĐBQH, đại biểu HĐND Tỉnh;
- UBKT Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, Đảng, đoàn thể Tỉnh;
- TT/HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Đoàn Quốc Cường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 26/2015/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 26/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Đoàn Quốc Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản