Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2007/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 07 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

 VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2010, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 123/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển;

Căn cứ Quyết định số 30/2007/QĐ-BCN ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về Phê duyệt Quy hoạch phát triển Công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BCN ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc Quy định tạm thời về quy hoạch phát triển công nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2006/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3026/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân Tỉnh “Về thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, có xét đến năm 2020”; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua nội dung đề án “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, có xét đến năm 2020” với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh

- Phát triển công nghiệp để tạo động lực phát triển các ngành nông nghiệp, dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn mà Tây Ninh đang có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng để sản xuất hàng hóa chất lượng cao;

- Thu hút và phát huy mọi nguồn lực thông qua việc vận dụng chính sách kinh tế nhiều thành phần với phương châm phát huy nội lực là chính, đồng thời chú trọng ngoại lực để phát triển;

- Xã hội hóa công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao cho quá trình phát triển công nghiệp; tạo thêm việc làm và từng bước giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống dân cư giữa thành thị và nông thôn;

- Phát triển công nghiệp phải thống nhất và đồng bộ trong tổng thể phát triển công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Đón trước xu thế chuyển dịch và chủ động hội nhập vào phân công sản xuất khu vực;

- Phát triển công nghiệp bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, di tích lịch sử văn hóa, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc phòng.

2. Phương hướng phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực cho phát triển công nghiệp theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, thuận tiện và có hiệu quả;

- Đa dạng hóa về qui mô và loại hình sản xuất trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo đi đôi với phát triển các cơ sở qui mô vừa và nhỏ làm vệ tinh cho công nghiệp chủ đạo;

- Giai đoạn 2006-2010, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, khai thác tài nguyên khoáng sản, các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào vùng quy hoạch, đồng thời, tiến hành đổi mới công nghệ và xử lý chất thải;

- Sau năm 2010 tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp bổ trợ bao gồm cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông, tin học, công nghiệp hóa chất, dược phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị cao.

3. Mục tiêu chung phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh

- Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2010 (giá cố định năm 1994) đạt 10.530 tỷ đồng; năm 2015 đạt 23.353 tỷ đồng; năm 2020 đạt 46.537 tỷ đồng;

- Tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 24,8%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 17,5%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 15%/năm;

- Cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá hiện hành) trong GDP toàn tỉnh đến năm 2010 là 35,7%; năm 2015 là 43,7% và năm 2020 là 49,5%;

- Nhu cầu về lao động công nghiệp năm 2010 khoảng 85.000 người; năm 2015 khoảng 123.000 người, trong đó lao động đã qua đào tạo trên 50%.

4. Quy hoạch các chuyên ngành công nghiệp chủ yếu trên địa bàn Tây Ninh giai đoạn đến năm 2010, có xét đến năm 2020

a) Công nghiệp khai thác khoáng sản: Tập trung cho khai thác đá vôi, đá xây dựng, mở rộng khai thác than bùn phục vụ sản xuất than vi sinh, hình thành và phát triển công nghiệp khai thác nước khoáng.

b) Công nghiệp chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm: Tập trung vào những lĩnh vực mà Tây Ninh có thế mạnh: Chế biến đường mía, chế biến tinh bột sắn, chế biến điều, chế biến dầu thực vật, chế biến súc sản, chế biến mủ cao su.

c) Công nghiệp chế biến gỗ, giấy: Tập trung vào lĩnh vực chế biến gỗ, chủ yếu là gỗ cao su và ván dăm làm từ bã mía.

d) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Tập trung vào lĩnh vực sản xuất xi măng, gạch ngói nung và vật liệu lợp.

đ) Công nghiệp hoá chất: Tập trung vào lĩnh vực sản xuất cao su kỹ thuật, phân bón và nhựa dân dụng.

e) Công nghiệp dệt may, da giày: Tập trung vào lĩnh vực may mặc, sơ chế da và gia công sản phẩm da.

g) Công nghiệp cơ khí và gia công kim loại: Tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông lâm sản; cơ khí ô tô; sửa chữa máy móc thiết bị, lắp ráp.

h) Công nghiệp chế biến khác: Tập trung cho xử lý rác theo quy mô công nghiệp, có tái chế một phần chất dẻo thu được và chế biến phần rác hữu cơ thành phân vi sinh.

i) Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, gas, nước: Tập trung vào lĩnh vực cung cấp điện năng, sản xuất và phân phối nước sạch tập trung;

Phát triển lưới điện trung thế, hạ thế và trạm hạ thế có đủ khả năng cung cấp cho hệ thống phụ tải. Cung cấp đủ điện cho các khu, cụm công nghiệp. Đảm bảo trên 98% số hộ dân dùng điện vào năm 2010.

k) Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề:

- Khôi phục làng nghề truyền thống gắn với các cụm tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch ở các thị trấn, thị tứ;

- Phát triển các ngành nghề có nhiều tiềm năng về nguyên liệu tại chỗ nhằm thu hút nhiều và nhanh lực lượng lao động dư thừa và lao động nông nhàn, nâng cao thu nhập trong dân;

- Xây dựng thêm một đến hai làng nghề truyền thống theo tiêu chí về làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Quy hoạch phân bố công nghiệp trên địa bàn

- Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng lấp đầy các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp đã hình thành;

- Giai đoạn đến năm 2010, triển khai và phát triển mới một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn:

+ Khu công nghiệp: Khu liên hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ Phước Đông-Bời Lời; Gia Bình; Hiệp Thạnh (Rạch Sơn); Hiệp Thạnh (Đá Hàng); An Hoà; chuyển cụm công nghiệp Chà Là lên thành khu công nghiệp;

+ Cụm công nghiệp: Tân Phú, Tân Hội, Long Chữ, Suối Cạn, Bàu Rông, Bàu Hai Năm.

- Sau năm 2015, đầu tư chiều sâu - mở rộng, hình thành các tổ hợp công –nông nghiệp – khoa học trên cơ sở liên kết kinh tế nhiều chiều, tạo bước phát triển đột biến về giá trị gia tăng trong sản xuất.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa VII, kỳ họp thứ 12 thông qua./.

 

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Thủy

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 25/2007/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, có xét đến năm 2020

  • Số hiệu: 25/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thị Thu Thủy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản