Hệ thống pháp luật

 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 232/2008/NQ-HĐND

Vinh, ngày 23 tháng 07 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG NAM NGHỆ – BẮC HÀ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg ngày 20/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 13/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung bộ thời kỳ 1996-2010;

Căn cứ Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nghệ An; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Xét Tờ trình số 3744/TTr-UBND ngày 17/6/2008 của UBND tỉnh Nghệ An về việc “Đề nghị thông qua nhiệm vụ quy hoạch vùng Nam Nghệ – Bắc Hà”;

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ – Bắc Hà, với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phạm vi và thời hạn nghiên cứu quy hoạch:

1.1. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch:

Phạm vi nghiên cứu vùng Nam Nghệ – Bắc Hà có ranh giới như sau:

- Phía Bắc giáp khu kinh tế Đông Nam – tỉnh Nghệ An.

- Phía Nam giáp giới hạn phía Nam thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Vũ Quang - tỉnh Hà Tĩnh.

- Phía Đông giáp biển Đông.

- Phía Tây giáp ranh giới lấy theo Quốc lộ 46 đến cửa khẩu Thanh Thủy và nước CHDCND Lào.

Bao gồm các xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thành, thị của tỉnh Nghệ An là: huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương; và 4 huyện, thị của tỉnh Hà Tĩnh là: huyện Nghi Xuân, huyện Đức Thọ, huyện Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh.

1.2. Thời gian nghiên cứu quy hoạch: Từ năm 2008-2015 với tầm nhìn 2025.

2. Quy mô quy hoạch

* Quy mô diện tích: 3.584,72 km2.

* Quy mô dân số: 1.415.050 người.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội vùng Bắc Trung Bộ, vùng tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thời kỳ 2008-2020, rút ra động lực chính phát triển hệ thống đô thị, công nghiệp, dịch vụ du lịch vùng Nam Nghệ – Bắc Hà; đề xuất những chương trình và dự án ưu tiên đầu tư xây dựng trong vùng.

- Đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ quốc phòng an ninh đến 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 10/NQ-TW, Nghị quyết số 37/NQ-TW và Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW, số 37/NQ-TW và số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị.

- Khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cơ hội đầu tư mới, chính sách mở cửa hội nhập quốc tế của Đảng và phát huy các nguồn lực sẵn có về cơ sở hạ tầng, tiềm năng về con người (lao động – dân trí), truyền thống văn hóa - lịch sử để xây dựng vùng Nam Nghệ – Bắc Hà trở thành vùng phát triển kinh tế năng động, nâng cao điều kiện sống cho nhân dân trong vùng, đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội.

- Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng một hệ thống đô thị trở thành các trung tâm kinh tế, văn hóa phát triển với chức năng là hạt nhân thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn; phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, dầu khí và công nghiệp sạch; đào tạo nguồn nhân lực và trọng điểm về khoa học công nghệ văn hóa - thể thao và y tế của vùng; trung tâm công nghiệp của vùng đối với sự phát triển công nghiệp chung của vùng Bắc Trung bộ; trung tâm thương mại, du lịch, tài chính và các dịch vụ khác; đồng thời là đầu mối giao thông, cửa vào, ra quan trọng của vùng Bắc Trung bộ, cả nước và quốc tế.

- Rà soát quy hoạch hệ thống đô thị trong vùng; xem xét cơ sở để hình thành phát triển các đô thị mới, đặc biệt đô thị vùng, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo nâng cao chất lượng sống cho nhân dân đô thị và nhân dân trong vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng và tạo sự phát triển cân bằng đô thị giữa các vùng.

- Xác định các đô thị động lực theo từng cấp trên toàn khu vực để có kế hoạch đầu tư thích hợp; làm cơ sở pháp lý để thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, tiềm lực và điều kiện của các vùng; nhằm đẩy mạnh và phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng tốt nhất những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, bảo vệ môi trường và cảnh quan, duy trì cân bằng sinh thái.

4. Đề xuất phân vùng phát triển.

Đề xuất 3 vùng kinh tế như sau:

Vùng 1. Vùng kinh tế đồng bằng ven biển:

- Là vùng có điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng thuận lợi, có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, đất đai thuận lợi phát triển đô thị các khu công nghiệp, khu kinh tế tổng hợp.

- Chức năng chủ yếu là vùng phát triển kinh tế với trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có tầm ảnh hưởng không chỉ cho vùng Nam Nghệ – Bắc Hà mà còn cả vùng Bắc Trung bộ.

Vùng 2. Vùng núi cao phía Tây:

- Bao gồm các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An và miền Tây tỉnh Hà Tĩnh có diện tích đồi núi chiếm khoảng 70-75% diện tích đất tự nhiên, có nhiều dãy núi với đỉnh cao trên 1500m, địa hình hiểm trở, đất đai chủ yếu là rừng, nhiều khóang sản.

- Chức năng chủ yếu của vùng là: vùng bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc phòng biên giới phía Tây Tổ quốc, vùng phát triển và khoanh nuôi rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày, dịch vụ thương mại cửa khẩu, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lịch sử văn hóa vùng.

 Vùng 3. Vùng phát triển không gian đô thị:

- Lấy đô thị Vinh làm hạt nhân, là cực đối trọng phát triển cho toàn vùng, phát triển không gian của thị trấn Xuân An và thị trấn Gia Lách gắn với không gian kiến trúc hiện đại của đô thị Vinh và cảnh quan hai bên bờ sông Lam, đưa dòng sông Lam vào trong lòng đô thị.

- Vùng Nam Nghệ – Bắc Hà có các dải đô thị theo các miền địa hình và trục giao thông chính bao gồm: các đô thị dịch vụ nghỉ mát gắn với các chức năng dịch vụ cảng, chế biến thủy sản; đô thị trung tâm hành chính: thị xã Cửa Lò, Xuân An. Xuân Thành; các đô thị dọc các trục đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 8, Quốc lộ 46, đường Hồ Chí Minh gồm các đô thị động lực cấp vùng, tiểu vùng, trung tâm hành chính, công nghiệp, dịch vụ tổng hợp như: Vinh, thị trấn Nam Đàn, Chợ Cồn, Rộ, Thanh Thủy, Gia Lách, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Phố Châu; các đô thị dọc 2 bên bờ sông Lam và sông La: Hưng Châu, Hưng Xá, Xuân Lâm, Nam Trung, Đức Yên… các đô thị giáp biên giới gồm các đô thị dịch vụ thương mại cửa khẩu, dịch vụ du lịch, dịch vụ nông – lâm – công nghiệp gắn với các cửa khẩu và bảo vệ quốc phòng an ninh: Thanh Thủy, Cầu Treo, Nước Sốt, Tây Sơn.

5. Nội dung nghiên cứu:

5.1. Điều kiện tự nhiên:

Địa hình, khí hậu, Thủy văn, Địa chất công trình, Tài nguyên.

Nhận xét chung những yếu tố thuận lợi, và những yếu tố tự nhiên bất lợi.

5.2. Hiện trạng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

- Hạ tầng xã hội như các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội chủ yếu, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, mức độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, các cơ sở kinh tế chủ yếu, những chương trình, dự án đầu tư, dân số, lao động, dân tộc, truyền thống văn hóa.

- Tình hình phát triển đô thị, các điểm dân cư nông thôn: Dân số đô thị, nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa; loại và cấp quản lý đô thị, hình thái phân bố, mô hình phát triển; vai trò và vị trí. Hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng xây dựng toàn vùng: Đất nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, đất đô thị, nông thôn, đất chưa sử dụng và các loại đất khác; hiện trạng xây dựng các cơ sở kinh tế – xã hội cấp vùng.

- Hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Hiện trạng giao thông như hệ thống các đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không.

- Hiện trạng cấp nước: Bao gồm hệ thống cấp nước, nguồn nước ngầm và nước mặt, các công trình đầu mối…

- Hiện trạng cấp điện: Bao gồm hệ thống cấp điện, nguồn cung cấp và các dạng năng lượng khác.

- Hiện trạng thóat nước thải và vệ sinh môi trường: Bao gồm hệ thống thóat nước bẩn, các công trình đầu mối, bãi rác thải và công nghệ xử lý rác thải, nghĩa trang…

5.3. Rà soát, xác định, dự báo tiềm lực và sự gắn kết hỗ trợ phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư:

- Dự báo và định hướng cho sự phát triển các hành lang kinh tế, đô thị trong nội vùng theo định hướng kết hợp công nghiệp, dịch vụ, du lịch cho toàn vùng và khu vực Bắc Trung Bộ.

- Nội dung dự báo phát triển vùng bao gồm:

+ Dự báo khả năng phát triển các mối quan hệ nội, ngoại vùng.

+ Dự báo tăng trưởng kinh tế – xã hội, dân số, lao động, đất đai và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ dân cư:

+ Dự báo khả năng và tốc độ đô thị hóa.

+ Dự báo các xu hướng thay đổi môi trường tự nhiên do tác động của phát triển kinh tế – xã hội.

5.4. Các mục tiêu và quan điểm phát triển cụm và tuyến: phù hợp với sự phát triển công – nông nghiệp và thương mại – dịch vụ của kinh tế đồng bằng ven biển, tận dụng thế mạnh liên vùng – liên cảng biển.

a) Các mục tiêu chiến lược phát triển vùng:

Quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn đảm bảo tạo ra động lực để phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng.

b) Các quan điểm phát triển vùng:

+ Quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhất là quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng.

+ Khai thác tối đa nguồn lực sẵn có về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng xã hội, kinh tế, kỹ thuật, các tiềm năng về con người (lao động), về văn hóa và lịch sử.

+ Hướng tới phát triển bền vững.

5.5. Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị:

- Phân bố các tiểu vùng, các trung tâm kinh tế, hành chính. Phân bố và khoanh vùng các khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, các khu vực bảo vệ thiên nhiên, nguồn nước, rừng cấm…

- Phân bố hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, các trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch.

- Tổ chức và hoàn thiện các trục kinh tế, các cực phát triển của vùng có vai trò thúc đẩy sự phát triển chung của vùng.

5.6. Định hướng phát triển không gian hệ thống các đô thị và khu dân cư nông thôn.

- Xác định hệ thống các đô thị, các khu dân cư, các khu công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, các khu vực bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, các khu vực cấm xây dựng và các khu dự trữ phát triển.

- Xác định vị trí, quy mô và tính chất các công trình hạ tầng xã hội như trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục thể thao cấp vùng.

- Các trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng.

5.7. Xây dựng định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng:

Các điểm dân cư và các công trình hạ tầng đầu mối của các đô thị, khu dân cư nông thôn trên toàn vùng, dọc trục Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 46 và Quốc lộ 8.

5.8. Báo cáo đánh giá tác động môi trường:

a) Chuẩn bị kỹ thuật:

Phân tích, đánh giá về địa hình, các tai biến địa chất, xói lỡ… cảnh báo các vùng cấm hoặc hạn chế xây dựng. Xác định lưu vực, hướng thóat nước chính. Các công trình thủy lợi để chống lũ và tích nước cung cấp cho dân sinh và cho phát triển kinh tế trong vùng. Xác định cao trình xây dựng và các chỉ tiêu thóat nước cho các đô thị chính trong vùng.

b) Giao thông:

Căn cứ chiến lược giao thông quốc gia liên quan trực tiếp đến vùng, phân tích mô hình phát triển và xác định các hành lang giao thông quan trọng; tổ chức mạng lưới và xác định quy mô các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, nhất là các tuyến đường biển. Xác định tính chất, quy mô các công trình giao thông; đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông và hành lang bảo vệ công trình giao thông quan trọng, mạng giao thông đô thị và giao thông nông thôn.

c) Cấp điện:

Xác định vị trí, công suất các nguồn cung cấp; lưới điện đấu nối với hệ thống điện quốc gia; các lưới điện hạ thế và các trạm điện hiện có và dự kiến xây dựng. Xác định chỉ tiêu cấp điện, nhu cầu dùng điện, đề xuất sơ đồ mạng lưới cấp điện. Đề xuất sử dụng nguồn năng lượng sạch.

d) Cấp nước:

Xác định nguồn nước mặt, nước ngầm; các chỉ tiêu dùng nước và tiêu chuẩn áp dụng. Dự báo nhu cầu dùng nước. Xác định khả năng các nguồn cung cấp nước trong vùng. Xác định công trình đầu mối cấp nước và hệ thống cấp nước có ý nghĩa quan trọng.

e) Thóat nước thải và vệ sinh môi trường:

Xác định chỉ tiêu nước thải, chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp), đất nghĩa trang theo loại đô thị. Xác định các giải pháp lớn về: Lựa chọn hệ thống thóat nước thải đô thị, các khu chức năng lớn, tổ chức thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang, chọn địa điểm các trạm xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang…

g) Đánh giá tác động môi trường.

Nhận dạng và dự báo các tác động đến môi trường do các hoạt động kinh tế xã hội và do sự phát triển đô thị công nghiệp gây ra. Khoanh định các vùng bảo vệ thiên nhiên, các vùng cảnh quan, khu vực bảo tồn, khu vực cấm, khu vực hạn chế phát triển; các khu vực bảo vệ nguồn nước sạch, xử lý nước thải, bãi thải, nghĩa trang và vùng ảnh hưởng khói bụi, khí độc, tiếng ồn… Nêu các giải pháp, cơ chế quản lý nhằm khống chế, giảm thiểu và xử lý các tác động có hại đến môi trường.

6. Kiến nghị các chính sách và biện pháp thực hiện

Quy hoạch xây dựng vùng, củng cố các tuyến giao thông nội vùng kết nối với hệ thống cảng biển và các hệ thống đường trục giao thông quốc gia.

6.1. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.

- Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

- Các dự án đầu tư các khu đô thị mới và các điểm dân cư nông thôn.

- Các dự án phát triển hệ thống hạ tầng lớn như đường cao tốc, sân bay, cảng biển, cảng sông.

6.2. Dự kiến phân đợt xây dựng

Phân chia đợt xây dựng gồm các giai đoạn sau:

- Giai đoạn từ nay đến năm 2010.

- Giai đoạn từ năm 2010-2015.

- Giai đoạn từ năm 2015-2020.

6.3. Chính sách và cơ chế thực hiện.

- Kiến nghị các cơ chế và chính sách quản lý phát triển vùng.

- Các yêu cầu về quản lý quy hoạch.

Điều 2. Giao cho UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết này để hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ – Bắc Hà.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 23 tháng 7 năm 2008./.

 

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Trung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 232/2008/NQ-HĐND về nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ – Bắc Hà do Tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 232/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 23/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Thế Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/08/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 10/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản