BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 23-NQ/TW | Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2022 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
I- TÌNH HÌNH
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 12-KL/T W của Bộ Chính trị khoá XI về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, những năm qua các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng, đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng. Tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố và tăng cường, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản xây dựng được tổ chức đảng ở các buôn, làng. Việc xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRĐP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều bất cập. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng. Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất cả nước. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc, tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; công tác đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới chưa hoàn thành. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Hạn chế và yếu kém trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng; tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng. Quản lý đất đai, di dân, bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Các cơ chế, chính sách cho vùng chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa sát với thực tiễn. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của mình và của vùng. Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, thiếu phối hợp và kiểm tra, giám sát. Chưa phát huy, khai thác tốt giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và con người vùng đất Tây Nguyên thành nguồn lực phát triển. Năng lực cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức.
II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
- Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
- Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ; đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và các nước ASEAN. Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế và tổ chức điều phối liên kết phát triển vùng hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
- Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng. Ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Tập trung bảo vệ, phục hồi môi trường đi đôi với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, tài nguyên khoáng sản.
- Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy cao độ giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; bảo đảm xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
2. Mục tiêu đến năm 2030
Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.
3. Một số chỉ tiêu đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 5,6%; tỉ trọng kinh tế số khoảng 25 - 30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%.
- Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0 - 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.
- Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đạt 95% tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.
4. Tầm nhìn đến năm 2045
Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới Hòa Bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững
- Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
- Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít,...), cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè), cây dược liệu, rau, hoa, chăn nuôi gia súc bảo đảm môi trường và gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm) có giá trị kinh tế cao và nuôi lồng bè ở vùng lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực Sông Sêsan, Sông Srêpốk, Sông Ba và hệ thống sông Đồng Nai.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Ổn định dân cư và tạo việc làm tại chỗ cho người dân gắn bó với quê hương. Chú trọng phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tiến hành khoanh nuôi tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp với trồng bổ sung làm giàu rừng; cải tạo trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng nghèo kiệt, kém chất lượng, có chính sách phù hợp phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ cácbon; thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ, tạo việc làm cho người dân, tăng nguồn thu nhằm tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển rừng trồng, rừng sản xuất ờ những nơi có điều kiện phù hợp nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất và chế biến lâm sản. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các lực lượng, hộ gia đình, người dân, cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng; chính sách tái định canh, định cư, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số sống trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
- Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển ngành cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Duy trì phát triển ổn định, bền vững thủy điện; tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển và lưu trữ năng lượng tái tạo; nghiên cứu khả năng cung cấp điện tại chỗ để phát triển ngành luyện kim nhôm.
- Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics của vùng dựa trên nền tảng số theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, gắn với phát triển nông nghiệp, hệ thống logistics thông minh và kinh tế cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu quốc tế. Hình thành và phát triển các hình thức tổ chức thị trường hiện đại như sàn giao dịch hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực của vùng; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Tập trung xây dựng một số thương hiệu sản phẩm quốc gia như cà phê, cao su, sầu riêng, bơ, hồ tiêu,...
- Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới công nghệ; chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ sinh học, giống cây trồng vật nuôi, các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, sản xuất sạch và an toàn vào sản xuất. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; xây dựng dữ liệu vùng phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và liên kết vùng.
- Tiếp tục giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai đang tồn đọng, nhất là tranh chấp đất giữa người dân với các nông, lâm trường, các đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước; chủ động phát hiện, xử lý sớm các nguy cơ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đông người.
- Tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước; tăng khả năng trữ và lưu giữ nước của các công trình hồ chứa, bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng và cho một số địa phương khu vực duyên hải Trung Bộ; cơ cấu lại cây trồng cho phù hợp, nhất là đối với vùng thiếu nước; triển khai các giải pháp, công nghệ tưới tiết kiệm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý, chia sẻ lợi ích từ tài nguyên nước.
- Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai và Kon Tum) duy trì công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Không gian phát triển kinh tế của tiểu vùng gắn với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ theo hành lang giao thông quốc lộ 14, 19, 24 và hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) tập trung phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa. Không gian phát triển kinh tế của tiểu vùng gắn với các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên theo hành lang quốc lộ 26, 29 và cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa. Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông) tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm. Không gian phát triển kinh tế của tiểu vùng gắn với vùng Đông Nam Bộ theo hành lang quốc lộ 20 và các tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Chơn Thành - Gia Nghĩa.
- Phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa Tây Nguyên; có không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Tổ chức mạng lưới đô thị dựa trên ba trung tâm đô thị động lực: Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng; thành phố Đà Lạt là trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên; thành phố Pleiku là trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Thúc đẩy liên kết đô thị, chú trọng hình thành các đô thị vệ tinh hỗ trợ các chức năng phát triển với đô thị trung tâm. Từng bước hình thành một số đô thị biên giới với chức năng thương mại, dịch vụ gắn với lợi thế về cửa khẩu, kết nối giao thông quốc tế. Ưu tiên bố trí nguồn lực để ổn định các điểm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của đồng bào dân tộc.
2. Phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
- Nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên; duy trì và xây dựng không gian công cộng trong buôn, làng dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với nhà Rông, nhà dài, lễ hội cồng chiêng; chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản thế giới, di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa tiêu biểu đặc trưng của vùng và di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp vùng. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng và duy trì tốt hoạt động của các trung tâm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng từ cấp tỉnh tới buôn, làng; huy động nguồn lực xã hội hoá để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hoá, mở rộng mạng lưới các trung tâm văn hóa ở thành phố, khu đô thị, khu du lịch trọng điểm.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng, trong đó ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên. Phát triển thị trường lao động, kết nối thông tin thị trường lao động trong vùng với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ. Tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển vùng. Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên, có chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số học nội trú, bán trú. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số. Tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tăng cường đào tạo, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong khám, chữa bệnh. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp về y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ. Xây dựng một bệnh viện đa khoa trung ương, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng của vùng.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho người dân tại vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Quan tâm giải quyết nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc
- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng: Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E và Cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C; mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ khách du lịch. Nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa), tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước).
- Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, hình thành các khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu, tuyến du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bản sắc văn hóa của vùng. Xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch lớn: Thành phố Đà Lạt gắn với hồ Tuyền Lâm, hồ Đan Kia - Suối Vàng; Đắk Lắk, Đắk Nông gắn với vườn quốc gia Yokđôn và không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Gia Lai - Kon Tum gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch Măng Đen, điểm du lịch hồ Yaly, công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, các buôn làng dân tộc, vườn quốc gia, các khu bảo tồn. Phát triển thị trường du lịch liên vùng gắn với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ; du lịch nội vùng gắn với các sản phẩm có thể mạnh: Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa, địa chất, nghỉ dưỡng núi, thám hiểm rừng, sinh thái nông nghiệp, nông thôn, thể thao mạo hiểm. Xây dựng trung tâm chăm sóc sức khoẻ cấp quốc tế, từng bước hình thành sản phẩm du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch chữa bệnh tại thành phố Đà Lạt.
4. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng
- Thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng, liên vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hoá cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ. Đẩy mạnh hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; tham gia tích cực các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác, các nước trong khu vực và các định chế quốc tế khác. Hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các thoả thuận hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng Tây Nguyên và quy hoạch từng địa phương trong vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, thiên nhiên và truyền thống lịch sử gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh của vùng. Tổ chức không gian hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; phục hồi, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển nông nghiệp hiệu quả cao và bảo vệ nguồn nước.
- Có cơ chế, chính sách phù hợp về bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng; phát triển một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn; huy động, phân bổ, lồng ghép các nguồn lực đầu tư những chương trình, dự án, công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm làm nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Nghiên cứu chính sách tài chính, thuế đối với các dự án thủy điện có quy mô lớn và hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu phù hợp, bảo đảm hài hoà giữa nguồn thu ngân sách nhà nước với ổn định, phát triển của địa phương. Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội vùng. Khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo và dịch vụ du lịch, phù hợp với quy hoạch vùng, địa phương. Xây dựng tiêu chí xác định đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng theo hướng đô thị xanh, bền vững.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi phục vụ doanh nghiệp và người dân. Khai thác hiệu quả quỹ đất hình thành từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển. Phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng đo Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình giao thông để phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
5. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
- Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối ngoại, hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; giữ vững môi trường Hòa Bình, ổn định để phát triển đất nước. Phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng, góp phần tăng cường thế trận quốc phòng - an ninh và thế trận lòng dân vững chắc ở địa bàn biên giới, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc. Đầu tư xây dựng một số công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng. Tiếp tục xây dựng đường tuần tra biên giới kết hợp làm đường dân sinh. Phối hợp với Cam-pu-chia phần đầu hoàn thành khung pháp lý song phương về quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu biên giới và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền. Hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ động triển khai các hoạt động giao lưu nhân dân với các nước bạn.
- Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc bảo đảm đồng bộ, toàn diện; tập trung có trọng điểm các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, các vùng cổ đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 5 và vùng Tây Nguyên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đầu tư nâng cao năng lực của lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự cấp cơ sở. Đẩy mạnh và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, với đặc thù văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nắm chắc và làm chủ tình hình, ngăn chặn, triệt phá kịp thời hoạt động gây rối, biểu tình, tấn công không gian mạng để giữ vững quốc phòng, an ninh toàn vùng và cả nước.
6. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
- Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng ở các cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hoá cách mạng, sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng. Xác định buôn làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở ở Tây Nguyên.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là các địa phương vùng Tây Nguyên nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
2. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo: Ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết; xây dựng Quy hoạch phát triển vùng, địa phương; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên.
3. Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương theo trách nhiệm của mình thường xuyên quan tâm, phối hợp với các địa phương vùng Tây Nguyên để thực hiện Nghị quyết.
4. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1Nghị quyết 96/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Nghị quyết 154/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1442/QĐ-BXD năm 2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 152/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 1Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- 2Nghị quyết 96/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Nghị quyết 154/NQ-CP năm 2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1442/QĐ-BXD năm 2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 152/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 23-NQ/TW
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 06/10/2022
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Nguyễn Phú Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/10/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực