Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/2018/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 99c/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

a. Mục tiêu tổng quát:

- Phát triển vận tải trên cơ sở tổ chức hợp lý với nhiều phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý, nhanh chóng, tiện lợi; an toàn tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Nâng cao chất lượng các loại hình vận tải hành khách công cộng, phát huy lợi thế về vận tải hàng hóa đường thủy kết hợp với phát triển logistics nhằm giảm giá thành sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.

b. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025:

+ Đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách đạt khoảng 79 triệu người, trong đó đường bộ chiếm 77% và đường thủy chiếm 23%.

+ Đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 22 - 25 triệu tấn, trong đó đường bộ chiếm 40% và đường thủy chiếm 60%.

+ Vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 5% nhu cầu đi lại của tỉnh.

- Đến năm 2035

+ Đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách đạt khoảng 124 triệu người trong đó đường bộ chiếm 80% và đường thủy chiếm 20%.

+ Đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 35 - 40 triệu tấn, trong đó đường bộ chiếm 30 - 35% và đường thủy chiếm 65 - 70%.

+ Vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu đi lại của tỉnh.

2. Quy hoạch phát triển vận tải đường bộ

a. Quy hoạch vận tải hành khách đường bộ

- Vận tải hành khách cố định nội tỉnh:

+ Từ nay đến năm 2025: duy trì hoạt động của các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, nâng cao mức độ phục vụ, tần suất hoạt động. Mở mới một số tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân: thị trấn Mỹ An - Thanh Mỹ; Thanh Mỹ - Thành phố Cao Lãnh; Tân Phước - Cao Lãnh

+ Giai đoạn 2026 - 2035: mở mới các tuyến mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, tạo thói quen cũng như thu hút nhu cầu nhằm tạo tiền đề phát triển xe buýt sau này.

+ Giai đoạn sau 2035: thay thế dần các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh bằng các tuyến buýt nhằm nâng cao mức độ phục vụ, cũng như hiệu quả hoạt động của xe buýt, tăng tỷ lệ người dân đi xe buýt, phù hợp với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Vận tải hành khách cố định liên tỉnh:

+ Duy trì hoạt động các tuyến cố định liên tỉnh hữu, đảm bảo chất lượng phục vụ của từng tuyến đạt chuẩn theo quy định.

+ Mở rộng mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra các tỉnh Tây Nguyên (qua QL.N1, đường Hồ Chí Minh…) và một số tỉnh miền Trung dựa trên yêu cầu thực tế của từng địa phương.

+ Cập nhật các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/06/2015 của Bộ Giao thông vận tải về “Phê duyệt quy hoạch chi tiết vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”

- Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt:

+ Giai đoạn trước năm 2025: giữ nguyên lộ trình một số tuyến đang khai thác hiệu quả, chú trọng đầu tư phương tiện và cơ sở hạ tầng phục vụ (bến xe buýt, nhà chờ, trạm dừng) nhằm nâng cao mức độ phục vụ, đảm bảo an toàn, thuận tiện khi đi xe buýt, qua đó thu hút người dân sử dụng xe buýt. Thực hiện điều chỉnh 03 tuyến hiện hữu, mở mới 04 tuyến buýt nội tỉnh, trong đó quan tâm mở thêm các tuyến mới1 và 03 tuyến buýt liền kề.

+ Giai đoạn sau năm 2025: các tuyến buýt nội tỉnh dần thay thế các tuyến cố định nội tỉnh bằng các tuyến xe buýt, mở mới các tuyến để tăng cường sự kết nối giữa các huyện, thị và từ khu dân cư, đô thị ra các tuyến buýt trục của tỉnh. Phát triển thêm các tuyến kết nối các khu đô thị trung tâm của tỉnh với các tỉnh, thành lân cận.

- Vận tải hành khách công cộng bằng taxi:

+ Đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ an toàn và thoải mái, phù hợp với điều kiện đời sống của đại bộ phận người dân. Giảm thiểu tác động bất lợi của việc khai thác taxi tới luồng giao thông thông qua quy định chỗ đỗ xe taxi và hệ thống kiểm soát qua radio, cùng với các vấn đề khác.

- Các loại hình vận tải hành khách công cộng khác:

Xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng hợp đồng điện tử; xe hợp đồng và xe du lịch; xe điện phục vụ các khu du lịch;.... căn cứ vào tình hình của từng thời kỳ và các quy định hiện hành để có sự phát triển phù hợp.

b. Quy hoạch vận tải hàng hóa đường bộ

- Quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, cũng như liên tỉnh từ Đồng Tháp đến các tỉnh thành trong khu vực và quốc tế.

- Luồng hàng được xác định từ nơi sản suất đến nơi tiêu thụ (Khu - cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp…), đi qua những tuyến vận tải chính của tỉnh như: QL.30, QL.80, QL.54…

- Ngoài ra, khi các tuyến đường quốc lộ mới được hình thành và đưa vào sử dụng (Đường Hồ Chí Minh, QL.N1, QL.30B, QL.30C, QL.62C, đường An Hữu-Cao Lãnh) thì sẽ hình thành các hành lang vận tải liên tỉnh kết nối Đồng Tháp với các tỉnh Miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, thu hút một lượng lớn hàng hóa vận chuyển, luân chuyển qua những trục đường này.

c. Quy hoạch công trình phục vụ vận tải đường bộ

- Bến xe khách: Thực hiện di dời 05 bến và nâng cấp cơ sở hạ tầng 08 bến xe hiện hữu đạt theo chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải; đồng thời mở mới 07 bến để đáp ứng như cầu vận tải phát sinh.

- Trạm dừng nghỉ: Thực hiện xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ trọng điểm: Mỹ Hiệp, Mỹ An, Lấp Vò,Tp.Sa Đéc...đảm bảo theo chuẩn quy định; xây dựng các điểm dừng đỗ trên các tuyến quốc lộ (61 điểm) và đường tỉnh có các tuyến vận tải hành khách cố định đi qua (25 điểm).

- Bến xe hàng hóa: Đầu tư nâng cấp và xây mới 20 bến xe hàng hóa tại các điểm tập kết, trung tâm phân phối trung chuyển hàng hóa để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phục vụ nhu cầu bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.

- Điểm dừng, nhà chờ xe buýt: Khoảng cách giữa các điểm dừng, nhà chờ trong đô thị tối thiểu không quá 700m; ngoài đô thị không quá 1,5km. Trong đô thị nếu hè đường rộng từ 4m trở lên, ngoài đô thị nếu bề rộng lề đường từ 1,5m trở lên cần xem xét lắp đặt nhà chờ đạt tiêu chuẩn. Cải tạo một số nhà chờ phục vụ người khuyến tật tiếp cận sử dụng. Thay thế các biển báo hiệu xe buýt trên các tuyến đường có từ 2 tuyến buýt đi qua để đảm bảo đủ thông tin chung cho các tuyến.

- Trạm sạc năng lượng điện: xây dựng các trạm sạc điện ở các khu đô thị lớn của tỉnh, giai đoạn đầu tập trung xây dựng tại thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc, với quy mô khoảng 1 - 3ha.

3. Quy hoạch vận tải đường thủy

a. Quy hoạch luồng tuyến vận tải thủy nội tỉnh chính

- Đảm bảo phương tiện thủy có trọng tải 600 tấn hoạt động đối với các tuyến: trục An Phong - Mỹ Hòa; trục chữ V (rạch Cái Tàu Hạ, rạch Nha Mân - Tư Tải); trục Phước Xuyên - Cái Cái; trục Đốc Vàng Hạ - Cà Dâm; trục Tân Công Chí - Phú Hiệp - Đốc Vàng Hạ - Đường Gạo;

- Đảm bảo phương tiện thủy có trọng tải 50 tấn hoạt động đối với các tuyến: trục kênh Tân Thành - Tân Công Sính 1 - kênh Đường Thét Cần Lố; trục kênh 2/9 - Đốc Vàng Thượng; trục kênh 307; trục kênh Tứ Thường - rạch Bù Cóc - kênh Tân Thành - Lò Gạch; kênh An Bình; kênh Thầy Lâm.

b. Quy hoạch công trình phục vụ vận tải đường thủy

- Cảng biển: Nâng cấp khu bến Cao Lãnh, khu chuyển tải Vĩnh Xương - Thường Phước hiện có, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn. Xây dựng khu bến Sa Đéc mới tại KCN C giáp sông Tiền có thể tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn; khu bến Lấp Vò (trên sông Hậu) bao gồm cả đầu mối logistics sau cảng, tiếp nhận tàu 5.000 đến 10.000 tấn. Củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng bến chuyên dùng xăng dầu Cao Lãnh hiện có, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn.

- Cảng sông: Nâng cấp hạ tầng Cảng Bảo Mai (10.000 DWT), Cảng sông Sa Đéc (1.000 DWT), Cảng Phong Hòa (10.000 DWT), Cảng Hồng Ngự (5.000 DWT).

- Cảng hành khách: Quy hoạch đầu tư xây dựng 04 cảng hành khách phục vụ nhu cầu khách du lịch đường thủy kết nối tuor du lịch cấp Vùng bao gồm Cảng hành khách Cao Lãnh, Cảng hành khách Sa Đéc 1, Cảng hành khách Sa Đéc 2, Cảng hành khách Hồng Ngự. Đồng thời bổ sung thêm công năng của cảng hàng hóa Lấp Vò và Phong Hòa để tiếp nhận tàu khách, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trên tuyến sông Hậu.

- Bến hàng hóa tổng hợp: Đầu tư nâng cấp và xây mới 20 bến hàng hóa tổng hợp theo hướng tăng khả năng phối hợp tổ chức vận chuyển thủy - bộ phục vụ sản xuất và trao đổi hàng hóa của địa phương.

- Bến hành khách: Đầu tư phát triển hệ thống bến khách (14 bến) phục vụ cho khai thác du lịch vùng sông nước và một phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương.

- Bến khách ngang sông

+ Đối với bến khách ngang sông hiện hữu tiến hành rà soát để phân loại nhằm mục đích nâng cấp và lập quy hoạch cụ thể trong tương lai. Xây dựng và cải tạo 10 bến phà chính của các cù lao đảm bảo khả năng vận chuyển được ô tô.

+ Giai đoạn đến năm 2035: một mặt duy trì hoạt động các bến khách ngang sông hiện hữu để đảm bảo lưu thông, mặt khác sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng cầu thay thế.

4. Định hướng phát triển Logistics

- Đầu tư phát triển kho bãi tại các cửa khẩu biên giới: kho ngoại quan tại cửa khẩu Thường Phước với diện tích 25.000m2, đầu tư trước năm 2025; kho bãi tại cửa khẩu Dinh Bà với diện tích 35.000m2, đầu tư trước năm 2025; kho ngoại quan tại cửa khẩu Mộc Rá với diện tích 25.000m2, đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2035.

- Xây dựng cảng ICD: ICD Lấp Vò (sông Hậu) kết hợp với khu bến Lấp Vò, quy mô 3 ha; ICD Vĩnh Xương-Thường Phước (sông Tiền) kết hợp với khu bến Vĩnh Xương - Thường Phước, quy mô 3 ha.

5. Vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển mạng lưới vận tải của tỉnh là 2.673,3 tỷ đồng. Cụ thể:

Stt

Hạng mục

Vốn đầu tư (tỷ đồng)

2018-2025

2026-2035

1

Vận tải hành khách đường bộ

Bến xe khách

225,0

310,0

Trạm dừng nghỉ

80,0

120,0

Điểm dừng đón trả khách

0,8

0,4

Phương tiện xe buýt

208,0

605,6

Trạm dừng, nhà chờ xe buýt

2,5

6,0

2

Vận tải hàng hóa đường bộ

Bến bãi

215,0

365,0

3

Vận tải hành khách đường thủy

Cảng hành khách

85,0

50,0

4

Vận tải hàng hóa đường thủy

Cảng, bến thủy nội địa

270,0

130,0

Tổng cộng

1.086,3

1.587,0

6. Giải pháp thực hiện quy hoạch

a. Giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải

- Việc đầu tư xây dựng bến bãi, điểm dừng, nhà chờ, sẽ được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn xã hội hoá kết hợp với các nguồn thu từ các dịch vụ kèm theo (quảng cáo, căng tin…).

- Ưu tiên cho thuê đất theo giá ưu đãi cho các doanh nghiệp vận tải để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ trên cơ sở các dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Khuyến khích các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình TOD để tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông tại các đầu mối giao thông.

- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư phương tiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.

b. Giải pháp về quản lý các loại hình vận tải

- Có chính sách về mức phí linh hoạt (theo khu vực, theo thời điểm, theo loại phương tiện) trên cơ sở công bố công khai, đảm bảo đúng giá quy định và tạo động lực đầu tư hoàn vốn.

- Thành lập doanh nghiệp chuyên ngành kinh doanh khai thác hệ thống bến, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh. Thống nhất quản lý tập trung toàn bộ các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe có tính chất công cộng, kể cả những điểm đỗ, bãi đỗ tại các đầu mối vận tải (bến xe, cảng...), giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành của UBND tỉnh quản lý và sắp xếp.

c. Giải pháp về khai thác các loại hình vận tải

Đảm bảo chất lượng về phương tiện: trong quá trình vận tải, chất lượng phương tiện có ảnh hưởng trực tiếp quyết định đến chất lượng dịch vụ giao thông công cộng. Chất lượng phương tiện phải đảm bảo các đặc tính kĩ thuật an toàn vận hành, thân thiện môi trường, về số chỗ, điều hòa, vệ sinh, thông tin, biểu đồ, lịch trình tuyến, thiết kế đảm bảo khả năng tiếp cận cho hành khách cũng như đáp ứng nhu cầu trong giờ cao điểm.

d. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn hàng năm cho lực lượng tài xế, tiếp viên đang phục vụ trên các tuyến xe buýt; đào tạo nâng cao trình độ tổ chức quản lý và khai thác của các đơn vị kinh doanh.

Nâng cao trình quản lý, điều hành và khai thác của lực lượng cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành tại các đơn vị tham gia khai thác giao thông công cộng.

e. Giải pháp thu hút sử dụng giao thông công cộng bằng xe buýt

- Nâng cao chất lượng phục vụ của phương tiện cũng như thái độ phục vụ của nhân viên bằng cách thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho lái xe, phụ xe và nhân viên bán vé, những người tiếp xúc trực tiếp với hành khách về kỹ năng, văn hóa ứng xử, trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm về thái độ ứng xử của đội ngũ lái xe và nhân viên trong từng tình huống cụ thể.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến để quản lý điều hành và giám sát hoạt động phương tiện trên tuyến trên cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu cần thiết kết hợp với hệ thống giao thông thông minh ITS. Đưa ra quy trình kiểm tra giám sát chuẩn, áp dụng một cách đồng bộ đối với tất cả các đơn vị tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Triển khai hệ thống vé thông minh (Smartcard), vé liên phương thức để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng các phương thức vận tải hành khách công cộng khác nhau. Đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tiếp, online, qua điện thoại...) và loại vé (vé lượt, vé tuyến, vé liên tuyến…) phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau.

- Cung cấp đầy đủ thông tin về mạng lưới, thời gian, lịch trình, giá vé... của các tuyến trên trang web, các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về văn hóa sử dụng xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng. Phối hợp với các trường học, các tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng xe buýt một cách văn minh, lịch sự...

g. Giải pháp thu hút đầu tư xã hội hóa

- Hoàn thiện và bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường bộ cao tốc, tuyến đường thủy nội địa theo hướng tiếp cận với thị trường và thông lệ quốc tế, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

- Đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải theo hướng giảm tỷ lệ góp vốn Nhà nước để tạo thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

- Đẩy mạnh việc chuyển nhượng, cho thuê khai thác kinh doanh hạ tầng giao thông, ban hành chính sách cụ thể hướng dẫn áp dụng mô hình xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông đối với từng chuyên ngành đặc biệt là các cảng biển đầu mối.

- Ban hành các chính sách về huy động vốn đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn đối với kênh huy động vốn từ nguồn tín dụng, mở rộng kênh huy động vốn từ nguồn vốn nước ngoài đối với các dự án có quy mô lớn.

h. Giải pháp liên kết vùng

- Xác định danh mục và triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn; chủ động cân đối nguồn vốn thuộc phạm vi quản lý đối với các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn;

- Chủ động xây dựng các chính sách, cải cách thể chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các chương trình, dự án liên kết.

7. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2035

TT

Tên dự án

Giai đoạn thực hiện

1

Bến xe Sa Đéc

Trước năm 2025

2

Bến xe An Bình

Trước năm 2025

3

Bến xe Cao Lãnh

Sau năm 2025

4

Bến xe Thường Phước

Trước năm 2025

5

Xe điện phục vụ các khu du lịch

Trước năm 2025

6

Trung tâm điều hành xe buýt

Trước năm 2025

7

Khu bến Sa Đéc

Trước năm 2025

8

Khu bến Vĩnh Xương - Thường Phước

Trước năm 2025

9

Khu bến Lấp Vò

Trước năm 2025

Điều 2. Giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa IX, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 16 tháng 12 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBTVQH, VPQH, VPCP (I,II), Ban CTĐB;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT/TU, UBND, UBMTTQ VN Tỉnh;
- UBKTTU, Đoàn ĐBQH Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh;
- Văn phòng HĐND Tỉnh;
- TT/HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT, KTNS.

CHỦ TỊCH




Phan Văn Thắng

 



1 - Tuyến “ Bến xe An Long - Tràm Chim - Trường Xuân - Bến xe Tháp Mười”; tuyến “Bến xe Sa Đéc - Mỹ Long - Xẻo Quýt - Mỹ Đông (hoặc bến xe Tháp Mười)”;

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 220/2018/NQ-HĐND về thông qua Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035

  • Số hiệu: 220/2018/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Phan Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản