Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/NQ-HĐND | Bình Dương, ngày 30 tháng 11 năm 2018 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Sau khi xem xét Báo cáo số 282/BC-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo của các cơ quan hữu quan; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2019 nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời quyết nghị:
I. VỀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018
Năm 2018, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn khó khăn, kinh tế trong nước đối mặt với nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 9,01% so với năm 20171; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 63,87% - 23,94% - 3,08% - 9,11%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 130,8 triệu đồng/năm.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,79% so với năm 2017; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 3,6%; giá trị gia tăng ngành dịch vụ ước tăng 10,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 18%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 15,6%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 12,2%; ước tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế - xã hội năm 2018 đạt 50.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 36.000 tỷ đồng, thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu 14.000 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 17.550,4 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 7.061 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 1,7 tỷ đô la Mỹ.
An sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được đảm bảo, đời sống người dân được ổn định và nâng cao. Giải quyết việc làm cho 46.393 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 76%; số giường bệnh trên vạn dân đạt 23 giường, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 87,95%. Tiến hành rà soát các chế độ, chính sách về an sinh xã hội, hoàn thành công tác điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 1,62%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ước đạt 27,7m2/người.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo, tổng kết năm học 2017 - 2018, chất lượng dạy và học ở các cấp tăng hơn so với năm học trước; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia ước đạt 69,19%. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quản lý hiệu quả hơn; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao,... có nhiều tiến bộ, chất lượng được nâng cao; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Năng suất, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định; quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số công trình triển khai thực hiện khá chậm. Một số dự án khu dân cư, đô thị triển khai chậm hoặc chưa triển khai làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng dự án; tình trạng ngập úng cục bộ, ùn tắc giao thông tuy đã được xử lý, khắc phục bước đầu, song vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thu ngân sách chưa đảm bảo, một số nguồn thu nội địa chưa đạt dự toán, nợ đọng thuế giảm chậm; các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công được quan tâm chỉ đạo, giải quyết tuy nhiên khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm. Tình trạng quá tải đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế,... tuy có quan tâm khắc phục nhưng còn nhiều áp lực; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của công tác cải cách hành chính. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế mặc dù đã tập trung chỉ đạo triển khai nhưng thực hiện còn chậm. Công tác cải cách thủ tục hành chính tuy có nhiều tiến bộ song vẫn chưa có nhiều đổi mới để nâng cao hiệu quả và cải thiện môi trường đầu tư.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019
Phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I và xây dựng thành phố thông minh. Nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.
2. Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2019
a) Chỉ tiêu về kinh tế
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 8,7% so với năm 2018 (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 8,3%/năm).
- Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 63,7% - 25% - 3,2% - 8,1% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 63,2% - 26% - 3% - 7,8%).
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,5% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 8,7%/năm).
- Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 4% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 4%/năm).
- Giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 10,6% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 10,2%/năm).
- GRDP bình quân đầu người khoảng 140,6 triệu đồng/năm (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 142,6 triệu đồng/năm).
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,5% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 15%/năm); kim ngạch nhập khẩu tăng 15% so với năm 2018 (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 15,5%/năm).
- Tổng thu sách nhà nước trên địa bàn đạt 54.500 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách địa phương đạt 20.239 tỷ đồng.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 16% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 18%/năm)2.
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,4 tỷ đô la Mỹ (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X trên 1,4 tỷ đô la Mỹ/năm).
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,02% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 11%/năm).
b) Chỉ tiêu về xã hội
- Tạo việc làm cho 45.000 lao động (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 45.000 lao động/năm).
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 80%).
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh <1,5% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 cơ bản xóa hộ nghèo).
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89%.
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 71,08% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là: 70 - 75%).
- Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng 7,8%.
- Bình quân trên 1 vạn dân có 7,4 bác sĩ và 23 giường bệnh (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 trên 7,5 bác sĩ và 27 giường bệnh).
- Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt trên 28,9 m2/người (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X là 30 m2/người).
- Tỷ lệ xã phường có thiết chế văn hóa đạt 55% Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 là 70 - 80%).
c) Chỉ tiêu về môi trường
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 là 100%).
- Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 99,6% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 là 100%).
- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 98% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 là 90%).
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đạt 100% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 là 100%).
- Tỷ lệ khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn môi trường 100%.
- Tỷ lệ che phủ cây công nghiệp và cây lâu năm đạt 57,4% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 là 57,5%).
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,99% (Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đến năm 2020 là 99,99%).
3. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp sau:
a) Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 theo đúng chế độ, chính sách hiện hành. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2019, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016 - 2020) tỉnh đã đề ra. Quan tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút mọi nguồn lực cùng với ngân sách nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết và các Chương trình của Tỉnh ủy; chú trọng các công trình quan trọng, tạo sự kết nối và sức lan tỏa lớn.
b) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp cụ thể tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính... cho người dân và doanh nghiệp.
c) Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường quản lý và phát triển thị trường bất động sản; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo và giữ quỹ đất, huy động vốn đầu tư hợp lý để phát triển cơ sở trường lớp đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhất là tại các khu đô thị phía Nam.
d) Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhằm mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả bao gồm các tiêu chuẩn như kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm soát hoạt động tư pháp. Xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội nổi cợm, bức xúc; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
đ) Tích cực chủ động tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững; triển khai các giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động đối ngoại, thực hiện tốt Chương trình đổi mới công tác thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút mạnh vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ đô thị, chất lượng cao.
e) Tăng cường quản lý nhà nước về công tác báo chí, truyền thông. Tập trung tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận cao trong xã hội.
g) Tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, chính quy; chủ động xử lý mọi tình huống xảy ra, giữ vững môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 2. Trên cơ sở các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo chức năng của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát và phối hợp vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa IX, kỳ họp thứ Tám thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2018 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 01/QĐ-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2Quyết định 2882/QĐ-UBND năm 2018 về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4Chỉ thị 17/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 5Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2018 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 6Nghị quyết 07/NQ-HĐND năm 2018 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của thành phố Hà Nội
- 7Quyết định 2845/QĐ-UBND năm 2018 về giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Quyết định 01/QĐ-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 3Quyết định 2882/QĐ-UBND năm 2018 về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 4Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 5Chỉ thị 17/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 6Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2018 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 7Nghị quyết 07/NQ-HĐND năm 2018 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của thành phố Hà Nội
- 8Quyết định 2845/QĐ-UBND năm 2018 về giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Bình Phước ban hành
Nghị quyết 22/NQ-HĐND năm 2018 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Bình Dương ban hành
- Số hiệu: 22/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 30/11/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Phạm Văn Cành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra