Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2022/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ RỦI RO TRONG CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XVII , KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13 tháng 07 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 08 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Xét Tờ trình số 143/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ rủi ro trong công tác tiêm phòng gia súc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ rủi ro trong công tác tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc (trâu, bò, ngựa, dê, lợn, chó, mèo) theo kế hoạch hằng năm và tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2030.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc quy mô nông hộ và trang trại quy mô nhỏ (gọi chung là chủ cơ sở chăn nuôi) trên địa bàn tỉnh.

2. Những người được phân công trực tiếp tham gia xử lý tiêu hủy gia súc bị chết do phản ứng với vắc xin sau tiêm phòng bệnh bắt buộc cho gia súc theo kế hoạch hằng năm và tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch.

3. Lực lượng thú y bị tai nạn trong khi thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc.

4. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc trang trại quy mô vừa và lớn không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết này.

Điều 3. Điều kiện được hỗ trợ

1. Chủ cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ khi chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc theo kế hoạch hằng năm và tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch, có gia súc bị chết do phản ứng với vắc xin trong vòng 72 giờ sau khi tiêm phòng (có xác nhận của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương) và chấp hành tiêu hủy gia súc theo quy định.

2. Những người được phân công trực tiếp tham gia xử lý tiêu hủy gia súc bị chết do phản ứng với vắc xin sau tiêm phòng bệnh bắt buộc theo kế hoạch hằng năm và tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch (có xác nhận của chính quyền địa phương).

3. Lực lượng thú y được phân công thực hiện nhiệm vụ, trong khi tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc theo kế hoạch hằng năm và tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, thao tác tiêm vắc xin đúng kỹ thuật nếu bị tai nạn thì được hỗ trợ chi phí điều trị.

Điều 4. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ đối với chủ cơ sở chăn nuôi

a) Đối với trâu, bò, ngựa, dê: hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi;

b) Đối với lợn: hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi.

c) Đối với chó, mèo: hỗ trợ 40.000 đồng/kg hơi.

2. Hỗ trợ những người có nhiệm vụ trực tiếp tham gia xử lý tiêu hủy gia súc bị chết do phản ứng với vắc xin sau tiêm phòng bệnh bắt buộc theo kế hoạch hàng năm và tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch theo quy định: Mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 300.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

3. Hỗ trợ lực lượng thú y bị tai nạn trong khi tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc theo kế hoạch hằng năm và tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch gồm:

a) Được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Phần chi phí mà đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của bảo hiểm y tế hoặc ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế thì được thanh toán theo hóa đơn (mức tối đa không quá khung giá dịch vụ đăng ký với Bộ Y tế).

b) Được thanh toán toàn bộ chi phí tiêm vắc xin điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm với vi rút dại cho lực lượng thú y theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đơn giá quy định của cấp có thẩm quyền.

Điều 5. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các ban Đảng Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh,UBND tỉnh;
- TT: HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Báo Lạng Sơn, Đài PTTH tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, HS kỳ họp.

CHỦ TỊCH




Đoàn Thị Hậu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 22/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ rủi ro trong công tác tiêm phòng gia súc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2030

  • Số hiệu: 22/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Đoàn Thị Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản