Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/2011/NQ-HĐND

Bắc Kạn, ngày 07 tháng 10 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT MỘT SỐ CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP CHÍNH VÀ TRỒNG RỪNG SẢN XUẤT TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2012-2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
KHOÁ VIII KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ THÁNG 9 NĂM 2011

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số: 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;

Căn cứ Quyết định số: 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;

Căn cứ Quyết định số: 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số: 39a/TTr-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua đề án chính sách hỗ trợ sản xuất cho một số loại cây trồng nông nghiệp chính và trồng rừng sản xuất tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012-2015; Báo cáo Thẩm tra số: 28/BC-HĐND ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất một số cây trồng nông nghiệp chính và trồng rừng sản xuất tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2015 như sau:

1. Mục tiêu

a) Khuyến khích phát triển diện tích trồng cây đặc sản, phấn đấu đến năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả như: Hồng không hạt đạt 1.000ha; Cam, Quýt đạt 1.500ha; Dong riềng đạt 1.000ha; Khoai môn đạt 1.000ha.

b) Khuyến khích người dân sử dụng các giống lúa thuần (nguyên chủng) để giảm sâu bệnh hại, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

c) Khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất nhằm đáp ứng nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến. Trong 04 năm (từ 2012 đến 2015) phấn đấu trồng 48.000ha rừng sản xuất tập trung.

2. Chính sách hỗ trợ đối với một số cây trồng nông nghiệp chính

a) Đối tượng, phạm vi áp dụng:

- Cây ăn quả gồm Hồng không hạt, Cam, Quýt: Hỗ trợ đối với hộ gia đình và cá nhân đăng ký thực hiện thuộc vùng quy hoạch của tỉnh.

- Các loại cây Dong riềng, Khoai môn và Lúa thuần: Hỗ trợ đối với hộ gia đình và cá nhân đăng ký thực hiện trên địa bàn tỉnh.

b) Chính sách cụ thể:

- Cây ăn quả: Hỗ trợ 50% giá giống cây Hồng không hạt, Cam, Quýt.

- Cây Dong riềng, cây Khoai môn:

+ Hỗ trợ 100% lãi suất mua phân bón hoá học trả chậm;

+ Loại phân bón được hỗ trợ lãi suất: Đạm Urê, Kaly clorua và Lân supe;

+ Thời gian hỗ trợ: 10 tháng/01 năm.

- Cây lúa thuần:

+ Hỗ trợ 50% giá giống lúa thuần nguyên chủng;

+ Loại giống được hỗ trợ: Khang dân và Bao thai.

3. Chính sách hỗ trợ đối với trồng rừng sản xuất

a) Đối tượng, phạm vi áp dụng: Hộ gia đình và cá nhân tham gia trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

b) Chính sách cụ thể:

- Hỗ trợ 100% giá cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng sản xuất.

- Hỗ trợ chi phí nhân công trồng và chăm sóc rừng sản xuất:

+ Đối với các huyện không phải huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a: hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

+ Đối với các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a: hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha.

- Hỗ trợ chi phí thiết kế: 150.000 đồng/ha.

- Hỗ trợ công tác khuyến lâm:

+ Đối với các huyện không phải huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a: hỗ trợ 100.000 đồng/ha;

+ Đối với các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a: hỗ trợ 200.000 đồng/ha.

- Hỗ trợ chi phí quản lý: 160.000 đồng/ha.

4. Kinh phí thực hiện.

a) Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết là 164.834 triệu đồng (theo giá hiện tại).

b) Nguồn kinh phí: Từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (Chương trình bảo vệ và phát triển rừng) và Ngân sách địa phương (nguồn sự nghiệp kinh tế của tỉnh).

5. Thời gian thực hiện: 04 năm, từ năm 2012 đến hết năm 2015. Riêng chính sách hỗ trợ giá giống lúa thuần nguyên chủng, chỉ thực hiện trong 02 năm 2012 và 2013.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Uỷ ban nhân tỉnh:

a) Thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh ban hành quyết định quy định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ, thời điểm hỗ trợ, thời gian thực hiện và các bước tổ chức thực hiện Nghị quyết. Hằng năm, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện để rút kinh nghiệm và kịp thời có giải pháp thực hiện trong năm tiếp theo; kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

b) Căn cứ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (Chương trình bảo vệ và phát triển rừng) giao hàng năm, xây dựng phương án hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp kinh tế của tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khoá VIII, kỳ họp chuyên đề tháng 9 thông qua ngày 28 tháng 9 năm 2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hà Văn Khoát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 22/2011/NQ-HĐND phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây trồng nông nghiệp chính và trồng rừng sản xuất tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2015

  • Số hiệu: 22/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Hà Văn Khoát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản