Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2011/NQ-HĐND | Bình Thuận, ngày 14 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5358/TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh về Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt là TDĐKXDĐSVH) tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, với mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở từng gia đình, thôn, khu phố, cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính thiết thực và bền vững. Từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng; tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, góp phần xây dựng sự nghiệp văn hóa - thể thao tỉnh Bình Thuận vững mạnh về mọi mặt; không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thể chất và sức khỏe của nhân dân. Gắn kết và phát huy tốt vai trò của phong trào “TDĐKXDĐSVH” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
- Đối với vùng đồng bằng:
+ Thu hút 50% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;
+ Phấn đấu 70% nhà văn hóa và khu thể thao xã; 70% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ 75% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa;
+ 60% thôn, khu phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa, khu phố văn hóa;
+ 75% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; phấn đấu 70% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 75% trường học đạt chuẩn văn hóa; 70% bệnh viện đạt chuẩn văn hóa;
+ 14,3% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (có 3/21 xã đồng bằng đăng ký xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới);
+ 20% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
- Đối với vùng miền núi, hải đảo:
+ Thu hút 25% trở lên số người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;
+ 40% nhà văn hóa và khu thể thao xã; 40% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ 50% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa;
+ 40% thôn, bản, khu phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa, Bản văn hóa, Khu phố văn hóa;
+ 60% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, phấn đấu 60% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; 60% trường học, bệnh viện đạt chuẩn văn hóa;
+ Khoảng 24% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (có 18/75 xã miền núi, hải đảo đăng ký xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới);
+ Khoảng 15% thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
c) Mục tiêu định hướng đến năm 2020:
- Tiếp tục củng cố về chất lượng; nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn 2011-2015;
- Phấn đấu đạt được các tiêu chí về xây dựng văn hóa nông thôn mới cấp xã: có 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị;
- Có 100% thôn, khu phố ở vùng đồng bằng và 60% thôn, bản ở miền núi, hải đảo có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu:
a) Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp về vai trò của văn hóa, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn với phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua, tạo động lực thúc đẩy thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, lôi cuốn và khuyến khích mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể thực hiện phong trào;
b) Tổ chức thực hiện phong trào gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015, các phong trào và cuộc vận động xã hội rộng lớn như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngày vì người nghèo”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…và các phong trào của các ngành, đoàn thể trong tỉnh;
c) Rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn công nhận, khen thưởng các danh hiệu của phong trào: “Gia đình văn hóa”; “Thôn-Khu phố văn hóa” vùng đồng bằng trung du; “Thôn, Bản văn hóa” vùng miền núi, dân tộc thiểu số; “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” vùng đồng bằng; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” vùng miền núi, đồng bào dân tộc; “Phường - Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Trường học đạt chuẩn văn hóa”; “Bệnh viện đạt chuẩn văn hóa” cho phù hợp thực tiễn các khu vực, vùng, miền.
Quá trình vận động xây dựng phong trào, phát động đăng ký thi đua, tổ chức kiểm tra, bình xét và công nhận, biểu dương, khen thưởng các danh hiệu của phong trào bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, đúng tiêu chuẩn và thực chất, tuyệt đối không chạy theo thành tích. Thường xuyên sơ kết để xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào, giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa được công nhận. Định kỳ tổ chức tuyên dương các cá nhân và tập thể xuất sắc, tiến tới tổ chức tôn vinh các điển hình tiên tiến của phong trào toàn tỉnh vào năm 2015 và năm 2020;
d) Thường xuyên kiện toàn về tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào với Ban vận động của Mặt trận Tổ quốc ở các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, phát huy được ý thức tự giác, tự nguyện của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo cơ chế quản lý đồng bộ để phong trào phát triển bền vững;
e) Hàng năm, cân đối ngân sách tỉnh để bố trí kinh phí cần thiết, bảo đảm triển khai thực hiện các mặt hoạt động của phong trào và cuộc vận động theo quy định. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đóng góp xây dựng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu của người dân ở các vùng, miền, địa bàn dân cư.
Điều 2. Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 12/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 05/2013/QĐ-UBND về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận danh hiệu trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Quyết định 28/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế công nhận danh hiệu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bến Tre” giai đoạn 2013-2015 kèm theo Quyết định 28/2013/QĐ-UBND
- 3Quyết định 1925/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 1610/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 12/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 05/2013/QĐ-UBND về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận danh hiệu trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do thành phố Cần Thơ ban hành
- 4Quyết định 28/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế công nhận danh hiệu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bến Tre” giai đoạn 2013-2015 kèm theo Quyết định 28/2013/QĐ-UBND
- 5Quyết định 1925/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
Nghị quyết 21/2011/NQ-HĐND về Chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
- Số hiệu: 21/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 14/12/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra