Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2018/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 12 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NỘI DUNG CHI, MỨC CHI CHO CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Quyết định số 901/QĐ-BTC ngày 13 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Xét Tờ trình số 2797/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

THỐNG NHẤT THÔNG QUA NỘI DUNG CHI, MỨC CHI CHO CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH, NHƯ SAU:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định nội dung, mức chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Ban An toàn giao thông tỉnh; Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện); Ban An toàn giao thông các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); Công an tỉnh; Thanh tra giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguồn kinh phí

1. Ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn chi các hoạt động kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành: ngân sách cấp tỉnh cấp kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do các cơ quan cấp tỉnh thực hiện. Ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã cấp kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do các cơ quan cấp huyện, cấp xã thực hiện (Riêng các Đội Thanh tra giao thông vận tải hoạt động trên địa bàn huyện, thành phố do ngân sách cấp huyện bảo đảm).

2. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 (ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách Trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành).

3. Các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

4. Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung chi, mức chi đặc thù bảo đảm trật tự an toàn giao thông

1. Chi hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông bị thương, tai nạn hoặc thân nhân của cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông được áp dụng theo Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 02 năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ là những người trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban đêm được cấp có thẩm quyền huy động: tối đa 100.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên); tối đa 50.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 02 giờ đến dưới 04 giờ). Thời gian làm việc vào ban đêm được xác định từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

3. Mức chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia thường xuyên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tối đa 2.000.000 đồng/người/tháng.

4. Mức chi bồi dưỡng cho lực lượng gián tiếp đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

a) Bồi dưỡng Trưởng ban, Phó trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh mức chi tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng; Thành viên Ban an toàn giao thông tỉnh; Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh (những người có trong danh sách giúp việc cho Ban an toàn giao thông tỉnh) mức chi tối đa 700.000 đồng/người/tháng;

b) Bồi dưỡng Trưởng ban, Phó trưởng Ban an toàn giao thông huyện, thành phố mức chi tối đa 700.000 đồng/người/tháng; Thành viên Ban an toàn giao thông huyện, thành phố (những người trong danh sách tổ giúp việc cho Ban an toàn giao thông huyện, thành phố) mức chi tối đa 500.000 đồng/người/tháng;

c) Bồi dưỡng thành viên Ban an toàn giao thông xã, phường, thị trấn mức chi tối đa 300.000 đồng/người/tháng.

5. Chi làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ trực tiếp phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Chi thực hiện nhiệm vụ đặc thù bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Công an tỉnh:

a) Chi thực hiện quá trình điều tra tai nạn giao thông theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp;

b) Chi sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình sở chỉ huy, đội, đồn, trạm kiểm soát giao thông, nơi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất;

c) Chi hỗ trợ xăng dầu cho lực lượng công an xã khi tự túc phương tiện tham gia tuần tra bảo đảm trật tự an toàn giao thông: thanh toán theo mức khoán 0,2 lít/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng (dầu) tại thời điểm đi công tác.

7. Đối với các nội dung chi quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông (trừ nội dung đã được cụ thể hóa quy định tại Khoản 1 đến Khoản 6 Điều 4 của Nghị quyết này) được thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm đúng quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa IX, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-BTP;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Báo Tây Ninh;
- Lưu: VT, VP.HĐND tỉnh.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tâm

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND quy định về nội dung chi, mức chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

  • Số hiệu: 19/2018/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản