Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2017/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 18 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Qua xem xét Tờ trình số 1174/TTr-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết này.

Điều 4. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Khóa XVII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2017./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- VP Quốc hội, VP Chính phủ, VP Chủ tịch nước;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, TP, thị xã;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Hoàng Đăng Quang

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: ……/2017/NQ-HĐND ngày … tháng 7 năm 2017 của HĐND tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và nguyên tắc điều chỉnh

1. Quy định này quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các thông tin ghi trong Hồ sơ đề nghị thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

3. Khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của nhà nước và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh theo nguyên tắc sau:

a. Trường hợp các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước có nội dung trùng với chính sách tại Quy định này, áp dụng theo chính sách của nhà nước.

b. Trường hợp được hưởng cùng một chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại nhiều quy định khác nhau của tỉnh, doanh nghiệp được lựa chọn mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cao nhất.

c. Doanh nghiệp được hưởng cùng lúc nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại Quy định này nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp đầu tư dự án có sử dụng đất và mặt nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trừ các trường hợp sau: Dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (không bao gồm sản xuất ô tô).

2. Doanh nghiệp đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

3. Doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh vận chuyển hàng không, doanh nghiệp kinh doanh thuê bao máy bay đầu tư mở đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới.

4. Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp khởi nghiệp là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh bao gồm quá trình thành lập và vận hành doanh nghiệp trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

3. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) là quá trình khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh.

4. Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch.

5. Cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống là cơ sở kinh doanh các sản phẩm ăn uống nhằm thu hút lợi nhuận, phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau và phục vụ theo nhu cầu của khách với nhiều loại hình khác nhau.

6. Lao động theo quy định này là người có hợp đồng lao động trên 1 năm với doanh nghiệp và có trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan Bảo hiểm xã hội.

7. Lao động tại địa phương là lao động có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh.

8. Dự án sử dụng công nghệ cao là dự án sử dụng công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Điều 4. Điều kiện chung được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư

1. Có đăng ký nộp thuế tại tỉnh Quảng Bình (trừ doanh nghiệp đầu tư mở đường bay mới).

2. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước.

3. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động.

4. Không đang trong các tình trạng sau: phá sản, tạm ngừng hoạt động, mất khả năng chi trả hoặc đang trong quá trình giải thể.

Điều 5. Nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ

1. Nguồn vốn: Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư được bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách của tỉnh và các nguồn viện trợ, huy động hợp pháp khác.

2. Cơ chế hỗ trợ: Nhà đầu tư, doanh nghiệp tự bỏ vốn để thực hiện. Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động và được cấp có thẩm quyền xác nhận, căn cứ hồ sơ thiết kế, dự toán và khối lượng thực tế nghiệm thu, hồ sơ quyết toán, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (hậu kiểm).

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Mục 1. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CHUNG

Điều 6. Ưu đãi về thuế và đất đai

Doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng

1. Điều kiện áp dụng: Các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhưng chưa được giải phóng mặt bằng và có tổng vốn đầu tư (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) từ 10 tỷ đồng trở lên.

2. Mức hỗ trợ: 2% tổng vốn đầu tư dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) nhưng không quá mức quy định sau:

TT

Tổng vốn đầu tư dự án
(không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng)

Mức hỗ trợ
(tối đa)

1

Từ 10 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng

0,5 tỷ đồng

2

Từ trên 30 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng

1,0 tỷ đồng

3

Từ trên 50 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng

2,0 tỷ đồng

4

Từ trên 200 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng

3,0 tỷ đồng

5

Từ trên 300 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng

4,0 tỷ đồng

6

Từ trên 500 tỷ đồng trở lên

5,0 tỷ đồng

Đồng thời, trong mọi trường hợp, mức hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng không vượt quá tổng số tiền thuê đất của dự án phải nộp trong cả thời gian thực hiện dự án và không vượt quá số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thực tế của dự án.

Điều 8. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án

1. Điều kiện áp dụng: Các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa được nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, gồm: giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và có tổng vốn đầu tư (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) từ 10 tỷ đồng trở lên.

2. Mức hỗ trợ:

a. Về giao thông: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị xây lắp trước thuế, thực hiện đường giao thông từ trục đường chính đến hàng rào của dự án theo quy hoạch hoặc thỏa thuận quy hoạch, thiết kế, dự toán và hồ sơ hoàn công được phê duyệt, nhưng tối đa không quá quy định sau:

TT

Tổng vốn đầu tư dự án
(không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng)

Mức hỗ trợ
(tối đa)

1

Từ 10 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng

2,0 tỷ đồng

2

Từ 30 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng

3,0 tỷ đồng

3

Từ 50 tỷ đồng trở lên

5,0 tỷ đồng

b. Về cấp điện, cấp thoát nước: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị xây lắp trước thuế, thực hiện các hạng mục: đường điện và hệ thống cấp, thoát nước đến hàng rào của dự án theo thiết kế, dự toán và hồ sơ hoàn công được phê duyệt, nhưng tối đa không quá quy định sau:

TT

Tổng vốn đầu tư dự án
(không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng)

Mức hỗ trợ
(tối đa)

1

Từ 10 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng

0,3 tỷ đồng

2

Từ 30 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng

0,5 tỷ đồng

3

Từ 50 tỷ đồng trở lên

1,0 tỷ đồng

Điều 9. Hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động

1. Điều kiện áp dụng:

a. Chỉ xem xét hỗ trợ đào tạo 01 lần/01 dự án và chỉ áp dụng hỗ trợ đối với lao động tại địa phương chưa qua đào tạo hoặc chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của dự án.

b. Có danh sách lao động thực hiện đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 03 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin hỗ trợ (có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội).

2. Mức hỗ trợ: Tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án, cụ thể:

a. Đối với dự án đầu tư thường xuyên sử dụng trên 200 lao động tại địa phương, được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/khóa (đối với lao động chưa được đào tạo nghề) hoặc tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/khóa (đối với lao động phải đào tạo lại).

b. Đối với dự án đầu tư thường xuyên sử dụng từ 100 đến 200 lao động tại địa phương được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/khóa (đối với lao động chưa được đào tạo nghề) hoặc tối đa không quá 500.000 đồng/người/khóa (đối với lao động phải đào tạo lại).

c. Riêng đối với dự án sử dụng công nghệ cao, thường xuyên sử dụng từ 100 đến 200 lao động tại địa phương áp dụng theo điểm a, khoản 2 Điều này.

Mục 2. HỖ TRỢ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH, CƠ SỞ KINH DOANH NHÀ HÀNG ĂN UỐNG

Điều 10. Hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở lưu trú du lịch

1. Điều kiện áp dụng:

Các dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và được cơ quan có thẩm quyền công nhận hạng sao. Cụ thể:

a. Trên địa bàn thành phố Đồng Hới: Cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

b. Các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình: Cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên.

c. Riêng đối với các cơ sở lưu trú du lịch đã được hỗ trợ đầu tư theo Quy định này, nếu đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và được cơ quan có thẩm quyền công nhận nâng hạng sao, được xem xét, hỗ trợ thêm phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ các hạng sao.

2. Mức hỗ trợ:

a. Tại địa bàn thành phố Đồng Hới:

- Đối với cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn 3 sao: Hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/phòng ngủ và không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

- Đối với cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao: Hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/phòng ngủ và không quá 1.500 triệu đồng/cơ sở.

b. Tại các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình:

- Đối với cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn 2 sao: Hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/phòng ngủ và không quá 300 triệu đồng/cơ sở.

- Đối với cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn 3 sao: Hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/phòng ngủ và không quá 1 tỷ đồng/cơ sở.

- Đối với cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao: Hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/phòng ngủ và không quá 2 tỷ đồng/cơ sở.

Điều 11. Hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống

1. Điều kiện áp dụng:

Cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống được cơ quan có thẩm quyền cấp biển hiệu; Dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Cụ thể:

a. Trên địa bàn thành phố Đồng Hới: Cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống có quy mô diện tích sàn từ 500m2 trở lên (không bao gồm diện tích khuôn viên, công trình phụ trợ).

b. Các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình: Cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống có quy mô diện tích sàn từ 300m2 trở lên (không bao gồm diện tích khuôn viên, công trình phụ trợ).

2. Mức hỗ trợ: Tối đa 500.000 đồng/m2 sàn xây dựng và không quá 500 triệu đồng/cơ sở. Mỗi cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống chỉ xem xét hỗ trợ một lần.

Mục 3. HỖ TRỢ ĐẦU TƯ MỞ ĐƯỜNG BAY MỚI

Điều 12. Điều kiện áp dụng

1. Doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định.

2. Mỗi đường bay mở mới đến Cảng hàng không Đồng Hới chỉ được hỗ trợ một lần.

3. Quy định này không áp dụng đối với đường bay Nội Bài - Đồng Hới, Tân Sơn Nhất - Đồng Hới; những đường bay đã có nhà đầu tư mở mới và đã ngừng hoạt động.

4. Doanh nghiệp mở đường bay mới chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh theo Quy định này khi kế hoạch được thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết. Trường hợp doanh nghiệp được nhận hỗ trợ theo Quy định này nhưng không duy trì việc khai thác đường bay mới theo cam kết thì phải có trách nhiệm bồi hoàn lại khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận.

Điều 13. Hỗ trợ đường bay

1. Đối với đường bay nội địa: Hỗ trợ tối đa 05 tỷ đồng/đường bay mới đối với doanh nghiệp cam kết mở và khai thác đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới với tần suất tối thiểu 03 chuyến/tuần hoặc 12 chuyến/tháng, thời gian khai thác tối thiểu là 01 năm.

2. Đối với đường bay quốc tế: Hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/đường bay mới đối với doanh nghiệp cam kết mở và khai thác đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới với tần suất tối thiểu 02 chuyến/tuần hoặc 08 chuyến/tháng, thời gian khai thác tối thiểu là 01 năm.

Tùy tính chất, quy mô, tần suất đường bay và tình hình thực tế huy động nguồn lực, đối với một số trường hợp đặc biệt, giao Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ riêng.

Điều 14. Hỗ trợ văn phòng làm việc

1. Doanh nghiệp mở đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới được hỗ trợ 01 văn phòng làm việc tại địa điểm phù hợp do tỉnh bố trí.

2. Trường hợp tỉnh không bố trí được, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí thuê văn phòng làm việc với mức tối đa 10 triệu đồng/tháng; tổng kinh phí hỗ trợ không quá 120 triệu đồng/doanh nghiệp.

3. Mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ 01 văn phòng cho tất cả các đường bay. Việc hỗ trợ chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp chưa có văn phòng làm việc tại Quảng Bình.

Điều 15. Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá đường bay mới (Trong vòng 06 tháng kể từ khi bắt đầu khai thác đường bay mới)

1. Hỗ trợ tuyên truyền về hoạt động khai trương, mở đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới trên Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình; trên các ấn phẩm Báo Quảng Bình hàng ngày, Báo Quảng Bình cuối tuần và Báo Quảng Bình điện tử (www.baoquangbinh.vn).

2. Hỗ trợ tin, bài tuyên truyền trước, trong và sau ngày khai trương đường bay mới đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh theo yêu cầu của các Doanh nghiệp.

3. Căn cứ nhu cầu đề xuất hỗ trợ của Doanh nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu về kế hoạch khai thác các đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới trong Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ (01 tháng/lần), các Hội nghị xúc tiến đầu tư, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn của tỉnh, lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động của các đoàn công tác tỉnh tại các tỉnh, thành phố quốc tế có quan hệ hợp tác, kết nghĩa với tỉnh Quảng Bình; tuyên truyền, giới thiệu cho kiều bào Quảng Bình tại nước ngoài.

Điều 16. Hỗ trợ khác

1. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm đầu mối để kết nối các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, xây dựng giá ưu đãi cho các chương trình tham quan sử dụng đường bay, nhằm giảm giá buồng, phòng và các dịch vụ khác cho các hành khách của đường bay, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho việc duy trì và phát triển đường bay.

2. Tỉnh tích cực phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam trong việc đảm bảo các điều kiện hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách; đồng thời, có cơ chế phí cất cánh, hạ cánh hợp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mục 4. HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

Điều 17. Điều kiện áp dụng

Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Điều 18. Nội dung hỗ trợ

1. Hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/doanh nghiệp bao gồm: lệ phí đăng ký doanh nghiệp; phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; phí khắc dấu doanh nghiệp; kinh phí làm biển hiệu cho các doanh nghiệp; hỗ trợ tiền nộp lệ phí môn bài trong năm đầu tiên kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

2. Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo và cấp kinh phí thực hiện.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 19/2017/NQ-HĐND quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 19/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Hoàng Đăng Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản