Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2013/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 10 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG AN NINH NĂM 2014

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Sau khi xem xét Báo cáo số 315/BC-UBND ngày 25/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2013; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2013; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014.

1. Về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2013

Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; Chính phủ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; lũ bão, dịch bệnh liên tiếp xảy ra... Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tổng sản phẩm (GDP) trong tỉnh ước tăng 12,39%; thu ngân sách năm 2013 ước thực hiện 1.612.400 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 25,7 triệu đồng, tăng 15,8% so với năm 2012; chỉ số giá tiêu dùng tương đối ổn định. Diện tích cây lâu năm ước tăng 6,9%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng thực hiện. Đã rà soát, điều chỉnh, ban hành mới một số chính sách hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trên địa bàn, như: hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, sâm Ngọc Linh... Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 10,5%. Công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng. Công tác xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính được tập trung thực hiện. Chất lượng giáo dục, đào tạo, việc làm, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục có bước phát triển; phúc lợi xã hội và đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đã từng bước giải quyết cơ bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, không để xảy ra điểm nóng. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an ninh biên giới cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng không đạt kế hoạch đề ra; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; lĩnh vực thu hút đầu tư còn hạn chế; tình trạng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để; quản lý đất đai còn nhiều mặt yếu kém; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa thể thao còn nhiều hạn chế, nhất là ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tranh chấp đất đai còn diễn ra ở một số nơi, có thời điểm phức tạp; tội phạm trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ gia tăng; vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên chưa được ngăn chặn hiệu quả...

Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm chủ yếu trên có nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh... nhưng chủ yếu vẫn là do chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành đã được chỉ ra nhưng chậm được khắc phục; nhất là việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thật quyết liệt; chưa bám sát tình hình thực tế; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa tốt. Công tác kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm...

2. Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2014

2.1. Mục tiêu tổng quát: Huy động các nguồn lực, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 13% với cơ cấu kinh tế hợp lý; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại.

2.2. Nhiệm vụ trọng tâm

- Thực hiện nghiêm túc, triệt để các giải pháp và chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án, quy hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết XIV Đảng bộ tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011- 2015 và các nhiệm vụ, giải pháp đã bổ sung từ nay đến cuối năm 2015.

- Tiếp tục cải thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản lý hành chính công của tỉnh.

- Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại.

2.3. Các chỉ tiêu chủ yếu

a. Các chỉ tiêu kinh tế:

- Tốc độ tăng GDP trên 13%, thu nhập bình quân đầu người trên 29 triệu đồng.

- Cơ cấu kinh tế năm 2014: Nông, lâm, thuỷ sản 36-37%; Công nghiệp - Xây dựng 26-27%; Thương mại - Dịch vụ 36-37%.

- Thu ngân sách nhà nước: 1.979 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu 86 triệu USD.

b. Các chỉ tiêu xã hội:

- Dân số trung bình đạt 489,8 ngàn người.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 41,7%.

- Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2014 giảm 4-5% so với cuối năm 2013.

- Số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 27,8 giường.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 24,3%.

- Có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới([1]) vào cuối năm 2014.

- Xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã (giai đoạn 2011-2020) đạt 30,9%.

c. Các chỉ tiêu về môi trường:

- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên 81%.

- Tỷ lệ độ che phủ rừng 65%.

- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý ở đô thị trên 87%.

- Tỷ lệ hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp vệ sinh trên 46,7%.

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường 100%.

Điều 2. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2014, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, chú trọng phát triển mạnh Sâm Ngọc Linh, rau, hoa xứ lạnh; phát triển cá Hồi, cá Tầm với quy mô hợp lý. Khôi phục và phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống và sản xuất. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2015. Tiếp tục rà soát, giải quyết đất sản xuất cho nhân dân.

2. Tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn. Tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách; rà soát và có phương án hỗ trợ thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước để có hướng sắp xếp, cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian đến. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án Nhà máy chế biến giấy và bột giấy Tân Mai, Thuỷ điện Thượng Kon Tum... Phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư lưới điện cho 28 thôn chưa có điện; khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Tiếp tục triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Bố trí và huy động nguồn lực đầu tư chợ nông thôn, mạng lưới phân phối, bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch và phù hợp thực tiễn.

3. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính. Đánh giá việc thực hiện chủ trương thu hút đầu tư trên địa bàn trong thời gian qua; trong đó tiếp tục rà soát những cơ quan, cá nhân có dư luận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ để có giải pháp xử lý phù hợp; tổ chức thanh tra việc thực hiện chủ trương một cửa liên thông ở một số cơ quan, đơn vị trọng điểm, nhất là những đơn vị có liên quan trực tiếp đến thủ tục thu hút đầu tư để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm (nếu có), góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh và môi trường đầu tư trên địa bàn. Đồng thời, rà soát và có phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

4. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; rà soát, thu hồi quỹ đất giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng để thực hiện các công trình, dự án đã hết thời gian sử dụng. Tập trung nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ phát triển ba vùng kinh tế động lực. Tăng cường đầu tư để cuối năm 2015 thành phố Kon Tum đạt 70% mức tiêu chuẩn đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới). Từng bước tổ chức triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng để phát triển quỹ đất khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla; triển khai phương án đầu tư kết cấu hạ tầng, khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông Đăk Bla để phát triển thương mại, dịch vụ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và đô thị Kon Plông đến năm 2030 gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đầu tư vào khu vực này và thu hút có chọn lọc dân cư đến định cư tại Măng Đen, huyện Kon Plông để sớm thành lập thị trấn. Tập trung phát triển thương mại tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đầu tư và triển khai thực hiện các công việc tiếp theo để hướng đến thành lập huyện mới tại khu vực Nam Sa Thầy vào cuối năm 2015.

5. Triển khai thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; hạn chế tình trạng học sinh đi học không chuyên cần và học sinh bỏ học.  Tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất ở những nơi thiếu trường học, từng bước xóa bỏ phòng học tạm trên địa bàn; thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục; đẩy mạnh công tác khuyến học. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là đơn giản hóa các thủ tục khám, chữa bệnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, y đức của đội ngũ y, bác sỹ. Kịp thời phát hiện và dập tắt các loại dịch bệnh xảy ra; tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Rà soát, giải quyết có hiệu quả các tồn đọng trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình, dự án trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông; tạo điều kiện để củng cố các liên đoàn, hội thể thao, tiến tới thành lập một số đội thể thao mà tỉnh có thế mạnh. Thực hiện có hiệu quả việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch. Chuẩn bị các hoạt động trong chương trình năm Du lịch quốc gia các tỉnh Tây Nguyên.

6. Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý đối với những hành vi vi phạm trong các lĩnh vực. Kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán. Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp với công dân và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ khiếu kiện đông người. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ, việc phức tạp, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, các vụ việc tồn đọng.

7. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ gìn trật tự xã hội trong tình hình mới, tăng cường các tiềm lực trong khu vực phòng thủ tỉnh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tốt các vấn đề an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp phát sinh từ cơ sở; xử lý nghiêm tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, các loại tội phạm. Chú trọng vấn đề an ninh nông thôn, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường lực lượng công an chính quy xuống các xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, xây dựng lực lượng an ninh nhân dân ở thôn làng để thực hiện chế độ tuần phòng, canh gác, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn. Đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, khoáng sản trái phép. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ biên giới, lãnh thổ và bảo vệ tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông trên cả 3 mặt. Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh vùng biên giới của Nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia.

Điều 3.

- Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện;

- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể vận động quần chúng, đoàn viên và hội viên tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ;

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khoá X, kỳ họp thứ 7 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản pháp luật);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Pháp chế);
- Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế);
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- TT HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài PTTH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Hà Ban

 



([1]) Bao gồm: xã Hà Mòn, Đăk Mar - huyện Đắk Hà; Ya Chim - Thành phố Kon Tum.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 19/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Hà Ban
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản