Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2012/NQ-HĐND | Đắk Nông, ngày 19 tháng 7 năm 2012 |
THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH ĐẮK NÔNG, GIAI ĐOẠN 2012 – 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015;
Căn cứ Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/04/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo;
Căn cứ Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 – 2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2420/TTr-UBND ngày 15/6/2012 của UBND tỉnh “Về việc đề nghị thông qua Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 – 2015”; Báo cáo thẩm tra số 33/BC-HĐND ngày 10/7/2012 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 – 2015 (có Chương trình kèm theo).
2. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 4 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH ĐẮK NÔNG, GIAI ĐOẠN 2012-2015
(Kèm theo Nghị quyết số 19/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của HĐND tỉnh)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
I. Sự cần thiết xây dựng chương trình
Tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên là 651.438 ha, dân số theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2011 trên 510 nghìn người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung (gọi tắt là DTTS) chiếm 33% trên dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (gọi tắt là DTTSTC) chiếm 11,7%. Toàn tỉnh hiện có 7 huyện và 1 thị xã; 71 xã, phường, thị trấn; trong đó có 21 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận dân cư tăng lên rõ rệt. Đặc biệt là các chính sách về giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 33,73% cuối năm 2005 xuống còn 7,02% vào cuối năm 2010 (theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010).
Tuy nhiên, Đắk Nông vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng giai đoạn 2011 - 2015 còn cao. Năm 2011, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 29,25%, đến năm 2012 chiếm tỷ lệ 26,8%; tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của cả nước (năm 2012 bình quân cả nước là 11,76%), nhất là ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào DTTS, còn 4 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, 31 xã nghèo có tỷ lệ trên 25%, 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% (chủ yếu tập trung ở huyện Đắk Glong, Tuy Đức) và 50 thôn buôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%; hộ nghèo DTTS chiếm 46,34% trên tổng số hộ DTTS, trong đó, hộ đồng bào DTTSTC chiếm tỷ lệ 63,41% trên tổng số hộ đồng bào DTTSTC.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xác định công tác giảm nghèo là một trong những chương trình mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh; với ý nghĩa và tầm quan trọng trên thì việc ban hành chương trình hành động cụ thể, thiết thực cho công cuộc giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.
1. Tăng trưởng kinh tế:
Nền kinh tế phát triển nhanh trên các lĩnh vực theo hướng tích cực phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh đã tạo ra bước đột phá quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2006 – 2010 bình quân hàng năm đạt 15,19%. So với năm 2005, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp 2 lần (từ 6,6 triệu lên 15 triệu đồng/người/năm). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 17,87% lên 25,13%; nông nghiệp giảm từ 59,58% xuống còn 52,67%; quy mô nền kinh tế tăng hơn hai lần; chất lượng nền kinh tế bước đầu được nâng lên, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển đa dạng.
Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 15%. Phấn đấu giảm số hộ nghèo hàng năm trên 3% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
2. Thực trạng hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015:
Áp dụng chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015; Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 29,25%, đến năm 2012 là 26,80%; cụ thể như sau:
* Về hộ nghèo:
- Theo tổng hợp kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2011 của các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh có 32.493 hộ, chiếm tỷ lệ 26,80% (Biểu số 01 đính kèm); trong đó:
+ Hộ thuộc diện chính sách có công: 110 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,34 % trên tổng số hộ nghèo;
+ Hộ thuộc diện chính sách xã hội: 672 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,1% trên tổng số hộ nghèo;
+ Chủ hộ là nữ: 6.098 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,8% trên tổng số hộ nghèo.
- Cơ cấu hộ nghèo như sau:
+ Hộ nghèo theo khu vực:
Khu vực nông thôn: 29.912 hộ, 132.517 khẩu, chiếm tỷ lệ 29,29% trên tổng số hộ của khu vực nông thôn;
Khu vực thành thị: 2.581 hộ, 12.282 khẩu, chiếm tỷ lệ 12,29% trên tổng số hộ của khu vực thành thị.
+ Hộ nghèo theo thành phần dân tộc:
Hộ dân tộc Kinh: 16.120 hộ, 65.451 khẩu, chiếm tỷ lệ 18,77% trên tổng số hộ dân tộc Kinh;
Hộ dân tộc tại chỗ: 7.068 hộ, 35.016 khẩu, chiếm tỷ lệ 63,41% trên tổng số hộ dân tộc tại chỗ;
Hộ dân tộc thiểu số khác: 9.305 hộ, 44.332 khẩu, chiếm tỷ lệ 38,48% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số khác.
* Hộ cận nghèo:
- Trên toàn tỉnh có 3.338 hộ cận nghèo, 15.016 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,75%; trong đó:
+ Hộ thuộc diện chính sách có công: 4 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,12 % trên tổng số hộ cận nghèo;
+ Hộ thuộc diện chính sách xã hội: 14 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,42% trên tổng số hộ cận nghèo;
+ Chủ hộ là nữ: 485 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14,5% trên tổng số hộ cận nghèo.
- Cơ cấu hộ cận nghèo như sau:
+ Hộ cận nghèo theo khu vực:
Khu vực nông thôn: 2.910 hộ, 14.750 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,54% trên tổng số hộ khu vực nông thôn;
Khu vực thành thị: 530 hộ, 2.201 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,81% trên tổng số hộ khu vực thành thị.
+ Hộ cận nghèo theo thành phần dân tộc:
Hộ dân tộc Kinh: 2.479 hộ, 11012 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,89% trên tổng số hộ dân tộc Kinh;
Hộ dân tộc tại chỗ: 305 hộ, 1.597 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,74% trên tổng số dân tộc tại chỗ;
Hộ dân tộc khác: 554 hộ, 2.407 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,29% trên tổng số dân tộc thiểu số khác.
- Có 04 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% là Tuy Đức: 49,27%; Đắk G’long:
65,98%; Đắk Song: 33,02% và Krông Nô: 34,16%. Thị xã Gia Nghĩa có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là 11,07%. Có 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% (chủ yếu là ở các xã của 02 huyện: Đắk Glong, Tuy Đức), trong đó có 06 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 70%; có 31 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 25% (xã nghèo); có 50 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo từ 80% trở lên. Có 13 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% (chủ yếu là ở thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp).
* Nguyên nhân nghèo: Theo số liệu tổng điều tra hộ nghèo năm 2010, nguyên nhân nghèo theo ý kiến của các hộ nghèo như sau:
- Thiếu vốn sản xuất: 71,50%;
- Thiếu đất sản xuất, đất xấu: 20,36%;
- Thiếu phương tiện sản xuất: 7,19%;
- Không biết cách làm ăn, thiếu tay nghề: 4,45%;
- Đông người ăn theo: 7,82%;
- Thiếu lao động: 3,67%;
- Ốm đau, bệnh tật: 6,71%;
- Thiếu việc làm: 4,91%;
- Chây lười lao động: 2,26%;
- Nguyên nhân khác: 0,18%.
* Xu hướng nghèo:
- Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (82,82% trong tổng số hộ nghèo), nhất là ở vùng sâu, vùng xa như Tuy Đức, Đắk Glong… và vùng đồng bào DTTS (chiếm 50,39% tổng số hộ nghèo).
- Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất, giữa khu vực nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng.
- Nguy cơ tái nghèo có thể tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động của hội nhập và phát triển kinh tế thị trường, cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn hơn do đổi mới khoa học, công nghệ.
CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2012 – 2015
I. Quan điểm xây dựng chương trình
1. Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và đồng bộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đồng thời, phải phát huy vai trò làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá hiệu quả.
2. Giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội, mà trước hết là bổn phận của chính người nghèo, phụ thuộc vào sự tự giác của bản thân người nghèo, cộng đồng nghèo. Nhà nước trợ giúp người nghèo biết cách tự thoát nghèo và tránh tái nghèo thông qua các các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo.
3. Phải huy động nguồn lực tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Ưu tiên các nguồn lực cho các địa bàn khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số.
1. Mục tiêu chung:
Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và xã, thôn, buôn, bon, bản nghèo. Tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận trực tiếp các dịch vụ xã hội; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư. Hạn chế số hộ tái nghèo và khuyến khích thoát nghèo bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Phấn đấu hàng năm giảm 3% hộ nghèo, đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 15%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 5 - 6%, đồng bào DTTSTC giảm từ 7 - 8% so với năm trước.
b) 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên nghèo có nhu cầu vay vốn, có điều kiện tiếp cận và được tín chấp vay vốn phát triển sản xuất tăng thu nhập, chi phí học tập.
c) 100% người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí và khi đau ốm được khám chữa bệnh. Giảm tỷ lệ suy sinh dưỡng trẻ em xuống 20% vào năm 2015.
d) Phấn đấu các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn cơ bản đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu vào năm 2015. Trong đó, có 98% hộ nghèo được thụ hưởng về điện sinh hoạt;
70% hộ nghèo được sử dụng công trình nước sạch nông thôn và bình quân mỗi năm bê tông, nhựa hoá từ 1-2 Km đường giao thông nông thôn.
e) Phấn đấu đến năm 2015 xoá cơ bản nhà tạm bợ, xiêu vẹo, dột nát cho hộ nghèo.
III. Đối tượng, phạm vi thực hiện chương trình
1. Đối tượng: Người nghèo, hộ nghèo trên phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên hộ nghèo có công cách mạng, người DTTS, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.
2. Phạm vi: Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách giảm nghèo đặc thù áp dụng cho đối tượng nghèo trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư tại địa bàn trọng điểm sau:
- Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao;
- Xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc;
- Xã biên giới;
- Thôn, buôn, bon, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc.
IV. Giải pháp thực hiện chương trình
1. Các chính sách giảm nghèo chung:
a) Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo:
- Mục đích: Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo để sản xuất, kinh doanh, học nghề, vay làm nhà ở... Ưu đãi hơn đối với hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của hộ nghèo, hạn chế gia tăng khoảng cách thu nhập.
- Nội dung: Thực hiện đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, chủ yếu là ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở hình thành các nhóm tín dụng - tiết kiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh).
Gắn với dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
- Kết quả dự kiến: Giải quyết 100% lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Nhu cầu về vốn: Tổng nguồn vốn đến năm 2015 là 500.000 triệu đồng, trong đó: cân đối từ Trung ương: 450.000 triệu đồng; Nguồn vốn từ Ngân sách địa phương: 50.000 triệu đồng.
b) Khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề:
- Mục đích: Hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và các hoạt động cung ứng dịch vụ tăng thu nhập bền vững.
- Nội dung: Thực hiện chương trình quốc gia khuyến nông - lâm - ngư miễn phí đối với người nghèo; tăng thêm nguồn kinh phí để đảm bảo cung cấp dịch vụ, các mô hình trình diễn, các hỗ trợ khác trong quá trình thực hiện; gắn khuyến nông - lâm - ngư với cung cấp tín dụng và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người nghèo.
- Kết quả dự kiến: Đến hết năm 2015, khoảng 11.000 lượt hộ nghèo được tập huấn; xây dựng và nhân rộng 250 mô hình khuyến nông - lâm - ngư và 15 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Nhu cầu về vốn và nguồn vốn: Nhu cầu về kinh phí là 12.375 triệu đồng, trong đó đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ: 10.000 triệu đồng; ngân sách địa phương: 2.000 triệu đồng; kinh phí người dân đóng góp là 375 triệu đồng.
c) Dạy nghề cho người nghèo:
- Mục đích: Trợ giúp cho người nghèo có tay nghề cần thiết để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông qua các khóa dạy nghề ngắn hạn để họ tìm việc làm tại các doanh nghiệp; đi lao động xuất khẩu hoặc tự tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.
- Nội dung: Đẩy mạnh thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên lao động nghèo; lồng ghép về đối tượng, địa bàn, nguồn lực với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm để dạy nghề cho người nghèo, lao động xuất khẩu, bộ đội xuất ngũ và người khuyết tật...; ưu tiên nguồn lực, đầu tư cơ sở, trường, lớp, thiết bị dạy nghề cho các huyện khó khăn; vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; gắn dạy nghề với tạo việc làm cho lao động trong các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các nông, lâm trường, khu vực kinh tế quốc phòng trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
- Kết quả dự kiến: Khoảng 5.000 người nghèo được hỗ trợ học nghề.
- Nhu cầu vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn là 10.500 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương.
d) Hỗ trợ về y tế:
- Mục đích: Hỗ trợ người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người DTTS tiếp cận dịch vụ y tế khi ốm đau thuận lợi hơn, bình đẳng hơn; giảm thiểu rủi ro, khó khăn cho người nghèo.
- Nội dung: Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để nâng cấp cơ sở y tế nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, thiết yếu cho người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Tăng cường hơn nữa chính sách ưu đãi, thu hút đối với cán bộ y tế công tác ở địa bàn nghèo. Thực hiện cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người DTTS vùng khó khăn, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo mua thẻ BHYT theo Luật BHYT và huy động thêm nguồn ngân sách địa phương, hướng tới BHYT toàn dân năm 2014. Có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội, cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hình thành quỹ KCB người nghèo để hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh nặng, hiểm nghèo chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân thuộc hộ nghèo khi chuyển lên tuyến trên. Tăng cường các chính sách phù hợp cung cấp dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ em nghèo để giảm tỷ lệ suy sinh dưỡng cho trẻ em.
- Kết quả dự kiến: 100% người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người DTTS sống ở vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí (bình quân hàng năm có khoảng 180.000 người) và khi ốm đau được hỗ trợ khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế theo quy định. - Nhu cầu và nguồn kinh phí: Tổng kinh phí là 300.000 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương là 100%.
đ) Hỗ trợ về giáo dục - đào tạo:
- Mục đích: Hỗ trợ học sinh, sinh viên hộ nghèo được tới trường học tập bình đẳng như các trẻ em khác, góp phần nâng cao trình độ văn hóa của người nghèo, giảm nghèo bền vững.
- Các nội dung: Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ; ưu tiên đối với con em hộ nghèo là đồng bào DTTS, học sinh nghèo khuyết tật. Ngân sách tỉnh hỗ trợ để cấp sách giáo khoa và vở viết cho học sinh DTTS không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định 157/2007/QĐ- TTg. Thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đối với giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn; khuyến khích xây dựng và mở rộng “Quỹ khuyến học”; ưu tiên đầu tư cơ sở trường, lớp ở các xã nghèo, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
- Kết quả dự kiến: Hàng năm có khoảng 35.000 học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
- Nhu cầu vốn: Tổng nguồn vốn là 150.000 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương là 140.000 triệu đồng; ngân sách địa phương là 10.000 triệu đồng.
e) Hỗ trợ về nhà ở:
- Mục đích: Hỗ trợ hộ nghèo có nhà ở để ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
- Các nội dung: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương chủ động, tích cực huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ cùng với nguồn cho vay vốn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Ưu tiên giải quyết trước đối với hộ nghèo là đồng bào DTTS, chủ hộ là người cao tuổi, phụ nữ, người khuyết tật.
- Kết quả dự kiến: Tất cả các hộ có khó khăn về nhà ở thuộc diện nghèo phát sinh do tách hộ định canh định cư theo đúng quy định. Phấn đấu đến năm 2015 hỗ trợ nhà ở cho khoảng 3.000 hộ nghèo.
- Nhu cầu vốn: Tổng nguồn vốn là 150.000 triệu đồng; trong đó đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ: 50.000 triệu đồng; ngân sách của tỉnh, cấp huyện: 20.000 triệu đồng; huy động doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức: 80.000 triệu đồng.
g) Trợ giúp về pháp lý:
- Mục đích: Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người đồng bào DTTS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, nâng cao hiểu biết pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội.
- Các nội dung: Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí trực tiếp cho người nghèo bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, phối hợp xác minh, kiến nghị giải quyết vụ việc. Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; đồng thời, củng cố và tiếp tục thành lập các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các địa bàn nêu trên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho Ban chủ nhiệm, hội viên Câu lạc bộ và hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
- Kết quả dự kiến: Khoảng 6.200 lượt người được trợ giúp pháp lý miễn phí và 2.000 lượt người được tập huấn kiến thức trợ giúp pháp lý.
- Nhu cầu vốn: Tổng kinh phí là 1.050 triệu đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ 100%.
2. Các chính sách giảm nghèo đặc thù:
a) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (huyện Đắk G’long theo Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ):
- Mục tiêu: Nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh cho huyện nghèo; tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống tinh thần, vật chất của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao vào năm 2015. Xây dựng nền kinh tế - văn hóa phát triển, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường, xã hội ổn định, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
- Nội dung:
+ Cấp huyện: Đầu tư cho các trường trung học phổ thông; trường dân tộc nội trú huyện (bao gồm cả nhà ở cho học sinh) có quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện (bao gồm cả nhà ở cho học viên); các công trình thủy lợi quy mô cấp huyện, liên xã; đường giao thông từ trung tâm huyện tới xã, liên xã.
+ Cấp xã và dưới xã: Đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu ở tất cả các xã trên địa bàn huyện (trừ thị trấn), bao gồm: Trường học (lớp học, trường học, kể cả trường mầm non, lớp mẫu giáo, nhà ở bán trú dân nuôi, nhà ở cho giáo viên); trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn (gồm cả nhà ở cho nhân viên y tế); đường giao thông liên thôn, bản, đường vào các khu kinh tế, sản xuất tập trung (gồm cả cầu, cống); thủy lợi phục vụ tưới và tiêu cho sản xuất nông nghiệp (kênh mương nội đồng và thủy lợi nhỏ); điện phục vụ sản xuất và dân sinh; công trình nước sinh hoạt (tập trung hoặc phân tán, đào giếng, xây bể).
- Mức đầu tư và dự kiến kinh phí thực hiện:
Hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho mỗi huyện bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP từ ngân sách Trung ương. Tổng nguồn vốn thực hiện 679.000 triệu đồng (nguồn vốn này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 195/QĐ-UBND ngày 14/02/2012); trong đó:
+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 476.000 triệu đồng.
Tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng có quy mô lớn và có tính chất trọng điểm trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
+ Vốn ngân sách địa phương: 100.000 triệu đồng.
Tham gia xây dựng các công trình có quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ trực tiếp đời sống dân sinh.
+ Đối với nhân dân và các tổ chức xã hội:
Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân và các tổ chức xã hội tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm các công trình được địa phương bố trí hợp lý để người dân có điều kiện tham gia.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hàng năm tổ chức cuộc vận động quyên góp Quỹ vì người nghèo để giúp đỡ các hộ có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
+ Vốn huy động của các tập đoàn kinh tế, của các công ty, doanh nghiệp: 103.000 triệu đồng.
+ Vận động nhân dân tham gia đóng góp nhân công, vật chất, hiến đất làm các công trình mở mang giao thông nông thôn….
b) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn; thôn, buôn, bon, bản đặc biệt khó khăn:
- Mục tiêu: Nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở những địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước mục tiêu xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các điều kiện sinh kế hộ nghèo, DTTS nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống và sản xuất, bảo đảm an ninh - chính trị, trật tự xã hội góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Đối tượng: Xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; thôn, buôn, bon, bản đặc biệt khó khăn.
- Nội dung: Ưu tiên đầu tư trước để hoàn thành, đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới đối với cơ sở trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hoá ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
- Mức đầu tư và dự kiến kinh phí thực hiện:
+ Hỗ trợ đầu tư bình quân 1.000 triệu đồng/xã/năm.
+ Hỗ trợ đầu tư bình quân 200 triệu đồng/thôn, buôn/năm.
+ Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình, dự án khác ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện trước mục tiêu đề ra trên địa bàn xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn và thôn, buôn, bon, bản đặc biệt khó khăn.
- Kinh phí thực hiện: 150.000 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia.
c) Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo:
- Mục đích: Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp để hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường (thị trường vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật - công nghệ và thị trường hàng hoá đầu vào, đầu ra...) nhằm phát triển sản xuất và dịch vụ để giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Nội dung:
+ Nội dung 1: Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá để người nghèo tiếp cận và tham gia;
+ Nội dung 2: Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo liên kết giữa người nghèo với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ chi phí sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động, hỗ trợ kết nối người nghèo với thị trường thông qua phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với hộ nghèo;
+ Nội dung 3: Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh - quốc phòng để hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo ở xã biên giới;
+ Nội dung 4: Xây dựng mô hình trình diễn của Dự án khuyến nông - lâm -ngư.
- Kết quả dự kiến: Khoảng 1.000 hộ tham gia mô hình, trong đó có ½ số hộ thoát nghèo.
- Kinh phí thực hiện: Trung ương hỗ trợ 2.000 triệu đồng.
Bên cạnh nguồn vốn nêu trên, đối với các địa phương, lồng ghép thông qua thực hiện các chương trình: xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến nông; lâm ngư; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo…
d) Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá:
- Mục đích: Nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng và đội ngũ cán bộ cơ sở tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo trên cơ sở có sự tham gia, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Đồng thời giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên cơ sở thiết lập được hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý.
- Các hoạt động:
+ Hoạt động 1: Nâng cao năng lực giảm nghèo. Tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho đối ngũ cán bộ giảm nghèo, cán bộ cấp cơ sở. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã theo tiêu chí quy định tại Nghị định 92/NĐ-CP. Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cộng đồng; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc khảo sát học tập kinh nghiệm; tổ chức hội thảo, hội nghị về giảm nghèo.
+ Hoạt động 2: Truyền thông về giảm nghèo. Tổ chức các phương thức truyền thông giảm nghèo phù hợp về chương trình giảm nghèo bền vững. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình giảm nghèo bền vững giai 2011-2015 (tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông; thực hiện các chương trình, các đợt truyền thông ...). Xây dựng và phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, buôn.
+ Hoạt động 3: Giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Tổ chức đối thoại chính sách, xác định nhu cầu và năng lực tham gia của người dân. Xây dựng khung giám sát, đánh giá theo kết quả cuối cùng; khung lộ trình thực hiện chương trình. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá phù hợp với các nguyên tắc, cơ chế vận hành của Chương trình và từng dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững. Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn về thiết lập, cập nhật, khai thác thông tin theo dõi, giám sát giảm nghèo cho cán bộ quản lý các cấp. Tổ chức việc theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu về giảm nghèo ở cấp tỉnh, huyện và xã. Nâng cao năng lực cho việc vận hành hệ thống giám sát, đánh giá. Bố trí kinh phí hoạt động hàng năm cho Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc; đồng thời để nâng cao nhận thức và kinh nghiệm, hàng năm tổ chức cho Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc đi học tập kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại địa bàn các tỉnh.
- Kinh phí thực hiện: 2.800 triệu đồng, trong đó đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 100%.
Kinh phí cụ thể từng hoạt động: Hoạt động nâng cao năng lực giảm nghèo: 800 triệu đồng; hoạt động truyền thông: 800 triệu đồng; hoạt động giám sát, đánh giá: 1.200 triệu đồng.
đ) Thực hiện các dự án, chương trình lồng ghép khác (thực hiện cho cộng đồng dân cư nói chung, bao gồm cả người nghèo):
Bên cạnh các chính sách, dự án giảm nghèo nêu trên cần tăng cường thực hiện các dự án, chương trình lồng ghép khác do các tổ chức, cộng đồng thế giới tài trợ nhằm cải thiện đời sống và đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo. Bao gồm các dự án, chương trình như sau:
- Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông do tổ chức IFAD tài trợ (Dự án 3EM) với tổng kinh phí thực hiện 500.000 triệu đồng;
- Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên do Ngân hàng Thế giới tài trợ (Dự án WB) với tổng kinh phí 500.000 triệu đồng;
- Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ (Dự án FLITCH) với tổng kinh phí 170.000 triệu đồng;
- Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp tỉnh Đắk Nông (Dự án AST) với tổng kinh phí 6.800 triệu đồng;
- Dự án hỗ trợ ngành nông nghiệp do Chính phủ Đan Mạnh tài trợ (Dự án ARDSBS) với tổng kinh phí 40.000 triệu đồng (100% vốn tài trợ không hoàn lại);
- Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 10.000 triệu đồng/năm.
V. Nguồn lực và tổ chức thực hiện chương trình: Kinh phí thực hiện và cơ chế huy động:
a) Kinh phí thực hiện:
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình: 1.957.725 triệu đồng (tính cả các nguồn vốn tín dụng, vốn đã được UBND tỉnh phê duyệt, vốn CTMTQG, vốn huy động, …); chia ra:
- Nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ: 1.591.300 triệu đồng;
- Nguồn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã): 183.050 triệu đồng;
- Nguồn huy động (các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm, quốc tế, dòng họ và cộng đồng dân cư): 183.375 triệu đồng.
Trong đó:
- Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng áp dụng cơ chế theo Nghị quyết 30a/2008/NQ – CP để thực hiện cho huyện Đắk Glong là 679.000 triệu đồng (nguồn vốn này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 195/QĐ-UBND ngày 14/02/2012), cụ thể:
+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 476.000 triệu đồng.
+ Vốn ngân sách địa phương: 100.000 triệu đồng.
+ Vốn huy động: 103.000 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí thuộc các dự án, đề án, vốn tín dụng (Tín dụng ưu đãi, Dạy nghề lao động nông thôn, CTMTQG, Y tế, Giáo dục) đã được UBND tỉnh phê duyệt đang triển khai thực hiện là: 1.115.300 triệu đồng, cụ thể:
+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 1.055.300 triệu đồng.
+ Vốn ngân sách địa phương: 60.000 triệu đồng.
+ Vốn huy động: 0 triệu đồng.
Như vậy, nguồn kinh phí còn lại của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015 thực hiện là 163.425 triệu đồng, cụ thể:
+ Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 60.000 triệu đồng.
+ Vốn ngân sách địa phương: 23.050 triệu đồng.
+ Vốn huy động: 80.375 triệu đồng.
b) Cơ chế huy động:
- Bên cạnh nguồn vốn trong Chương trình giảm nghèo bền vững, cần thực hiện lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm: Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình phòng chống một số bệnh dịch nguy hiểm; Chương trình Dân số và Kế hoạch hoá gia đình; Chương trình nông thôn mới; Chương trình phòng chống ma tuý; Chương trình phòng chống tội phạm; Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm; Chương trình giáo dục và đào tạo; Các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, thanh niên; đầu tư kiên cố hoá trường lớp học; đầu tư bệnh viện huyện và trạm y tế xã; kiên cố hóa kênh mương; phát triển đường giao thông nông thôn...;
- Vốn huy động cộng đồng và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh;
- Vốn hợp tác Quốc tế.
c) Cơ chế thực hiện:
- Các sở, ban ngành: Xây dựng chương trình khung và kế hoạch hàng năm cấp tỉnh; tổng hợp kế hoạch và phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức đã ban hành; giao mục tiêu, nhiệm vụ và kinh phí hỗ trợ cho các địa phương; tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chương trình.
- Các cấp địa phương: Thực hiện phương thức trao quyền, xác lập cơ chế hỗ trợ đầu tư về tài chính theo kế hoạch 5 năm và hàng năm; trên cơ sở tổng nguồn lực được giao, địa phương sẽ chủ động bố trí ngân sách, chỉ đạo xây dựng dự án cụ thể để giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo những mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đề ra.
- Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; sắp xếp thứ tự ưu tiên; triển khai thực hiện ở thôn, buôn, xã; quản lý nguồn lực; giám sát và đánh giá.
d) Về nguồn nhân lực:
- Tiếp tục bố trí cán bộ công chức làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã;
- Thực hiện chính sách tăng cường, luân chuyển cán bộ cho các xã nghèo;
- Thực hiện chính sách khuyến khích trí thức trẻ tình nguyện về nhận công tác ở các xã nghèo.
Giao cho UBND tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình này.
- 1Quyết định 949/QĐ-UBND năm 2013 kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Trị, thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
- 2Kế hoạch 6003/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020
- 3Quyết định 179/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2015
- 4Nghị quyết 06/2016/NQ-HĐND về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020
- 5Quyết định 159/QĐ-UBND năm 2018 về công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2017
- 6Quyết định 997/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông kỳ 2014-2018
- 1Quyết định 179/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2015
- 2Quyết định 159/QĐ-UBND năm 2018 về công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2017
- 3Quyết định 997/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông kỳ 2014-2018
- 1Quyết định 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015
- 9Quyết định 67/2010/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 09/2011/QĐ-TTg về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 615/QĐ-TTg năm 2011 hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Nghị quyết 80/NQ-CP năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
- 13Quyết định 2406/QĐ-TTg năm 2011 về Danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 949/QĐ-UBND năm 2013 kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Trị, thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
- 15Kế hoạch 6003/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020
- 16Nghị quyết 06/2016/NQ-HĐND về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020
Nghị quyết 19/2012/NQ-HĐND thông qua Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 – 2015
- Số hiệu: 19/2012/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 19/07/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Người ký: Điểu K'ré
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra