Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2000/NQ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2000

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 19/2000/NQ-CP NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12 NĂM 2000

Ngày 27 tháng 12 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành năm 2000 và Chương trình công tác năm 2001 của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.

Năm 2000, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức về nhiều mặt và đạt được những thành tựu quan trọng: chặn được đà giảm sút mức tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; vốn đầu tư, năng lực sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng thêm; thể chế kinh tế tiếp tục được hoàn thiện; cải cách hành chính đạt được một số thành tích quan trọng; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ quốc tế được mở rộng.

Chính phủ đã chỉ đạo điều hành toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm; chủ động, khẩn trương đưa ra một số chính sách, biện pháp mới nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy khả năng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; củng cố và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kết hợp phát huy nội lực và chủ động hội nhập quốc tế; vừa quan tâm chỉ đạo những công việc thường xuyên, giải quyết những vấn đề cấp bách, những diễn biến đột xuất trong tình hình đất nước, vừa chú ý nghiên cứu, hoạch định những chủ trương, chính sách lớn, lâu dài; kết hợp đổi mới kinh tế, xã hội với cải cách hành chính, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Phối hợp tốt với cơ quan lập pháp, tư pháp, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, những yếu kém của nền kinh tế còn chậm được khắc phục: năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao, khả năng cạnh tranh còn yếu. Khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tệ nạn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng. Nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vi phạm dân chủ, cửa quyền chưa được đẩy lùi. Cải cách hành chính chưa thực sự là khâu đột phá, chuyển biến về bộ máy, con người còn chậm. Khiếu nại tố cáo của công dân vẫn diễn ra phức tạp.

Chương trình công tác của Chính phủ năm 2001 tập trung vào 8 nhiệm vụ lớn: đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững; nâng cao chất lượng các hoạt động trên lĩnh vực xã hội; tiếp tục mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước; chống quan liêu tham nhũng; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp; đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo và giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình công tác năm 2001.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương căn cứ vào Chương trình này, lập danh mục các đề án cụ thể trong Chương trình công tác hàng tháng, hàng quý; đồng thời đổi mới cách chỉ đạo điều hành, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trong Chương trình công tác đã đề ra, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2001.

2. Chính phủ đã nghe Báo cáo "Nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ năm 2001" do Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trình.

Năm 2000, nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ triển khai tích cực và đạt được một số kết quả đáng kể. Đã thực hiện nhiều cải cách về thể chế kinh tế, rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế của các cơ quan hành chính nhà nước, bước đầu sắp xếp lại một số cơ quan. Tuy nhiên, việc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính vẫn còn chậm, chưa thực sự là khâu đột phá trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức chậm chuyển biến; sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chậm được khắc phục; kỷ luật hành chính chưa nghiêm.

Chính phủ tán thành và thông qua Báo cáo về nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2001, khẳng định quyết tâm đẩy mạnh và đổi mới công tác xây dựng thể chế, nhất là thể chế kinh tế, tạo điều kiện phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; khẩn trương điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyển của các cơ quan hành chính nhà nước, khắc phục những chồng chéo và bất hợp lý; đẩy mạnh phân công, phân cấp với cơ chế kiểm tra giám sát rõ ràng, phân định rõ trách nhiệm; chủ động và tích cực tham gia việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; củng cố kỷ luật hành chính và tiếp tục cải tiến lề lối làm việc.

Giao Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh văn bản, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình cải cách hành chính năm 2001; đồng thời hoàn chỉnh Chiến lược cải cách hành chính đến năm 2010 trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quý II năm 2001.

3. Chính phủ đã nghe Báo cáo "Tình hình thực hiện kế hoạch tháng 12, cả năm 2000 và một số giải pháp chủ yếu trong quý I năm 2001" do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2000 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chúng ta đã chặn được đà giảm sút tốc độ tăng trưởng và đang xuất hiện những nhân tố mới tạo tiền đề cho tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Các thành phần kinh tế đều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, trong đó khu vực kinh tế dân doanh có bước phát triển vượt bậc, nhất là từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng với tốc độ 15,7%, đạt mức cao nhất trong nhiều năm nay. Nông nghiệp mặc dù bị thiệt hại lớn do thiên tai nhưng vẫn tiếp tục đạt tốc độ tăng khá. Xuất khẩu tăng gấp hơn 3 lần nhịp độ tăng GDP, vượt qua ngưỡng của nước kém phát triển về ngoại thương. Về du lịch, lượng khách vào Việt Nam năm 2000 vượt mức 2 triệu người, gấp đôi so với 5 năm trước đây. Thu ngân sách đạt khá, vượt mức hơn so với dự toán năm, bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu đề ra.

Trên lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội, chúng ta đã đạt nhiều kết quả khả quan trong giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; phòng chống dịch bệnh; giáo dục - đào tạo; thể dục thể thao và văn hoá thông tin.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của hàng hoá và cả nền kinh tế còn yếu, tình hình tiêu thụ một số loại nông sản còn gặp nhiều khó khăn, sức mua trong dân giảm sút, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông vẫn tiếp tục gia tăng.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2001, những giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong quý I là: khẩn trương triển khai giao kế hoạch đến các địa phương, đơn vị; tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định sản xuất và đời sống ở đồng bằng sông Cửu Long; nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, đổi mới việc phân bổ vốn đầu tư; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu; tập trung chăm lo cho nhân dân vui Tết cổ truyền Tân Tỵ vui tươi, an toàn và tiết kiệm, tạo niềm tin và sự quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay trong tháng đầu, quý đầu, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 19/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2000 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 19/2000/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 29/12/2000
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản