Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 12 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 149/TTr-UBND ngày 18/7/2016 của UBND tỉnh về việc thông qua Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 (Có tóm tắt Chương trình kèm theo)

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12 tháng 8 năm 2016.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Xuân Hòa

 

TÓM TẮT

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

1. Mục tiêu chương trình

1.1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, phát triển quy mô trường lớp hợp lý gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Mạng lưới, quy mô, loại hình trường lớp

a) Mạng lưới trường lớp

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 709 trường (trong đó 701 trường mầm non và phổ thông), tăng 29 trường so với thời điểm tháng 12/2015, cụ thể:

- Mầm non: 243 trường (tăng 17 trường).

- Tiểu học: 232 trường (tăng 6 trường).

- THCS: 190 trường (tăng 4 trường công lập và giảm 01 trường dân lập Nguyễn Trãi).

- THPT: 36 trường, (tăng 5 trường công lập, giảm 2 trường dân lập Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh).

- 01 trường giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi, 02 trường đại học, 02 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp chuyên nghiệp.

- Sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

b) Quy mô, số lượng

- Mầm non:

+ Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) đi học: 30% trở lên.

+ Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) đi học: 95% trở lên.

+ Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học: 100%.

- Tiểu học:

+ Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 99,5% trở lên.

+ Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi (6-10 tuổi) đi học: 99% trở lên.

- Trung học cơ sở:

+ Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6: 99,5% trở lên.

+ Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi (11-14 tuổi) đi học: 98%.

- Trung học phổ thông:

+ Tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 hàng năm: 85% trở lên.

+ Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi (15-17 tuổi) đi học: 85% trở lên.

- Có 70% trẻ em khuyết tật trong độ tuổi được đi học ở các lớp chuyên biệt và hòa nhập.

- Có 8% học sinh người dân tộc thiểu số được học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.

- Duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 180/180 xã; có 175/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 172/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ mức độ 2 trở lên.

c) Loại hình trường, lớp: Khuyến khích đầu tư xây dựng và phát triển các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT ngoài công lập có chất lượng cao.

1.2.2. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo

a) Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý

- 100% giáo viên và cán bộ đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó: tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý đạt trên chuẩn đối với mầm non 73%, tiểu học 98%, THCS 88%, THPT 30%.

- Đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Tiến sĩ 3,2%, thạc sĩ 42,3%.

- Có 100% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định.

b) Cơ sở vật chất

- Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường từ mầm non đến THPT, phấn đấu có 70% phòng học kiên cố ở các cấp học.

- Xây dựng trường THPT Chuyên theo hướng hiện đại, chất lượng cao.

- Mở rộng, nâng cấp 05 trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp THCS tại các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ và 01 trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp THPT.

- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất 09 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ.

- Đầu tư xây dựng mới 32 trường từ mầm non đến THPT (có danh mục các trường xây dựng mới giai đoạn 2016-2020 kèm theo).

- Tiếp tục duy trì 100% các trường học được kết nối Internet.

- 80% số trường mầm non, phổ thông được đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia.

1.2.3. Chất lượng giáo dục

- Có 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi trong các cơ sở giáo dục mầm non ở mức dưới 8%.

- Có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và được học chương trình tiếng Anh mới từ lớp 3.

- Có 98% học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, 99% học sinh tốt nghiệp THCS, trên 90% học sinh tốt nghiệp THPT.

1.2.4. Công tác quản lý giáo dục

- Có 70% các trường từ mầm non đến phổ thông được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục từ cấp độ I trở lên.

- Hàng năm, thanh tra chuyên ngành khoảng 6,5%, thanh tra hành chính khoảng 15% các cơ sở giáo dục.

2. Nhiệm vụ giải pháp:

Đổi mới quản lý giáo dục; xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo; thực hiện 11 Chương trình, Đề án, Dự án và Kế hoạch chi tiết nhằm thực hiện Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020.

3. Kinh phí thực hiện chương trình:

3.1. Tổng nhu cầu kinh phí là: 18.149 tỷ đồng, trong đó:

- Kinh phí phát triển sự nghiệp: 15.000 tỷ đồng (chi chế độ cán bộ giáo viên, chi chuyên môn nghiệp vụ, chi mua sắm sửa chữa thường xuyên và chi khác).

- Kinh phí đầu tư phát triển là: 3.149 tỷ đồng (Trong đó: ngân sách trung ương: 1.814 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 1.335 tỷ đồng).

3.2. Nguồn vốn

- Ngân sách Trung ương: Vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương; vốn Trái phiếu Chính phủ.

- Vốn ngân sách địa phương:

+ Ngân sách tỉnh: Vốn lồng ghép thực hiện các chương trình đề án, các chương trình mục tiêu quốc gia; vốn cấp quyền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết hàng năm. Cân đối, bố trí từ 10% đến 20% tổng kinh phí đầu tư phát triển của nguồn tăng thu ngân sách và nguồn vượt thu ngân sách hàng năm của tỉnh.

+ Ngân sách huyện: Theo phân cấp quản lý (ưu tiên cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo).

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

 

DANH MỤC

CÁC TRƯỜNG XÂY DỰNG MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020)

TT

Địa phương

Mầm non

Tiểu học

THCS

THPT

1

Huyện Đồng Hỷ

02 Công lập

(01 xã Hóa Thượng, 01 xã Văn Lăng)

01 Công lập

(xã Linh Sơn)

01 Công lập

Trại Cau tách từ trường THPT Trại cau

 

2

Huyện Phú Bình

 

01 Công lập

(TT Hương Sơn)

 

01 Công lập

3

Thành phố Thái Nguyên

03 Công lập

(01 Phường Quang Trung, 01 Phường Hoàng Văn Thụ, 01 Phường Hương Sơn)

 08 Tư thục

(01 Phường Gia Sàng, 01 Phường Thịnh Đán, 02 Phường Hoàng Văn Thụ, 01 Phường Tân Thịnh, 01 Phường Hương Sơn, 01 Phường Tân Lập, 01 Phường Cam Giá)

03 Công lập

(01 Phường Hoàng Văn Thụ, 01 xã Đồng Bẩm, 01 Phường Thịnh Đán)

 

 

4

Huyện Định Hóa

 

 

01 Công lập

Bình Yên tách từ trường THPT Bình Yên

 

5

Thị xã Phổ Yên

02 Công lập

(01 xã Hồng Tiến, 01 phường Đồng Tiến)

 

01 Công lập

(xã Thành Công)

01 Công lập

 

6

Thành phố

Sông Công

02 Công lập

(01 phường Lương Sơn, 01 phường Thắng Lợi)

01 Công lập

(xã Tân Quang)

01 Công lập

(xã Vinh Sơn)

01 Công lập

 

7

Huyện Đại Từ

 

 

 

01 Công lập

 

8

Huyện Phú Lương

 

 

 

01 Công lập

 

 

Tổng

17

6

4

5

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 18/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 18/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/08/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Bùi Xuân Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản