Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2020/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 04 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH 5 NĂM 2021-2025 CỦA TỈNH ĐỒNG NAI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 14467/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh 5 năm 2021-2025 của tỉnh Đồng Nai; Tờ trình số 14646/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chủ yếu giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2021-2025 của tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 14467/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2020 và Tờ trình số 14646/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Phát huy giá trị văn hóa; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm, vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025.

2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu:

a) Chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm trên 8,5%.

- GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 186 triệu đồng (tương đương 8.000 USD).

- Tổng vốn đầu tư xã hội huy động trong 5 năm trên 500.000 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm tăng từ 8% trở lên.

- Thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt dự toán được giao.

b) Chỉ tiêu xã hội

- Đến cuối năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 5 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao; 25% số xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Xuân Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

- Đến cuối năm 2025, có trên 90% dân số tại đô thị, trên 85% dân số tại nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn QC02.

- Đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 70% lao động qua đào tạo nghề.

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 95%.

- Đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/ vạn dân và 30 giường bệnh/ vạn dân.

- Hàng năm có trên 90% gia đình, ấp (khu phố), 98% cơ quan, đơn vị, 75% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% thiết chế văn hóa cấp huyện và cấp xã đạt, 90% nhà văn hóa ấp (khu phố) hoạt động hiệu quả.

c) Chỉ tiêu về môi trường

- Đến cuối năm 2025, thu gom và xử lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại đạt 100%.

- Đến năm 2025 toàn tỉnh có 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn.

- Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 28,3%.

d) Chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh

Hoàn thành 100% chỉ tiêu động viên, tuyển quân, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, huấn luyện, diễn tập, giáo dục quốc phòng toàn dân và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng do Chính phủ giao hàng năm.

3. Phương hướng phát triển chủ yếu:

a) Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được trong 35 năm đổi mới, phát huy lợi thế so sánh và huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế tỉnh Đồng Nai phát triển bền vững. Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ ở các địa phương có điều kiện tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ở từng địa bàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo hiệu quả. Chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp, giải pháp hiệu quả để thích ứng, phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch COVID-19.

b) Về định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm đầu tư phát triển đối với các địa phương có tiềm năng và lợi thế; trong đó xác định huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch là hai địa phương có tiềm năng và dư địa lớn cần có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng tốt cho yêu cầu thúc đẩy sự phát triển của Đồng Nai, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ- thương mại; đồng thời xác định các trục (tuyến), bao gồm tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây, tuyến phía Đông để phát triển và đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: phát triển đô thị; du lịch sinh thái - văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng chất lượng cao; dịch vụ vui chơi, giải trí. Từ đó, tập trung xây dựng các quy hoạch chiến lược của tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.

c) Chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng hoàn thành. Xác định đây là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ logistics, dịch vụ bất động sản.

d) Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao.

đ) Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò nền tảng của văn hóa, chăm lo con người, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Quan tâm phát triển hệ thống an sinh xã hội, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân, người lao động. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực ưu tiên. Quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, giải quyết triệt để các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường. Tổ chức thực hiện tốt việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

e) Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, dành nguồn lực cho xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.

g) Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính quyền; xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính hiện đại.

4. Các nhiệm vụ đột phá:

a) Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng.

b) Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

c) Phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics.

5. Các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện:

a) Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tỉnh. Phát triển công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị. Phát triển các thành phần kinh tế và mô hình kinh doanh mới. Phát triển đồng bộ các loại thị trường. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế.

b) Phát triển văn hóa, thể dục thể thao; phát triển y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

c) Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

d) Củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

đ) Tiếp tục xây dựng bộ máy các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ có đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết theo quy định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên giám sát và vận động Nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Khóa IX Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 12 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội (A B);
- Văn phòng Chính phủ (A B);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra VB.QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Các sở, ban, ngành;
- VKSND,TAND, CTTHADS tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai;
- Lưu VT, PTH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 18/2020/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2021-2025 của tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 18/2020/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 04/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Phú Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản