Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/2008/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 16 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI LĂM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3486/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Phú Thọ về "Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và Ngân sách và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Quan điểm:

a. Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ cần phải thống nhất với chiến lược bảo vệ môi trường chung của cả nước, khu vực; phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; là cơ sở quan trọng đảm bảo phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

b. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và mọi người dân; bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên phải kết hợp giữa phát huy nội lực và tăng cường hợp tác quốc tế.

c. Tăng cường quản lý nhà nước, tăng cường thể chế pháp luật, nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Tiến hành các nội dung, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm; coi khoa học và công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường; coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là chính, là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu:

a. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển kinh tế gắn kết các nguồn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, khắc phục và tiến tới kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững, bảo vệ có hiệu quả môi trường sinh thái, cải thiện đảm bảo chất lượng môi trường sống.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2008 - 2015:

+ Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm:

100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ sạch hoặc có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường ;

50% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp chứng chỉ ISO 14001.

100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) của các cơ sở y tế được thu gom, xử lý theo đúng quy định;

30% hộ gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn, 80% khu dân cư có thùng đựng rác tập trung; 80% khu vực công cộng có thùng gom rác thải;

40% các khu đô thị, 70% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ. Quản lý và xử lý 100% chất thải nguy hại phát sinh (trong đó 60% được xử lý trong tỉnh, 40% được vận chuyển, xử lý tại các tỉnh khác);

An toàn hóa chất được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các hóa chất có mức độ độc hại cao; việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường được hạn chế tối đa, tăng cường sử dụng các biện pháp trừ dịch hại tổng hợp;

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Cải thiện chất lượng môi trường:

Cơ bản hoàn thành cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt ở tất cả các đô thị và các khu, cụm công nghiệp;

Hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện;

Giải quyết cơ bản các điểm “nóng” ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, các kho thuốc bảo vệ thực vật;

95% dân số đô thị và 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch;

100% đường phố các đô thị trồng cây xanh. 80% chất thải rắn được thu gom và 20% được tái chế;

Quản lý, kiểm soát cơ bản chất lượng môi trường nước của các lưu vực sông, ngòi nhận nước thải từ cơ sở sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt đô thị, đặc biệt là sông Lô.

+ Phục hồi hệ sinh thái:

100% các khu vực khai thác khoáng sản được phục hồi hoàn nguyên môi trường theo đề án đã được duyệt;

Nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 50% tổng diện tích đất tự nhiên;

Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng ở nội thành, các dự án nâng cấp, cải tạo các đường phố có mức độ phát tán bụi cao;

100% doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001.

- Giai đoạn 2015-2020:

+ Định hướng: ngăn chặn và kiểm soát được mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi, nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững; bảo đảm cho mọi người dân được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định.

+ Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu chính sau:

100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch;

80% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp chứng chỉ ISO 14001;

100% số khu đô thị, khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;

100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch;

Hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 30% chất thải thu gom được tái chế;

Nâng cao và duy trì đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50% tổng diện tích tự nhiên;

100% sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và 50% hàng hóa tiêu dùng trong nội địa được ghi nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14021;

Tham gia các hoạt động quốc tế về môi trường: §ẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm và nguồn lực sử dụng có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường.

3. Nội dung nhiệm vụ Chiến lược bảo vệ môi trường:

a. Các nội dung trọng yếu về bảo vệ môi trường:

- Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm: Thực hiện đồng bộ các biện pháp về quản lý phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo đúng các tiêu chuẩn. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm trên hai hình thức ngắn hạn và dài hạn để ngăn chặn, xử lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về môi trường, áp dụng công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn;

- Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường: Thực hiện các dự án khắc phục, cải tạo các điểm, vùng, khu vực bị ô nhiễm và suy thoái nặng. Khắc phục hậu quả suy thoái môi trường do hậu quả chất độc hóa học của chiến tranh để lại. Ứng cứu sự cố môi trường và khắc phục nhanh hậu quả ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra;

- Bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên: Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản. Khai thác hợp lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Bảo vệ tài nguyên không khí;

- Bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm: Các đô thị và khu công nghiệp; các lưu vực sông; nông thôn và miền núi; di sản tự nhiên và di sản văn hóa;

- Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Bảo vệ, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia. Phát triển rừng và nâng diện tích thảm thực vật. Bảo vệ đa dạng sinh học.

b. Các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường:

- Nâng cao nhận thức cộng đồng, xác định đúng và phân cấp triệt để trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường luật pháp và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;

- Tích cực chống suy thoái, cải thiện môi trường vùng tập trung dân cư; các khu và cụm công nghiệp. Tích cực chống suy thoái, cải thiện môi trường vùng nông thôn và các làng nghề;

- Chống ô nhiễm môi trường: Đất, nước, không khí. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng. Chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và các sự cố rủi ro về môi trường;

- Sử dụng tiết kiệm năng lượng, khuyến khích phát triển và sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được;

- Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

4. Chương trình chiến lược bảo vệ môi trường:

a. Thực hiện đồng bộ các chương trình, nội dung và hành động chiến lược đến 2020 (theo đề án đã trình).

b. Triển khai chương trình chiến lược đến năm 2015:

- Các chương trình nội dung nhiệm vụ bảo vệ môi trường:

+ Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm:

Chương trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

Chương trình xử lý chất thải bệnh viện;

Chương trình nâng cao năng lực hoạt động quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp;

Chương trình áp dụng công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.

+ Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng:

Chương trình cải tạo kênh, mương, sông, hồ ở các đô thị đã bị ô nhiễm và suy thoái nặng.

+ Bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên:

Chương trình phục hồi các hệ sinh thái đặc thù đã bị suy thoái nghiêm trọng;

Chương trình phục hồi rừng đầu nguồn bị suy thoái nghiêm trọng;

Chương trình phục hồi môi trường các vùng khai thác khoáng sản.

+ Bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm:

Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

Chương trình nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước đô thị và xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung;

Chương trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ở tất cả các khu công nghiệp;

Chương trình bảo vệ và phát triển các di sản tự nhiên và di sản văn hóa.

+ Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:

Chương trình thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

Chương trình tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên.

- Các chương trình thực hiện giải pháp chiến lược:

+ Chương trình tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến cơ sở;

+ Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Chương trình thực hiện đề án "Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân";

+ Chương trình lồng ghép môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

c. Triển khai 7 đề án trọng điểm:

- Đề án bảo vệ môi trường thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ;

- Đề án bảo vệ môi trường tại các huyện;

- Đề án bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề;

- Đề án bảo vệ môi trường một số ngành kinh tế: Xây dựng, giao thông, thương mại, khai thác khoáng sản, và nông - lâm - ngư nghiệp;

- Đề án bảo vệ môi trường nông thôn;

- Đề án bảo vệ môi trường khu vực bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia;

- Đề án tăng cường năng lực quản lý, giám sát môi trường.

5. Các giải pháp chủ yếu thực hiện chiến lược:

a. Công tác giáo dục pháp luật: Đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường.

b. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường: Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ cấp tỉnh đến cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong quá trình triển khai, thực hiện các nội dung của Chiến lược. Quá trình hoạch định các cơ chế, chính sách, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển nhất thiết phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời ban hành cơ chế phối hợp, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược.

c. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường để huy động tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược; Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nhất là các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và dịch vụ về bảo vệ môi trường. Liên kết các tỉnh trong khu vực bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước.

d. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra: Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các vi phạm về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

e. Tăng cường sự tham gia giám sát của người dân vào công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn: Ban hành các cơ chế, chính sách để người dân được chủ động tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào sinh hoạt thường xuyên của các khu dân cư, cộng đồng dân cư; xây dựng thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực của các tổ chức xã hội này.

f. Huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường: Ngân sách nhà nước bố trí đủ và kịp thời vốn cho các dự án ưu tiên, kết hợp với việc thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư đa dạng khác từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược. Thành lập và phát triển Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ. Quản lý các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún và hiệu quả thấp.

g. Tăng cường hợp tác quốc tế: Xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường mang tính chất chiến lược. Tăng cường hợp tác về chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cung cấp thông tin môi trường. Xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học có sự đầu tư của các tổ chức quốc tế, đặc biệt ưu tiên các vấn đề đa dạng sinh học khu vực đầm Ao Châu, vườn Quốc gia Xuân Sơn, bảo vệ môi trường cảnh quan các khu du lịch và chống xuống cấp các di tích lịch sử và bảo vệ lưu vực các dòng sông.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ mười lăm thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2008.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 171/2008/NQ-HĐND về Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Phú ban hành

  • Số hiệu: 171/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 16/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản